Thánh hiến nước Nga và Ukraine, một giáo hoàng, một thượng phụ và bí mật Fatima
by Phanxicovn
Thời sự Vatican dưới con mắt của phóng viên báo La Vie tại Rôma. Làm thế nào để hiểu “thánh hiến” mà Đức Phanxicô mong muốn và lịch sử của nó là gì?
lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, Rôma, 2022-03-17
Đức Phanxicô sẽ thánh hiến nước Nga và Ukraine cho Đức Mẹ trong thánh lễ sám hối ngài sẽ cử hành tại Đền thờ Thánh Phêrô ngày thứ sáu 25 tháng ba và cùng ngày hồng y Konrad Krajewski, tuyên úy của Vatican, đại diện Đức Phanxicô cũng sẽ cử hành một thánh lễ thánh hiến như vậy ở Fatima, Bồ Đào Nha.
Cần phải tham khảo một số lớn tài liệu cho cử chỉ mang tính biểu tượng và thiêng liêng mạnh này. Đó cũng là thành quả của một lịch sử đầy bí ẩn. Và cuối cùng là để nhắc chúng ta, ngoài các luân vũ ngoại giao, vai trò của nhà lãnh đạo tôn giáo còn là vai trò mang chiều kích tiên tri.
Ba bí mật của Fatima
Để hiểu được nội dung này, cần phải lùi lại một thế kỷ. Vì biểu tượng của Đức Phanxicô có nguồn gốc từ ngày Đức Mẹ hiện ra ở Fatima năm 1917. Tại một thị trấn nhỏ ở Bồ Đào Nha vào thời Thế chiến thứ nhất, ba em chăn cừu nhỏ, trong đó có em Lucia dos Santos khi đó 11 tuổi, nói có một “bà” hiện ra với các em nhiều lần giữa tháng 5 và tháng 10, xin các em làm việc đền tội và hy sinh để cứu những người tội lỗi.
Lịch sử đặc biệt ghi nhớ một trong những lần hiện ra này, vào ngày 13 tháng 7 năm 1917. Sau đó, Đức Mẹ tiết lộ cho các em ba điều, “ba bí mật Fatima” nổi tiếng.
Đầu tiên, là thị kiến địa ngục. Kế đó là một thị kiến ám chỉ, một giám mục mặc áo trắng đi qua thành phố đã đổ nát một nửa, cầu nguyện cho linh hồn của những xác chết rải rác trên con đường của mình, trước khi đến đỉnh núi, nơi có cây thánh giá lớn, mà dưới chân thánh giá này, giám mục bị một nhóm binh lính giết chết.
Thánh hiến nước Nga, một lời xin của Đức Trinh nữ Maria
Và, giữa hai “bí mật” này, là việc thánh hiến nước Nga. Lần đầu tiên Lucia viết lại là năm 1927 cho các cha giải tội của sơ, sau đó một lần nữa trong quyển hồi ký của sơ năm 1941. Sơ trích dẫn lời Đức Trinh Nữ Maria: “Con đã thấy địa ngục, nơi các linh hồn tội lỗi đáng thương đi xuống. Để cứu họ, Thiên Chúa muốn thế giới tôn kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ. Nếu các con làm những gì Mẹ sắp nói với con thì nhiều linh hồn sẽ được cứu và chúng ta sẽ có hòa bình. Chiến tranh sẽ kết thúc. Nhưng nếu con người vẫn không ngừng xúc phạm Chúa thì dưới triều Đức Piô XI, một điều tồi tệ hơn sẽ bắt đầu. Khi con nhìn thấy màn đêm được chiếu sáng bởi một ánh sáng không rõ, thì con biết đó là dấu hiệu Chúa muốn nói với con, Ngài sẽ trừng phạt thế giới vì tội ác của nó bằng chiến tranh, nạn đói và vụ đàn áp chống lại Giáo hội và Đức Thánh Cha.”
Bài đọc thêm: Lucia, nhân chứng cuối cùng trong các lần Đức Mẹ hiện ra ở Fatima
Đức Mẹ nói tiếp: “Để ngăn cuộc chiến này, Mẹ sẽ đến để xin thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ và hiệp thông cầu nguyện vào các ngày thứ bảy đầu tháng. Nếu yêu cầu của Mẹ được chấp nhận, nước Nga sẽ trở lại và thế giới sẽ có hòa bình; nếu không, nước Nga sẽ gieo rắc sai lầm của họ trên khắp thế giới, kích động các cuộc chiến tranh và đàn áp chống lại Giáo hội. Những người thiện chí sẽ bị tử đạo, Đức Thánh Cha sẽ chịu nhiều đau khổ, nhiều quốc gia khác nhau sẽ bị tiêu diệt. Cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ sẽ chiến thắng. Đức Thánh Cha sẽ thánh hiến nước Nga cho Mẹ, nước Nga sẽ trở lại, và thế giới sẽ có một thời gian hòa bình.”
Ba giáo hoàng và sơ Lucia đi tu
Cả cuộc đời mình, Lucia – sau này đi tu – đã chiến đấu để “thế giới được thánh hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ, đặc biệt là nước Nga.” Sơ thúc dục các giáo hoàng, gởi thư cho các ngài. Nếu sơ không thành công với Đức Piô XI, sơ tiếp tục với Đức Piô XII, ngài được thuyết phục, ngài được phong giám mục ngày 13 tháng 5 năm 1917, ngày Đức Mẹ hiện ra đầu tiên.
Vì thế, ngày thánh hiến đầu tiên do Đức Piô XII cử hành giữa Thế chiến thứ hai, ngày 31 tháng 10 năm 1942. Ngài mở rộng cho Giáo Hội hoàn vũ ngày lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ vào ngày 22 tháng 8. Năm 1952, ngài đặc biệt thánh hiến nước Nga trong một tông thư. Biểu tượng được Đức Phaolô VI làm lại ngày 13 tháng 5 năm 1967, sau đó là Đức Gioan Phaolô II làm ngày 13 tháng 5 năm 1982.
Mỗi lần, Lucia đều cho việc thánh hiến không có giá trị vì “các giám mục trên thế giới” đã không liên kết, ngược với những gì Đức Mẹ đã xin. Phải chờ đến ngày 25 tháng 3 năm 1984, Lucia mới “nhường chỗ” cho Đức Gioan-Phaolô II làm, dù ngài không đích danh nói đến nước Nga, sợ đụng đến sự nhạy cảm của người Nga do bối cảnh của chiến tranh. Chúng ta cần biết, với Đức Gioan-Phaolô II, quy chiếu còn gấp đôi. Thật vậy, ý tưởng thánh hiến cho Đức Mẹ hiện diện trong thần học của Louis Grignon de Monfort, vị thánh quý mến của ngài.
Bài đọc thêm: Fatima: Khi lòng mộ đạo bình dân bắt gặp Lịch sử
Đức Mẹ cứu sống Đức Gioan Phaolô II
Bí ẩn xung quanh Fatima lên cao dưới thời Đức Gioan-Phaolô II. Ngay sau vụ ám sát ngày 13 tháng 5 năm 1981 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ngài xin biết bí mật thứ ba. Ngài đã sống sót sau vụ ám sát ngày 13 tháng 5, đó là ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra lần đầu ở Fatima. Khi biết thị kiến có chi tiết một giám mục mặc áo trắng ngã xuống dưới lằn đạn, ngài tin Đức Mẹ đã cứu ngài.
Trong quyển tiểu sử Đức Gioan-Phaolô II, sử gia Bernard Lecomte kể lại một kỷ niệm được triết gia Stefan Swiezawski, người bạn thân của Đức Gioan-Phaolô II kể với ông: nắm lấy cánh tay ông, Đức Gioan-Phaolô II đã nói, “Đó là ngày, giờ và phút!”. Từ đó viên đạn suýt giết ngài được gắn trên vương miện tượng Đức Mẹ Fatima.
Bài đọc thêm: Vụ ám sát Thánh Gioan-Phaolô II, bước quan trọng của Đức Mẹ trong triều giáo hoàng của ngài
Chắc chắn sơ Lucia đã chứng thực việc thánh hiến năm 1984, nhưng tiến trình vẫn chưa khép lại. Vì không đề cập cụ thể đến nước Nga nên một số cho rằng – đặc biệt trong giới theo chủ nghĩa truyền thống – việc thánh hiến chưa bao giờ được thực hiện. Trong quyển sách Fatima 1917-2017 (Fatima 1917-2017, nxb. Cerf) tác giả Joachim Bouflet cho rằng, điều này không sai, nhưng Giáo hội không chỉ đánh giá tính xác thực của một tiết lộ riêng mà còn quyết định các hình thức và phương pháp. Theo đó Giáo hội sẽ thông báo cho dân Chúa những gì sẽ được làm tiếp theo.”
Ông viết thêm: “Yêu cầu dâng hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ kèm theo lời hứa của Đức Mẹ: nước Nga trở lại và thế giới sẽ có một thời gian hòa bình nếu thế giới mong muốn làm. Nước Nga trở lại chưa? Một số cho rằng rồi, lập luận của họ là chủ nghĩa cộng sản sụp đổ và đức tin hồi sinh ở Nga; nhưng Đức Mẹ có chỉ bằng lòng điều này không? Với những người khác, tình hình thế giới chứng minh ngược lại.
Quả tim mạnh hơn vũ khí
Năm 2000, trong lần bí mật thứ ba được công khai tiết lộ, Vatican muốn rút ngắn cuộc tranh cãi, khẳng định sơ Lucia đã xác nhận “việc thánh hiến trang trọng và phổ quát này tương ứng với những gì Đức Mẹ muốn”. (“Sim, està feita, tal como Nossa Senhora a pediu, desde o dia 25 de Março de 1984”: “Đúng, thánh hiến đã được thực hiện, như Đức Mẹ đã yêu cầu, ngày 25 tháng 3 năm 1984”: thư 8 tháng 11 năm 1989). Và do đó, “bất kỳ cuộc thảo luận nào, bất kỳ kiến nghị mới nào đều là không căn cứ.”
Bài đọc thêm: Ali Ağca và “cô bé” của Cha Piô (1/4)
Nhân dịp này, Vatican cũng công bố bài bình luận thần học dài của hồng y Joseph Ratzinger, lúc đó là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, ngài cảnh báo chống lại cám dỗ của việc đọc văn bản theo chủ nghĩa giật gân và những tưởng tượng về ngày tận thế: “Trong chừng mực có những sự kiện cụ thể được trình bày, giờ đây chúng đã thuộc về quá khứ. Những người mong đợi có những tiết lộ kích thích về ngày tận thế và về tiến trình lịch sử trong tương lai sẽ phải thất vọng. Fatima không cung cấp những thỏa mãn cho hiếu kỳ của chúng ta, cũng như đức tin nói chung, không muốn và không thể là thức ăn cho tính hiếu kỳ của chúng ta.”
Và để kết luận về ý nghĩa của câu “Trái Tim Vô Nhiễm của Ta sẽ chiến thắng”: “Điều đó có nghĩa là gì? ngài tự hỏi. Trái tim mở ra cho Thiên Chúa, được thanh luyện bởi sự chiêm ngưỡng Thiên Chúa, mạnh hơn súng và vũ khí dưới bất kỳ hình thức nào.”
Một thách thức chính trị?
Để không chính trị hóa, để không cuồng loạn, các cách giải thích thông điệp Fatima là cả một thách thức cho Rôma. Thật vậy, nhà thần học gia Bồ Đào Nha, Clodovis M Boff – anh của Leonardo, được tác giả Joachim Bouflet trích dẫn, đã viết về tất cả các lần hiện ra của Đức Trinh Nữ, “Fatima là biểu tượng có sức nặng chính trị xã hội nhất. Chúng ta nói về các thế chiến. Lời tiên tri của Đức Mẹ ở Bồ Đào Nha đề cập đến các quốc gia, như trong sách các tiên tri. Đặc biệt liên quan đến nước Nga bao la và hùng mạnh thời bấy giờ, đến chủ nghĩa bành trướng quân sự và ý thức hệ của nước này. Vì thế có lời kêu gọi của giáo hoàng với các giám mục ở cấp độ toàn cầu, được gởi đến tất cả giáo dân và nhân loại nói chung. Tóm lại, ý nghĩa của nó thực sự mang tính lịch sử cho toàn thế giới.”
Vì thế, về mặt “thiêng liêng” sẽ thách thức cho Đức Phanxicô trong việc thánh hiến này. Theo nghĩa này, chúng ta nên hiểu mong muốn của ngài là dâng hiến vừa nước Nga, vừa nước Ukraine cùng một lúc. Phản ứng trước tin này trên mạng xã hội Twitter, linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro, thân cận với Đức Phanxicô và là giám đốc tạp chí Văn minh Công giáo viết: “Việc thánh hiến hai quốc gia là cách phủ nhận mọi hình thức ‘Chúa với chúng ta’ (Gott mit uns), tái khẳng định cái nhìn phi chủ nghĩa dân tộc của kitô giáo, mọi thánh hiến quân đội này chống quân đội kia đều sai trái và báng bổ”.
Bài đọc thêm: Vì sao thượng phụ Kyrill lại nói chuyện với giáo hoàng và giáo chủ Giáo hội anh giáo?
Thánh hiến cả hai nước ‘cùng một lúc’ là cách tố cáo công cụ hóa thiêng liêng bằng chính trị… Vì thế, đây cũng có thể xem vừa chỉ trích quan điểm của cả Putin và giáo chủ Matxcơva Kyrill.
Vladimir Putin tự cho mình là người giải phóng các tín hữu chính thống Ukraine gắn với Tòa Thượng phụ Mátxcơva, cáo buộc Kyiv tấn công Giáo hội của họ – một phiên bản bị phá hủy bởi chính người đứng đầu chi nhánh Ukraine của Tòa Thượng phụ Mátxcơva, người xem cuộc tấn công của người Nga là “bất hạnh lớn”. Trong các bài phát biểu trước công chúng, Thượng phụ Mátxcơva tán thành bài phát biểu của Điện Kremlin, nói đây là “cuộc chiến siêu hình”.
Sốc của các nền văn minh
Ngày ngày 16 tháng 3 năm 2022, trong một liên lạc qua điện thoại, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với thượng phụ Kirill: “Là mục tử, chúng ta có nhiệm vụ ở gần và giúp đỡ tất cả những ai đau khổ vì chiến tranh. Trước đây, trong các Giáo hội chúng ta, chúng ta nói có chiến tranh thánh hay chiến tranh chính nghĩa. Ngày nay chúng ta không thể nói như vậy được. Lương tâm kitô giáo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hòa bình đã phát triển.” Ba ngày trước đó, trong giờ Kinh Truyền Tin, trước đám đông ở Quảng trường Thánh Phêrô, ngài nói: “Chúa chỉ là Chúa của hòa bình, Chúa không phải là Chúa của chiến tranh, ngài không ủng hộ bạo lực xúc phạm đến danh Ngài.”
Nhưng về phía Nga, chúng ta nghe gì về việc tách quân đội với giáo hội này không? Nhà báo chuyên viết về Vatican và Đông Âu Bernard Lecomte nhận xét: “Chúng ta phải biết, ở Nga mọi thứ xuất phát từ giáo hoàng đều bị xem là chiêu dụ. Đức Gioan-Phaolô II thường bị tòa thượng phụ Nga cáo buộc về chuyện này”.
Ông nói tiếp: “Đức Gioan-Phaolô II muốn châu Âu thở bằng hai lá phổi, phương Đông và phương Tây. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn ngược lại với những gì mà các nhà cầm quyền chính trị và tôn giáo ở Nga mong muốn, những người tách biệt hai nền văn minh: văn minh phương Tây của những kẻ trụy lạc và văn minh của chính họ. Cần lưu ý, các nhà trí thức và những người có trách nhiệm trong Giáo hội Mátxcơva, đặc biệt là ngoài nước Nga hiếm khi công khai từ chối những biện minh tôn giáo cho chiến tranh, liên quan đến các hệ tư tưởng chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đế quốc. Giáo hội Ukraina gắn kết với Tòa Thượng phụ Matxcơva đã tố cáo việc quân đội Nga dùng các nhà thờ làm kho chứa vũ khí và làm điểm bắn là “phạm thánh” và “báng bổ. Cuộc chiến thiêng liêng cũng là ở đó.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin mời quý độc giả đọc câu chuyện lạ lùng giữa Đức Gioan-Phaolô II, cha Thánh Piô và Đức Mẹ Fatima đã làm cho Đức Gioan-Phaolô II gắn viên đạn ám sát ngài vào vương miện Đức Mẹ: