Chút suy tưVăn - Nghệ

Mất lòng nhau | Phạm Quỳnh Anh

MẤT LÒNG NHAU

Câu nói tình làng nghĩa xóm khi “tối lửa tắt đèn có nhau” đã được kết tinh trong quá trình lao động, sinh hoạt của ông cha ta từ những ngày đầu khai hoang mở đất. Tuy nghèo về vật chất, nhưng cái tình, cái nghĩa lại đầy ắp trong từng con người, làng xóm Việt Nam. Một nét đẹp mộc mạc, dung dị không thể nhầm lẫn với bất kỳ dân tộc nào trên thế giới. Có câu: “Cơm ăn không hết thì treo/ Việc làm chẳng hết thì kêu xóm giềng”, nhưng đâu cần kêu réo, tất cả đều giúp nhau không toan tính. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của lối sống thực dụng mà tình làng nghĩa xóm cũng bị mai một ít nhiều. Chỉ vì tranh chấp đất đai, tài sản… mà hàng xóm lâu năm lại “ăn thua đủ” để rồi dắt nhau ra tòa. Hay đơn giản chỉ là những xích mích nhỏ nhặt cũng làm mất đi nghĩa tình mà hai gia đình dựng xây qua bao thế hệ.

Buổi sáng tinh sương, ngọn cỏ còn ngậm giọt sương rung rung trong làn gió thoảng sớm mai, Chú Tư Khánh bước vội trên bờ mẫu còn ướt sương. Phía xa xa, mặt trời vẫn chưa lên, chỉ có mấy quầng hồng ánh lên như báo hiệu hừng đông đã về. Đi qua một vạt tràm vàng ven rạch Bà Xiểng, rẻ một con mương nhỏ đi vào Bác Đê. Chú Tư Khánh cất tiếng gọi trong khi cửa nhà Bác Đê vẫn chưa mở:

– Anh Tám có nhà hông? Anh Tám ơi! Tui có công chuyện chút coi!

– Ơi! Ai vậy? Chờ chút nghe hông? Mới tảng sáng mà làm gì om sòm hà.

Tiếng chốt cửa mở cọt kẹt. Bác Tám gái vừa vấn khăn rằn trên đầu cau mày:

– Ủa? Bây đó hả Tư. Mới sáng sớm, mầy làm gì mà qua đây kêu réo inh ỏi vậy mậy?

– Tui qua đây có chuyện nè. – Chú Tư Khánh bước qua mấy rãnh nhỏ còn đọng nước mưa, phủi phủi chân nghe bẹp bẹp rồi đi vào nhà Bác Tám.

Từ dưới bếp, Bác trai mới rửa mặt xong bước lên nhà trên cầm chiếc bình tích trà còn nóng:

– Chuyện gì đó Khánh? Sớm mơi mà đã rủ nhậu hả mậy?

Chú Tư Khánh đốt một điếu thuốc cán, rít một hơi hà khói bay nghi ngút:

– Anh coi, thằng Đực nhà anh làm ăn bậy bạ hết sức. Hôm qua nó có nói mượn tui hai cái giàn giáo để đưa cho anh nó mần cái chái bếp sau hè. Tui nói lấy cái của tui, đừng có lấy cái của nhà thờ nghen! Vậy mà nó không chịu nghe. Lấy tuốt cái của nhà thờ.

– Mầy! Thì nó đem trả lại chứ sao mậy.

– Đâu có được! Nó phải lên tiếng với Cha để mượn mới được. Ông Cha giao cho tui giữ kho nên tui là người có trách nhiệm chính. Không có làm ngang tàng bậy bạ vậy được đâu.

Bác Tám rót nước trà vào chiếc tách cũ trên bàn:

– Thôi mầy uống miếng trà đi rồi bớt giận. Để tao nói thằng Đực.

– Thôi, Đ.m giờ hổng nói gì hết trọi, đem trả liền mấy cái giàn giáo cho tui! Đ.m làm ăn như vậy chết mẹ người ta rồi. Nói rồi mà lơ tơ mơ như vậy, ngu quá!

Bác gái vấn tóc lại và đội chiếc khăn rằn lên đầu rồi nói với Chú Tư:

– Bây nói gì vậy Tư? Nó là cháu của mầy, tao đẻ nó ra, mầy chửi nó là chửi anh Tám mầy và tao. Để rồi tao nói với thằng Đực trả lại bây chứ có gì bây làm dữ quá!

– Đ.m dữ cái gì. Chị biết cái gì…

Một cuộc ẩu đả diễn ra. Mọi người trong xóm nghe lớn tiếng nhưng đoán chắc là anh em họ lại gầy cuộc nhậu như mọi lần rồi om sòm chứ gì…Lời lẽ đôi co rồi Chú Tư đâu kiềm chế được lại văng tục, lại lớn tiếng…

Ngoài sân tiếng chó sủa, con nít nhớn nhát trông không hiểu chuyện gì diễn ra. Chú Tư phóng cái bịch qua tuốt mương rẫy, men theo con đường bờ mẫu về nhà mình. Ánh sáng mặt trời lên nửa con sào. Xa xa có tiếng chó sủa dồn lẫn trong tiếng người khuấy động một góc quê yên bình buổi sáng sớm. Trong nhà Bác Đê có mấy tiếng thở dài. Ngoài sân, cây vú sữa vào mùa trái đong đưa nhẹ. Bác Đê và Chú Tư Khánh là anh em ruột, ngày nào cũng ngồi nhậu dưới gốc cây vú sữa trông xuống rạch gió mát miên man buổi chiều. Họ là những nông dân chân chất hiền từ, là giáo dân gương mẫu siêng năng. Ấy vậy mà không hiểu sao chỉ vì một chuyện cỏn con như vậy sanh ra mích lòng, lớn tiếng.

Bác gái lấy tràng chuỗi treo trên vách rồi đọc kinh cầu xin Đức Mẹ ban bình an. Bác trai không uống nổi bình trà ngon sáng sớm như thói quen mấy chục năm nay nữa. Bác đi ra rạch tháo dây xuồng, đem mấy tay lưới đi giăng để khuây khỏa, không quên dặn Bác gái:

– Bà đừng để thằng Bảy biết chuyện nghen. Thằng đó nóng tánh rồi lại sanh chuyện đa. Tui đi giăng lưới kiếm mấy con cá.

– Ừ, tui biết rồi.

Ánh nến cầu nguyện chập chờn theo tiếng cầu kinh yếu ớt của Bác gái. Tiếng xe honda ngoài sân, mấy giọng xì xèo của vài bà hàng xóm lẫn trong tiếng chó sủa. Thằng Bảy biết chuyện rồi nên nói với qua nhà thằng Đực:

– Ê, Đực, Đ.m mầy ra lấy giàn giáo trả cho ổng liền đi. Mà thôi. Đ.m mầy để tao đi lấy cho. Làm cái gì mà mới hừng sáng sớm đã làm rùm beng lên vì mấy cái vụ tào lao. Tao phải qua nhà cho thằng chả biết mặt!

Nói xong, Bảy lên xe phóng đi. Đường ruộng chỉ vừa một chiếc xe chạy vậy mà thằng Bảy nó chạy vù vù. Cỏ mây hai bên cuốn dưới gầm xe ngẩng ngơ không hiểu chuyện gì. Hàng tràm vẫn vô tư đung đưa trong gió nhẹ…

Khi Bác trai về nghe câu chuyện, hai cha con Bác lội ruộng tới nhà Chú Tư. Cũng lại những câu chửi tục, lớn tiếng qua lại với nhau. Rồi hai bên lại từ mặt nhau, không thèm nhìn nhau nữa. Tiếng con ve ve mùa hè bổng cất tiếng gáy râm ran dưới mấy cây cổ thụ sau vườn nhà Chú Tư. Thiếm Tư nóng ruột chồng nên cũng trả lời đôi câu. Chẳng ai nhịn được ai cả cho đến khản cả tiếng một hồi rồi ai lại về nhà nấy. Đồng ruộng giữa ban trưa nắng gắt. Xóm đạo còn oi bức nực nồng hơn nửa. Tình nghĩa đã rạn nứt hơn ruộng đồng vào thời kỳ đại hạn thiếu mưa rào…

Người Tây Tạng có câu, “Lời nói không mang gươm giáo, nhưng có thể làm thương tổn trái tim”. Lời nói của ta đôi khi rất nguy hiểm, không những vì chúng có thể làm tổn thương người khác, mà còn khích động sự nóng giận trong ta thêm lên. Thông thường chúng ta hay đi trong vòng luẩn quẩn: người này cảm thấy không vừa lòng với người kia, nên thốt lên những lời gây đụng chạm; người kia bèn phản ứng lại cũng bằng những lời không tử tế. Thế là cả hai bắt đầu nóng lên và một cuộc khẩu chiến lại xảy ra. Trong một quốc gia hay nhiều quốc gia trên thế giới cũng thế. Cũng có nhóm này gây hấn với phe phái kia, quốc gia này gây chiến với quốc gia khác.

Nên dập tắt nhúm lửa sân trước khi nó kịp phát thành một đám cháy, bằng thái độ bình tĩnh. Khi hiểu rõ trách nhiệm của mình với bản thân, ta sẽ dễ hành động như thế hơn. Khi gặp phải một người đối với ta không tốt, làm ta bực bội, ta thường coi như thể tự nhiên họ hành động, ứng xử như thế. Thay vì đổ lỗi người khác, trách móc hoàn cảnh hay con người làm ta phiền não, ta phải đối mặt với kẻ thù thật sự của ta. Kẻ thù mà, trước mắt làm cho ta mất sự bình an, hạnh phúc và lâu dài hơn lại cản trở ta đạt được sự giải thoát. Kẻ thù đó chính là sự sân hận, cố chấp của bản thân chúng ta…

PHẠM QUỲNH ANH

Viết từ ô cửa xóm đạo.
Truyện 01: Mất lòng nhau

 

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button