Chuyện phiếm Đạo/đờiVăn - Nghệ

“Ai nói yêu em đêm nay?” | Chuyện phiếm Đạo/Đời

Chuyện Phiếm Đọc trong Tuần thứ I mùa Chay năm A 05/3/2017

“Ai nói yêu em đêm nay?”

Ai nói yêu em đêm mai?
Ai sẽ yêu em sau này?
Son phấn nào giết ngây thơ?
Ánh đèn nào màu đơn côi?
Lệ sao nhiều hơn mưa lũ.”
(Y Vân – Ai Nói Yêu Em Đêm Nay)

(Mt 7: 24-28)

Sao anh lại cứ hát: yêu em mỗi đêm nay? Thêm nữa, nếu hiểu chữ “Em” đây là Hội thánh Nước Trời, thì sao đây? Và, sao chỉ nói yêu Em đêm nay chứ không phải “Yêu Anh đêm nay”, hoặc ngày mai? Yêu em hoặc yêu anh là yêu ai trong đời người thế?

Đó, là những câu hỏi vụt lên trong đầu bần đạo, vào một đêm không ngủ vốn nảy sinh trong đầu quá nhiều “dự án”, nhớ không hết. Thôi thì, bần đạo nhớ gì viết nấy, nghĩ sao làm vậy, thôi nhé.

Vâng. Viết phiếm tuần này, kể cũng hơi hơi khó. Khó, là bởi các chủ-đề nảy sinh trong đầu lâu nay, đều đã viết và đã phiếm hết cả rồi. Mà đã phiếm, thì phải phiếm những gì hơi hơi mới một chút, thiên-hạ mới chịu đọc. Chứ, viết đi viết lại mãi những chuyện Giáo hoàng với giáo tông, kinh với kệ thì có ai chịu mở sách ra đọc đâu. Nghĩ thế nên, bần đạo bèn nhắn nhủ bạn đọc rằng: nếu lần này bần đạo có viết những gì không hay cho lắm, thì xin bạn đọc bỏ qua cho, kẻo phiền.

Vậy, giờ đây mời bạn và tôi, ta đi vào vùng trời đầy những phiếm bằng truyện kể đầu như sau:

Thuở xưa có một tên trộm. Một hôm sau một mẻ trộm, chưa được gì hết đã bị phát giác. Anh ta chạy thục mạng loanh quanh tìm chỗ trốn, bước đường cùng đến một đập nước đành nhẩy vội xuống bờ đập. Nhìn quanh quất không thấy có một lùm bụi nào để chui vào ẩn trốn, anh đành ngồi đại xuống đám cỏ đầy bùn. Xa xa đám người rượt theo tìm anh đang chạy tới. Bí quá, anh nhắm mắt lại không dám nhìn họ, cũng không dám nhúc nhích. Đám đông chạy tới nơi, ngạc nhiên thấy một người ngồi an nhiên giữa đám bùn.

Họ bảo nhau:

“Ông này là ai?” 

Một người thấy tư thế của ông giống như một thầy tu, nên nói với mấy người kia:

“Có thể ông ta đang ở trong thiền định!” 

Thế là mọi người đồng chắp tay kính cẩn chào và hỏi:

-Thưa thầy, chúng con xin phép làm rộn thầy. 

Từ nẫy giờ thầy có thấy một người nào chạy ngang qua đây không? Chúng con đang truy tìm một tên trộm.” Anh trả lời: “Ờ… tôi không để ý, không nghe thấy gì hết.” Thế là đám đông kéo nhau đi. Chừng một đoạn đường họ quay trở lại chỗ anh ngồi. Anh vẫn còn ở đó vì chưa biết đi đâu. Thấy anh im lặng, không nhúc nhích, họ rất kính nể, sụp xuống xá lậy và mời anh về trụ ngôi chùa làng đến bây giờ chưa có vị tăng nào về. Trong lúc ngặt nghèo như thế, anh chỉ biết nhận lời để chờ thời.

Tuy ở trong chùa, nhưng máu ăn trộm nơi anh vẫn mạnh. Anh định bụng chờ cơ hội thuận tiện, trộm một mẻ kha khá rồi trốn biệt qua tỉnh khác thật xa.

Sáng sớm hôm đó, anh vào chánh điện, tóm gọn cho vào tay nải nào lư hương, đèn đuốc… những món đồ thờ phụng cổ kính đắt giá, sửa soạn ra đi. Thình lình một Phật tử đến than khóc vì một người thân mới qua đời đêm qua. Ông ta đến chùa nhờ anh cầu siêu. Anh để vội tay nải xuống, lấy khăn lông lau lau chùi chùi mấy món đồ, làm như đang lau dọn bàn thờ. Anh an ủi ông Phật tử vài câu, ghi tên kẻ quá vãng vào tờ giấy và hứa sẽ đến nhà tụng kinh. Thế là mưu toan ăn trộm một lần nữa lại bất thành! Anh thở dài, ngao ngán. Xếp vội các món đồ thờ trở lại lên bàn, anh lót lòng đỡ mấy miếng bánh còn lại từ chiều hôm qua, xong chuẩn bị đến nhà Phật tử. Cũng may anh tìm được nghi thức tụng kinh cầu siêu trong tủ kinh sách, nên yên lòng khoác áo ra đi.

Và như thế ngày này qua ngày nọ, anh ẩn nhẫn trong chùa đợi thời cơ. Nhưng chẳng gặp được cơ hội thuận tiện. Rồi người thì hỏi đạo, kẻ thì thỉnh đi tụng đám, anh không có thì giờ tính kế mưu nữa, chỉ biết tìm tòi trong tủ kinh những sách Phật pháp đọc và học để trả lời câu hỏi của Phật tử. Rồi anh tập ngồi thiền, niệm Phật cho khỏi suy nghĩ lo lắng đến tương lai. Lâu ngày cuộc sống của anh “đạo tặc” bất đắc dĩ phải nương náu của chùa này cũng êm xuôi, dần dần anh cảm thấy an ổn hơn. Và thấm thoát đã hơn năm.

Thói quen mới của anh bây giờ là theo thời khóa của nếp sống nhà chùa, từ miếng ăn miếng ngủ đến lao động và công phu sáng chiều. Anh vui với công việc hàng ngày: quét dọn vệ sinh nhà cửa, trồng trọt chút rau chút bắp. Anh vui với những người nông dân chất phác chân lấm tay bùn, chia xẻ với họ từng niềm vui nỗi buồn, thúng nếp họ gặt, đám khoai anh trồng. Nghĩ lại thời gian qua anh đã sống quá tệ hại, không biết đến công lao cần cù khó nhọc của họ, mà nỡ trộm cướp thành quả dành dụm chắt chiu của họ. Thật tội lỗi biết bao! Anh cảm thấy hối hận vô vàn. Và từ đó anh dành nhiều thì giờ bái sám.

Kể từ đây dấu vết thói quen của cuộc đời một tên trộm thực sự tan biến. Anh bây giờ là một con người mới, con người hiền thiện và là chỗ nương tựa tâm linh cho dân làng.” (Truyện kể do bạn bè dịch từ Anh Ngữ có đầu đề là “The Buddha in mud”)

Truyện kể ở trên, có phải duy nhất chỉ thấy ở nhà Phật chốn tụng niệm lễ bái ở chùa chiền? Thế còn, ở nhà Đạo chốn khổ tu/khắc kỷ có vị nào tương-tự như thế không? Trả lời câu hỏi này mà không am-tường lịch sử đạo-giáo há nào trả lời cho có, rất lấy lệ.

Thế nhưng, nếu xét chuyện dân gian thời Babylon hoặc truyện kể Trung Hoa, Ấn Độ thời nào đó, vẫn có những truyện khá giống nhau ở cốt truyện. Chỉ khác mỗi cung-cách viết lách và kể lể cho phù-hợp với văn-chương, văn hoá của người nghe hoặc với tâm-trạng và thời khắc lúc người kể viết ra trên giấy bút.

Lại nữa, có một truyện kể dân-gian chốn người phàm ở trời Đông, bên nước “Đại Cồ Việt” hoặc ở nước Trung Hoa người Đại Hán na ná cốt truyện và lối kể của Kinh Sách thời xưa/cổ, như bên dưới, xin nghe thử:

“Truyện rằng:

Một người phú hộ giàu có nọ, khi đến tuổi già yếu, biết mình đã gần đất xa trời, ông liền gọi những người mắc nợ đến để yêu cầu thanh toán nợ nần.

Ông phán bảo những con nợ rằng: nếu các ngươi không thể trả nợ cho ta ở đời này thì các ngươi phải cam kết thề hứa một cách trọng thể là sẽ hoàn trả các món nợ của các ngươi ở kiếp sau, ta sẽ đốt hết các tờ khế ước mà các ngươi đã ký kết với ta. Nghe vậy, người thứ nhất mắc nợ ông 10 lượng vàng đến quỳ gối thưa:

– Thưa ông, trong kiếp sau con hứa trả nợ cho ông bằng cách làm con ngựa để ông cưỡi lên và con sẽ đưa ông đi bất cứ nơi nào ông muốn.

Người thứ hai mắc nợ ông 100 lượng vàng cũng đến quỳ gối và thưa:

– Thưa ông, trong kiếp sau con xin chấp nhận làm trâu kéo cày, kéo xe chở đồ cho ông để hoàn trả món nợ đời này.

Người phú hộ ưng nhận lời hứa của hai người này và bằng lòng đốt tờ khế ước xóa nợ cho họ.
Sau cùng, người thứ ba với món nợ cũng rất khổng lồ là 1000 lượng vàng cũng đến quỳ gối trước mặt ông và thưa:

-Thưa ông, để hoàn trả món nợ khổng lồ của con với ông từ trước đến nay, kiếp sau con sẽ làm cha của ông.

Nghe vậy, người phú hộ tức giận, ông truyền đem roi sắt đến đánh cho một trận nhừ tử vì tội vô lễ và bất kính, nhưng người này bình tĩnh giơ tay ngăn cản người phú hộ và xin được phân trần sự việc. Ông nói:

-Thưa ông, con vốn biết món nợ của con lớn lao lắm, cho dù kiếp sau con có làm thân trâu ngựa cũng không đủ trả nợ cho ông, nhưng con sẵn sàng làm cha của ông, vì chắc hẳn ông cũng quá rõ trách nhiệm nặng nề của cha mẹ đối với con cái mình. Con sẽ làm việc ngày đêm để lo cơm ăn áo mặc cho ông. Con sẽ che chở cho ông như cha mẹ che chở đứa con thơ và chăm sóc ông những khi ông đau ốm cho tới tuổi già. Con sẽ không ngại bao gian khó hy sinh nào, cho dù có phải hy sinh tính mạng để ông được no ấm và không thiếu thốn gì, và khi chết, con sẽ để lại cho ông tất cả gia tài mà con đã tích lũy được với sức lao động và mồ hôi nước mắt của con. Ông thử nghĩ xem đó có phải là cách đẹp nhất để con trả món nợ khổng lồ kia cho ông sao?

Người giàu có lim dim đôi mắt trầm tư lắng nghe. Một lúc sau ông gật gù mỉm cười rồi đứng dậy đốt bỏ khế ước, tha món nợ khổng lồ của hắn như đã tha cho hai người trước. (St sưu tâm)

Đi từ sự thể ở cốt truyện rồi rút ra một kết luận để học-hỏi, xem ra có quá đáng không?

Nói gì thì nói, hỏi gì thì hỏi, hôm nay bần đạo nói và hỏi cũng hơi nhiều, cốt để nói lên một hiện-trạng xảy đến với nhà Đạo mình, rất nhiều năm, cả ở thời quá khứ, hiện-tại lẫn tương-lai. Hiện-trạng, là trạng-huống hiện-tại của nhiều vị khi nghiên-cứu Kinh Sách lại hay có thói-quen hơi “quá lời”, thường đưa ra nhiều kết-luận chưa được kiểm chứng.

Nói và hỏi, cùng kể lể câu chuyện hơi dài giòng, cũng chỉ để kể về hiện-trạng mà có lần bạn-bè trong chốn thân quen cứ là hay thắc mắc: tại sao Hội thánh kể lại nhiều truyện oái-oăm, kỳ-khú ở Cựu Ước, như: truyện vua Đavít cướp vợ người khác, hoặc những chuyện bê-bết của thành Sôđôma và Gômorê tệ là thế, mà kể xong người người lại cứ bảo: “Đó là Lời Chúa!” Câu hỏi đặt ra hôm nay cho nhiều vị, là: Phải chăng các lời kể trong Kinh Sách đều là “Lời Chúa” hết?

Để trả lời cho câu hỏi ở trên, hôm nay bần đạo lại sẽ dựa vào chứng-cứ do giáo-sư thần-học nổi tiếng đưa ra như sau:

“Trong chương đầu của cuốn sách thứ 3 do tôi viết, tôi có nhấn mạnh lên tổng-hợp cơ-cấu hiểu biết về các kinh-nghiệm từng trải của con người. Tôi bàn nhiều về kinh-nghiệm niềm tin ở Kinh Sách được hiểu không như nền thần-học lời Chúa, bởi: lời của Chúa là lời con người nói về Thiên-Chúa. Tôi nói về chuyện ấy chỉ cốt bảo rằng: nếu ta cho rằng Kinh Sách là Lời Chúa, thì điều đó đơn-giản không phải là sự thật.

Điều đó chỉ nói một cách gián-tiếp về Lời của Chúa, mà thôi. Mọi điều được viết trong Kinh Sách là những chứng-từ của con người đối với Thiên-Chúa, do những người từng sống trong lịch-sử và từng trải-nghiệm về Thiên-Chúa, thôi.

Khi Kinh Sách viết: “Thiên-Chúa đã nói thế, Đức Kitô đã nói như vậy…” tức: không phải Thiên Chúa hoặc Đức Kitô là Đấng từng nói thế theo nghĩa tuyệt-đối/chính-xác, mà chính con người là phàm-nhân lâu nay nói về kinh-nghiệm của họ về Thiên-Chúa. Kinh-nghiệm của những người như thế đến từ Thần Khí và theo nghĩa chính xác này, ta có thể nói một cách không sai chạy rằng Kinh Sách là Bản-văn được thần-hứng, có Thần-Khí tạo nguồn hứng trong đó.

Tuy nhiên, cùng lúc ta cũng nên nhớ đến sự trung-gian mang tính nhân-bản, lịch-sử, nhất-quán. Là phàm-nhân, con người chẳng bao giờ có được cuộc đối-đầu trực-tiếp với Thiên-Chúa hết. Đối hay giáp-mặt là cuộc chạm trán mặt-đối-mặt. Đối đầu/chạm trán này luôn xảy đến qua các trung-gian. Tất cả chỉ là người phàm mắt thịt nói về Thiên Chúa, mà thôi.

Đây là điều cực kỳ quan-trọng khi ta nghiên-cứu thần-học và tìm-tòi để hiểu về sự tiến-hoá của các tín-lý/giáo-điều nhà Đạo. Không thể hiểu được thần-học mới nếu không hiểu ý-niệm này khi ta gặp được mặc-khải do lịch-sử là trung-gian/hoà-hợp nói về kinh-nghiệm diễn-giải của phàm-nhân. Khi con người chúng ta không chấp-nhận được sự trung-gian hoà-hợp này, chắc chắn ta sẽ không thể tránh khỏi được sự việc trượt té vào với chủ-nghĩa căn-bản, rất triệt-để.” (X. Lm Andrew Schillebeeckx, I Am a Happy Theologian, SCM Press Ltd 1994 tr. 41-43)

Cứ theo những điều được trích-dịch ở trên, thì giả như bần đạo là nghệ sĩ chuyên ca hát hoặc viết nhạc, hẳn sẽ phải tìm đến nhạc-bản vừa trích-dẫn để hát riêng cho mình, những ca-từ dễ thương khả dĩ áp-dụng vào nhiều trường-hợp, rất như sau:

“Ai dìu bước em đêm nay?
Ai dìu bước em đêm mai
Ai dìu bước em tương lai?
Nhịp chân nào . . . đưa rã rời?
Ôi tiếng kèn nghẹn như tiếng khóc
Thương cho người một kiếp vô duyên
Rồi từng đêm . . . từng đêm
Qua biết tay . . . bao người
Một lần son . . . nhạt môi
Cay đắng thêm . . . trong đời
Tàn một . . . cơn mê
Bẽ bàng một . . . mình ai
Nghe như trong lòng
Giông tố . . . đang buốt sâu.”
(Y Vân – bđd)

Có hát hò hoặc lý-luận chuyện đạo-hạnh, tưởng đó cũng là cung-cách hoặc đường-lối suy-tư chuyện gì đó, thần-học hoặc học hỏi chuyện thần thiêng, đạo-đức rất lành thánh, hạnh đạo? Bạn cứ tự hỏi cho nhiều rồi tự tìm kiếm cho mình câu trả lời thật đích-đáng. Có như thế, mới nhớ dai, nhớ hoài, nhớ mãi mãi những chuyện cần thiết để nhớ cho riêng mình và cho người.

Nhớ hay quên, cũng đề nghị bạn/đề-nghị tôi, ta thử về với Kinh Sách có những giòng chảy khuyên nhủ hoặc kể lể thế nào đó, để hướng dẫn tâm-linh của riêng mình đi vào một suy-tư, biện-luận lành thánh, rất để đời. Về, là về với Lời của bậc lành thánh rất như sau:

“Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành,
thì ví được như người khôn xây nhà trên đá.
Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào,
nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá.
Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành,
thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát.
Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành”.
28 Khi Đức Giêsu giảng dạy những điều ấy xong,
dân chúng sửng sốt về lời giảng dạy của Người,
vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền,
chứ không như các kinh sư của họ.”
(Mt 7: 24-28)

Gọi những câu trên là Lời Chúa, nghe cũng được. Không có gì là quá đáng. Nhưng, hát những lời dưới đây, có ăn-nhập gì với đề tại mình đặt ra cho mọi người không chứ? Hát, là hát những lời nghe qua hơi “âu yếm”, nghe lại thấy thấy cũng êm-ả một đường-lối sống rất hạnh đạo, rằng:

Ai nói yêu em đêm nay?
Ai nói yêu em đêm mai?
Ai sẽ yêu em sau này?
Khi bóng chiều thẫn thờ rơi
Vũ trường chợt bừng cơn say
Ai nói yêu em đêm nay?
Đời chẳng mong . . . chờ ai
Sắp đến trong . . . tay người
Đời chẳng mong . . . chờ ai
Không vấn vương . . . tơ chùng
Tàn một . . . đêm sau
Qua một bàn . . . cờ vui
Tương lai tan thành
Sương kín . . . trong nửa khuya
Ai nói yêu em đêm nay?
Ai nói yêu em đêm mai?
Ai sẽ yêu em sau này?
Khi xế chiều phấn son phai
Rã rời cuộc đời buông say
Ai nói yêu em đêm nay?
(Y Vân – bđd)

“Tương-lai tan thành sương kín …trong nửa khuya”. Hoặc: “Rã rời cuộc đời buông say” đêm nay”, âu cũng chỉ là giòng chảy đầy ý-nghĩa của một cuộc sống có yêu, có thương rất nhiều “đêm”, mà thôi.

“Đời chẳng mong chờ ai!” “Không vấn vương tơ chùng”… âu cũng là những lời và lời của người đời. Chứ chẳng thể nào là “Lời Chúa” hết. Dù “lời” ấy có nói về tình-tự thương yêu, đằm thắm rất con người, chỉ thế thôi.

Xem thế thì, câu hát cứ mải miết hỏi rằng: “Ai nói yêu em đêm nay? Ai nói yêu em đêm mai? Ai sẽ yêu em sau này?” nếu cứ vang-vẳng mãi trong tai người nhà Đạo, hẳn sẽ làm người nghe chết khiếp đi được. Không chết, cũng sẽ ngồi lại mà suy-nghĩ, tư-lự thật nhiều rồi cũng sẽ quyết-định đi đến hành-động có những quyết-tâm, thật không nhỏ.

Thế đó, là hiệu-quả của việc phiếm hoài, phiếm mãi lai rai cả vào thời sau này, để rồi đạo-giáo của ta sẽ khá hơn thời trước và thời về sau, những là tương-lai/mai ngày nhiều hưng-phấn. Nghĩ thế rồi, mời bạn/mời tôi ta cứ thế trực chỉ về đằng trước mà ra đi. Đi, mà không ngoái lại về phía sau vì đã có câu trả lời ở trong bụng cho câu hỏi “Ai sẽ Yêu em đêm nay”, hoặc mai ngày rất vĩnh cửu.

Trần Ngọc Mười Hai
Chỉ dám hỏi mình/hỏi người
những câu hỏi
nhè nhẹ như thế,
mà thôi.
       

Bài liên quan

Back to top button