Bản tin Phanxicô.vnTin tức

“Xin tha thứ cho chúng tôi về những gì nước Nga làm hôm nay!”

by Phanxicovn

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2022/03/xin-tha-thu.jpg
JASON REDMOND / AFP / East News

en.aleteia.org, Marcin Przeciszewski / KAI, 2022-03-06

Các nhà trí thức Nga lên tiếng: “Xin tha thứ cho chúng tôi về những gì nước Nga làm hôm nay!”

Chúng tôi rất lấy làm tiếc cho người dân đã chết cũng như cho người lính Nga đã chết không có lý do, họ bị một tên điên giết.

Chúng tôi ý thức đây là thảm kịch cho cả hai dân tộc Ukraine và nga,” Ông Andrei và bà Karina Chernykh, những người trí thức chính thống giáo Nga lên tiếng. Họ xin được tha thứ.

Ông bà Andrei và Karina Chernykh cho biết: “Chúng tôi cảm thấy đau đớn, cay đắng, sợ hãi, xấu hổ và tức giận vì những gì nước Nga đang làm ở Ukraine”. Ông Andrei là cựu thợ xây dựng tàu con thoi của liên xô, trong những năm 1980 ông theo chính thống giáo. Sau đó, ông là một trong những cộng tác viên thân cận nhất của linh mục Aleksandre Men, cha bị ám sát năm 1990. Ông tham gia vào nhiều sáng kiến truyền giáo và đối thoại đại kết. Bà Karina là người sáng lập nhóm “Hosanna” ở Mátxcơva, bà sinh hoạt truyền giáo với giới trẻ. Cả hai làm việc nhiều năm ở giáo xứ Thánh Alexander Nevsky của linh mục Alexander Borisov, nơi tập hợp các tinh hoa trí thức và nghệ thuật của Mátxcơva. Họ hiện đang sống ở Vilnius (Lithuania). Họ xin tha thứ, họ cho biết hàng ngàn người Nga, những người khiếp sợ trước thảm kịch chưa từng có của cuộc chiến ở Ukraine, đang phản đối, bất chấp những hậu quả mà những tuyên bố này có thể gây ra.

Aleteia: Là người Nga, ông bà cảm thấy như thế nào khi thấy quân đội Nga tiến vào Ukraine?

Ông bà Andrei và Karina Chernyakov: Chúng tôi cảm thấy đau đớn, cay đắng, sợ hãi, xấu hổ và tức giận. Chúng tôi gần như không thể tin được. Chúng tôi không biết làm thế nào để giúp người dân Ukraine trong hoàn cảnh này ngoài việc cầu nguyện. Tất cả những suy nghĩ của chúng tôi bây giờ đều hướng về Ukraine, và chúng tôi nhận ra, đây là thảm kịch của cả hai quốc gia, Ukraine và Nga. Các quốc gia chúng tôi là anh chị em, và bi kịch này sẽ chia rẽ chúng tôi trong nhiều thập kỷ, có lẽ là nhiều thế hệ. Chúng tôi rất buồn vì người dân phải hứng chịu các cuộc bắn phá, tấn công, không kích. Thật khủng khiếp khi chứng kiến cái chết của người Ukraine, đặc biệt là trẻ em, và cái chết vô nghĩa của những người lính Nga bị một tên điên giết.

Ông bà nghĩ gì về các bài phát biểu của ông Putin, ông không chỉ phủ nhận quyền độc lập của Ukraine mà còn cả sự tồn tại của một quốc gia, khi ông giải thích nước Ukraine là một phần không thể tách rời của Nga và ngày nay nước này bị đức quốc xã cai trị?

Các bài phát biểu của ông Putin là ảo tưởng của một kẻ không còn lý trí, của một người điên. Đó là phi lý hoàn toàn, bị chìm trong tuyên truyền. Chúng tôi không biết chuyện này sẽ dẫn nước Nga đi về đâu. Tuyên truyền có ảnh hưởng rất mạnh đến bộ não con người. Rất tiếc, nhiều người Nga tin vào tuyên truyền. Tình trạng này đã xảy ra dưới thời Hitler ở Đức, nơi tuyên truyền gieo rắc tư tưởng phi lý vào đầu người dân. Ngày nay, chuyện này cũng đang xảy ra ở Nga.

Linh mục Cyril Hovorun nhìn lại chính thống giáo ngày nay

Ukraine là gì đối với ông bà, vị thế và vai trò của Ukraine trong khu vực này của châu Âu là gì?

Ukraine là đất nước thân yêu trong lòng chúng tôi. Chúng tôi quen nhiều người Ukraine, họ gần gũi và yêu quý chúng tôi. Đó là những người quan trọng đối với chúng tôi trong suốt cuộc đời. Chúng tôi biết ơn nhiều người trong số họ, họ là những bậc thầy,  là giáo sư của chúng tôi. Ukraine là đất nước tuyệt vời với một nền văn hóa tuyệt vời, tự lập và phong phú. Ukraine hoàn toàn có quyền quyết định số phận của mình, kể cả quyền gia nhập NATO hay Liên minh châu Âu. Xét cho cùng, Ukraine có thể đóng một vai trò rất quan trọng trong Liên minh châu Âu về văn hóa cũng như chính trị. Chúng ta chỉ cần cho phép họ làm.

Ông bà đánh giá thế nào về thái độ của tòa thượng phụ Mátxcơva và thượng phụ Kyrill trước hành động xâm lược Ukraine?

Chúng tôi rất đau lòng về Giáo hội chính thống mà chúng tôi thuộc về, họ đã không phản đối vụ xâm lược này. Giáo hội nói chung cũng không và chính thượng phụ Kyrill cũng không.

Thượng phụ Kyrill tố cáo việc chống lại Matxcơva là “thế lực của cái ác”

Làm sao giải thích sự không lên án cuộc xâm lăng này?

Đó là vì sự sát nhập giữa Giáo hội và Quốc gia ở Nga. Sự sợ hãi về các biện pháp trừng phạt hoặc sự thiếu quan tâm cá nhân của một số người có thể giải thích cho thái độ này. Tuy nhiên, điều này không liên quan đến tất cả các giám mục và tất cả các linh mục. Nhiều người, đặc biệt là các linh mục, đã lên tiếng phản đối. Một số giám mục cũng không đồng ý với những gì đang xảy ra, ngay cả khi họ không lên tiếng công khai. Họ đã tổ chức những buổi cầu nguyện long trọng cho hòa giải và chấm dứt cuộc chiến khủng khiếp này.

Làm thế nào mà tôn giáo góp phần vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine?

Các giới chính thống giáo khác ở Nga nghĩ gì về tình huống này, chẳng hạn như nhóm các đệ tử cũ của linh mục Alexander Mien, mà ông bà thuộc về?

Chúng tôi không thể nói về tất cả các giới chính thống giáo ở Nga, có rất nhiều ý kiến đa dạng và khác nhau. Chúng tôi chỉ có thể nói về nhóm gần gũi chúng tôi, nhưng rất tiếc cũng có những ý kiến khác nhau, mặc dù hầu hết bạn bè, anh chị em chúng tôi đều lên án chiến tranh, cầu nguyện cho hòa bình và an ninh. Họ làm những gì có thể để hòa giải và giúp đỡ người dân đau khổ ở Ukraine.

Có những người chính thống ở Nga đưa ra sáng kiến để ngăn chặn chiến tranh, giúp đỡ Ukraine hay có những hành động đoàn kết không?

6.000 người Nga đã bị bỏ tù vì tham gia các cuộc biểu tình chống đối chiến tranh. Mọi nỗ lực, ngay cả khi không có dấu hiệu phản đối bên ngoài, đều bị cản trở và những người tham gia đều bị bỏ tù. Do đó, tôi không biết có thể làm gì khác. Tình hình hoàn toàn khác ở Hoa Kỳ, nơi hàng ngàn người lên tiếng phản đối chiến tranh Việt Nam, nhưng không ai ngăn chận họ.

Ở đất nước chúng tôi, nhiều người dù không đồng ý với các chính sách của Putin ngại xuống đường biểu tình, họ cầu nguyện vì trong thâm tâm, họ muốn chiến tranh chấm dứt, họ muốn hòa bình.

Người Nga cảm thấy xấu hổ, tội lỗi và thông cảm với người Ukraine. Chúng tôi biết, nhiều người muốn giúp người Ukraine về vật chất, nhưng không thể gởi tiền. Họ muốn nhận người tị nạn nhưng người tị nạn không qua Nga. Họ muốn gởi viện trợ nhân đạo nhưng cũng không thể. Vì thế, chúng tôi thấy không có khả năng giúp đỡ. Giúp đỡ chỉ có thể thực hiện được từ bên ngoài nước Nga. Mọi người từ khắp nơi trên thế giới đang quyên góp các mặt hàng, quần áo ấm, tiền bạc, thực phẩm, để giúp đỡ  người Ukraine và cả những người di cư.

 Đức Phanxicô gởi dụng cụ y tế khẩn cấp đến Ukraine

Là tín hữu kitô ở Nga, ông bà muốn gởi thông điệp gì cho các tín hữu kitô ở Châu Âu và trên toàn thế giới?

Trước hết, Putin và vòng thân cận của ông không có nghĩa là đại diện cho toàn nước Nga. Xin đừng nghĩ đây là hành động gây hấn của cả nước Nga. Chúng tôi nhớ lại lời của linh mục người Ý, Romano Scalfi, người sáng lập và giám đốc “Russia Cristiana”, cha đã làm rất nhiều để xây dựng lại kitô giáo và chính thống giáo ở Nga. Trước khi qua đời năm 2016, cha đã nói: “Bất chấp tất cả, tôi yêu nước Nga”.

Nước Nga không chỉ có Putin, mà còn có Pushkin, Tolstoy, những nhạc sĩ, họa sĩ, một nền văn hóa bao la…

Tôi không biết cha có thấy trước tất cả ác mộng đang diễn ra ngày hôm nay ở tầm mức nào, và những gì nước Nga có thể mang lại cho thế giới. Nhưng câu “Bất chấp tất cả, tôi yêu nước Nga”, đối với tôi, là dấu hiệu cho thấy cha đã thấy trước khả năng này. Nước Nga không chỉ có Putin, mà còn có Pushkin, Tolstoy, các nhạc sĩ, họa sĩ, một nền văn hóa bao la và rất nhiều người tốt và tử tế, cũng như các tín hữu kitô chính thống giáo. Tôi hình dung, nếu cha Alexandre Men còn sống hôm nay, thì lời nói của ngài sẽ gây được tiếng vang mạnh mẽ: “Không có chiến tranh!” Chúng tôi cũng muốn nói thêm, chúng tôi hy vọng một việc như thế này sẽ không bao giờ xảy ra ở châu Âu hoặc bất kỳ nơi nào trên thế giới nữa. Chúng tôi xin tất cả: Xin tha lỗi cho chúng tôi.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài liên quan

Back to top button