Chuyện phiếm Đạo/đờiVăn - Nghệ

“Rồi mai đây tôi sẽ chết,” | Chuyện phiếm Đạo/Đời

Chuyện Phiếm đọc trong tuần Phục Sinh năm B 01.04.18

“Rồi mai đây tôi sẽ chết,

Trên đường về nơi cõi hết,
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?”
(Phạm Duy – Những gì sẽ đem theo vào cõi chết)

(Gioan 12: 25-25; 20: 1-9)

Trong một dĩa nhạc do Khánh Ly thực-hiện hát chung với người viết nhạc tôi chộp được trên vi-tính, “nhạc sĩ già” nhà ta có nói: “Tôi viết lên bản nhạc này là vào thời-gian mà tôi bị ám ảnh bởi 3 vấn-đề: tình yêu, sự đau khổ và cái chết. Tình yêu, thì đã nói nhiều rồi. Đau khổ, thì: ai mà chẳng đau khổ, nhưng cái chết thì ít người nói đến… Nghệ sĩ chúng ta chẳng đem được cái gì ngoài niềm vui khi đi vào cõi chết…” (X. www.facebook.com/khanhlysinger/posts/97640192574383).

Trong bài giảng ở nhà thờ, hôm ấy, Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay 2018 một họ đạo nhỏ ở Sydney, vị linh mục giảng lễ có nói đến “Sự chết” hay “cái chết”, là cái mà ai cũng sợ “không bao giờ nói đến”. Bài giảng này, mang ý-nghĩa mà “nghệ sĩ già” nhà ta vừa nói đến. Và đây, cũng là đề-tài mà bần-đạo bầy tôi muốn bàn đến, dù rất ngắn.

Nói cho cùng, mỗi lần nói về “sự chết” hay “cái chết”, là cả người nghe lẫn người nói đều nghĩ rằng: điều ấy đã và sẽ xảy ra với ai khác, chứ không là chính mình. Dù, sự thật là: có sống thế nào đi nữa, cuộc sống của bạn và của tôi, cũng đều đang “đi dần vào cõi chết”, hay cái chết.

“Nghệ sĩ già” năm xưa đã hỏi người và hỏi mình, một câu để đời qua bài hát: “Rồi mai đây, tôi sẽ chết trên đường về nơi cõi hết, tôi sẽ mang theo những gì đây?” Trả lời cho câu hỏi đượm nhiều ý-nghĩa này, trước đó ta phải hỏi: Sự chết hay cái chết là gì? Chết, có phải là rồi ra sẽ chẳng còn gì nữa hết hay không? Chết, có giải quyết được sự gì, việc gì không? Chết, cuối cùng rồi mọi sự sẽ ra sao? Ta và người, có còn vui như bao giờ chứ? Thôi thì, cả một “lô” câu hỏi được nhiều người đặt ra, mà chẳng ai buồn tìm đến câu trả lời, cho mau chóng.

Hôm nay đây một lần nữa, bần đạo tìm đến đề tài này, không để chuyển-tải tải đến bạn và tôi, câu trả lời nào đó khả dĩ khiến người đọc thấy thỏa mãn, chút nào hết. Trái lại, viết và nói lên ở đây, chỉ để tiếp-cận một đề-tài ít khi được người viết hoặc người đọc tìm đến thưởng lãm. Viết, chỉ để viết. Và, đọc cũng chỉ để đọc. Đọc, “cho bưa, cho vừa lòng mọi người, mỗi thế thôi.

Nếu vậy, mời bạn và mời tôi, ta đi thẳng vào vấn-đề này. Thế nhưng, lại chữ “nhưng” lạ kỳ nghe rất chõi . Vậy thì, trước khi đi vào cốt lõi của bài phiếm hôm nay, mời bạn và mời tôi, ta nghe thêm ít câu hát do “nghệ sĩ già” khởi phát như sau:          

    “Rồi mai đây tôi hóa kiếp
Trong lòng còn bao luyến tiếc
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?

Tôi không đem theo với tôi được tiền tài hay danh lợi
Tôi không đem theo với tôi được gái đẹp hay ruợu nồng
Tôi không đem theo với tôi được lầu vàng hay gác tía,
Tôi không đem theo với tôi được mộng giàu sang phú quý,
Tôi xin đem theo với tôi một nụ cười không nghi ngại,
Tôi xin đem theo với tôi đôi mắt trẻ thơ đẹp ngời,
Em giương to đôi mắt, soi vào cuộc đời đang bước tới,
Tương lai vui hay tối thui cũng là nhờ anh lớn thôi!

Rồi mai đây tôi sẽ chết
Trên đường về nơi cõi hết,
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?
Tôi không đem theo với tôi được quyền hành trong giai đoạn,
Tôi không đem theo với tôi được giới hạn tiếng anh hùng,
Tôi không đem theo với tôi được tượng đồng bia đá trắng,
Tôi không đem theo với tôi được tuổi vàng trong cõi sống.
Tôi xin đem theo với tôi một cuộc tình không quen thuộc,
Đôi uyên ương xin mến thương
không khó nhọc hay ngượng ngùng!
Trong đêm thâu ôm ấp nhau bên cột đèn hay khóm trúc
Không ai ngăn hay lấy cung vì phạm thuần phong mỹ tục.

Rồi mai đây tôi sẽ chết
Trên đường về nơi cõi hết,
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?
Rồi mai đây tôi hóa kiếp
Trong lòng còn bao luyến tiếc
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?
Tôi không đem theo với tôi được nhiều điều tôi mong đợi
Tôi không đem theo với tôi danh với lợi ra ngoài đời,
Tôi không đem theo với tôi được cả buồn vui mấy nỗi
Tôi không đem theo với tôi, và để lại cho thế giới.
Tôi xin dâng cho thế gian một vài điều tôi công nhận
Tôi xin dâng cho thế gian, ôi số phận sinh làm người!
Thương cho em chưa thoát thai
trong cuộc đời chưa hết chuyến,
Tôi xin dâng cho cái quên của một người sẽ tái duyên.

Rồi mai đây tôi sẽ chết
Trên đường về nơi cõi Niết,
Tôi sẽ không đem với tôi những gì đâu!
Rồi mai đây tôi hóa kiếp
Trong lòng mừng không hối tiếc
Tôi sẽ không đem với tôi những gì đâu!”
(Phạm Duy – bđd)

Đúng thế. Khi đã đi vào “cõi hết” rồi, thì mọi sự cũng sẽ như chết, cũng trở thành “hết chuyện”. Hết mọi thứ chuyện để nghe và để kể. Còn lại, cũng chỉ là những thứ và những sự ta cứ lai rai bàn hoài không hết.

Bàn, lai rai, là bắt đầu bằng một diễn-nghĩa có những câu hỏi như: Chết là gì?  Chết rồi, mọi sự sẽ ra sao, ngay sau đó? Chết tốt, hay “chết thật rồi!”, có thật sự là nỗi chết không còn gì để nói? Và, chết rồi ta có đem theo được gì ngoài nỗi niềm “hy vọng” như “nghệ sĩ già” nói ở trên vừa phát hiện?

Vâng. Chết không là gì cả. Và, là tất cả gồm toàn chữ “Không!” Không còn sống; tức: không có gì để thưởng-lãm, vui hưởng hoặc kỳ vọng. Chết, là trạng-thái trở về với hư-vô to lớn. Vô thường. Vô sản, cả đến vô sinh, vô tử, tức: chữ “vô” to đùng chẳng có nghĩa gì hết. Vô, là đi vào cõi không, chẳng bao giờ ra khỏi đó. Vô, là thứ tiêu-cực của một thực-tại chẳng nghĩa lý gì hết. Vô nghĩa lý. Vô hồn. Vô thực, toàn những vô và vô.

Nói hư vô, bần đạo lại nghĩ về sự thể Đức Chúa cũng đã đi vào “cõi hết” ngang qua cái chết khổ nhục, cực hình để rồi ngang qua cái chết, hoặc cái-gọi-là “cõi hết” ấy, Ngài sẽ trở nên quang vinh, định-hình trong cõi sáng.

Nói khác đi, Đức Chúa có kinh qua nỗi chết hay cõi hết như thế mới đi vào một thực tế “lôi kéo mọi người rời cõi hết mà hưởng trọn vinh quang với Ngài và trong Ngài, như đấng thánh hiền đã xác nhận:

“Thầy bảo thật anh em,
nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi,
thì nó vẫn trơ trọi một mình;
còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.
Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất;
còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này,
thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.”
(Gioan 12-23-25) 

Vào chốn vinh-quang/chói sáng ta đạt được, chính là mục tiêu của sự sống, chứ không phải của cái chết hoặc cõi hết. Bởi thế nên, toàn-bộ nền phụng-vụ của Hội-thánh vào Mùa Chay, đều nói lên ý-nghĩa đích-thực cao cả của sự chết và “cõi hết”, ra như thế.

Về việc này, các đấng bậc vị vọng trong nhà Đạo còn nói rõ hơn ý-nghĩa và mục tiêu của một trỗi dậy ngang qua cái chết, rất như sau:

“Trình thuật Chúa sống lại gồm các đặc trưng vẫn được lập đi lập lại ở Phúc Âm, như: “Galilê”, “viên đá”, “bắt đầu tin”, “và từ đó”… Galilê với tác giả Máccô: “Ngài sẽ đi trước các ông đến Galilê, ở đó các ông sẽ thấy Ngài.” (Mc16: 7) Với Mátthêu, thì: “Ngài đi trước các ngươi đến Galilê. Ở đó các ngươi sẽ thấy Ngài.” (Mt 28:7) Tác giả Luca lại nói: “Ngài không có đây nhưng đã sống lại; hãy nhớ lời Ngài nói lúc còn ở Galilê.” (Lc 24:6) Và Gioan:“Ta lên cùng Cha và cũng là Cha của các ngươi”. (Ga 20: 17).  

Xem như thế, đi Galilê là đi và đến với Cha. “Galilê” đây, không mang tính không gian/địa dư/nơi chốn, mà là biểu tượng rất nghĩa bóng. Galilê, có nghĩa là “đất lành” của người nghèo. Của những ai có cuộc sống đầy đặn. Tuy là như thế, nhưng cũng đừng đến nơi ấy, để rồi cứ ngồi đó mà chờ Chúa hiện hình, hoặc bàn tán Chúa sống lại, mà phải có “hành động” nào mang mục đích sống thực.  

“Hành động” đây, là làm những gì? Là, thực hiện điều Chúa làm ở đó. Là, lấy đi những gì gây chết chóc, trầm thống, đói khổ. Để, người người được an vui, lành thánh và hy vọng, ngõ hầu đưa họ đi dần vào Thứ Bẩy Thánh, để rồi tiến thẳng vào chốn “không-gian-cộng-thời-gian” đầy sự sống. Nói cách khác, hãy giúp nâng nhấc mọi người để họ có thể rời nỗi buồn rất chết chóc. Có làm thế, người người mới hiểu được thế nào là phục sinh. Thế nào là sự sống quang vinh. Và, có làm thế mới cảm nghiệm được sức mạnh Phục Sinh năng động ở trong ta, như thánh Phaolô từng căn dặn: điều cần thiết là ta biết Chúa và sức mạnh phục sinh của Ngài. 

“Viên đá”, nói trong câu: “Ai là người vần viên đá lăn khỏi mồ Thày?” (Mc 16: 3) “Đá” ở đây, nên hiểu là những “trở ngại” cản-ngăn ta làm điều tốt đẹp cho đời mình. “Đá”, còn là thành viên gia đình. Là, thủ trưởng nơi sở làm. Là bạn bè, niềm đơn côi, tật bệnh; là thế gian, đầy những khủng hoảng. Là, đá tảng trên đó có ghi chữ “giả như”, giống hệt giòng chữ nguệch ngoạc trên tường, xoá nó đi bờ tường sẽ sạch đẹp. “Đá”, là người vẫn cứ quấy rầy, quậy phá khiến ta khó quyết tâm thực hiện dứt bỏ mọi khó khăn rất không đẹp.  

Thần thoại Hy Lạp, có nhân vật Sisiphus dùng mỗi đôi bàn tay thôi cũng lăn được viên đá rất to cồng kềnh lên đỉnh đồi, để rồi chính “đá” lại lăn đè vào người ông. Thử nghĩ, “giả như” các nữ phụ hôm ấy lăn được “đá viên che mộ Thầy mình”, thì các bà sẽ thấy được những gì ở phía bên kia đá tảng có là thi hài của người chết cần xức dầu/tẩm liệm thêm cho kỹ? Đó là điều, khiến các bà nghĩ phải làm khi có người trợ giúp lăn đá mở cửa mồ cho Chúa; sau đó, nhờ người ấy lăn về chốn cũ. 

Về “đá tảng còn lăn”, ám chỉ chính “cái chết” là “đá” thực thụ khả dĩ cản ngăn mọi người chúng ta. Cất bỏ “đá-tảng-sự-chết”, tức: tìm cách chối bỏ cái chết không nhân nhượng. Thật ra, ta vẫn muốn cất bỏ những gì gây phiền toái/chết chóc cứ lảng vảng ở quanh mình trong khi ta hiện hữu. Đó là lý do khiến ta cứ phải “đi” bác sĩ, nhờ y tá giúp hoặc trông cậy vào phương pháp vật lý trị liệu, tập tạ, đi bộ cho thật xa, kiểm tra sức khoẻ, bỏ hút thuốc, cữ uống rượu, vv… “Đá” đây, còn là kinh nghiệm bản thân về những hạn chế/sút giảm trong đời mình khiến ta hiểu lầm cuộc sống, nên vẫn muốn cái chết cứ chậm đến với ta. 

Về “đá tảng vẫn cứ lăn”, là cá tính khó đổi của mọi người. Bởi, đá tảng hoặc đá vẫn lăn hiện diện ở đâu đó, chẳng phải để ta đổi dời, hoặc chuyển lăn. Tin Mừng Nhất Lãm đều nói đến “đá lăn”. Còn thánh Gioan lại vẫn viết: đá ấy được “lấy đi”. Tựu chung thì, có chuyển lăn hay được lấy đi, cũng chẳng có gì làm ta hãi sợ. Điều, khiến ta hãi sợ lại là những “đá và sỏi” nằm trong đầu/trong óc của mỗi người. Những đã tảng nằm im đó, cũng rất to, nên khó lòng mà rời lăn nó ra khỏi đầu óc con người.  

“Bắt đầu tin”. Ngay khi ấy, mọi người đã thấy ‘sợ’. Sợ, vì nghĩ rằng có sự sống đâu đó ở ngoài đây, chốn này. “Bắt đầu tin”, là khởi đầu sống một cuộc sống không hãi sợ nỗi chết. Cuộc sống, không nỗi sợ và cũng không bao gồm chỉ một hạn chế. Cuộc sống ấy, không do ta thiết lập mà là quà tặng. Quà sự Sống, khiến ta kinh ngạc, hồ hởi. Bởi thế, cũng đừng nên kiếm tìm sự sống nơi cõi chết. Nhưng, hãy cứ sống và sống ngay tại đây, chốn này! 

Người cứu hộ, bao giờ cũng hứa hẹn nhiều điều như thế. Thế gian, ngập tràn khốn khó để có được người cứu hộ như thế. Tuy nhiên, họ là người chỉ biết nói năng hoặc giùm giúp, nhưng không tặng sự sống có “dậy nguồn”. Đức Giêsu mới đích thực là Đấng Nhân Hiền duy nhất trao ban hết mọi sự. Ngài ban hết tất cả. Trao và ban, cả thân mình Ngài. Chính đó là Phục Sinh quang vinh cho mọi người.

Tin Mừng thánh Gioan, vẫn quan tâm đến “hừng đông” của niềm tin rất thực, nhờ đó khiến người người thêm phấn khởi. Khi viết lên những giòng chữ đầy vui mừng: “Bấy giờ môn đồ kia, người đã tới mộ trước tiên, cũng đi vào. Ông đã thấy, và đã tin.” (Ga 20: 8) Bản Hy Lạp không rõ ràng, dứt khoát với câu: “Ông đã thấy, và bắt đầu tin…”  Tức, ông chưa đạt niềm tin trọn vẹn cho đến khi Đức Chúa chợt đến vào xế hôm Chủ nhật Phục Sinh ấy và ban cho họ Thần Khí Ngài. Chính Thần Khí mới là Đấng khiến “đồ đệ tin một cách thực tình” vào Sự Sống.      

“Và từ đó…” tức: từ đó về sau, đến với Galilê là để cất nhắc người nào đó khỏi nỗi chết. Để, ta hiểu rằng: dù sao đi nữa, cũng chẳng nên nói chỉ mỗi sự sống tốt đẹp, thôi. Nhưng hãy cứ tin vào sự sống. Sống cuộc sống đích thực. San sẻ cuộc sống thực, để rồi sức mạnh của phục sinh tràn đầy sẽ đổ dồn vào với niềm tin ta đang sống, ngõ hầu lấy đi mọi “đá tảng” cản ngăn sự sống rất đích thực. Và nâng nhấc mọi người để họ cũng sống đích thực như ta. Thế nên, hãy đem đến cho mọi người phục sinh đích thực vào trong cuộc sống có trỗi dậy, phấn khởi. 

Thời trước, người người có truyền thống cổ mang tính chất cũng rất “Gioan” qua đó còn bàn luận: có thể, Giêsu Đức Chúa chưa hoàn toàn sống lại thật! Cũng có người lại cho rằng: Ngài sẽ còn trỗi dậy ngày một nhiều hơn, để rồi ngang qua động tác trỗi dậy, ta nâng nhấc người người khỏi tính chất rất chết chóc của họ. Có làm thế vào Tiệc Thánh, ta mới chứng minh được rằng Chúa đã sống lại thật. Có làm thế, người người mới không còn thắc mắc và tin chắc rằng Ngài vẫn trỗi dậy ngay trong gia đình, cộng đoàn mình đang sống. Sống rất thực, ở nơi này nhiều hơn nơi khác. Có làm thế, người người sẽ không tập trung vào việc so sánh, ganh đua, tị nạnh để chỉ chú trọng vào việc nâng nhấc hết mọi người.

Nhiều truyền thống trong Đạo vẫn cứ coi thời buổi hôm nay, bắt đầu từ chủ nhật Chúa Phục Sinh đến chủ nhật Chúa Thánh Thần Hiện đến vào ngày Ngũ Tuần, là thời điểm của Thần Khí mới Chúa phú ban, cũng rất đúng. Chay mùa kiêng khem và tuần lễ thánh xưa nay vẫn là mùa của tháng ngày cần “vượt qua”. Lễ Thánh Thần Ngự đến, mới là kỷ niệm tính hiệu năng của phục sinh, trỗi dậy. Có quan niệm như thế, rồi ra ta sẽ nguyện cầu Phục Sinh thể hiện đúng cách cứ đến mãi, với mọi người.” (X. Lm Kevin O’Shea CSsR, Lời Chúa Sẻ San nxb Hồng Đức 2014, tr. 97-99)

Có những người cảm nghiệm về “cái chết” cũng rất mệt, vì nhiều han hỏi như câu truyện kể nhè nhẹ ở bên dưới:

“Trong một khách sạn lớn một bà hỏi anh gác thang máy:

– Lên xuống mãi thế này anh có mệt không…

– Thưa mệt ạ.

– Lên mệt hơn phải không…

– Thưa không ạ.

– Vậy thì xuống mệt hơn à…

– Thưa không ạ.

– Khi ngừng…

– Thưa không ạ.

– Thế thì khi nào anh mệt…

– Khi gặp những người hỏi nhiều..”

(Truyện kể trích dịch từ mạng vi tính, cũng rất mệt).

Mệt, nhưng không chết. Hoặc, “mệt chết được” như nhiều người vẫn bảo thế. Bảo như thế, là bảo về nhiều thứ “chết mệt” ở đời người. Những người đang sống tưởng chừng như chết được, vì quá mệt với đời người và người đời.

Thế đó, là truyện kể cũng lai rai rất “phiếm loạn” ở đây đó, như câu chuyện về đời ngu7o72ico nỗi chết hoặc “nỗi hết” mà chẳng ai muốn đi vào trong đó, thế mới phiền.

Thế đó, là kết cuộc một chuyện phiếm rất sống/chết nhưng không đi vào “cõi hết” vì chẳng đem được niềm vui cho ai, cho cuộc đời như người nghệ sĩ từng diễn-tả.

Trần Ngọc Mười Hai
Và những chuyện
Nghe qua tưởng như chết được
Nhưng không phải thế.
Đẹp hơn thế.

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button