Bản tin Phanxicô.vnTin tức

Linh mục thần học gia Tomas Halik: Phương Tây tỏ ra ngây thơ với Putin

by Phanxicovn

re-blog.it, 2022-04-03

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2022/04/linh-muc-than-hoc-gia-tomas-halik-phuong-tay-to-ra-ngay-tho-voi-putin.jpg

Linh mục, nhà thần học và nhà xã hội học Tomas Halik là nhân vật lỗi lạc của Giáo hội Séc. Linh mục đã tận mắt chứng kiến kinh nghiệm của Giáo hội ngầm dưới chế độ cộng sản, ngài đưa ra một cái nhìn sâu sắc không chỉ về kinh nghiệm này mà còn về hiện tại và tương lai của kitô giáo ở châu Âu.

Những lời tuyên bố của ngài về nhận định hời hợt của người phương Tây đối với Putin, được đưa ra chỉ một tháng trước khi cuộc chiến Ukraine bùng nổ thật đáng ngạc nhiên.

Chúng tôi trích một đoạn trích trong phỏng vấn do linh mục Dòng Tên François Euvé, tổng biên tập tạp chí Études đăng trong số tháng 3-2022 của tạp chí.

1989 và toàn cầu hóa

Kinh nghiệm của một người từng sống dưới chế độ cộng sản có thể mang lại cho những người phương Tây của thế kỷ 21 điều gì?

Linh mục Tomas Halik: Các học sinh của tôi, sinh khoảng năm 2000, đã là công dân Tây Âu. Đối với các em, chủ nghĩa cộng sản giống như những gì chế độ quân chủ Habsburg dành cho thế hệ của tôi: một quá khứ xa xôi. Tôi đã trải qua thời thơ ấu dưới chủ nghĩa Stalin, tuổi trẻ của tôi trong những năm 1960, khi các giáo sư phân khoa Triết của tôi chuyển từ chủ nghĩa Mác-Lênin sang “châu Âu- mác xít”, sang chấp nhận hiện sinh, sang hiện tượng học và phân tâm học. Sự tiến hóa này đạt đến đỉnh cao trong Mùa xuân Praha và kết thúc dưới đoàn xe tăng xô viết tháng 8 năm 1968.

Sau đó là hai mươi năm tiếp theo của chủ nghĩa cộng sản, trong thời gian này không còn ai tin tưởng vào hệ tư tưởng cộng sản nữa, kể cả các quan chức hàng đầu của đảng: họ chỉ là những người yếm thế có thế lực trong đảng cộng sản Liên xô cũ. Sau năm 1968, có nhiều người theo mác-xít ở Tây Âu hơn là ở Đông Âu, tiếp đó là “năm đáng kể 1989”. Chúng tôi, những người bất đồng chính kiến đã không chiến thắng chủ nghĩa cộng sản, chúng tôi cũng không được phương Tây giải phóng. Tôi tin vai trò chính trong sự sụp đổ của hệ thống cộng sản là do quá trình toàn cầu hóa.

Nền dân chủ dễ bị tổn thương

Linh mục Halik tiếp tục, sau khi thành lập một thị trường thế giới tự do về hàng hóa và ý tưởng, các hệ thống cộng sản với nền kinh tế do nhà nước hoạch định và sự kiểm duyệt văn hóa, đã nhanh chóng bị những luồng gió cạnh tranh khốc liệt cuốn đi.

Dưới thời tổng thống Vacláv Havel, chúng tôi đã sống tuần trăng mật hoàn toàn tự do. Chúng tôi là những công dân châu Âu tự hào và hạnh phúc. Sau đó là kỷ nguyên của chủ nghĩa tư bản man rợ. Những người cộng sản cuối cùng, những người duy nhất có vốn tài chính, có những quan hệ và thông tin sau năm 1989, đã trở thành những nhà tư bản đầu tiên. Nhà tư tưởng của “chủ nghĩa lật đổ mác-xít” Václav Klaus, đối thủ của Havel, đã kế vị ông trên cương vị tổng thống. Ông tôn thờ “bàn tay vô hình của thị trường” và mở ra cánh cửa cho bàn tay vô hình của tham nhũng nhờ sự khinh miệt khía cạnh đạo đức của chính trị và kinh tế của ông.

Ngày nay, tổng thống dân túy hoài nghi Miloš Zeman của chúng ta là con rối của Vladimir Putin. Những người đã sống qua tất cả những điều này có thể nói gì với phương Tây? Có lẽ nền dân chủ không chỉ là một hệ thống chính trị, mà là một nền văn hóa quan hệ nhân loại nào đó rất dễ bị tổn thương và phải thường xuyên được duy trì. Quý vị biết điều này hơn tôi.

Nỗi sợ đánh mất bản sắc của mình

Những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với xã hội của chúng ta là gì? Những mong đợi thiêng liêng ngày hôm nay là gì?

“Điều duy nhất bạn cần phải sợ, đó chính là sự sợ hãi”. Ngay cả triết gia Søren Kirkegaard cũng biết, lo lắng là sự chóng mặt của tự do khi đối diện với những khả năng vô hạn của nó.

Nỗi lo lắng tiêu biểu của thời đại toàn cầu hóa là nỗi sợ hãi bị mất bản sắc, cả ở cá nhân và nhóm. Nỗi sợ hãi này làm nảy sinh một loại chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến mới, một chủ nghĩa dân tộc thường sử dụng đến các lời lẽ hùng biện, cảm xúc và các biểu tượng tôn giáo.

Trong một thời gian dài, phương Tây tin rằng nguy cơ liên minh giữa tôn giáo và quyền lực chính trị đã bị ngăn chặn bởi nguyên tắc tách biệt giữa các Giáo hội và nhà nước. Nhưng tình hình đã thay đổi, bởi vì từ bây giờ các quốc gia-nhà nước đã mất độc quyền về chính trị; và các Giáo hội mất độc quyền về tôn giáo. Từ nay các lực lượng siêu quốc gia tham gia vào đời sống chính trị dưới hình thức các xã hội kinh tế hùng mạnh, các sáng kiến công dân quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.

Các biểu tượng tôn giáo đã tự ra khỏi bối cảnh văn hóa ban đầu của chúng để trở thành một nguồn tài nguyên mà công chúng có thể tiếp cận được. “Bàn tay vô hình của thị trường” sẵn sàng đáp ứng quan tâm về tâm linh, đưa ra các sản phẩm rẻ tiền, bí truyền và đồ dùng tôn giáo các loại. Khi những người theo chủ nghĩa dân túy thực dụng dùng các luận điệu tôn giáo, chẳng hạn tự cho là “những người bảo vệ nền văn minh kitô giáo đang gặp nguy hiểm” thì đó là vấn đề thiên về thần thánh hóa chính trị hơn là chính trị hóa tôn giáo.

Nhóm Visegrad và khoa hùng biện Kitô giáo

Vì các biểu tượng tôn giáo, một năng lượng cảm xúc không nghi ngờ được dùng làm vũ khí trong các cuộc chiến văn hóa và tranh chấp chính trị, được mô tả như những trận chiến tận thế giữa thiện và ác, hậu quả có thể thực sự thảm khốc.

Những người theo chủ nghĩa dân túy từ các nước thuộc nhóm Visegrad (Ba Lan, Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc) khi nắm quyền thường dùng lời hùng biện kitô giáo để làm băng hoại Giáo hội, bằng cách cho Giáo hội những lợi thế và đặc quyền vật chất khác nhau. Ngày nay, những lời kêu gọi “trở về với châu Âu kitô giáo” và thay thế nền dân chủ tự do bằng “nền dân chủ phi-tự do” tức là một nhà nước độc tài, đặc biệt vang dội ở Hungary và Ba Lan (…)

Sự hội tụ giữa các chính trị gia dân túy và một số môi trường  Giáo hội không những chỉ được những người theo chủ nghĩa dân tộc Tây Âu ủng hộ như bà Marine Le Pen ở Pháp, nhưng trên hết là dưới một hình thức rất tinh vi của Nga. Nỗ lực tuyên truyền có hệ thống của Nga nhằm làm suy yếu lòng tin vào Liên minh châu Âu trong thế giới hậu cộng sản đặc biệt nhắm vào các giới công giáo bảo thủ. Ngày nay, sự ngây thơ của phương Tây đối với nước Nga của Putin ngang bằng với sự ngây thơ với nước Đức những năm 1930.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài liên quan

Back to top button