Chút suy tưVăn - Nghệ

Hiệu Ứng Đám Đông | Mai Nhật Thi | Nghệ Thuật Sống

HIỆU ỨNG ĐÁM ĐÔNG

Câu chuyện Trái Táo của Socrate

Thế nào gọi là kiên trì chân lý?

Một nhóm học trò thỉnh giáo triết gia Socrate thế nào gọi là kiên trì chân lý?
Socrate hỏi lại các học trò:
– Thật sự các trò muốn hiểu thế nào là kiên trì chân lý ư?
Tất cả học trò đều giơ tay đồng ý.
– Được.
Nói xong, Socrate mở ngăn kéo lấy ra một quả táo đặt trên bàn, sau đó nói:
– Yêu cầu các trò tập trung tinh thần, chú ý mùi hương trong không khí.
Sau 10 phút, Socrate hỏi:
– Bây giờ các trò cho thầy biết các trò ngửi thấy mùi gì?
Tất cả học trò đều giơ tay trả lời rằng họ ngửi thấy hương táo.
Socrate, tay giơ cao quả táo rời khỏi bục giảng, học trò vây quanh đi theo. Socrate nói:
– Bây giờ các trò tập trung tinh lực, ngửi thật kỹ mùi hương trong không khí.
Socrate trở về bục giảng lại hỏi học trò:
– Lần này các trò trả lời cho thầy biết đã ngửi thấy mùi gì?
Tất cả học trò đều giơ tay nói rằng họ ngửi thấy hương táo.
Socrate lại rời bục giảng lần thứ hai, đưa quả táo tận mũi từng học trò.
Lần này chỉ có một học trò không giơ tay, trả lời là không có mùi vị gì. Còn những học trò khác đều giơ tay trả lời có ngửi thấy hương táo.
Socrate mỉm cười hỏi lại học trò không giơ tay:
– Em thật sự không ngửi thấy mùi hương gì phải không?
Lúc này, học trò nọ tỏ ra lúng túng, vội vàng giơ tay trả lời như đồng môn rằng đã ngửi thấy hương táo.
Socrate giơ cao quả táo, mỉm cười nói:
– Đây là quả táo giả, chả có mùi gì. Nhưng giờ đây, chắc các trò đã hiểu được thế nào là kiên trì chân lý rồi chứ?
_________________

Chút Suy Tư

HIỆU ỨNG ĐÁM ĐÔNG

+ 1. Dòng chảy cuộc đời

Cuộc sống như dòng chảy lôi cuốn con người vào nơi hỗn độn cát bụi mịt mờ khó mà nhận ra trắng đen hư thực.

Có biết bao thứ vây quanh con người như những cơn lốc làm mất phương hướng hay chuyển hướng đi của bao người.

Có những thứ mà con người bị lôi cuốn hay bị ảnh hưởng lúc nào không hay, như truyền thông, dư luận, thời trang, quảng cáo, du lịch, giải trí…

Thí dụ ta có thể thấy về sự ảnh hưởng của dư luận qua câu chuyện của cổ nhân ngày xưa mà bây giờ vẫn còn nguyện giá trị của nó.

Ông Tăng Sâm ở đất phi. Ở đấy có kẻ trùng danh với ông giết chết người.

Một người hớt hải chạy đến báo mẹ ông Tăng Sâm rằng :” Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ nói :”Chẳng khi nào con ta lại giết người”. Rồi bà điềm nhiên ngồi dệt cửi.

Một lúc, lại có người đến bảo :”Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ không nói gì, cứ điềm nhiên ngồi dệt cửi.

Một lúc nữa lại có người đến bảo :”Tăng sâm giết người”. Bà mẹ sợ cuống, quăng thoi, trèo qua tường chạy trốn. (Quốc Sách. Cổ Học Tinh Hoa).

Sau câu truyện này, tác giả bộ sách Cổ Học Tinh Hoa có Lời Bàn, xin mạn phép trích đoạn : “Những bậc ra được ngoài vòng dư luận, giữ vững được bụng như cây giữa rừng, như kiềng ba chân rất là hiếm, nhưng có thể được mới cao. Một chân lý có chứng minh rõ ràng, mười phần chắc chắn, thì mới nên công nhận.”

Sự việc  mẹ Tăng Sâm chạy trốn hay sự việc người học trò của Socrate cuối cùng cũng giơ tay lên giống đồng môn của mình, suy cho cùng, cũng vì Đám Đông, cũng vì Dư Luận.

+ 2. Hiệu ứng đám đông

Ngày nay, áp lực của Đám Đông rất nặng nề, đặc biệt trên Mạng Xã Hội. Người ta vội kết án hay tâng bốc người khác chỉ vì nghe đâu đó một bản tin từ một ai đó được cho là có uy tín khơi nguồn câu chuyện.

Người ta vội vã, vội vã… không sống chậm được để bình tâm suy xét thực hư những gì diễn ra…

Một ai đó là người được cho là giàu có, sang trọng, tài năng… có thể kéo theo nhiều người… hâm mộ cũng có, nịnh bợ cũng có, ăn theo người có tên tuổi cũng có… Từ đó hình thành những Đám Đông… những Fan hâm mộ, cũng tốt, có khi để làm phấn khởi những tài năng, tạo lực đẩy cho những tài năng mới vươn lên. Tiếc thay cũng có những Fan quá khích, tôi sùng thần tượng, vô tình hay cố ý tạo nên những con người kiêu căng, thấy mình quá nổi, tiếng vang quá lớn, dần dần tự cho mình mấy từ Hoàng Đế, Vua… như Hoàng Đế Nhạc Việt, Vua Boléro… nhưng lắm khi chỉ là thùng rỗng, thùng kêu to… Ai có lòng thành tâm lang thang trên mạng không khó lắm để nhận ra điều này !

Đám đông lắm khi chỉ là những người a dua, thấy ai làm gì thì làm theo, thích gì thì thích theo…

Người ta cứ chạy theo số lượng, con số đông, để định giá trị của việc làm. Điều đó cũng đúng. Thí dụ một chương trình Ca Nhạc hay thì đông khán giả. Một trang mạng hay thì nhiều người xem.

Nhưng chỉ dựa vào việc có nhiều người xem kể là nội dung hay là không đúng. Những kênh youtube độc hại vẫn có rất nhiều người xem. Ta có thể suy nghĩ thêm vấn đề này trong trích đoạn của một bài viết trên Internet sau đây :

BẤT CHẬP MỌI THỨ VÌ TIÈN

Không những thế, còn có các Youtuber thu hút người xem bằng bạo lực, dung tục, phản cảm. Hay những trào lưu vô bổ, bệnh hoạn như “24 giờ tập làm… chó”, “Đốt nhà người thân”, “Cho trẻ em thì ăn chanh”. Rõ ràng đó là những nội dung không lành mạnh nhưng vấn đề là vẫn có rất nhiều bình luận theo dõi cổ vũ, kích động. Hiệu ứng đám đông đã khiến các youtuber quên đi giá trị thuần phong mỹ tục mà lao vào cám dỗ của những lượt theo dõi, lượt xem như bầy thiêu thân bất chấp rằng những hiệu ứng tiêu cực trên mạng ảo sẽ gây ra những hậu quả xã hội rất thật. (Internet).

Hơn bao giờ hết, dòng chảy cuộc đời mang theo biết bao vẫn đục nhơ nhớp. Biết bao nhiêu cạm bẫy chờ sẵn. Bao quanh ta biết bao nhiêu người bị cuốn hút theo. “Muốn uống nước trong phải Lội Ngược Dòng”. Nhiều thử thách lắm !

MAI NHẬT THI

Bài liên quan

Back to top button