“Chúa đã bỏ loài người” | Chuyện phiếm Đạo/Đời
Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 34 thường niên Lễ Kitô Vua năm C 20.11.2016
“Chúa đã bỏ loài người“
Phật đã bỏ loài người
Này em xin cứ phụ người
Này em xin cứ phụ tôi
Đời sống quanh đây có vạn lời mời
Đời sống quanh đây tiếng người mừng gọi em vào.
Đời đã quen với những kiếp xa nhau.”
(Trịnh Công Sơn – Này Em Có Nhớ)
(1Tm 1: 1: 16-17)
Thật ra thì, nếu bạn và tôi quan-niệm Chúa đây là Đấng cứ vò võ trong nhà tạm và Phật đấy lại cứ thui thủi ở nhà Chùa, thì thế thật.
Nhưng, nếu tác-giả lại đã quan-niệm “Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu” như nhà Đạo mình lâu nay vẫn cứ dạy, thì khác hẳn. Và, Chúa/Phật đây sẽ chẳng “bỏ” bất cứ ai trong sọt bị hay ở xó xỉnh đâu nào hết.
Và như thế, nghệ-sĩ lại hát thêm những ca-từ nghe có vẻ được hơn trước, rất nhiều như:
“Chúa đã bỏ loài người
Phật đã bỏ loài người
Này em xin cứu một người
Này em hãy đến tìm tôi
Vì những con sông đã cạn nguồn rồi
Vì gió đêm nay hát lời tù tội quanh đời
Về cùng tôi đứng bên âu lo này
Chúa đã bỏ loài người
Phật đã bỏ loài người
Này em có nhớ cuộc đời
Này em có biết loài người.”
(Trịnh Công Sơn – bđd)
Vâng. Chính thế đó. Nghệ sĩ viết nhạc ở trên lại là người viết được những lời như hồi nào đó, với người bạn ở đời “còn nhớ cuộc đời”, như sau:
“Blao, 2 Septembre 1964
Dao Ánh thân mến,
Cơn mơ kéo anh trở dậy vào lúc 3 giờ sáng. Bây giờ đồi núi Blao còn đêm mù sương và im lìm ngủ. Anh thắp nến viết thơ cho Ánh và trùm chăn quanh mình. Miền cao nguyên này lạnh suốt ngày.
Ánh ơi,
Anh hơi lạ lùng là suốt nhiều ngày lên đây, anh thường nằm mơ có Ánh. Có Ánh rất yên lành qua những con đường xa lạ của một mùa Hè đã qua mà phượng vẫn còn đỏ ngời. Hình như trời vừa qua một cơn bão lụt nên con đường có vẻ xơ xác. Ánh mặc áo nâu, tóc mềm như mây có cả chiếc nơ màu nâu nhạt cài lên rất huyền hoặc. Anh còn nhớ là suốt con đường đi đó không có khí bỗng ấm áp vô cùng. Anh đã trở dậy trong sự trống vắng dai dẳng ở đây…” (X. Trịnh Công Sơn, Thư Tình Gửi Một Người, nxb Trẻ 2012, tr. 13)
Vâng. Tất cả chỉ như một giấc, rất trống vắng, dai dẳng ở đây …đó! Vâng. Tất cả như một huyền-thoại sự sống vẫn cứ “trùm chăn”, “thắp nến viết thơ” “lạnh suốt ngày”, vv và vv…
Vâng tất cả, đối với nghệ-sĩ ngoài đời, lúc nào cũng thấy “Chúa đã bỏ loài người!”, “Phật đã bỏ loài người” rồi, nghệ-nhân ạ. Vâng. Nghệ-sĩ có nghĩ rằng đời người ra như thế, thì độc-giả và người nghe hát chúng tôi vẫn không hiểu như thế hoặc như vậy đâu nghệ-sĩ ạ.
Không nghĩ thế và không hiểu vậy, là bởi bọn tôi đây vẫn được dậy rằng:
“Narendra hỏi: “Thưa ngài, tôi xin hỏi: có khi nào ngài thấy Chúa ở tâm can không?”
Sri Ramakrishna đáp: “Có chứ! Tôi thấy Chúa rõ như tôi đang nhìn thấy ông đây, có điều là: tầm nhìn này mang ý-nghĩa đậm đặc hơn, thôi…”
Thật ra, riêng tôi vẫn một lòng cảm kích/biết ơn truyền thống “hư không/trống rỗng”, rất đặc biệt. Nhưng, chọn lựa của tôi, lại có đôi ý tưởng hơi khang khác. Bằng vào trực giác trong khuôn khổ có niềm tin, tôi thiển nghĩ: ta vẫn có thứ gì đó tốt lành hơn những thứ mà mọi người thường gọi là “tâm-thức” ở niềm tin, hơn nhận-thức giản-đơn bằng trực giác. Ở đây, tôi lại thấy trong đó có hình-hài của trí-tuệ.
Đúng hơn, phải nói: đó là “tâm-thức nội-tại” vào với Chúa. Bởi, có vào với Chúa như thế, ta mới thấy ít/nhiều điều về chính Ngài. Xem thế thì, tâm-thức nội tại mang ý-nghĩa của tầm nhìn đi vào tận phần sâu thẳm, rất thần thánh. Và niềm tin, quả đã cho ta cơ-hội thuận-tiện để có được tầm-nhìn nhắm thẳng đích vào chốn thẳm sâu có Chúa, với Chúa.
Thánh Tôma Akinô, từng đề-cập vấn-đề tiên-quyết có liên quan đến điều mà thánh-nhân gọi là “Prima Pars” qua ý nghĩa của “tín điều thần thánh” vốn bảo rằng: thần-học của thánh-nhân khá an-phận không chỉ nhắm vào niềm tin mà thôi, nhưng đặc biệt hơn, còn nhắm cả vào loại-hình cá-biệt về hiểu/biết mang tính tích-cực do niềm tin đem lại, nữa.
Lập-trường được thánh-nhân đề ra đây, không là kinh-nghiệm huyền-bí khó lòng “sờ chạm” được, nhưng lại rất vững chắc, dễ nắm bắt. Nên, tâm-thức nội tại ở niềm tin, là đi vào với bí-nhiệm cốt-tủy ở niềm tin có tính tương-tác, nối kết. Đây, không là những gì hoàn toàn mang tính tư riêng, chủ quan. Bởi, bí-nhiệm cốt-tủy ở niềm tin được chất chứa theo cung cách đặc biệt nơi ngôn ngữ khách-quan mà niềm tin hàm-ẩn. Bí-nhiệm ấy, lại thấy có ở kinh “Tin Kính” do Giáo hội đề ra. Nơi niềm tin, ta đạt hiểu/biết tích-cực có tư-chất thông-minh/trí-tuệ và Thiên Chúa là Đấng ẩn-tàng trong bí-nhiệm thần thánh được Giáo Hội nói lên bằng lời lẽ chắc-nịch qua kinh nguyện rất “Kính Tin”.
Theo tôi, thánh Tôma Akinô có được lập-trường này, là do ông rút từ kho-tàng tư-tưởng của thánh Augustinô và ông đã chỉnh sửa đôi chỗ cho thích-hợp để thêm vào đó một vài điều, rồi theo cung-cách nào đó, đã thay đổi cả lập-trường của thánh Augustinô vốn bao gồm nhiều yếu-tố diễn-tả niềm tin-yêu hơn, về nhận-thức. Và, thánh-nhân lại đã thêm đôi điều vào trong đó, như để nhấn mạnh nhiều hơn nữa tính tích-cực của “luồng sáng” này. “ (X. Lm Kevin O’Shea, Niềm Tin: Nỗi-niềm Xuất tự Con Tim, Chương 2 Phần 1, nxb Hồng Đức 2017)
Thật ra thì, cuộc đời của mỗi người có trống vắng hoặc vô-nghĩa hay không, cũng còn tuỳ. Tuỳ người và tuỳ mình. Tuỳ hoàn-cảnh, thời khắc lẫn không gian mình đang sống. Tuỳ cả vào sự thể mình cảm-nghiệm thế nào về cuộc sống sau nhiều năm tháng ngày giờ được dạy cho biết và bảo cho thấy những cái hay cái đẹp của cuộc đời, mà thôi.
Tựa hồ như thế, chuyện đời và truyện kể về đời người cũng khác nhau nhiều lắm tuỳ góc cạnh và thế đứng của người sống và nghe đọc, rất như sau:
“Một ông lão chân bị khập khiễng sống bằng nghề thu thập vỏ chai, ông bị câm điếc và phải sống đơn độc một mình, cuộc sống khá khốn khổ.
Một ngày kia ông nhặt được một em bé bị bỏ rơi trên đường phố. Ông đã ngây ngất trong niềm vui và nghĩ rằng đó là một món quà mà thượng đế đã ban cho mình.
Ngay lập tức, ông đã đem đứa trẻ về nuôi, thu lượm những vỏ chai rượu rỗng bán đi để lấy tiền mua sữa. Ngày qua ngày, em bé bị bỏ rơi được ông cưu mang và nuôi nấng như vậy. Đến năm lên 6 tuổi, em bé đã nhặt một con cún con về nuôi và đặt tên nó là Vượng Tài.
Chú chó nhỏ, ông lão câm điếc và cô bé cùng dựa vào nhau để sống. Tuổi thơ của em lớn lên cùng những vỏ chai rượu xếp chồng lên nhau.
Chất giọng bẩm sinh tốt của em đã trở thành máy rao bán cho ông. Cứ mỗi sáng sớm em lại dắt ông lão chống nạng để đi thu lượm, vừa đi em vừa hô lớn: Có ai bán ve chai không? Có ai bán ve chai không?
Sau này khi lớn lên, cô gái bé bỏng hôm nào giờ đã có người yêu là một nhà viết nhạc trữ tình. Nhà soạn nhạc này cũng rất nghèo nhưng rất yêu cô.. Anh đã vì cô mà viết rất nhiều bài hát, cũng đối xử với ông lão hết sức tốt. Mỗi lần đến chơi đều giúp ông lão vận chuyển các chai rượu rỗng, cùng trò chuyện với ông bằng cách vẽ tay, chơi cùng con chó…
Thế rồi một ngày cô trở nên nổi tiếng. Cuộc sống hoàn toàn thay đổi, cô tậu nhà mới, xe hơi và được nhiều người theo đuổi… Cô gái vẫn rất yêu chàng trai và hy vọng anh có thể đến sống cùng với mình trong biệt thự, không phải trở lại ngôi nhà ve chai nữa bởi vì người cha vừa câm vừa điếc khiến cô cảm thấy xấu hổ!
Nhưng chàng trai không muốn, và vẫn cùng ông lão sống tại căn nhà cũ. Sau đó, cô gái ngày càng bận rộn, danh tiếng cũng ngày càng trở nên lớn hơn, cuộc sống của cô càng ngày bị chi phối bởi nhà quản lý. Ông lão ve chai cảm thấy nhớ con gái nên nài nỉ chàng trai đưa đi gặp con gái. Nhưng còn chưa vào được buổi hoà nhạc ông đã bị đuổi ra…
Sau đó cô gái cảm thấy ông khá phiền phức nên đã gửi cho ông một khoản tiền và yêu cầu ông không được làm phiền mình nữa. Ông lão nước mắt rưng rưng, lấy tay lau những giọt lệ tràn ra rồi rời đi mà không cầm lấy một đồng nào của cô!
Chàng trai lúc này đã không thể chịu được, tìm đến cô gái để nói chuyện phải trái nhưng cô không nghe. Cũng bởi giờ đây sự chênh lệch đẳng cấp và suy nghĩ của 2 người quá lớn nên kết cục chỉ có thể chia tay. Về phần ông lão, do quá nhớ thương con gái nên đã lâm bệnh nặng. Chàng trai đã cầu xin cô gái, hy vọng cô có thể trở về thăm ông một lần, nhưng rốt cuộc cô gái vẫn không nghe lời anh!
Đến lúc này, chàng trai chỉ còn cách hỏi thăm nơi diễn của cô gái và nói lại với ông lão. Ông lão cố gắng hết sức cùng chú chó già đến để nhìn mặt cô lần cuối. Nhưng thật không may, khi đi ngang qua đường một chiếc xe tải không biết từ đâu chạy tới chuẩn bị đâm vào ông lão. Đột nhiên con chó già Vượng Tài nhảy tới và đẩy ông lão ra. Nó đã bị chiếc xe tải đâm chết…
Chàng trai sau khi biết chuyện đã quyết định viết cho cô bài hát cuối cùng. Anh đã thức suốt mấy đêm để viết. Nhưng do phải đối mặt với một thời gian dài sống trong khó khăn nghèo đói, cộng thêm gánh nặng tư tưởng. Khi thân thể của anh đã sắp không thể chịu được nữa, anh đã viết bài hát này và nhờ người mang đến đưa cho cô gái.
Chàng trai sau khi viết xong bài hát cũng là lúc rời xa trần thế. Khi trong buổi hoà nhạc cô gái miễn cưỡng mở tờ giấy ra, lời bài hát này có đại ý rằng:
Thật là một giọng nói quen thuộc.
Ở bên tôi suốt bao năm mưa gió.
Chưa bao giờ cần phải nhớ.
Sẽ không bao giờ quên.
Không có trời, nào có đất.
Không có đất, nào có nhà.
Không có nhà, nào có bạn.
Không có bạn, nào có tôi.
Nếu như bạn chưa từng nuôi nấng tôi.
Cho tôi một cuộc sống ấm áp.
Nếu như bạn chưa từng bảo vệ tôi.
Thì số phận tôi sẽ như thế nào!
Chính bạn là người nuôi tôi khôn lớn.
Ở bên tôi khi tôi nói lời đầu tiên.
Chính bạn đã cho tôi một ngôi nhà.
Hãy để tôi và bạn cùng có nó.
Mặc dù bạn không thể mở lời, nói một lời.
Nhưng càng hiểu rõ hơn về con người thế nhân này.
Đen và trắng, đúng và sai.
Mặc dù bạn không thể diễn tả cảm xúc thật của mình.
Nhưng đã phải trả giá.
Đó cuộc sống nhiệt thành.
Từ một phương xa gửi đến bạn.
Một giọng nói quen thuộc.
Hãy để tôi nhớ đến bạn.
Một tâm hồn hoà ái và từ bi.
Khi nào Bạn sẽ quay trở lại bên cạnh tôi.
Hãy cùng tôi hát:
Có ai bán ve chai không
Có ai bán ve chai không…
Đọc xong lời bài hát, bao nhiêu sự việc quá khứ như vùn vụt trở về: Một đống đầy những chai rỗng, người cha già câm điếc, vì để mua cho cô một túi hạt mà khổ sở vất vả, và con chó yêu quý nô đùa vẫy đuôi bên cô…
Cô gái đã bật khóc, cuối cùng lương tâm đã quay trở lại, những nỗi khổ, lo lắng, bất an…
Cô đã học ngay lời bài hát này. Đến cuối buổi biểu diễn cô đã thông báo với ban nhạc về bái hát cuối cùng này có tên: “Có ai bán ve chai không“.
Cô gái “vong tình” đã cất lời hát, tất cả khán giả đều cảm thấy bị sốc và họ đều rơi nước mắt. Cô gái đã kể về cuộc đời của mình ngay trên sân khấu, sau đó chạy thật nhanh đến bệnh viện, cô muốn gặp lại người cha của mình.
Khi ông lão nhìn thấy con gái, những dòng nước mắt từ trên má lã chã rơi. Ông lão không nói gì, chỉ mỉm cười với con gái và từ từ nhắm mắt lại… Cô gái khóc nấc từng tiếng không ngừng…
Đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật. Trong cuộc sống, có thể cha mẹ không cho chúng ta được một môi trường thuận lợi và hoàn cảnh vật chất đầy đủ nhất, nhưng họ đã làm hết sức mình để cho chúng ta được sống và trưởng thành. Họ đã dành cho chúng ta những điều tốt đẹp nhất, kể từ lúc mới sinh còn bập bẹ, cho đến khi chập chững đi bộ từng bước, và đến khi trưởng thành như bây giờ. Họ đã phải dùng cả cuộc đời và tâm huyết dành cho chúng ta.
Vì vậy hãy luôn yêu thương và kính trọng cha mẹ mình. Bởi vì họ đã nuôi dưỡng chúng ta bằng ân tình mà cả đời chúng ta cũng sẽ không bao giờ trả hết được. (Nguồn: Sưu tầm).
Có trích-dẫn truyện kể hoặc bài viết hay câu thơ, vẫn để diễn-bày tư-tưởng về niềm tin đi Đạo, tin vào Chúa hoặc Trời/Phật cũng chỉ để nói thêm như nhà giảng-thuyết còn nêu rõ, rằng:
“Sở dĩ Hội thánh ta sử-dụng cụm từ “luồng sáng”, là do nguồn từ-vựng mang tính ẩn-dụ. Ánh-sáng thể-lý tạo tính khách-quan cho mầu-sắc trước đã, rồi đưa chùm quang-phổ đến với ta. Thông thường thì, trí-tuệ của ta tự nó gọi được là “luồng sáng”, cũng rất đúng. “Luồng sáng” giúp ta hiểu/biết mọi sự.
Bởi, nếu không, thì sự việc lại sẽ ẩn-tàng trong cảm xúc, mà thôi. Thẩm-quyền nắm vững chân-lý ban đầu, đã khách-quan-hoá sự việc để ta có thể hiểu được bí-nhiệm ẩn-tàng về Chúa và trong Chúa. Đó, là bước đầu cần thiết giúp ta tin.
Vai trò của “luồng sáng”, là chứng-thực rằng: tin Chúa đã trở thành giá-trị hữu-hiệu. Và, có như thế, mới giúp ta chỉnh-sửa được cảm-xúc vững mạnh ngõ hầu đòi-hỏi nơi ta động-thái trí-tuệ ở niềm tin.
Đây, là lý do cho thấy tại sao thánh Tôma Akinô vẫn cứ bảo: có hai hình-thái mà tiếng Latinh gọi là: “ratio inclinans voluntatem” và “voluntas firmans rationem”, tức: nói về kẻ tin được hướng-dẫn khá đầy đủ để ta tin nhiều thứ. Trường hợp tín-hữu Đức Kitô được “hướng dẫn cách sử dụng” quyền thánh-thiêng xác-minh bằng “phép lạ”. Nhưng, ở đây còn hơn thế, là bởi có thứ gọi là “Cộng Thêm” được tháp ghép vào đó. “Cộng thêm” đây, là bản-năng nội-tàng Chúa ban tặng và Ngài gọi mời, vẫn từ lâu.
Trước khi dân con Chúa có được động-thái “tận tình thuận thảo” (tức niềm tin ta xác tín), lại được ân-huệ chiếu rọi để rồi tin. Ân-huệ Chúa mặc khải: chính Ngài là Đấng Thánh-thiêng giúp ta tin. Là, huệ-lộc cho những người nghiêng về niềm tin rất rõ, vẫn nhủ rằng: Chúa tặng ban niềm tin là dành để cho ta, qua hình-thái tuy chưa hẳn là hiện-hữu hỗ-tương nơi tình bằng-hữu rất chí ái.
Nhưng, nếu không có hình-thái đó, thì tình bác-ái/mến-thương cũng chẳng làm sao hiện-hữu được. Chiều-kích mến-thương giúp ta hướng về Chúa, chỉ mang tính hoàn-hảo khi ta được tình bác-ái/mến thương hướng-dẫn.
Tình bác ái/mến thương, lại đem đến cho niềm-tin khí-thế kiên-định mà nó kiếm tìm; nhưng, tựu-trung nhận-thức sự việc như mầm mống, thì niềm tin phải đạt điểm-tới ngay từ đầu và rồi sẽ trang bị đối tượng một cách thoả đáng cho tình bác ái/mến thương. Cảm xúc từng dẫn dắt mọi sự đến với niềm tin, đòi hỏi trí-tuệ phải có niềm tin, tự nó đã trở thành điều mà thánh Augustinô gọi là tính “khai-sáng” niềm tin, vốn dĩ bao gồm niềm ao ước có được những Mối Phúc Thật, Chúa hứa ban; và cả quà tặng Ngài phát tặng cho niềm tin nữa.
Ý-chí, từ đó, đón nhận và đưa mọi sự vào với con người một cách thiện-nguyện, qua niềm tin. Trên thực tế, ta không chỉ thấy mỗi “tập-tính” quen thuộc đã và đang làm công việc này qua và bằng ý-chí, nhưng “tập-tính” đã trở thành chuyện cố-định –tựa hồ như khi ta dính-dự vào với sự thật ổn-cố, rất định đoạt.
Đây, là cung-cách tập cho trí-tuệ có được tính quen thuộc trong kiến-tạo động-tác “tin”, ngõ hầu khiến nó tiếp tục làm mãi chuyện như thế. Cũng vậy, động-tác “tin” trở thành cố-định như vẫn tồn tại, cả khi con người vi-phạm trọng tội đến chết được; và như thế, đã mất đi lòng bác ái/mến thương (trừ phi ta quan niệm lỗi tội như một bất trung minh nhiên).
Chính cảm-xúc duy-trì niềm tin nơi ta và cho ta. Ở động tác tin-yêu thần thánh, hai khả-năng nơi ta thường nâng cao lên tận tầm-cỡ của Thiên Chúa, tức: bằng cả tâm-can lẫn trí-tuệ. Những gì khi xưa ta vẫn sử-dụng tiếng La-tinh như câu nói: “pius credulitatis affectus” (tức: cảm xúc sốt mến vẫn ở niềm tin) đã có cùng bản-chất của sự việc cố-định như thế.
Yêu-thương Chúa, qua và bằng sự thể như thế, trước nhất là tình thương-yêu mang tính siêu-nhiên, nói theo cung-cách di-truyền-học. Thương-yêu ấy, bao gồm lòng khao-khát/ước vọng mới chớm phát, về Mối Phúc Thật rất thánh thiêng xưa Chúa hứa cho ta, mà mỗi người trong ta vẫn tin tưởng sẽ lĩnh nhận.
Khi cứu xét đề-nghị nào đó mà ta tin, bằng vào niềm tin kiên định, thì đó là sự thật được tỏ-bày, trong đó có cả tính chủ-quan lẫn khách-quan rất đối tượng. Ở đây, còn có tính-cách rất “tôn kính”. Ở đây, chìa khoá chính của công-thức nằm ở trong đó, có tính chủ quan lẫn khách-quan, rất miên trường.
Ta không có khả-năng khẳng-định công-thức ấy, mà không qua và không bằng vào niềm tin ta có. Và, khi ta khẳng định được điều ấy, lại đã có “luồng sáng mới” soi dọi ý-nghĩa của cả chủ thể lẫn đối tượng; soi dọi tiềm-năng tương-hợp cũng như kết-hiệp thực-thụ. Ví dụ cụ thể, là: nhiệm-tích Ba Ngôi Đức Chúa, sự kiện Chúa Nhập-thể và sự hiện-diện rất Thánh Thể của Chúa.”(X. Lm Kevin O’Shea, bđd)
Để hiểu rõ ý-nghĩa của đấng bậc vị vọng nhà Đạo mơi vừa kể, tưởng cũng nên đi vào vùng trời truyện kể, với những lời như sau:
“Bố tôi là một bác sĩ phẫu thuật giỏi, ông đã từng phẫu thuật cho rất nhiều người, có những người rất bình thường. Có những người nổi tiếng, có những người giàu có và cả những người nghèo. Có người nhiều năm sau vẫn đến cảm ơn cha tôi vào những ngày lễ tết, có những người không bao giờ gặp lại.
Trong số những người không bao giờ quay lại có một cậu bé mà cha tôi luôn nhắc đến mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm về nghề nghiệp của mình với tất cả tình âu yếm.
Cậu bé ấy bị mù, một buổi sáng cậu được đưa đến phòng khám của bố, ở bàn chân có một vết thương lâu ngày và trở nên nguy hiểm đến không chỉ đôi chân mà cả tính mạng của cậu. Mọi người xung quanh cậu đã không quan tâm săn sóc cậu đúng mức, còn cậu bé thì rụt rè, có lẽ cậu đã không muốn làm những người xung quanh phải bận tâm về mình nên đã cố chịu đựng vết thương cho đến khi nó trở nên đau đớn không chịu được.
Trong một năm liền cứ ba lần một tuần cậu đến chỗ bố tôi và bố cắt bỏ hết những chỗ thịt bị hư hại, rồi bôi thuốc, băng bó mà không lấy tiền. Bố nói rằng ước muốn của bố là có thể cứu được đôi chân của cậu bé mù đó bởi bố đoán rằng trong cuộc sống cậu đã gặp khá nhiều thiệt thòi và bất hạnh, bố không muốn phải cưa chân cậu.
Nhưng rồi bố thất bại, vết hoại thư đã lan rộng đến mức không cắt bỏ nhanh chóng cậu bé sẽ chết. Bố rất buồn vì điều đó, thậm chí cảm thấy thất vọng về bản thân mình.
Rồi ngày phẫu thuật cũng đến. Bố đứng bên cạnh cô y tá gây mê khi cô ta làm công việc của mình, lặng nhìn cơ thể bé nhỏ ấy đang chìm dần vào giấc ngủ. Sau đó ông chầm chậm giở miếng vải phủ chân cậu bé lên, và ở đó, trên ống chân gầy gò của cậu, bố nhìn thấy một hình vẽ mà cậu đã mò mẫm vẽ trong bóng tối của mình để tặng bố, đó là một gương mặt hay đúng hơn là một hình tròn có hai mắt, hai tai, một cái mũi, một cái miệng đang mỉm cười, ở bên cạnh là một dòng chữ nguệch ngoạc: “Bác sĩ ơi, hãy mỉm cười”.”(truyện rất ngắn do “Sưu tầm” siêu tầm)
Kể nhiều bằng truyện hoặc bằng lời thuyết-giảng hay gì gì đi nữa, cũng chỉ để nói lên những điều hay hoặc dở ở đời người, rồi từ đó rút ra một kết-luận làm bằng để mình và người cứ theo đó mà thực-hiện trong cuộc sống.
Nghĩ thế rồi, hẳn người kể hoặc người nghe, lại sẽ tiếp tục bật máy hát lên nghe lại những câu ca-từ đầy ý-nghĩa, rằng:
“Chúa đã bỏ loài người.
Phật đã bỏ loài người.
Này em có nhớ cuộc đời.
Này em có biết loài người.”
(Trịnh Công Sơn – bđd)
Nghe thế rồi, bạn và tôi cũng đừng quên những lời vàng trong Kinh/Sách vẫn cứ đọc:
“Đức Kitô Giêsu đã đến thế-gian,
để cứu những người tội lỗi,
mà kẻ đầu tiên là tôi.
Sở dĩ tôi được thương xót,
là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày
tất cả lòng đại lượng của Ngài nơi tôi
là kẻ đầu tiên,
mà đặt tôi làm gương
cho những ai sẽ tin vào Ngài,
để được sống muôn đời.
Kính dâng Vua muôn thuở
là Thiên Chúa bất diệt,
vô hình và duy nhất,
kính dâng Ngài danh dự và vinh quang đến muôn thuở muôn đời.”
(1Tm 1: 1: 16-17)
Hát mãi và nghe truyện mãi, rồi cũng phải đi về một kết cục, những bảo rằng: Đời người có vui buồn, hay dở thế nào đi nữa cũng vẫn là cuộc đời của con người. Tốt hơn cả, là cứ thế mà chấp-nhận rồi từ đó hoàn-thiện-hoá nó cho tươi cho đẹp, theo đúng ý của mỗi người và mọi người, trong đời.
Trần Ngọc Mười Hai
Có những lần
Vẫn tự nhủ lòng mình
ra như thế.