Chút suy tưVăn - Nghệ

Lòng người như lá úa | Nghệ Thuật Sống | Mai Nhật Thi

LÒNG NGƯỜI NHƯ LÁ ÚA

Ở La Mã vào thời đại César, có một người được dư luận  khen là trong sạch, tên gọi là Céciron. Céciron xuất thân  là viên quan cai trị một địa hạt cũng như chức quận trưởng.

Hoàng đế César nghe tiếng, cho mời Céciron đến xem mặt hỏi chuyện, rồi cất chức làm tỉnh trưởng; không bao lâu lại đề bạt lên chức đại thần đặc trách các công việc thưa kiện.

Lạ nhất, từ khi lên chức đại thần, Céciron lại trở thành một viên quan tham nhũng và tàn ác nổi danh. Người bạn cố cựu của Céciron là Alexis thấy vậy đã trách Céciron :

– Sao bác có tiếng trong sạch mà không giữ tiếng tăm gì cả, để làm nhân dân ta thán khắp trong ngoài, đến mất cả uy tín như vậy ?

Céciron cười nói :

– Bác khuyên, tôi đa tạ. Nhưng xin hiểu cho, tôi có bao giờ tự nhận là kẻ trong sạch đâu. Tại dư luận người ta  gán cho tôi vậy thôi.

– Nhưng sao lúc ở quận, ở tỉnh, tôi thấy bác quá đúng như lời đồn kia ? Alexis hỏi.

Céciron lại cười đáp :

– Tại họ không biết, trong những ngày giữ chức ấy, tôi thấy lễ lộc quá ít, không thèm ăn… Còn giờ, toàn gặp những món to, món lớn, thử hỏi dại gì không đớp cho sướng cái thân, bù lại những ngày tháng đã bấm gan chịu đựng.

Thế là Alexis đành xin cáo lui, chớ không thể trách gì hơn được.

(Sưu tầm)

_____________

CHÚT SUY TƯ

1. Lòng người đổi thay

“Lòng người như lá úa, trong cơn mưa chiều. Nhiều cơn gió cuốn, xoay xoay trong hồn. Và cơn đau này vẫn còn đấy” (Bài Không Tên số 2 – Vũ Thành An)

Mượn ngôn từ của Vũ Thành An, để thốt lên một lời ngao ngán như tiếng thở dài muôn thuở về lòng người : “Lòng Người như Lá Úa”.

Lòng người như Lá Úa vì lòng người thay đổi. Lòng dạ đổi trắng thay đen vì lợi lộc bản thân. Lợi lộc bản thân về nhiều phương diện: tiền, tình, danh vọng… gọn một tiếng là vì Tiền, vì có tiền – nói theo cách nói người đời – là có tất cả. “Có tiền mua tiên cũng được”.

“Tại họ không biết, trong những ngày giữ chức ấy, tôi thấy lễ lộc quá ít, không thèm ăn… Còn giờ, toàn gặp những món to, món lớn, thử hỏi dại gì không đớp cho sướng cái thân, bù lại những ngày tháng đã bấm gan chịu đựng.” (trích truyện).

Đấy ! “dại gì không đớp cho sướng cái thân“.

2. Lòng thanh khiết

“Ai được lên núi CHÚA ?  Ai được ở trong đền thánh của Người ?  Ðó là kẻ tay sạch lòng thanh” (Tv.24,3-4a).

Ngày nay, cái gì đem lại sự thanh khiết giúp ích cho sức khỏe và đời sống tốt người ta dùng màu xanh để diễn tả. Như : Bách hóa xanh. Môi trường xanh. Thực phẩm xanh. Mùa hè xanh…

Vì màu xanh là màu biểu tượng sức sống. – Tuổi xanh. Mái tóc xanh. Dòng sông xanh. Cánh đồng xanh. Rừng xanh…

Trái tim là tấm lòng. Tấm lòng tràn đầy sức sống tươi đẹp là Lòng Thanh Khiết. – “tay trong sạch và lòng thanh khiết”. (Tv.24,4a).

Sự Thanh Khiết như Màu Xanh của sự sống.

Lòng Thanh Khiết là Chân Tâm. Cái Tâm Chân Thiện. “Thiện căn ở tại lòng ta. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”(ND).

Cái Tâm Chân Thiện chứa đựng Chân Lý. Chân Lý chỉ là một, không thể đổi thay. Không biết đổi thay. “Con tim chân chính không hề biết đến nói dối” (Đêm Nguyện Cầu – Anh Bằng).

Chỉ có Cái Tâm Chân Thiện mới đứng vững trước những cạm bẫy cuộc đời. Một cái tâm luôn trong sáng trong nguồn cội lành thánh của phẩm giá con người.

3. Môi trường sống nghiệt ngã

Ca dao Việt Nam có câu :

Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Sống giữa một môi trường hôi tanh nhơ nhớp, con tim nào vẫn giữ được hương vị thơm tho của những điều thiện căn chân chính ?

Sống giữa một môi trường hôi tanh nhơ nhớp, con tim nào không nhiễm mùi ung thối hôi tanh ?

Sống trong thôn xóm nghèo nàn có gì để động lòng tham ?
Sống trong phố chợ giàu có mới thấy những cái quý giá cần chiếm đoạt !

Sống trong rừng rú bản làng có gì mà hối lộ ?
Sống nơi thành phố xa hoa mới không thể bỏ qua những miếng mồi béo bỡ miễn phí nhờ tham nhũng !

Dù sao ta cũng phải khen quan đại thần Céciron cũng còn dám nói lên sự thật lòng mình với người bạn cố cựu Alexis :

– Tại họ không biết, trong những ngày giữ chức ấy, tôi thấy lễ lộc quá ít, không thèm ăn… Còn giờ, toàn gặp những món to, món lớn, thử hỏi dại gì không đớp cho sướng cái thân, bù lại những ngày tháng đã bấm gan chịu đựng. (trích truyện).

Để gìn giữ được “Tay sạch Lòng thanh”,  ai cũng phải biết tự giáo dục chính mình và đón nhận sự giáo dục từ nhiều phía trong cuộc đời.

Lòng chúng ta mãi mãi xanh tươi hay sẽ như lá úa, hổng dám kết luận đâu !

Mượn lời nhắc nhở của Thánh Phao-lô, ta ngẫm suy và bình tâm tiến bước.

“Bởi vậy, ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã.” (1Cor.10,12)

MAI NHẬT THI

Bài liên quan

Back to top button