Tin tứcTin tức đó đây

Vợ chồng người British Columbia trên tàu du ngoạn bị cách ly cậy dựa vào đức tin

Agnieszka Ruck
15 tháng Hai, 2020

https://lh5.googleusercontent.com/kF4buH-swyrZNi8RJ1Gkz0wTiB233_HX5PrkdTyTQ5v7txF2ftFxHwsacXXu2raU8ZFGhJCQOSAcbUy05TLGFFSLFod5M3XJLYSO9LhWJ7HKGhOz9pxw7YMB-36mu6GdxVyHMcqb
Bà Marichu và ông Ding Camales-Torrijos, thuộc Giáo xứ Thánh Mát-thêu ở Vancouver, British Columbia, đăng tấm ảnh đang đeo khẩu trang trong một lần đi dạo ngắn ra ngoài trên tàu du ngoạn Diamond Princess. Con tàu, bị cách ly sau khi phát hiện những ca lây nhiễm virus corona trên tàu, neo đậu ngoài khơi Nhật Bản. (Credit: CNS photo/courtesy Camales-Torrijos family.)

VANCOUVER, British Columbia – Thói quen buổi sáng vẫn không thay đổi đối với bà Marichu và ông Ding Camales-Torrijos từ khi hai người và tất cả các hành khách trên tàu du ngoạn Diamond Princess bị cách ly sau khi phát hiện những ca nhiễm virus corona trên tàu.

Hai người dùng bữa sáng được mang đến bởi nhân viên phục vụ trên tàu đeo khẩu trang, họ lắng nghe những thông tin cập nhật tại chỗ của thuyền trưởng về sự lây lan của virus, họ gửi tin nhắn về gia đình và bạn bè, và họ cầu nguyện.

“Chúng tôi bắt đầu ngày với lời cầu nguyện tạ ơn Chúa vì chúng tôi vẫn chưa có những triệu chứng,” bà Marichu nói với The B.C. Catholic, tờ báo của Tổng Giáo phận Vancouver, ngày 13 tháng Hai. Hai vợ chồng là giáo dân của Giáo xứ Thánh Mát-thêu ở Surrey, lên tàu tham gia chuyến du ngoạn Đông Nam Á 26 ngày trước. Đó là một món quà cho ông Ding trước sinh nhật 65 tuổi của ông.

Họ dừng chân tại Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc và Hồng Kông, vào ngày cuối cùng của chuyến hải trình thì một ca nhiễm virus corona, cũng được gọi là COVID-19, được phát hiện trên tàu. Con tàu bị cách ly, dừng ở Tokyo, và neo ở đó suốt hai tuần tiếp theo. Hai ông bà không thể xuống tàu trước ngày 19 tháng Hai.

Ngày 13 tháng Hai, 44 ca COVID-19 mới được xác định trên tàu, đưa con số người nhiễm lên 218 người trong tổng số 3.700 hành khách và thủy thủ đoàn.

Bà Marichu nói: “Chúng tôi thực hiện những cuộc đi bộ như vầy mỗi ngày.”

Hai người phải giam mình trong cabin rộng 220 bộ vuông (khoảng hơn 12m vuông) trong suốt thời gian cách ly. Họ phải đeo khẩu trang khi các bữa ăn được mang đến và trong suốt 1 giờ đồng hồ họ được phép ra ngoài mỗi ngày. Suốt thời gian còn lại họ phải ở trong phòng, cầu nguyện, gửi tin nhắn cho những hành khách khác qua các nhóm trò chuyện trên mạng, và cố gắng giữ tinh thần tích cực.

Bà Marichu không biết là có linh mục Công giáo nào trên tàu hay không, nhưng là một người đọc sách thánh, thừa tác viên đặc biệt trao Mình Thánh và là thành viên của hội Những Đôi Vợ Chồng cho Đức Ki-tô tại nhà thờ Thánh Mát-thêu, bà cố gắng làm thừa tác vụ cho những người đồng hành trên tàu bằng cách đưa ra cái nhìn lạc quan.

Khi một hành khách lớn tuổi được đưa ra khỏi tàu và chuyển đến nhà thương để điều trị, bà Marichu tiếp cận với vợ của người đàn ông đó, người vợ vẫn ở lại trên tàu. Qua những tin nhắn trên mạng, bà Marichu cố gắng an ủi và động viên.

Bà Marichu nói: “Không có đức tin, tôi không nghĩ tôi tồn tại được lâu như vầy.”

Đức Tổng Giám mục của Vancouver, J. Michael Miller, kêu gọi cầu nguyện cho những người chịu đau khổ vì virus.

“Khi các viên chức về y tế và chính trị của Trung Quốc chiến đấu để ngăn chặn virus, hãy cầu nguyện rằng họ nhìn thấy tình đoàn kết xuất phát từ đức ái Ki-tô giáo thông qua phản ứng của cộng đồng toàn cầu. Xin Chúa ban cho sự khôn ngoan và chữa lành khi các quốc gia trên thế giới làm việc để ngăn chặn một đại dịch toàn cầu,” ngài cầu nguyện.

Mặc dù Tiến sĩ Bonnie Henry, phó phòng sức khỏe tỉnh British Columbia, cho biết chỉ có 4 trường hợp nhiễm COVID-19 được phát hiện trong tỉnh và nguy cơ lây nhiễm bệnh là thấp, nhưng một số cộng đoàn Công giáo đã có những sự phòng ngừa.

Cha Richard Au, cha sở Giáo xứ Tử đạo Canada ở Richmond, British Columbia, đã miễn trừ tham dự Thánh Lễ cho các thành viên trong cộng đoàn giáo xứ với rất đông người Trung Quốc gần đây đã đi đến những vùng bị ảnh hưởng bởi virus, đã tiếp xúc với những người có thể bị nhiễm, hoặc đang bị ho hoặc sốt. Những người không tham dự Lễ “phải thực hành hình thức sùng kính trong một giờ” chẳng hạn đọc Kinh thánh hoặc đọc Kinh Mân Côi.

Từ khi có thông báo, cha Au để ý thấy sự giảm sút số người tham dự Thánh Lễ Chúa nhật, trong khi nhu cầu phân phối nước vệ sinh bàn tay là rất cao, cũng như nút mở cửa tự động, và các giáo hữu dùng khuỷu tay thay vì bàn tay để ấn nút.

“Mọi người đều có một ai đó hoặc có liên hệ” với một người nào đó ở Vũ Hán, Trung Quốc, là tâm điểm của virus, cha nói. Những thông tin liên tục và thông tin sai lệch về các ca nhiễm mới, cộng với sự sợ hãi, đã làm cho các giáo hữu đến nhà thờ “cả vào ban đêm, gõ cửa để trải lòng và khóc than.”

[Nguồn: cruxnow]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/2/2020]

Bài liên quan

Back to top button