Chút suy tưVăn - Nghệ

Hãy nói “Chúc mừng cuộc sống” | Mai Nhật Thi | Nghệ Thuật Sống

Hãy nói “Chúc mừng cuộc sống”

“Hoài niệm chính là sự bấu víu vào những điều tốt đẹp mà bạn không bao giờ muốn đánh mất” (Lời hay ý đẹp).

Chuyện một người kể:

Nhiều năm trước, khi tôi khoảng năm sáu tuổi, ông nội đã cho tôi một ly rượu bằng bạc của nước Nga. Nó nhỏ đến mức chỉ chứa được khoảng một lóng tay rượu, song trên thân ly lại có hình một dải nơ dài được chạm khắc rất tinh xảo. Mỗi khi tôi mất tập trung hay sao nhãng việc học, ông lại mang ra chai rượu nho Concord cất giữ trong góc tủ lạnh, rót một ly vào cái ly nhỏ của tôi rồi thêm phần mình vào một cái ly bạc cổ. Sau đó hai ông cháu sẽ cùng nhau cụng ly và nếm rượu.

Ông đã dạy tôi một từ gốc Do Thái cổ “L’Chaim” (*), nó có nghĩa là “Chúc  mừng cuộc sống”. Ông luôn nói “L’Chaim” với sự hào hứng kỳ lạ.

– Từ này có nghĩa là chúc mừng vì chúng ta có một cuộc sống vui vẻ phải không ông ? – Tôi thắc mắc.

– Chỉ là “Chúc mừng cuộc sống” thôi, cháu ạ. Người Do Thái trên khắp thế giới luôn nói “L’Chaim” mỗi khi cụng ly từ ngàn đời qua. Đó là một truyền thống để nhắc nhở chúng ta rằng, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn hay bất công, song nó vẫn là món quà quý giá nhất mà Thượng Đế ban tặng cho chúng ta. Người Do Thái chúng ta đã phải đấu tranh, chịu đựng quá nhiều đau thương và mất mát để tồn tại, vì thế chúng ta rất yêu quý và trân trọng cuộc sống.

Đã gần 50 năm kể từ lần cuối hai ông cháu trò chuyện cùng nhau, nhưng tôi vẫn nhớ như in ánh mắt lấp lánh niềm vui của ông mỗi khi nói “L’Chaim”. Giờ đây, sau nhiều năm làm việc với những bệnh nhân ung thư, chứng kiến họ đấu tranh với Tử thần để giành lấy cuộc sống, tôi mới thấu hiểu hết ý nghĩa của từ này. Sự sống thật đáng quý biết bao !

………………….

 ( * ) “L’Chaim”, từ chữ luh-khah-yim của Ashkenazic Hebrew – những người Do Thái có tổ tiên đến từ Trung hay Đông Âu.   (a Jew who ANCESTORS came from central or eastern Europe).

Từ “L’Chaim”, cũng từ chữ luh-khah-yeem  của Sephardic Hebrew – những người Do Thái có tổ tiên đến từ Tây Ban Nha hoặc từ bắc Phi (a Jew who ANCESTORS came from Spain  or N Africa).

__________________

Chút Suy Tư

Chúc Mừng Cuộc Sống

+ 1. Ngày Chào Đời

Ở đây chúng ta không đề cập đến những trường hợp riêng biệt về việc nhiều người đã loại trừ thai nhi ra khỏi cuộc đời, hay những hoàn cảnh đẩy đưa con người chối từ cuộc sống, chúng ta chỉ nói về quy luật chung của con người  mà với sự tôn trọng giá trị nhân phẩm bình thường ai cũng chấp nhận.

Hãy hình dung niềm vui của một người mẹ đón nhận một đứa con chào đời, hay đôi vợ chồng trẻ cảm nhận hạnh phúc đến thế nào ngày đem vào cuộc đời một sự sống mới. Có những người mẹ dám hy sinh mạng sống để bảo vệ đứa bé, có những gia đình đầy khó khăn nhưng chấp nhận giữ gìn đứa bé như món quà quý giá mà Ơn Trên ban tặng.

Thí dụ tâm tình của một người mẹ : “Lần đầu nhìn thấy con sau 9 tháng cưu mang, mẹ thật hạnh phúc và xúc động. Đứa con bé bỏng của mẹ, mặt hồng hào và trong sáng. Chúc hài nhi bé bỏng của mẹ lớn lên khỏe mạnh và vui tươi” (The first time I saw my baby after 9 months pregnant. Mom was really happy and touched. Little baby’s mother, rosy face and smart. Wish your baby’s baby grow up healthy anh happy).

Còn nữa, những người thân, bạn bè, láng giềng… ai ai cũng cảm thấy vui lây và hòa niềm vui ngày đứa bé chào đời.

+ 2. Mừng Sinh Nhật

Rồi theo dòng đời, đứa bé lớn lên. Trước tiên là Mừng Đầy Tháng, rồi thôi nôi, Ngày Sinh hằng năm (Happy Birthday) thường lệ, rồi những cột móc thời gian quan trọng, như lễ Pha Lê (20 năm), Lễ Bạc (25 năm), lễ Vàng (50 năm) … nói chung, đó là những ngày nhắc nhớ sự quý giá mà một cuộc đời đang hiện diện trong cuộc sống này.

+ 3. Trở về cát bụi

Rồi cuộc đời cũng qua. Dù niềm tin Tôn giáo như thế nào, đó là chuyện tâm linh, còn ngày từ bỏ cuộc đời, đối với mọi người, vẫn là ngày tang tóc. Nên ngày lìa trần vẫn được báo là Tin Buồn, là Ai Tín, và câu dẫn nhập tin buồn vẫn là Vô cùng thương tiếc…

Người đi bịn rịn bỏ lại con thơ, bỏ lại những người thân yêu còn cần được kề bên chăm sóc, khuyên răn… Người ở lại thấy lòng trống vắng, nhiều kỷ niệm trở về thêm xót xa… nhiều nhiều lý do khiến dòng lệ cứ trào tuôn cứ trào tuôn…

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai ? (Chinh Phụ Ngâm).

Cuộc chia ly khi tạm xa nhau thời chinh chiến mà còn đẫm lệ như thế – dù sao cũng còn mộng ngày tái ngộ, cho dù rất mong manh – huống chi là cuộc chia ly mãi mãi, là vĩnh biệt ngàn thu.

Cuộc đời đẹp biết bao, nên khi chấm hết, biết bao là đau xót.

+ 4. Ý nghĩa một cuộc đời

Nên, chúng ta phải biết trân trọng cuộc đời. Đừng làm hao phí. Có ai đó đã nói :”Hãy sống sao khi ta chào đời, ta khóc người cười, khi lìa đời, ta cười người khóc”.

Ta “cười” vì cho dù ngày ra đi có tiếc nuối, trong tận đáy lòng ta, trong tâm hồn ta, vẫn bình an vì đã sống một cuộc đời có ý nghĩa.

Đó là một truyền thống để nhắc nhở chúng ta rằng, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn hay bất công, song nó vẫn là món quà quý giá nhất mà Thượng Đế ban tặng cho chúng ta (trích truyện).

Thượng Đế ban tặng cho chúng ta cuộc đời – món quà – sự sống – và món quà này, sự sống này,  là kho vàng mà chúng ta phải biết tự gìn giữ , trân trọng và góp phần chiếu sáng cuộc đời.

Con là đứa con của Thiên Chúa. Là anh em song sinh với ánh bình minh. Con đã theo dòng nước trôi xuống cuộc đời trần gian này, và cuối cùng con đã được đặt vào trong lòng mẹ.

Khi mẹ ngất ngây nhìn khuôn mặt của con
Mẹ như bị ngập chìm trong bao điều huyền nhiệm :
Và con, vốn là của chung tất cả mọi người
đã trở thành của riêng mẹ.
Sợ mất con, mẹ sẽ siết chặt con trên ngực mẹ.
Không biết sự kỳ diệu nào đã chiếm lĩnh cái kho vàng trên cõi thế
và đặt vào đôi tay mảnh khảnh của mẹ đây ? (Rabindrannâth Tagore)

MAI NHẬT THI

Bài liên quan

Back to top button