Chút suy tưVăn - Nghệ

Cái Chậu Thần | Mai Nhật Thi | Nghệ Thuật Sống

CÁI CHẬU THẦN

Chuyện Xưa Tích Cũ.

Một người nông dân đào lên được một cái chậu to ở ngoài đồng và nó là một cái chậu thần. Nếu bỏ vào đó một hạt dẻ, ngay tức khắc nó sẽ có 81 hạt dẻ bay ra. Đối với tiền cũng xảy ra y như vậy. Bất cứ cái gì được bỏ vào cái chậu này cũng sẽ có 81 cái cùng loại bay ra. Người nông dân rất sung sướng bởi cái chậu này vì nó có thể nuôi anh ta suốt đới.

Sau đó có một người báo với chủ đất, hắn rống lên : “Cái chậu thần mà được tìm thấy trên đất của ta, nó phải thuộc về ta !”, và hắn ta giựt lại cái chậu thần.

Không lâu sau, quan huyện nghe về cái chậu đó. “Cái chậu này nằm trên đất thuộc quyền quản lý của ta và dĩ nhiên phải là của ta !”. Hắn hét lên và sai người tới nhà chủ đất tịch thu cái chậu thần.

Tin tức bay đến tay vua, ngài tuyên bố :”Mỗi một phần đất trên đất nước của ta đều là của ta, vì thế không cần phải nói, cái chậu thần đó cũng là của ta”. Và ông ra lệnh cho tên quan huyện đem dâng báu vật đó ngay.

Cái chậu thần được gởi tới nhà vua, nó sinh lợi cho nhà vua rất nhiều. Ông ta có một núi của cải, vì tất cả châu báu của ông ta đều được nhân lên 81 lần từ cái chậu thần.

Sau đó, nhà vua chợt nghĩ rằng cái chậu thần có thể bị đánh cắp, vì thế tốt hơn hết là khám phá ra bí mật của nó. Thế là ông vua nhảy vào cái chậu thần và xem xét nó tỉ mỉ, nhưng chẳng có gì lạ trong đó, nó hoàn toàn trống rỗng.

Khi ông vua leo ra khỏi vò, một điều kỳ lạ đã xảy ra. Có một ông vua khác nhảy ra ngay sau vị vua, sau đó lại một ông vua thứ ba, thứ tư, và cứ thế tiếp tục cho đến ông vua thứ 81, tất cả đều giống y như vua thật. Ông vua nào cũng tuyên bố mình là vua thật. Tất cả bọn họ đều chạy tới giành lấy vương miện, chạy vào cung điện giựt hoàng hậu, các tì thiếp và phi tần ở trong sân, và tất cả bọn họ đều ra lệnh cho kẻ khác.

“Hai con chuột đánh nhau thì không thể ở chung trong một hang”, vì vậy làm thế nào mà thế giới có thể ổn định được khi có quá nhiều vua như vậy ?

Đương nhiên chẳng bao lâu sau họ bắt đầu đánh nhau, mỗi người tự lập quân đội riêng và bắt mọi người phải nghe theo sự điều khiển của họ, chiếm thành phố và tranh giành lãnh thổ bằng các chiến thắng, dần dần đưa cà đất nước vào tình trạng hỗn loạn.

Không có vị vua nào chịu khoan dung cho vị vua nào, tất cả đều là một loại như nhau.

Người nông dân mà đã đào được cái chậu thần thở dài, ước rằng phải chi mình chưa từng tấy nó. Một ông vua sẽ chẳng bao giờ lại trao quyền lực của mình cho bất cứ ai. Ngay cả cái bóng của mình nữa. Ông ta sẽ đánh nhau cho đến khi kết thúc cay đắng.

The Magic Tub. Contemporary Chinese  Fables

_____________

Chút Suy Tư

I. Cái Chậu Thần ngày xưa

Câu chuyện cổ tích  “Cái Chậu Thần” cho ta chút suy nghĩ :

+ 1. Lòng tham

Người nông dân may mắn có được Cái Chậu Thần. Đó là món quà Trời ban – “Trời cho ai nấy hưởng” – Thường tình ai cũng cho là vậy, nhưng khi “cái lợi” của người khác quá to lớn nó sẽ như miếng mồi ngon làm cho cái tâm đen tối của nhiều người sinh ra những điều dữ như thèm muốn, ganh tỵ, chiếm đoạt

Họ – những người có lòng tham – người chủ đất, ông quan huyện, rồi đến Nhà Vua, lần lượt  giựt lấy và chiếm đoạt “món quà Trời cho” mà lẽ ra người nông dân được quyền hưởng cách chính đáng.

+ 2. Cá lớn nuốt cá bé

Còn một bài học nữa trong việc này, đó là cảnh “cá lớn nuốt cá bé”.

Chủ Điền chiếm “cái chậu thần” của người nông dân chân chất thấp cổ bé miệng, rồi ông Quan Huyện chiếm cái chậu thần của Chủ Điền, rồi Nhà Vua chiếm cái chậu của ông Quan Huyện. Con cá to nhất đó là Nhà Vua đã được thỏa mãn lòng tham của mình.

+ 3. Cái kết của Lòng Tham.

“Túi Tham không đáy”. Nhà Vua đã tận hưởng tột cùng sự giàu có từ cái chậu thần của người nông dân mà Nhà Vua chiếm được, nhưng vẫn chưa thỏa mãn và cũng chưa thể an lòng với cái mình đang có.

Nhà Vua muốn “chiếm đoạt cho trọn vẹn”, hay nói một cách khác, muốn khai thác tận cùng cái chậu thần và muốn vĩnh viễn chỉ một mình mình sở hữu nó.

Sau đó, nhà vua chợt nghĩ rằng cái chậu thần có thể bị đánh cắp, vì thế tốt hơn hết là khám phá ra bí mật của nó. Thế là ông vua nhảy vào cái chậu thần và xem xét nó tỉ mỉ, nhưng chẳng có gì lạ trong đó, nó hoàn toàn trống rỗng. (trích truyện).

Đó là “Túi tham không đáy đó”. Và hậu quả của lòng đen tối đó thật cay đắng với kết thúc câu chuyện bằng nụ cười thật chua cay.

Đời không còn ai biết đâu là Thật Giả, đâu là Đen Trắng, và vì không có Lẽ Phải, không có Chân Lý thì tất cả đều tan nát.

II. Cái Chậu Thần Ngày Nay

– Thời đại này mà còn chuyện cổ tích Cái Chậu Thần Thánh gì sao ?

– Có đấy ! Chậu Thần Thời Đại đấy !

Cái Chậu Thần ở đây đúng là Thần Thiêng đó, vì cái chậu ấy không thể  thấy được kiểu “người trần mắt thịt” được đâu. Cái Chậu Thần này muốn thấy nó phải thấy bằng Đôi Mắt Tâm Hồn, Đôi Mắt Lương Tâm, Đôi Mắt Thiện Căn mới thấy được.

Cái Chậu Thần này nó cũng có những đặc tính tương tự của Cái Chậu Thần ngày xưa, và nó cũng có cậu chuyện đời hiện đại bắt đầu từ lòng tham, cảnh cá lớn nuốt cá bé, và cái kết là cảnh xâu xé triệt hạ loại trừ nhau.

Cái Chậu Thần đây biến dạng nhiều hình thức lắm, nó có thể là một Lò Đào Tạo, hay một Giới Sinh Hoạt gì gì đó. Ai nhào vô đó chui ra là kẻ Thành Danh. Sản sinh ra hàng loạt con người được gọi là “nổi tiếng” cái vỏ bề ngoài giống nhau khó mà phân loại.

Y chang nhau về bản chất. Đen – Trắng, Thiện – Ác, Thật – Giả, Vàng Thau … có trời mà biết !

Ai cũng là đỉnh cao ! Ông Hoàng Nhạc Việt. Danh Hài. Vua Hề. Bà Hoàng nhạc boléro… Ai đã cho họ những danh xưng đó ? – Những danh xưng đó là từ Chậu Thần Thời Đại mà ra đấy !

Không có vị vua nào chịu khoan dung cho vị vua nào, tất cả đều là một loại như nhau. (trích truyện).

Cảnh đời ngày nay sao quá bát nháo, lạ lẫm… Riết rồi sợ rằng không còn ai tin vào ai.

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh. Ai biết tình ai có đậm đà”. (HMT).

MAI NHẬT THI

 

 

 

Bài liên quan

Back to top button