Chuyện phiếm Đạo/đờiVăn - Nghệ

“Đêm đông lạnh bên đường vắng” | Chuyện phiếm Đạo/Đời

Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 23 thường niên năm C 08/9/2019

“Đêm đông lạnh bên đường vắng”

“Công viên buồn ánh đèn trắng
Bầy chim đã rũ trên cành
Trời mưa xuống, ai xa dần”…
(Phạm Anh Dũng – Đêm Đông Lạnh Trời Mưa Xuống)

(2Corinthô 12: 21)

Không giá lạnh không rét buốt, đâu phải mùa Đông. Mùa Đông hay đêm Đông ở đâu đi nữa, vẫn làm mùa là đêm rất lạnh lùng, lạnh lẽo, lạnh cả con tim, như câu ca bài hát còn tiếp tục như ở dưới:

“Đêm đông lạnh mây lạc bến.
Ghế đá buồn không người đến.
Người phiêu lãng đã xa vời.
Trời mưa xuống lá rụng rơi …
Đêm đông lạnh ai đàn trong gió.
Âm điệu buồn xóa nhòa vần thơ.
Và về đâu bao cánh sao mờ?
Và tìm đâu bao nghìn ước mơ?
Đêm đông lạnh, con thuyền không bến
Trong sương mờ tiếng hát lênh đênh:
Cuộc tình xưa tiếc mấy cho vừa,
Ngàn lời gió đưa mộng vào mưa …
Đêm đông lạnh em ngồi đó
rũ tóc buồn bên trời gió
Ngàn cây lá rớt bên thềm
Trời mưa xuống trên vai mềm
Đêm đông lạnh ôi lạnh giá!
Tiếng guốc buồn xa vội vã
Giòng sông cũ nước cuốn trôi.
Trời mưa xuống … Thấm … bờ … môi …

(Phạm Anh Dũng – bđd)

Cái lạnh của mùa Đông, đâu bằng cảnh trí rất lạnh lùng ở nhà Đạo như đấng bậc còn trần tình bằng câu đáp trả cho thắc mắc được bàn thảo vào hôm trước, nay lại có câu hỏi như ở dưới:

“Thưa Cha,

Vừa rồi, ngài có giải thích thắc mắc về một tài-liệu của Tòa Thánh Vatican từng dẫn chứng học thuyết về giới tính nam/nữ. Vì khuôn khổ của trang báo, cha có hứa sẽ tiếp tục bàn thêm chuyện này qua bài viết. Vậy thì, cha có sẵn bài này chưa để nói thêm cho rõ nghĩa, xin cho biết.”  

Và, câu trả lời của bậc cha chú đáng kính, rất như sau:

“Bài viết có nhan-đề: Nam và Nữ, Người tạo-dựng nên họ tiến tới con đường đối-thoại về học-thuyết về giới-tính trong địa-hạt giáo-dục, bài này do Thánh bộ Giáo-dục và Giảng dạy của Công giáo xuất hiện vào tháng 2 năm 2019. Sau khi bàn-luận về 3 nguyên-tắc dẫn giải là: lắng nghe, lý-luận, đề-nghị. Và, tài-liệu này còn đề ra cho các nhóm/hội đoàn thể khác nhau có dính-dự đến giáo-dục tiêu-chuẩn định-liệu. 

Nguyên-tắc thứ nhất bàn về gia-đình là nơi chốn thường tình dành cho tương-quan bổ sung cho nhau giữa nam-nhân và nữ-phụ hầu tìm ra giải pháp tốt nhất mà thực-hiện. Gia-đình là yếu-tố tự-nhiên trước tiên có trách-nhiệm giáo-dục con cái. Bản-văn đây, nhấn mạnh hai quyền-lợi chính-yếu hướng về việc này. 

Quyền-hạn đầu tiên của gia-đình là môi-trường tiên-quyết đào-tạo con cái, trong đó có cả chuyện giáo-dục sinh-lý có hiệu quả. Đây là quyền căn-bản của mọi người, qua đó tất cả mọi chương-trình giảng-dạy như tạo trường lớp an-toàn được coi như đã lấy đi khỏi gia-đình để chuyển cho trường-học, nhất thứ là khi đứa trẻ muốn tự chọn cho nó giới tính khác với thực-tại mà bậc mẹ cha cứ chống-đối lối chuyển giới. 

Quyền thứ hai, tạo cho con trẻ lớn lên trong gia-đình có cha là nam-giới và có mẹ là nữ-giới cốt giúp cho đứa trẻ lớn lên trong tình-trạng trưởng-thành có hiệu-quả. Cả chuyện này nữa cũng là chuyện nền-tảng ở đất nước từng hợp-pháp-hóa hôn-nhân đồng tính qua đó, các loại tương-quan/liên-đới chối-bỏ việc bổ-sung vai-trò của đám con cùng một cha một mẹ.  

Tài-liệu đây, lại nói tiếp về vai trò trường lớp trong việc bổ túc cho gia-đình. Mục-tiêu các trường Công-giáo nhắm, là thăng-tiến con người hầu tìm ra sự thật về nam-tính trong bản tính ‘người’ của Đức Giêsu. 

Tài-liệu đây còn nhấn mạnh là: trường lớp có vai trò đối-thoại với gia-đình và tôn-trọng văn-hóa gia-đình, lắng nghe nhu-cầu thiết-thực và kỳ-vọng của con cái. Trường lớp phải giúp con trẻ lớn mạnh trong thương yêu hầu phát-triển khả-năng sống biết đối đầu mọi chuyện như giòng dâm-thư và lượng mức quá tải về kích-thích-tố khả dĩ bóp méo tình-dục. Với xã-hội tổng-thể, tài-liệu này còn đề-cập đến chuyện bảo rằng: tiến-trình giáo-dục phải tạo tầm nhìn về tình-cảnh xã-hội hiện-tại, trong đó văn-hóa hôn-nhân đang trên đà tụt dốc.  

Nói chung, phải có giây liên-kết gia-đình, trường học và xã-hội; nhưng giây nối kết này, theo tài liệu nói đây cho biết, đang gặp khủng-hoảng khá dữ-dội. Mọi phía dính-dự chuyện giáo-dục phải tự gánh trách-nhiệm của mình nhân danh bậc mẹ cha có sự đồng-thuận của các đấng. 

Tiếp đến, tài-liệu đây cũng hướng về nhà đào-tạo là người cộng-tác vào việc đào-tạo người học trò theo đường-lối nào khác. Có thể, các vị lại gây ảnh-hưởng mạnh trên các học-viên của mình và vì lý do này, họ phải sở-hữu không chỉ phẩm-chất hoặc năng-lực chuyên-môn mà thôi, nhưng cả đến việc chuẩn-bị văn-hóa cùng thiêng-liêng nữa. 

Họ phải khích-lệ học-trò bằng gương sáng của chính mình; bởi như Đức Giáo Hoàng Phao lô Đệ Lục từng bảo: “Con người ngày nay quyết lắng nghe một cách ý-thức qua tư-cách chứng-nhân hơn bậc giảng dạy. Và, nếu như con trẻ biết lắng nghe bậc thày mình, đó chỉ vì các vị là chứng-nhân nhiều hơn”. (X. tông thư Giáo dục nhân bản đoạn 41) 

Các nhà giáo-dục cũng phải chuẩn-bị để quan-tâm đến học-thuyết giới tính hầu qui về các dự thảo luật hiện-hành được đề-nghị về vấn-đề này. Đồng thời, các vị phải biết phát-triển tài-liệu giảng dạy mới khả dĩ cống hiến tầm nhìn nhân-bản, lành lặn về nhân bản mà đối đầu với loại chất-liệu chỉo tầm nhìn phiến-diện, hoặc méo mó. 

Ở phần kết-luận, tài-liệu nói ở đây còn cho thấy đường lối đối-thoại vốn bao gồm việc lắng nghe, phân-tách và đề-nghị tầm nhìn của giới Công giáo, tức: phương-cách hiệu-nghiệm hơn khả dĩ đưa người trong cuộc chuyển đổi theo cách tích-cực mọi quan-ngại cũng như hiểu lầm về học-thuyết giới tính. 

Văn-hóa đối thoại, không mâu thuẫn với các khát-vọng xứng-hợp của trường Công giáo hầu duy-trì tầm nhìn của mình về dục-tính nhân-bản hầu gìn giữ quyền-hạn của gia-đình vốn đặt nặng vào việc giáo-dục con cái theo tầm kích nhân-chủng của người mình theo đúng căn tính của nó. 

Tình-trạng dân-chủ, không làm suy-giảm lĩnh-vực giáo-dục về việc cống hiến cho trường lớp về tư-tưởng, đặc-biệt là những vấn-đề cực-kỳ tinh-tế liên quan đến nền-tảng con người tự bản-chất và tạo cho bậc mẹ cha quyền tự do chọn mẫu giáo-dục riêng sao cho xứng-hợp với phẩm-giá con người.” (Lm John Flader, “Putting kids, not sex, first” trong The Catholic Weekly ngày 18/8/2019 trang 27) 

Nắm vững nguyên-tắc căn bản về giáo dục rồi, nay mời bạn/mời tôi, ta tản bộ vào vườn hoa truyện kể qua câu truyện có nhan đề là: “Tôi kể bà nghe” hầu minh-họa những gì ta đã, đang và sẽ bàn tới. Truyện kể, là truyện như thế này:           

‘Tôi kể bà nghe’, là bức thư của một cụ ông 86 tuổi gửi cụ bà đồng trang lứa khiến giới trẻ nhận ra được  ‘tình yêu’ đúng cách như sau: 

“Tôi kể bà nghe…
Lũ trẻ bây giờ yêu nhau buồn cười lắm!
Chúng mình bên nhau cả đời chưa chán, vẫn mong thời gian kéo dài mãi để được bên nhau, còn chúng đang ở bên nhau mà cư tính tháng, tính ngày…”

Đây là đoạn mở đầu thư “Tôi kể bà nghe” mà cụ ông 86 tuổi gửi cho vợ mình. Dù chỉ là tâm sự của hai người mà thôi; nhưng các cụ lại nhận được sự đồng cảm và quan tâm của nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ.

Là người trẻ, tôi luôn mang trong đầu câu hỏi: vì sao người già lại có thể bên nhau cả một đời, mãi cho đến đầu bạc răng long mà tình nghĩa vẫn thủy chung, son sắt; còn đôi nam thanh nữ tú ngày nay yêu nhau thật chóng vánh, mới hôm nay yêu thương mặn nồng là thế, nhưng mai ngày đã xem nhau như người dung nước lã, có khi còn oán trách, hận thù nhau nữa.   

Tôi kể bà nghe…
Chẳng biết tôi với bà có quá lạc hậu hay không, Hay vì lũ trẻ bây giờ học đòi tân thời, chúng cứ nghĩ yêu đương là bỏ mặc tất cả,
Như thế là bỏ mặc… chẳng nghĩ gì đến nỗi lòng cha mẹ, họ hàng. 

Tôi kể bà nghe…
Lũ trẻ bây giờ yêu nhau kỳ lạ lắm. Chúng cứ bảo: mình yêu nhau mãi mãi, yêu hết mình, mà chẳng bao nhiêu đứa đi được với nhau đến cuối đường. Chúng lướt qua cuộc đời của nhau nhưng lại chẳng là gì của nhau, Chúng “biến” tình yêu thiêng liêng thành một thứ  định nghĩa hết sức tầm thường… 

Tôi kể bà nghe…
Tôi với bà vấn vương cái tình, cái nghĩa
Hơn sáu chục năm trời mà thấy vẫn chưa đủ…
Còn lũ trẻ bây giờ hễ chán rồi là bỏ nhau ngay,
Cứ thất tình khóc lóc xong rồi lại ngủ vùi,
Sáng mai thức dậy lại cứ rêu rao:
“Mình tìm một người khác tốt hơn, đẹp hơn”. 

Có thể, giòng tâm sự do cụ kể, đã chạm đến trái tim của nhiều người! Bởi, nhiều người trong ta đều thấy loáng thoáng hình bóng của mình trong đó. Có thể, chuyện đó không vì mình sống thiếu trách nhiệm, hoặc mình không coi trọng tình yêu, mà bởi ta không hiểu tình yêu đích-thực là gì.

Ta quan tâm nhiều đến bản thân, nhưng lại quên rằng: tình yêu cần “nghĩ đến người khác”, không phải chỉ nghĩ cho người yêu mà thôi, nhưng còn nghĩ đến người thân, cha mẹ, họ hàng xung quanh nữa…  

Ta quá quan tâm đến cảm xúc hiện tại, nhưng lại quên rằng: những thứ đó thay đổi rất nhanh; và, chỉ khi nào tình yêu đi chung với “trách nhiệm” thì khi đó nó mới tồn tại lâu dài. 

Tôi kể bà nghe…
Tuy mình già nhưng không yếu lắm đâu! Trái tim của tôi với bà vẫn cùng đập một nhịp yêu thương,
Lũ trẻ bây giờ, chúng trao cho nhau trái tim đã bao lần vụn vỡ…
Rồi chúng đau khổ và thở than hỏi rằng: vì đâu nên cớ sự? 

Tôi kể bà nghe…
Vì chúng không biết trân trọng nhau khi ở cạnh bên! Còn thời chúng mình, cái gì vỡ thì ta cùng nhau hàn gắn nó. Bọn trẻ, chúng thích tân tiến, nhưng lại dễ dàng vứt bỏ đi những gì  xưa cũ để chạy theo cái mới, nên chúng chẳng giữ được điều gì bền vững vượt thời gian. 

Con người không ai là hoàn hảo, toàn thiện. Người này đẹp, sẽ có người khác đẹp hơn; người này giỏi, lại cũng có người khác giỏi hơn. Thế nên, nếu ta cứ mải đeo đuổi mẫu hình hoàn mỹ, thì sẽ có ngày chính ta chuốc lấy khổ đau mà thôi.  

Và, sự phản bội của ngày hôm nay có lẽ sẽ còn tiếp diễn mãi trong tương lai và ta cũng rất dễ trở thành nạn nhân của chính tương-lai ấy. Nếu không biết trân trọng người đang ở cạnh mình trong hiện tại, thì hễ có vấn đề gì là họ sẽ bỏ cũ thay mới, chắc chắn sẽ “chẳng giữ được điều gì bền vững, vượt thời gian”. 

Các cụ xưa, xem hai tiếng vợ chồng rất thiêng liêng, đẹp đẽ bởi các cụ hiểu biết và tôn trọng lời thề khi kết hôn, trân trọng những hi sinh mà người bạn đời dành cho mình, nên dù chuyện gì xảy đến các cụ vẫn “cùng nhau hàn gắn”. Và có thể cũng vì lý do đó mà, dù có trải qua bao thăng trầm của đời người, cả khi các nếp nhăn hiện đầy trên mặt và tay chân có run rẩy yếu đuối, các cụ vẫn muốn ở cạnh nhau, vẫn cùng nhau đập chung một nhịp yêu thương”.  

Tôi kể bà nghe… Ông cha ta có câu:
“Dẫu cho chẳng có bạc vàng,
Bên anh chỉ có mình nàng, anh vui!” 

Khi đã về sống chung một nhà, thì ngoài chữ “tình” vợ chồng sống với nhau, người ta còn vì hai chữ “ân nghĩa” nữa. Người xưa còn nói “Tu trăm năm mới đi chung một con thuyền, tu ngàn năm mới nên duyên vợ chồng”. Từ hai con người xa lạ, không quen biết gì nhau vẫn có thể cùng nhau đi chung cùng một con đường, việc ấy đâu giản đơn. Vậy nên, dù có bao nhiêu bạc vàng của cải đi nữa, cũng chẳng là gì khi được ở cạnh người mình thương. 

Và, điều cuối cùng, cũng là điều quan trọng nhất trong thông điệp mà cụ ông gửi đến chúng ta: 

Người ta sống ở trên đời,
Quý nhân, trọng nghĩa, là người an yên.         

Dù ta đang sống ở thời nào đi nữa và các chuẩn mực đạo đức có đổi thay ra sao đi nữa, thì cũng nên nhớ: Đã là vợ chồng, hãy trọn đời sống thủy chung. Cuộc đời này quá ngắn để ta chuộc lỗi một khi ta gây thương tổn cho người mình yêu.

Bạn không cần giàu có, không cần địa vị, càng không cần nhan sắc để có thể ở gần bên ai đó, bạn chỉ cần là người tốt, cũng đã đủ.”
(Truyện do Hiếu Minh chuyển lên mạng)

Người kể hôm nay mới chỉ kể những gì xảy ra ở đời, với người đời mà thôi. Với nhà Đạo, thì truyện kể lại sẽ khác do giòng chảy xuyên-suốt như Kinh Sách trình-bày qua câu nói của bậc thánh hiền sau đây:

“Tôi sợ rằng lần sau đến thăm anh em,
Thiên Chúa của tôi
lại để tôi phải nhục vì anh em,
và tôi phải than khóc nhiều người trước đây đã phạm tội,
mà nay chẳng chịu ăn năn hối cải
về những việc ô uế,
gian dâm
và phóng đãng họ đã làm.”
(2Corinthô 12: 21)

Người kể, làm gì thì làm vẫn cứ làm những gì mà người nghe hằng trông đợi sự việc sẽ trắng đen, một tình tiết. Những tình và tiết như truyện kể thêm ở bên dưới, cho đủ nghĩa:

Truyện rằng:
Công việc chậm trễ, Viên Giám đốc cáu kỉnh đi tham sát nhà máy. Mọi người đều lật đật hối hả. Ở góc xưởng, ông nhìn thấy 1 anh chàng mặc quần jeans, vắt chéo rung đùi, nghe nhạc trên “Iphone”, viên giám đốc hỏi:
– Anh làm gì ở đây?
– Dạ, ngồi chơi.
– Mỗi tuần anh làm được bao nhiêu?
– Khoảng $400.00
Viên giám đốc móc túi:
– Đây $1.600. một tháng lương của anh. Hãy cầm lấy và đừng bao giờ trở lại đây nữa
– Vâng.
Chàng trai cầm tiền đi khuất. Sau đó, viên giám đốc hỏi một công nhân ở gần đó:
– Anh ta làm gì ở đây vậy?
– Anh ta đến giao hàng bánh Pizza.”
(Truyện kể trên mạng không ghi tên tác giả)

Truyện kể hôm nay lại cũng không ghi tên người chế biến, nhưng vẫn là chuyện thường ngày rất hay kể. Kể truyện hay hoặc dở vẫn là sự việc thường thấy, đâu có gì lạ kỳ. Chỉ kỳ và lạ có mỗi điểm là: sự việc ta đang bàn ở đây, vẫn mang nhiều uẩn-khúc tư riêng của người kể. Thôi thì, kể gì thì kể, vẫn cứ là chuyện đời thường được kể trong đời, thôi.

Kể rồi, nay ta về với ca-từ ngọc-ngà có tình tiết được lặp đi lặp lại, rằng:

Đêm đông lạnh em ngồi đó
rũ tóc buồn bên trời gió
Ngàn cây lá rớt bên thềm
Trời mưa xuống trên vai mềm
Đêm đông lạnh ôi lạnh giá!
Tiếng guốc buồn xa vội vã
Giòng sông cũ nước cuốn trôi.
Trời mưa xuống … Thấm … bờ … môi …

(Phạm Anh Dũng – bđd)    

Đêm đông lạnh em ngồi đó, rũ tóc buồn bên trời gió”… vẫn là và còn là tình-tự của tôi, của bạn, của nhiều người, mãi khôn nguôi. 

Trần Ngọc Mười Hai
Lại cũng mang trong người
Tâm-trạng của người kể truyện
rất khôn nguôi
mà thôi.

Bài liên quan

Back to top button