Chút suy tưVăn - Nghệ

Con Lạc Đà Tự Tin | Mai Nhật Thi | Nghệ Thuật Sống

Con Lạc Đà Tự Tin

Những con thú chạy nhanh như nai, hươu, chó rừng và kể cả chú lừa vụng về cũng hùa vào chế giễu chú lạc đà về sự chậm chạp, nhưng anh chàng lạc đà chẳng thèm mảy may để ý.

Bác ngựa già hỏi lạc đà :

– Sao chú mày không giận ?

– Cháu chẳng việc gì phải thế – Lạc đà nói – Họ sẽ không chế giễu cháu nữa khi cháu băng qua sa mạc Taklamakan *

– Tại sao ?

– À, vì không ai trong số họ có ở đó và cũng không ai có chỗ để chăm chăm cháu – Lạc đà trả lời.

(The Camel ‘s Self-confidence. Contemporary Chinese Fables)

____________

Chút Suy Tư

Tự Tin

Câu chuyện ngụ ngôn thật ngắn nhưng giá trị của nó thật nhiều. Mạo muội phân tích ở đây để cũng suy nghĩ cho vui, nếu có chút ít gì đó bổ ích thì cũng là niềm vui được chia sẻ vậy.

+ 1. Đừng lấy mình làm chuẩn mực đo giá trị người khác.

Ngay đoạn đầu câu chuyện ta đã thấy một lũ thú hùa nhau “chế giễu” con Lạc Đà, chỉ vì con Lạc Đà “chậm chạp” hơn lũ thú này. Mà đúng vậy, mấy con thú kể trên là Nai, Hươu, Chó rừng, kể cả chú Lừa là con vật chậm nhất trong bọn cũng còn nhanh hơn con lạc đà.

Nhưng giá trị của một loài – cũng như của một người – không phải chỉ là … chạy giỏi !

Lũ thú rừng này (bởi trong câu chuyện nói rõ là chó rừng, nên chắc tác giả muốn nói chuyện… trong rừng) thấy cái ưu điểm của chúng là đứa nào đứa nấy đều chạy giỏi, và lấy cái đó ra làm chuẩn mực để chê con lạc đà là “chắc ăn” con Lạc Đà không còn chối cãi. Ngoài ra, chúng không cần so sánh thứ gì khác nữa, chúng không so sánh thứ gì khác nữa vì chúng không biết chính rõ chính mình hay không biết rõ về khả năng độc đáo ở con Lạc Đà.

Lũ thú vật chạy giỏi đó đã làm được gì hữu ích trong cuộc sống hơn con lạc đà chậm chạp đó ?

Nhiều người tự hào về cái mình đang có, và lấy cái mình đang có đó để làm chuẩn mực chê bai người khác.

Sự tự khen, tự cao, tự đánh bóng tên tuổi mình là thứ kiêu căng tự phụ che mờ đôi mắt tâm hồn, đôi mắt lương tri, khả năng nhận thức,  không còn nhận ra cái hay, cái ưu điểm, cái đáng học hỏi của người khác.

+ 2. Đừng lấy người khác làm chuẩn mực để đo giá trị của mình.

Con lạc đà là “nhân vật” điềm tĩnh và hiểu chính mình nhất. Nên những gì mà lũ thú rừng chế giễu không làm chàng ta buồn phiền.  “Anh chàng lạc đà chẳng thèm mảy may để ý.”

Sao vậy ? – Đơn giản vì những điều lũ thú rừng nói không đúng với “khả năng làm việc” của chàng Lạc Đà.

Sao chú mày không giận ? – Cháu chẳng việc gì phải thế – Lạc Đà nói – Họ sẽ không chế giễu cháu nữa khi cháu băng qua sa mạc Taklamakan *. – Tại sao ? – À, vì không ai trong số họ có ở đó và cũng không ai có chỗ để chăm chăm cháu – Lạc đà trả lời. (trích truyện).

Chàng Lạc Đà có nói ra lũ thú rừng cũng không hiểu “thế nào là băng qua sa mạc”, vì chẳng có thứ thú rừng nào có khả năng như vậy, và chẳng có thứ thú rừng nào có thể đồng hành ở đó chứng kiến việc làm của Lạc Đà để có chỗ phê bình hay ngưỡng mộ.

Chàng Lạc Đà không tự hỏi tại sao Tạo Hóa không cho nó “chạy nhanh” như lũ thú rừng kia, hay phàn nàn sao nó lại mang thân chậm chạp.

Những thứ mà lũ thú rừng đó có thể mang ra tự khoe khoang và dựa vào đó để chế giễu chàng Lạc Đà chưa chắc gì là thứ quý giá sánh với những gì chàng Lạc Đà đang có : khả năng chịu đựng để băng qua sa mạc mà không có bất cứ loài thú nào có thể thay thế hay là đối thủ.

Nên anh chàng Lạc Đà tự hiểu giá trị của bản thân mình.

Lũ thú rừng đó không có tư cánh gì để đánh giá khả năng tuyệt vời của nó.

Nhiều người đã chối bỏ chính mình vì thấy rằng mình không có giá trị như đa số người khác đánh giá. Sao không tự hỏi đa số những người đó có giá trị hơn mình không ? – Đừng lấy người khác làm chuẩn mực để đo giá trị của mình.

+ 1. Biết phẩm chất chính mình và tự tin làm việc.

Sa mạc Taklamakan

Khí hậu ở sa mạc là nghiệt ngã và nước quý hơn vàng. Khả năng chịu đựng của Lạc Đà là phù hợp nhất khi băng qua sa mạc.

Đáng sợ nhất là khi ta cứ đeo bám theo những giá trị  Tầm Thường mà lại lại cho rằng những thứ Tầm Thường là Đáng Quý.

Ta không nên cố gắng cân đong đo đếm mình với người khác, hay chờ đợi người khác cân đong đo đếm mình. Ta hiểu bản thân mình và làm việc với tất cả khả năng mà ta có.

Nhiều người ngày nay thích phô trương ồn ào. Đội thần tượng trên đầu. Cố vươn lên cho bằng thần tượng. Không giống thần tượng không tiến thân được. Không có thần tượng không có băng đảng tâng bốc tiếp sức mình phình to lên được. Khi thần tượng chỉ là thần tưởng tượng, họ xẹp xuống, không có cái gì là của mình, chỉ là thứ vay mượn của thần tượng ảo. Xã hội hôm nay loạn người nổi danh. Loạn thần tượng. Nên cũng loạn những con người giả, với những việc làm giả, vong thân, hỗn loạn…

Hiếm khi chúng ta tìm được những con người chân chính, con người thật, việc thật, trong sáng và thanh tịnh.

Những người làm nên những việc lớn, bằng tâm huyết, thực lực, thực chất, thực tâm, có giá trị bền vững, khiến chúng ta tâm phục, khẩu phục, đều là những con người thầm lặng, thanh thản, ở ngoài vòng xoáy danh lợi cuộc đời, khen chê và hơn thua, tranh đua và xâu xé.

Họ sẽ không chế giễu cháu nữa khi cháu băng qua sa mạc Taklamakan *. (trích truyện)

MAI NHẬT THI

_______________

* Sa mạc Taklamakan (Takelamagan Shamo, 塔克拉玛干沙漠, Tháp Khắc Lạp Mã Can sa mạc), cũng gọi là Taklimakan, là một sa mạc tại Trung Á, trong khu vực thuộc Khu tự trị dân tộc Duy Ngô Nhĩ Tân Cương tộc Của Trung Hoa. Nó có ranh giới là dãy núi Con Lôn ở phía nam, dãy Pamir và Thiên Sơn (tên cổ đại núi Imeon) ở phía tây và phía bắc.

Taklamakan được biết đến như là một trong các sa mạc lớn nhất trên thế giới, đứng hàng thứ 15 về kích thước trong số các sa mạc lớn nhất không ở vùng cực của thế giới. Nó bao phủ một diện tích 270.000Km2 của lòng chảo Tarim, dài khoảng 1.000 km và rộng khoảng 400 km.(theo Wikipedia)

Bài liên quan

Back to top button