“Cám dỗ” trong Kinh Lạy Cha là cám dỗ nào?
Tường chắn của nhà thờ Pater Noster, Giêrusalem, nơi có hình ảnh của Kinh Lạy Cha với 150 ngôn ngữ khác nhau. © Wojtek BUSS/CIRIC
lavie.fr, Laurence Desjoyaux
Bản dịch mới của Kinh Lạy Cha trong phúc âm Thánh Mát-thêu và Thánh Luca có bao gồm một cái nhìn mới về hình ảnh Thiên Chúa và định nghĩa của cám dỗ không?
Người công giáo sẽ phải đọc lại phiên bản mới Kinh Lạy Cha mà họ đã thuộc lòng. Trong phúc âm Thánh Mát-thêu (Mt 6, 13) và Thánh Luca (Lc 11, 4), giáo dân sẽ không đọc “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” mà sẽ đọc “xin đừng để chúng con vào trong cám dỗ” (tạm dịch).
Có giá trị về mặt chú giải, công thức “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” được Công đồng 1966 thông qua và từ đó công thức này thường gây ra các cuộc tranh luận giữa tín hữu về sự không rõ ràng của câu này. Trong phần chú giải Kinh Lạy Cha, linh mục Jacques Rideau giải thích: “Nhiều người hiểu rằng Chúa để chúng ta sa vào chước cám dỗ, thử thách chúng ta qua sự dữ. Nhưng đức tin của tín hữu không thể chứng nhận qua ý nghĩa của lời cầu xin thứ sáu này”, linh mục Rideau là giám đốc Chương trình mục vụ phụng vụ Quốc gia. Cũng vậy, thư Thánh Giacôbê trong Tân Ước khẳng định rõ ràng Chúa không cám dỗ ai: “Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: ‘Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ’, vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Ngài cũng không cám dỗ ai”. (Gc 1, 12 – 13). Khi chuyển từ “xin chớ để chúng con sa chước” qua “xin đừng để chúng con vào trong” thì chúng ta hiểu vai trò của Thiên Chúa hơn. Ngài không cám dỗ chúng ta, ngược lại, Ngài có thể ngăn sự cám dỗ. Đức ông Bernard Podvin, phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Pháp giải thích: “Trong nghĩa này, lời cầu nguyện của Chúa Kitô ở Núi Ô-liu lặp lại lời xin của Kinh Lạy Cha. Chúa Kitô nói với các môn đệ: ‘Anh em hãy cầu nguyện để đừng vào trong cám dỗ’, rồi Ngài quỳ gối cầu nguyện: ‘Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha’”.
Nhưng “đừng vào trong cám dỗ” có nghĩa là gì? Trong nguồn cơn nào Chúa sẽ không để người tín hữu vào? Bản dịch mới và các chú giải không dừng lại ở câu hỏi này, như thử họ xem câu trả lời đã là hiển nhiên. Dù vậy, đây là điểm chính của lời xin thứ sáu và sự sửa đổi của Kinh Lạy Cha. Đây cũng là luận án của nhà viết blog Joël Sprung, tác giả quyển Cha chúng con, người xa lạ (Notre Père, cet inconnu, nxb. Grégoriennes). Chính sự chuyển động từ hành cách qua động từ cho phép, sự thay đổi động từ là điểm chính ở đây. Tác giả nhấn mạnh: “Người ta nghĩ cám dỗ là một chuyện xấu về mặt đạo đức, như cám dỗ nói dối hay cám dỗ ngoại tình, nhưng ở đây không phải trường hợp này. Bản dịch mới “không vào trong cám dỗ” cho chúng ta một chỉ dẫn khác, đúng hơn chúng ta nên nghĩ đây là một nơi!” Và chính trong Cựu Ước là nơi để đi tìm nguồn gốc của nơi này. Trên thực tế, tiếng Hy Lạp của chữ peirasmos, cám dỗ trong Kinh Lạy Cha, từ này tìm thấy trong văn bản Cựu Ước Hy Lạp ở chương 17 sách Xuất hành. Dân Do thái đến một nơi có tên là Refidim, nghỉ ngơi theo tiếng hê-brơ. Nhưng ở đó vì thiếu nước nên họ nghi ngờ sự hiện diện của Chúa. Vì thế ông Môsê đặt cho nơi này tên là Massa, tiếng Hy Lạp là peirasmos (cám dỗ) và Meriba có nghĩa là cãi nhau. Nơi nghỉ ngơi thành nơi cám dỗ và cãi nhau vì dân Do thái thử thách Chúa.
Tác giả Joël Sprung phân tích: “Như thế bối cảnh hoàn toàn đổi khác. Kinh Lạy Cha quy chiếu theo giai đoạn này của sách Xuất Hành, như thế ở đây, Chúa không thử thách chúng ta nhưng chúng ta lại thử thách Chúa khi nghi ngờ Ngài, như ở Massa”. Theo ông, như thế, đứng trước thử thách, con người có thể hành động theo hai hướng: Refidim, nghỉ ngơi, tin tưởng ở Chúa hoặc Massa, cám dỗ, nghi ngờ Chúa. Tác giả giải thích: “Đó là những gì có thể xảy ra trong đời sống thiêng liêng và chính vì thế mà chúng ta mới cầu nguyện với Kinh Lạy Cha. Chúng ta có thể làm lại theo công thức sau: Lạy Chúa, xin đừng để con vào trong Massa, cám dỗ, nhưng trong Refidim, trong nghỉ ngơi của Chúa. Lạy Chúa, xin đừng để con nghi ngờ sự hiện diện của Chúa?”
Theo ông Elian Cuvillier, nhà chú giải Thánh Kinh và giáo sư ở Viện thần học tin lành Montpellier thì cám dỗ trong Kinh Lạy Cha mang nghĩa rộng hơn là nghĩa đơn giản của cám dỗ về mặt đạo đức; đó là cám dỗ “cho mình là vị thần”, cám dỗ mà con rắn dụ bà Ê-và ở vườn địa đàng. Ông triển khai: “Tóm lại, trong Kinh Lạy Cha là mình cầu xin Chúa đừng để mình cho mình là chúa, nhưng giữ phận làm con, tùy thuộc vào Ngài”.
Nghi ngờ Chúa, nghĩ mình là Chúa, không nhận biết đâu là chỗ của con người, đó là các hình ảnh của sự cám dỗ. Theo tác giả Joël Sprung cũng như theo nhà chú giải Elian Cuvillier, thuốc chữa cho cám dỗ là Chúa Kitô, Đấng dạy Kinh Lạy Cha cho loài người. Nhà chú giải Elian Cuvillier nhắc lại: “Đấng đã thắng kẻ cám dỗ trong sa mạc”. Ông Joël Sprung bổ túc bằng câu trong sách Đệ Nhị Luật: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Chúa của ngươi”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch