“Bao lâu nữa anh rời xa tôi?” | Chuyện phiếm Đạo/Đời
Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 4 Phục Sinh năm B 22-4-2018
“Bao lâu nữa anh rời xa tôi?”
Bao lâu nữa chúng mình chia phôi?
Sao chẳng đến với nhau nụ cười?
Để tình người còn chút luyến lưu?”
(Miên Du Đà Lạt – Xin Hãy Cho Nhau Nụ Cười)
(Lc 2: 10-11)
“Cho nhau nụ cười” ư? Có lẽ đây là đòi hỏi cốt-thiết của anh và của tôi, trong đời người! Trong đời người, hễ có câu hỏi ở bài ca những hát rằng: “Bao lâu nữa chúng mình chia phôi?” thì chắc chắn đây không là câu hát hoặc lời hát khá tình-tứ, mà là lời nhắn nhủ xin được gửi đến với mọi người, hôm nay.
Hôm nay đây, bạn và tôi, ta sẽ còn nhiều lời nhắn nhủ gửi đến cho nhau rất “hay ho” hơn thế nữa, chứ? Thôi thì, ta cứ coi mọi sự như thế. Thế nhưng, trước khi đọc tiếp những lời phiếm rất Đạo/đời xục xạo ở đây đó, cũng xin bạn và tôi, ta hãy nghe tiếp đôi ca-từ còn tha-thiết hơn, như sau:
“Mai tôi sẽ xa rời nơi đây.
Mai tôi sẽ nói lời chia tay.
Xin hãy thức với tôi một ngày.
Một ngày dài chỉ có niềm vui.
Xin hãy đến cho nhau nụ cười!
Xin hãy đến cho nhau tình người!
Xin hãy nói yêu thương một lời!
Xin hãy tốt cho đời nở hoa!
Xin hãy tốt cho đời nở hoa!
Khi anh đến hai bàn tay không.
Khi tôi đến đôi chân trụi trần.
Ta chẳng có chút gì đeo mang.
Sao bây giờ nặng gánh trần gian.
Xin hãy đến cho nhau nụ cười!
Xin hãy đến cho nhau tình người!
Xin hãy nói yêu thương một lời!
Xin hãy tốt với nhau cho đời nở hoa.
Tôi chỉ muốn cuộc đời nở hoa.
(Miên Du Đà Lạt – bđd)
“Hãy đến cho nhau nụ cười”, vì đó là một trong những thứ quí giá nhất trên đời, lại miễn phí. Quí giá và miễn phí, như nhiều thứ khác trên đời, chẳng hạn như những thứ được kể ở bên dưới:
“Trên đời này, những thứ quý giá nhất đều là miễn phí.
Trên cuộc đời này, nhiều người hay than thở rằng cuộc đời thật bất công, rằng “Ông trời không có mắt” nhưng bạn có biết rằng, nếu ông trời “không có mắt”, không yêu thương nhân loại, thì nhân loại đã chết từ lâu rồi không? Ông đã ban rất nhiều thứ miễn phí cho con người, chỉ có điều bạn coi đã coi nó là hiển nhiên và không nhận ra mà thôi.
Ánh sáng mặt trời là miễn phí.
Trên thế gian này, không sinh vật nào có thể sống sót nếu thiếu ánh mặt trời. Thế nhưng có ai từng phải trả một đồng nào cho thứ ánh sáng kỳ diệu đó chưa?
Không khí là miễn phí.
Một người chỉ cần là đang sống trên Trái đất này, có ai mà có thể không hít thở mà có thể sống được? Thế nhưng từ xưa đến nay, đã có ai từng phải trả tiền cho thứ không thể thiếu này chưa?
Tình yêu là miễn phí.
Đoạn tình cảm sâu đậm cùng nhau vượt sóng gió đó, cuộc tình hoạn nạn có nhau đó, sự hòa hợp của hai tâm hồn cùng đồng điệu đó, chính là sự đồng cảm sâu sắc nhất và là chỗ dựa vững chắc nhất trong cuộc đời chúng ta. Tất cả những điều này, đều là miễn phí hết và là thứ mà có tiền bạc cũng không thể mua được.
Tình thân là miễn phí.
Mỗi người chúng ta đều trần trụi khi đến với thế gian này và đều nhận được sự che chở vô bờ bến của cha mẹ, một thứ tình thương không mong báo đáp in sâu trong máu thịt. Nhưng không có người cha mẹ nào nói với con mình rằng: “Con cho mẹ tiền mẹ mới thương con”.
Tình yêu thương này của cha mẹ, sẽ không giảm giá trị vì bạn đã trưởng thành, càng không mờ nhạt vì họ đã già đi, chỉ cần cha mẹ còn sống ở trên đời này, bạn vẫn nhận được tình yêu thương này trước sau như một.
Tình bạn là miễn phí.
Người âm thầm ở bên cạnh bạn khi bạn cô đơn, người giơ cánh tay ra đỡ bạn khi bạn ngã, người cho bạn dựa vào vai an ủi bạn khi bạn đau lòng, người luôn sẵn sàng xuất hiện mỗi khi bạn cần giúp đỡ, thế nhưng người đó có bao giờ đổi những thứ đã cho đi thành tiền mặt, sau đó kêu bạn trả không?
Mục tiêu là miễn phí.
Bất luận là hoàng tử ăn sung mặc sướng, hay là người lang thang ăn mặc rách rưới, bạn đều có thể đặt ra mục tiêu riêng cho cuộc đời mình.. Mục tiêu này có thể là vĩ đại, cũng có thể là bình thường, vừa có thể là huy hoàng và cũng có thể là giản dị, chỉ cần bạn cảm thấy bằng lòng với nó là đủ rồi.
Tín ngưỡng là miễn phí.
Mỗi một cơ thể máu thịt đều nên có một tín ngưỡng chính xác và kiên định để dựa vào. Đó là nơi nương dựa tốt nhất của linh hồn, là ngọn đèn soi sáng giúp chúng ta vượt qua được mọi khó khăn, trắc trở trên đường đời.
Còn có gió xuân, thì còn có mưa phùn, còn có ánh trăng trong vắt, thì còn có các vì sao lấp lánh trên trời…
Vậy nên bạn đừng có than thở với ông Trời nữa, ông Trời không những rất công bằng mà lại còn rất hào phóng. Từ lâu ngài đã đem mọi thứ quý giá nhất, ban tặng miễn phí cho mỗi người rồi, chỉ có điều là bạn có nhận ra hay không mà thôi. (Theo ĐKN – Châu Yến)
Chuyện tình đời thì như thế. Còn, chuyện nhà Đạo thì ra sao?
Chuyện nhà Đạo ư? Nhà Đạo mình ít khi nói thẳng/nói thật về những vương vấn/khúc mắc tiền bạc hoặc quỹ tài trợ như bài báo viết trên tờ Tuần Báo Sydney, như sau:
“Sau lần bất mãn về tin tức Vatican “có chịu tài trợ $33 triệu đô hay không” bị lọt ra ngoài cho báo giới biết, giới lãnh đạo Quỹ Tài Trợ của Tòa thánh đặt cơ sở ở Hoa kỳ đã kêu gọi mọi người có thời-gian để suy nghĩ và đánh giá lại sứ-vụ này, về phương-án chấp-thuận việc tặng-dữ và quan-hệ giữa các tổ-chức này với Tòa thánh”.
Và trong khi Quỹ này vẫn định ngày hành hương Rôma từ 11/4/18 đến 14/4/18, chắc chắn là chuyến đi này sẽ không bao gồm việc diện-kiến thông-thường với Đức Giáo Hoàng, theo tin của Quỹ này cho biết vào ngày 22/3/18 vừa qua. Lại có tin là Tòa thánh Vatican đã đồng ý dời ngày diện kiến Đức Giáo Hoàng cho đến khi công-tác của Quỹ này hoàn-tất và các thành-viên của Quỹ và các vị quản-lý đồng ý về sứ-vụ này cũng như về cơ-cấu quản-trị và quan-hệ với Tòa thánh được hoàn-tất…
Được biết, Quỹ Giáo-hoàng nói ở đây, được thành-lập vào năm 1988. Và từ năm 1990 đến nay, Quỹ này đã tặng-dữ số tiền hơn $157 triệu đô Úc bằng hiện kim và qua học bổng. Thành-viên của Quỹ được gọi là “nhân-viên phục-vụ” cũng hứa tặng $1.3 triệu đô Úc trong vòng 10 năm liền với số tiền là $130.000.00 đô, mỗi năm. Tháng Hai/2018 vừa rồi, nội bộ Quỹ có rò rỉ cho công chúng biết thư-từ qua lại, có liên-quan đến yêu-cầu của Tòa thánh cung-cấp $33 triệu đô Úc cho Cơ-quan có tên là “Dermopatico dell’Immacolata, tức bệnh-viện hàng đầu ở Rôma chuyên trị bệnh ngoài da cũng như ung-thư da cho các bệnh-nhân nghèo/túng.
Nhiều tài-liệu quan-trọng của Quỹ Giáo-hoàng này lại được tải lên mạng truyền-thông đại chúng có đính kèm một bài viết của James Logon là chủ-tịch Ủy Ban Thanh Tra Quỹ bảo rằng “Bệnh viện IDI nói trên từng có nhân viên truyên-thông/báo chí bị thất-sủng đã tham-ô/biển-thủ đến phá sản “, và có tin đồn nói rằng ban Giám-đốc Quỹ này đã phê-chuẩn số tiền tặng-dữ lên đến $33 triệu mà không theo nguyên-tắc nghiệp-vụ và bất cẩn.” Sau đó, chủ tịch Longon đã từ-nhiệm chức chủ-tịch Ủy ban nói trên.
Trong báo cáo đề ngày 05/01/2018 gửi cho các thành-viên của Quỹ này, sau đó lại cũng tải lên mạng, có nói rằng: các lãnh-đạo của Quỹ có nhận rằng yêu cầu trị giá $33 triệu đô, cả về tầm-cỡ lẫn dụng-đích.
Thế nhưng, bức thư này lại cũng bảo rằng: cuối cùng thì, “ban Giám đốc đã đồng loạt đi đến kết-luận không một ai bất-đồng quan-điểm chủ-trương yêu cầu ấy là từ Đức Giáo Hoàng đương-nhiệm” trong khi đó, Ủy ban là đòi bệnh viện nói trên là: cứ ba tháng một lần, bệnh viện nói trên phải tường-trình tài chánh cho rõ rệt về tình-trang hành-chánh quản-trị, và giao dịch cho phù hợp với trách-nhiệm giải-trình của ủy-ban.
Thật sự thì bản-chất và tầm-kích của yêu cầu này dẫn đến số-lượng các cuộc bàn-bạc ngoại-thường trong phạm-vi nội bộ của Quỹ. Theo nguồn tin này, thì: từ tháng 6 đến tháng 12 vừa qua đã có các buổi tái xét xảy ra liên-tục và, theo yêu cầu của Quỹ, thì các lãnh-đạo Hiệp hội Y-tế Công-giáo đã nghiên-cứu tình-trạng của bệnh-viện và các ấn-phẩm nói về chuyện này…
Quỹ nói ở đây lại cũng đã bảo-đảm sẽ “thường xuyên cập-nhật tình-trạng của bệnh-viện, cũng nhiều thông-tin hơn là Quỹ này nhận được về các số tiền tặng-dữ khác xứng hợp hơn.” (X. Cindy Wooden, Vatican Request Perplexes US Fund, The Catholic Weekly 08/4/2018 tr. 23)
Trong tinh thần “Vui, là tất cả”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng từng dấy lên giòng chảy tư-tưởng khuyến-khích con dân trong Đạo cứ sống vui, sống khỏe, như sau:
“Niềm vui là đức hạnh nền tảng của đời sống kitô hữu, là hoa quả, là dấu hiệu có sự hiện diện của Thần Khí trong tâm hồn của người tin, Tin Mừng cho thấy, khi thiên thần báo tin cho Đức Mẹ đã nói: “Vui mừng lên hỡi Maria!”, khi thiên thần báo tin cho các mục đồng khi Chúa Giêsu sinh ra. Như thế không có gì là không phù hợp với chủ đề bây giờ trở thành chủ đề “tủ” của Đức Phanxicô.
Thêm nữa, Đức Phanxicô đặc biệt nhạy cảm với tác động của Thần Khí, ngài hay lặp lại: “Thần Khí là món quà của Thiên Chúa, Cha chúng ta, Đấng luôn làm chúng ta ngạc nhiên: Thiên Chúa của những chuyện ngạc nhiên.” Ngài thấy sự sáng tạo vui tươi của Thần Khí là liều thuốc giải độc cho sự cứng rắn tinh thần, một căn bệnh tật thực sự mà ngài liên kết với buồn bã.
Trong một bài giảng tuyệt vời vào ngày lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền thánh, Đức Phanxicô đã nêu lên hai hình thức vui: vui của đức tuân thuận và vui của ngôn sứ. Mẹ Maria và Thánh Giuse là các cha mẹ trẻ tuân thuận, họ vui tuân theo lề Luật của Chúa và hoàn tựu những gì đã được định để sinh con. Ông Simêon và bà Anna, các ngôn sứ nhảy múa hân hoan vì lòng họ tràn ngập Thần Khí. Xin anh chị em vui lòng, đừng bao giờ là các nữ tu, các linh mục với khuôn mặt chua như giấm, đừng bao giờ!
Với mức độ riêng tư, Đức Phanxicô là người chọn lựa niềm vui. Và đó cũng là một ơn. Sự quân bình giữa ân sủng và quyết tâm của mình luôn là điều huyền bí. Điều này thể hiện rõ ở nụ cười của Đức Phanxicô khi ngài tiếp xúc với giáo dân trong các buổi tiếp kiến chung, khi ngài đứng trước “dân” mình, vậy mà trước khi được bầu chọn, gần như ít khi thầy ngài cười, ngài luôn có khuôn mặt buồn và khắc khổ. Hay trong lời ngài nhắn nhủ với các linh mục, nam nữ tu sĩ khi năm 2013, ngài xin họ đừng là “các cô gái già, các chàng trai già”, hay khi ngài nói với các chủng sinh cũng năm 2013:
“Không có sự thánh thiện trong buồn bã! Khi bạn thấy một linh mục, một nữ tu, một chủng sinh có khuôn mặt dài thườn thượt, không vui vẻ thì bạn biết đã có một cái gì không chạy! Xin anh chị em vui lòng, đừng bao giờ là các nữ tu, các linh mục với khuôn mặt chua như giấm, đừng bao giờ!”
Cách đây một năm ngài còn gắn tấm bản “Cấm than phiền” ở cửa văn phòng mình. Theo Đức Phanxicô, vui vẻ là trên tất cả, nhưng không phải là chuyện ngọt ngào! Đó là điểm đặc biệt của các vị thánh. Một kỷ luật. Hay đúng hơn đó là hoa trái của cuộc chiến thiêng liêng.” (Marta An Nguyễn trích dịch và tải lên mạng vi tính tháng 4/2018)
Nói gì thì nói, giữ Đạo cách vui tươi, hài-hòa đã là tập-trung sống thánh-thiện cả đời mình rồi. Và, ngày nay, người đi Đạo và giữ Đạo lại có thể quả quyết một cách không sai lầm rằng: Hễ thấy đồng Đạo mình sống vui, sống lành và rất mạnh”, tựa hồ Lời Đấng Thánh Hiền khi xưa từng quả quyết:
“Anh em đừng sợ.
Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại,
cũng là tin mừng cho toàn dân…”
(Lc 2: 10-11)
Người Đạo Chúa, nay đã đạt niềm vui “khôn tả”, nên không còn sợ bất cứ thứ gì, dù “anh có rời xa tôi”, và dù “chúng mình chia phôi?” và “chẳng đến với nhau nụ cười” như phải có. Nói tóm lại, một khi niềm vui “ta đã đạt” được rồi thì “con đường thánh-thiện chẳng xa là bao”, nhất định là như thế.
Nhất-định thế rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta đi vào vùng trời tuyện kể để đưa ra một kết-luận “có hậu” bằng đôi ba giòng nhè nhẹ/vui vui có đầu đề là “Thưa cha, con không đi nhà thờ nữa!”, như sau:
“Hôm 31 tháng Giêng 2018, tại xứ đạo Vianney de Villaret, bên Pháp có truyện kể hỏi rằng:
– Có ai chưa bao giờ cảm thấy bực mình vì ca đoàn hát sai, vì linh mục giảng quá dài, vì người bên cạnh dám nghe điện thoại cầm tay không? Cám dỗ quá lớn đối với một số người, họ tức tối và bỏ nhà thờ ra đi không trở lại!
Lm Matthieu Lefrançois, cha xứ họ đạo Thánh Antôn ở Angers tìm được một bài trên Facebook của “Giáo hội Công giáo Guinea” để kêu gọi chúng ta chỉ tập-trung nhìn Chúa Kitô thôi, như sau:
“Có thanh niên trẻ nọ đến gặp linh mục chánh xứ rồi thưa:
– Thưa cha, con sẽ không đi nhà thờ nữa!
Linh mục hỏi:
– Vậy à, con có thể cho cha biết lý do được không?
Người thanh niên trả lời:
– Lạy Chúa tôi, ở đây con thấy cô này nói xấu cô kia; anh đọc Sách Thánh đọc quá dở; ca-đoàn thì: vừa chia rẽ vừa hát sai; người đi xem lễ: thì chỉ chăm chăm chú chú nhìn điện-thoại, đó là không nói đến chuyện sống ngoài nhà thờ, họ là những người ích kỷ, cao ngạo…
Linh mục bèn nói với anh:
– Con có lý. Nhưng trước khi dứt khoát rời bỏ nhà thờ, con có thể làm cho cha một việc này được không? Con rót một ly nước đầy, rồi đi quanh nhà thờ ba vòng mà không làm đổ một giọt nào đấy nhé! Sau đó, con có thể bỏ nhà thờ mà ra đi. Người thanh niên tự nhủ: quá dễ! Và anh đi ba vòng như cha xứ dặn. Đi xong, anh về thưa với cha xứ:
– Rồi, con đi xong rồi.
Cha xứ hỏi:
– Khi con đi, con có thấy cô này nói xấu cô kia không?
Người thanh niên trả lời:
– Thưa cha không.
– Thế, con có thấy người này người kia thờ ơ với nhau không?
Người thanh niên đáp:
– Thưa cha không.
– Thế, con có thấy người này người kia chúi mũi vào điện thoại không?
Người thanh niên lại cũng đáp:
– Không, con không thấy gì hết.
– Thế, con có biết vì sao con không thấy gì hết không? Đó là vì con mải tập-trung để ly nước không bị đổ. Con có biết là: cuộc đời cũng vậy không? Khi tâm hồn chúng ta tập trung vào Chúa Kitô, thì chúng ta không có thì giờ để thấy được các sai lầm của người khác. Ai ra khỏi nhà thờ vì các kitô hữu đạo-đức-giả, thì chắc-chắn họ cũng không vào nhà thờ vì Chúa Giêsu”. (Truyện kể do Giuse Nguyễn Tùng Lâm trích dịch và đăng tải cho mọi người cùng thưởng-thức).
Truyện kể trên, tưởng chừng kể như thế cũng đủ. Chẳng cần thêm thắt gì nữa. Bởi, kể như thế cũng đã đạt, tức: như mọi câu chuyện Phiếm Đạo/đời, có viết hoặc có kể ra đây cũng chỉ để mọi người vui, chứ không có mục-đích nào khác. Kể như thế, thì đương nhiên là người viết cũng như người đọc hôm nay, đều mãn nguyện mà xếp bài/báo này lại mà nghỉ ngơi cho nhẹ người, sau chuỗi ngày căng-thẳng vì nhiều thứ chuyện, trên đời này.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn quyết tâm rằng:
Lâu nay có viết lai rai, dài dài
cũng chỉ để mọi người cũng như mình,
gặp được niềm vui
mà thôi.