Bản tin Phanxicô.vnTin tức

“Và đây là hoa trái của chiến tranh: Hận thù, chết chóc, trả thù”

Đức Phanxicô tại Mộ Ardeatin
fr.zenit.org, Anita Bourdin, 2017-11-02
“Đây là hoa trái của chiến tranh: hận thù, chết chóc, trả thù… Xin Chúa tha thứ cho chúng con. Phanxicô 2-11-2017”: Đó là hàng chữ Đức Phanxicô viết trong sổ vàng của đài tưởng niệm Mộ Ardeatin, nơi quân nazi đã hành quyết 335 con tin, một phát bắn vào đầu họ ngày 24 tháng 3.1944 tại thành phố Rôma. Ngài đã suy nghĩ kỹ hết sức trước khi viết.
Đức Phanxicô đã được các quân nhân phụ trách đài tưởng niệm, thượng giáo sĩ Rôma, Ricardo di Segni, bà chủ tịch cộng đồng do thái thành phố Rôma, Ruth Dureghello, các thành viên của Hiệp hội Quốc gia Ý các gia đình của những vị tử đạo hy sinh cho tự do quốc gia đón tiếp.
Trên bãi đất trước đài, Đức Phanxicô chào những người hiện diện, trong đó có thân nhân của các gia đình bị hạ sát cách đây 73 năm, ngày 24 tháng 3.1944, trước khi ngài vào một mình trong “hang động” của công trường ngày xưa nơi quân nazi xây bít lại sau khi phạm tội ác.
Chỉ duy bước chân của ngài và tiếng đập cánh của các con chim bồ câu hoảng sợ vì ánh sáng và vì có dáng người làm phá vỡ bầu khí thinh lặng ở đây.
Sau đó ngài được một trong các quân nhân Ý ở đây hướng dẫn đến gần cửa chính bằng đồng ngăn nơi hành quyết. Đầu cúi xuống, ngài đứng cầu nguyện lâu tại đây. Ngài đến gần hầm mộ nơi có căn phòng lớn dưới hầm, ngài chầm chậm đặt hoa hồng trắng trên các mộ để tưởng niệm những người đã hy sinh: 335 người Ý, 75 người do thái, cha Pietro Pappagallo, một linh mục công giáo bị nghi có cảm tình với lực lượng chống đối.
Thượng giáo sĩ Rôma, Riccardo Di Segni hát một bài thánh vịnh. Đức Phanxicô suy gẫm về “Chúa của Abraham, Chúa của I-sa-ắc và Chúa của Gia-cóp. Chúa Giêsu, Thiên Chúa của những người sống.” Giao ước của Chúa là giao ước của tình yêu trung tín, đầy lòng thương xót và trắc ẩn cho mọi người, cho mọi dân tộc bị bức bách. Mạnh hơn cái chết và được bảo đảm bằng sự sống lại.
Được biết có 12 trong số 335 nạn nhân vẫn còn “vô danh”, Đức Phanxicô nhấn mạnh, “đối với Chúa không ai là Ngài không biết và ngài không phải là Chúa của người chết, nhưng Chúa của người sống”. Đức Phanxicô cầu xin Chúa giúp nhân loại vứt bỏ tính ích kỷ và tính dửng dưng khi họ đứng trước gương mặt của nhiều người ngày hôm nay, những gương mặt không được biết đến và bị hy sinh cho tự do và công chính.
Ngày 23 tháng 3 – 1944, một cuộc tấn công bằng bom ở đường Rasella, Rôma của một đội quân đã giết chết 32 quân nhân Đức, ngày hôm sau có thêm một người bị chết. Một kháng chiến quân và một thanh niên người Ý 13 tuổi cũng bị chết. Theo  lệnh của trung tá Đức quốc xã Herbert Kappler, các đại úy Karl Hass, Erich Priebke và các sĩ quan khác, họ bắt 335 người làm con tin, mười lần nhiều hơn số binh sĩ Đức chết, họ bố ráp người Do Thái ở khu Ghetto, Rôma và thả tù nhân ở các nhà tù Rôma. Hai sĩ quan Đức từ chối thi hành lệnh hành quyết, một người bị cưõng bức, một người bị đuổi.
Vào cuối cuộc chiến, trong số những người chịu trách nhiệm vụ thảm sát, người Anh đã bắt trung tá Kappler và giao cho nhà cầm quyền Ý năm 1947. Ông bị tù chung thân. Năm 1977, ông bị bệnh ung thư, thừa lúc nhập viện ông đã đào thoát. Năm sau ông qua đời ở thành phố sinh trưởng của ông ở Đức, thọ 70 tuổi.
Vụ xử hai đại úy Erich Priebke và Karl Hass mới đầu với một bản án khá nhẹ. Lần xử thứ nhì năm 1998, họ bị tù chung thân, vì tuổi tác của họ đã trên 85, nên họ được quản thúc tại gia. Ông Hass chết năm 2004 ở tuổi 91, ông Priebke chết cuối năm 2013, thọ 100 tuổi.
Nhưng trách nhiệm mà Đức Phanxicô đưa ra hôm nay là trách nhiệm của nhân loại ngày nay.
Trước đó, Đức Phanxicô cử hành thánh lễ tưởng niệm tất cả các nạn nhân chiến tranh tại nghĩa trang Mỹ Nettuno, nơi không xa bãi biển quân Đồng Minh đã đổ bộ vào tháng 1 năm 1944.
Sau đo Đức Phanxicô về lại Vatican, đa số thời gian ngài ở Mộ Ardeatin là để cầu nguyện trong thinh lặng, vào khoảng 47 phút.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Đức Phanxicô cử hành thánh lễ tưởng niệm tất cả các nạn nhân
chiến tranh tại nghĩa trang Mỹ Nettuno
Đức Phanxicô tại nghĩa trang Mỹ Nettuno

Đức Phanxicô tại Mộ Ardeatin
 

Bài liên quan

Back to top button