Đến thăm hang đá ở Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) nơi Thánh Phêrô dâng Lễ
21 tháng Bảy, 2019
“Hang đá của Thánh Phêrô” ở Antiôkhia được xem là một trong những nhà thờ đầu tiên của Kitô giáo.
Chương 11 sách Công vụ Tông đồ nói rằng Antiôkhia là thành trì nơi các môn đệ của Chúa Giêsu lần đầu tiên được gọi là “Kitô hữu.” Truyền thống tôn vinh Thánh Phêrô là vị sáng lập Giáo hội Antiôkhia, theo trình thuật của cùng Sách Công vụ Tông đồ, tường thuật không chỉ việc Phêrô và Banaba đến thành trì này thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cả việc rao giảng của họ.
Ngoài ra, cũng truyền thống này khẳng định rằng chính trong Knisset Mar Semaan Kefa (“Hang đá của Thánh Phêrô” theo tiếng Aramaic) nơi Thánh Phêrô dâng Thánh Lễ cho cộng đoàn ở đây. Như vậy tức là hang đá bé nhỏ này có thể là nơi thờ phượng đầu tiên của Giáo hội An-ti-ô-khi-a cổ xưa.
Nằm trong một sườn của Núi Starius, hang đá chỉ có độ sâu 13 mét và chiều cao là 7 mét, từ nền lên tới đỉnh hang. Những phần cổ xưa nhất của hang mà chúng ta nhìn thấy ngày nay, được xây dựng gần như theo nguyên bản gốc, một hang đá đơn sơ được đào sâu vào trong núi, có từ thế kỷ thứ 4 và 5, và có nền là bức tranh ghép và một vài tấm tranh vẽ trên tường được bảo tồn mé bên phải bàn thờ.
Nhiều thế kỷ trước, một loạt những đường dẫn nước nhỏ đem nước (được xem là phép lạ) từ những con suối gần đó vào trong một khu vực nhỏ được chọn làm nơi cử hành bí tích rửa tội, nhưng một loạt những trận động đất gần đây đã làm cho những đường dẫn nước này trở nên vô dụng.
Khi quân Thập Tự Chinh chiếm Antiôkhia trong cuộc Thập Tự Chinh Thứ Nhất năm 1098, một mặt tiền chính điện được xây thêm vào phía trước hang, và tám thế kỷ sau nó được xây lại, vào năm 1863, bởi các thầy Dòng Capuchin, theo lệnh của Đức Giáo hoàng Piô IX.
Ngày nay, hang chỉ được sử dụng như một nhà bảo tàng, nhưng một số nghi thức tôn giáo được tổ chức khi có phép, đặc biệt vào ngày 21 tháng Hai, ngày thành Antiôkhia cử hành Lễ Thánh Bổn mạng của họ, là Thánh Phêrô.
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/7/2019]