Chuyện phiếm Gã SiêuVăn - Nghệ

MƯỚN | Chuyện phiếm Gã Siêu

 

MƯỚN

Chuyện phiếm của Gã Siêu

Kinh nghiệm đời thường cho thấy: chúng ta không thể nào sống cô độc lẻ loi như một hòn đảo giữa biển khơi, hay như một pháo đài biệt lập. Trái lại chúng ta sống là sống với người khác.

Hồi còn bé, gã đã được một câu chuyện ngụ ngôn, đại khái như thế này: Ngày kia, anh chàng thi sĩ nọ thấy người giúp việc đến và nói: Từ nay anh hãy thổi nấu lấy mà ăn, giặt giũ lấy mà mặc. Tôi nghỉ để về quê ở với bố mẹ. Lát sau, anh ta thấy bác nông phu đến và  nói: Tôi chán cái nghề này lắm rồi. Từ nay anh hãy trồng lúa, tự sản xuất ra lương thực mà nuôi thân. Lát sau, bà bán thịt cũng đến và nói: Thịt thà kỳ này lúc lên lúc xuống, hễ cứ nghe thấy lở mồm long móng hay H5N1 là heo gà tụt giá cho cá mú lên ngôi, chẳng biết đàng nào mà mò. Tôi xin bỏ nghề, anh liệu mà xoay xở lấy thịt  lấy cá mà nhậu. Sau cùng, cô thợ may cũng đến và nói: Ngồi may mờ cả mắt thật chán. Thôi anh hãy kiếm lấy mớ quần áo ở đâu đó mà mặc, tôi không thèm may cho anh nữa đâu. Câu chuyện  còn dài, nhưng bằng đó mà thôi cũng đủ cho anh chàng thi sĩ nọ lo toát cả mồ hôi hột. Như một cầu thủ nhà nghề, anh ta giơ chân và sút. Cả chân lẫn cẳng đập mạnh cái rầm xuống giường, kéo anh ta ra khỏi giấc ngủ nặng nề và anh ta bèn lẩm   bẩm: À thì ra đó chỉ là một cơn mơ! Thế nhưng, cũng từ cơn mơ ấy, anh ta cảm thấy mình mắc nợ mọi người nhiều lắm.

Đúng thế, ngay từ khi lọt lòng mẹ và cho tới ngày hôm nay, con người và cuộc đời chúng ta đã mang dấu ấn của biết bao nhiêu người trợ giúp. Mà nếu không có những sự trợ giúp ấy, chắc chắn chúng ta sẽ không thể nào tồn tại được.

Này nhé: Gã không trồng cà phê, những sáng nào gã cũng nhâm nhi một ly cà phê đen như thằng quỉ, nóng như hỏa ngục và lịm như tình yêu. Cà phê ấy là do người khác cung cấp cho gã. Gã không nuôi chó, nhưng thỉnh thoảng vẫn cùng với mấy tên bạn kéo nhau tới quán cờ tây để thưởng thức cái món “sống trên đời” cho khoái khẩu, bởi vì mai mốt xuống âm phủ biết có hay không? Cái món dồi chó ấy là do người khác cung cấp cho gã. Và còn nhiều, rất nhiều những nhu cầu khác nữa mà bàn dân thiên hạ mang đến cho gã, thậm chí có khi còn cho không và biếu không. Vậy thì bây giờ tới lượt gã, gã cũng phải vui lòng chấp nhận đổ mồ hôi sôi nước mắt trên ruộng đồng để đem lại hạt gạo nuôi sống người khác. Chẳng biết khi bưng bát cơm đầy thơm phức, có ai đã nghĩ tới “đắng cay muôn phần” hay không? Và như vậy, cái triết lý “bánh ú đi bánh qui lại” hay “ông có chân giò, bà thò chai rượu” vẫn là cái triết lý thực tiễn nhất trên đời. Điều đó có nghĩa là ở mọi nơi và trong mọi lúc, hễ có hai người sống với nhau là có sự trao đổi.

Ngày xửa ngày xưa, khi còn ăn hang ở lỗ, cha ông chúng ta đã trao đổi với nhau bằng hiện vật, chẳng hạn năm con gà đổi lấy một con chó, hay ba trái sầu riêng đổi lấy một thúng gạo. Thế nhưng, hiện vật do lao công con người làm ra, nhiều khi nặng nề, cồng kềnh và khó mang, nên người ta đã dùng quí kim như vàng bạc đổi lấy hiện vật. Rồi ông nhà nước đã nhúng tay vào, bởi vì ai nắm được tài chánh là nắm được quyền lực. Trong giòng thời gian, ông nhà nước đã cho phát hành tiền kim loại, được đúc bằng vàng, bạc hay đồng. Sau dó, cho phát hành tiền giấy. Và ngày nay cùng với việc giao thương được mở rộng, một loại tiền dựa trên sự tin cậy vào nhau, như thẻ tín dụng, chi phiếu, ngân phiếu, trái phiếu…do các ngân hàng lưu hành đang được sử dụng khắp nơi. Hiện nay, từ đứa con nít mới chập chững biết đi, cho tới ông cụ già tóc bạc răng long, gần đất xa trời, ai ai cũng đều biết được giá trị vạn năng của đồng tiền, như giới trẻ bây giờ thường rỉ tai: 

Tiền,
Là tiên là Phật,
Là sức bật của tuổi trẻ,
Là sức khỏe của tuổi già,
Là cái đà của danh vọng,
Là cái lọng để che thân,
Là cán cân của công lý.

Chính vì thế, người ta ra sức bươm chải, tất tưởi chạy ngược chạy xuôi…cũng chỉ để tìm tiền kiếm bạc mà thôi. Trong mối liên hệ với người khác, nhất là trong những cuộc trao đổi mang nặng tính cách thương mại, thì tùy theo túi tiền, gã có thể phân chia thành ba loại chính, đó là mượn, mua và mướn.

TRƯỚC HẾT LÀ MƯỢN

Khi ta không có tiền mà lại muốn xài sang, thì ta đành phải đi mượn của thiên hạ, bởi vì mượn là nhờ tạm của người khác vật gì trong một thời hạn nào đó, rồi sau sẽ trả lại với sự thỏa thuận của chủ mà không phải trả tiền: Tới đây mượn chén ăn cơm, mượn ly uống rượu, mượn đàn kéo chơi. Đó  là một sự việc rất bình thường trong cuộc sống bởi vì nào có ai hoàn toàn đầy đủ mà  không phải cậy nhờ người khác. Lúc thì thiếu cái nọ, lúc thì thiếu cái kia. Theo nguyên tắc, đã mượn thì phải trả. Thế nhưng, đôi khi vì lòng tham người ta lại muốn mượn luôn, hoặc vì quên sót hoặc vì cố ý lờ tít mà không trả nữa. Trong cuộc sống hằng ngày, người ta thường mượn của nhau những thứ sau đây :

Thứ nhất là mượn vật dụng hay đồ dùng để xài đỡ.

Đây là thứ mà người ta hay mượn của nhau nhiều nhất. Chẳng hạn bỗng dưng bị cúp điện, mà diêm quẹt thì lại không có. Thế là phải vội chạy qua chị hàng xóm mượn tạm chiếc bật lửa mang về đốt vào cái đèn hay cây nến cho căn nhà được chiếu sáng.

Thứ hai là mượn tiền để làm ăn.

Gia đình lâm vào cảnh túng quẫn vì vợ yếu, con đau mà lại chẳng có phương tiện để sinh sống, bèn phải gõ cửa anh bạn thân, mượn đỡ ít tiền để làm ăn và người ta gọi cái mượn này là mượn vốn. Trong việc mượn vốn, thường hay xảy ra cái cảnh “mượn đầu heo nấu cháo”. Có nghĩa là mượn vốn của thiên hạ để mua bán lấy lời, rồi dùng tiền ấy mà kinh doanh chuyện nọ chuyện kia. Rất lâu sau mới hoàn trả số vốn ban đầu cho khổ chủ. Giống như mượn cái đầu heo của thiên hạ nấu cháo cho ra nước ngọt, mà cái đầu heo thì vẫn còn nguyên để trả lại cho chủ của nó.

Tiền bạc vốn là chuyện rất tế nhị và khó nói. Khi vay thì dễ nhưng khi trả thì lại khó, ấy là chưa nói tới những kẻ mang ý đồ đen tối muốn quịt luôn. Vì vậy, cần phải khôn ngoan, bằng không thì sẽ mất cả chì lẫn chài, sẽ mất cả tình lẫn tiền.

Chuyện rằng: Scrible cho bạn vay năm trăm đồng quan. Đến kỳ hạn, bạn không thể trả được, nên cố ý tránh mặt. Rồi một hôm tình cờ hai người gặp nhau trên phố, thấy bạn ngượng ngùng định chạy trốn, Scrible vui vẻ tiến đến, vỗ vai bạn và nói: Hãy bỏ qua số tiền ấy đi. Đừng vì nó mà tôi mất một người bạn quí.

Thứ ba là mượn tên của người khác để làm ẩu. 

Có nghĩa là mình mượn tạm cái danh nghĩa, cái uy tín của thiên hạ để ra oai trong những mối liên hệ xã hội theo kiểu “cáo mượn oai hùm”. Cáo là loại chồn lớn, rất độc ác và khôn ranh, vì thế người ta cũng thường dùng hai chữ cáo già để chỉ những kẻ gian xảo.

Chuyện rằng: Vua nước Sở trong một buổi đại triều đã hỏi quần thần: Phương Bắc sợ Chiêu Hồ Tuất như thế nào?

Giang Ất tâu: Con hùm bắt được con cáo. Thế nhưng, con cáo liền bảo con hùm rằng: Chớ ăn thịt ta, bởi vì Trời đã sai ta xuống để làm chúa tể các loài thú, không tin thì ngươi cứ đi trước để ta theo sau, thì sẽ rõ. Cả hai con cùng đi. Các thú vật thấy con hùm đều bỏ chạy trốn cả. Con hùm không biết là chúng sợ oai mình, tưởng lầm là chúng sợ oai con cáo thật. Phương Bắc ngày nay thần phục nước Sở là vì sợ quân của nhà vua, chứ đâu phải vì sợ Chiêu Hồ Tuất.

Câu chuyện trên có ý nói tới những kẻ lợi dụng danh nghĩa cũng như uy tín của người khác để dọa nạt mà lấy oai. Thế nhưng, lấy oai mà thôi chưa đủ, nhiều khi còn lợi dụng để lường gạt mà kiếm lời.

Có những kẻ mượn danh nghĩa viện mồ côi này, trường khuyết tật nọ để xin giúp đỡ, nhưng rốt cục tiền bạc chui tọt vào túi của họ mà chẳng hề biết tới những em bé mồ côi hay tật nguyền. Có những kẻ mượn uy tín của Đức Giám Mục giáo phận cũng như linh mục chính xứ với đủ mọi thứ giấy tờ lỉnh kỉnh như bùa hộ mạng, để đi quyên góp xây nhà thờ. Nhưng khi đã nắm được tiền trong tay thì bèn lặn mất tăm mất tích.

TIẾP ĐẾN LÀ MUA

Trái với trường hợp trên, đó là khi có nhiều tiền rủng rỉnh trong túi, ta không thèm mượn nữa, mà sẽ mua cho mình, bởi vì mua chính là dùng tiền bạc để đổi lấy đồ vật với sự ưng thuận của người bán. Trong lãnh vực mua, gã nhận thấy một vài hiện tượng đáng cho chúng ta phải lưu ý và suy nghĩ.

Thứ nhất, đó là có những cái không cần thiết thế mà chúng ta vẫn cứ mua.

Thực vậy, hiện nay chúng ta đang sống trong một nền văn minh tiêu dùng. Hàng hóa được sản xuất ra một cách ào ạt với những mẫu mã biến đổi đến quỷ thần cũng không lường nổi. Hàng hóa ấy lại được các phương tiện truyền thông quảng cáo một cách hấp dẫn, nên nhiều người cảm thấy ngứa ngáy, cần phải mua, cần phải sắm ngay mới được. Thế nhưng, những cái chúng ta mua sắm hôm nay, ngày mai đã trở nên lỗi thời, bị xếp vào xó mà có khi chưa một lần sử dụng. Và để cho hợp thời, chúng ta lại cắm đầu cắm cổ mua sắm những mẫu mã khác.

Một số người trong chúng ta dường như đã mắc phải cái “hội chức shopping”, ngày nào không đi siêu thị, không đi mua sắm thì liền cảm thấy bức rức khó chịu. Đôi khi khuân về cả một đống những thứ lỉnh kỉnh. Có cái thì mới vì nghe theo quảng cáo. Có cái thì cũ vì nghe theo khuyến mãi, hay bán…đại hạ giá. Mua về rồi bỏ đó, chẳng hề đụng tới. Thật là phí của trời, mười đời chẳng có mà ăn.

Thứ hai, đó là có những cái không được mua thế mà chúng ta vẫn cứ mua.

Hẳn chúng ta đã rõ, tình trạng đạo đức hiện nay đang xuống cấp một cách trầm trọng với những tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng. Ai trong chúng ta cũng biết xì ke ma túy làm băng hoại cả thể xác lẫn tinh thần của người nghiện, với những căn bệnh hiểm nghèo nhất. Mặc dù quốc gia nào cũng ngăn cấm một cách triệt để, thế mà nhiều người vẫn cứ vui vẻ bỏ tiền ra mua cho mình cái chết trắng ấy. Ai trong chúng ta cũng biết mãi dâm là một tệ nạn đem lại những hậu quả khắc nghiệt cho người bán cũng như kẻ mua. Người bán thì sau một thời gian sẽ trở nên thân tàn ma dại, nếu chẳng may mắc phải chứng bệnh thế kỷ HIV. Còn những người mua thì cũng vậy. Ấy là chưa nói tới những hậu quả mà việc mua thứ hàng độc này mang lại cho vợ con, cho gia đình của mình. Thế mà nhiều người vẫn cứ vui vẻ vung tiền mà đi mua…dâm.

Thứ ba, đó là có những cái cần phải mua, thế mà chúng ta lại không mua.

Sống trên đời, thì danh thơm tiếng tốt cũng như tình nghĩa là những thứ thật cần thiết. Thế nhưng, rất ít người chịu khó đầu tư vào đó, rất ít người chịu khó noi theo mẫu gương Mạnh Thường Quân ngày xưa mà mua sắm cho mình.

Chuyện rằng :

Mạnh Thường Quân là tướng quốc nước Tề, ngày kia sai Phùng Huyên sang đất Tiết đòi nợ và căn dặn: Ngươi xem trong nhà còn thiếu món chi, thì cứ lấy tiền đòi được mà mua sắm đem về dùng. Huyên tới nơi, tập họp dân chúng lại và nói: Tướng quốc thương dân nghèo, nên đã hủy hết công nợ. Nói đọan, ông đem giấy nợ ra đốt.  Khi về nhà, ông đã thưa với Mạnh Thường Quân như sau: Nhà ta châu báu đầy kho, trâu ngựa đầy chuồng, gái đẹp không thiếu, chỉ thiếu có một món nghĩa đối với dân nước, nên tôi trộm lệnh tướng công bỏ tiền ra mua nghĩa. Mạnh Thường Quân cười rồi bỏ qua. Một thời gian sau, Mạnh Thường Quân bị bãi quan về ở đất Tiết, được dân chúng đón rước linh đình.

SAU CÙNG LÀ MƯỚN

Đứng giữa hai trường hợp kể trên là mướn. Khi có tiền, nhưng không được dồi dào cho lắm, ta bèn phải đi thuê, đi mướn, nghĩa là ta phải trả một số tiền để đồ vật ấy thuộc về ta trong một  khoảng thời gian tùy theo sự thỏa thuận. Như vậy, nếu so sánh gã thấy : mượn thi không phải mất tiền, còn mướn thì phải mất tiền. Mua thì đồ vật thuộc về chúng ta mãi mãi, còn mướn thì chỉ thuộc về chúng ta trong một thời hạn nào đó. Về chuyện thuê mướn này, gã tạm chia ra làm hai lãnh vực:

Lãnh vực thứ nhất, đó là thuê mướn đồ vật.

Hiện nay, tại Việt Nam các cửa hàng cho thuê cho mướn  dường như đang ăn nên làm ra,  do đó không ngừng gia tăng và liên tục phát triển. Đầu đường cuối phố, chỗ nào cũng thấy.

Nhớ lại ngày xưa mỗi khi đâu phải xếp hàng mua vé, thì hôm nay, chỉ cần một cú điện thoại là sẽ có ngay một chiếc xe đời mới tới tận cửa nhà. Tùy theo nhu cầu, có thể mướn xe bốn chỗ, bảy chỗ, mười lăm chỗ hay nhiều hơn thế nữa. Tại các cửa hàng dịch vụ loại này, chúng ta có thể thuê mướn đủ thứ lỉnh kỉnh, từ chiếc đồng hồ Rolex đến chiếc điện thoại di động Nokia đời mới, từ cái áo thung Bebe đến chiếc quần jeans C.K, từ đồ trang sức bằng đá quí đến đôi giày Gucci hàng hiệu. Tiền nào của nấy. Càng xịn thì càng mắc.

Sau đây là ghi nhận tại một cửa hàng cho thuê điện thoại di động: Ở đây có đủ mọi loại “dế” (điện thoại di động)  được cho thuê với giá thật rẻ. Tôi hỏi mướn một chiếc Nokia 8800 rồi bấm tắt nguồn máy của mình để lấy sim ra gắn vào máy mới, lập tức tín hiệu hiện lên ngon lành. Quá bất ngờ với kiểu làm ăn đầy rủi ro này, tôi quay sang hỏi một tay chơi đi cùng: Cho mướn như thế không sợ người thuê quịt máy hay thay đổi phụ kiện à? Anh ta trả lời: Khó mà qua mặt được ông chủ. Ai đến đây cũng có “thành tích” cả. Với lại khi cậu giao máy, thì ông ta có cách kiểm tra rất nhà nghề của mình. Nhận thấy dấu hiệu lạ, thì bắt bồi thường ngay lập tức…(Báo CATPHCM số 1426, ngày 16.3.2006).

Thế nhưng, mặt hàng thông dụng hơn cả chính là áo quần. Ở đây gã không bàn đến những tiệm cho thuê đồ cưới, bởi vì đa số các cô dâu chú rể, nhất là tại vùng nông thôn, đều đi thuê áo quần để mặc trong ngày cưới. Đồ cưới chỉ mặc một lần trong đời, mà may sắm thì lại quá mắc, thật uổng phí tiền bạc..nên thuê mướn là thượng sách. Sau đây là kinh nghiệm của một người trong nghề: Trang phục thuê phần lớn là đồ có thiết kế riêng. Trước đây giới văn nghệ sĩ thường đi thuê trang phục để diện trong những buổi chiêu đãi, tiệc tùng quan trọng. Một bộ đồ lộng lẫy, quá ấn tượng nhưng chỉ mặc một lần rồi thôi, phải bỏ ra số tiền lớn để mua thì cũng tiếc. Hiện nay khách thuê thuộc nhiều đối tượng nghề nghiệp khác nhau. Giá cho thuê trang phục khá cao và cũng tùy theo sự nổi tiếng của nhà thiết kế, khoảng từ 20% đến 30% giá trị bộ đồ cho một lần thuê với thời hạn hai ngày. Do trang phục không thể tái sinh, nên người cho thuê có những qui định rất khắt khe: Không được làm xước mặt vải, phải giữ trang phục sạh sẽ và phải trả đúng hẹn. Cách thuê mướn này cũng rất có lợi cho những người thích chưng diện mà không muốn tốn nhiều tiền. (PNCN số 44, ngày 13.11.2005). Vì thế, khi ra đường nhìn thấy một cô nàng mặc toàn hàng hiệu, dùng toàn đồ xịn, thì cũng nên đề cao cảnh giác, biết đâu cô nàng đã đi thuê đi mướn từ A đến Z.

Lãnh vực thứ hai, đó là con người.

Mướn người làm việc cho mình rồi trả lương, vốn là chuyện bình thường. Ở đây gã muốn bàn tới hai loại thuê mướn rất đặc biệt.

Thứ nhất đó là nghề cho thuê tử cung, hay nói trắng ra là nghề đẻ mướn. Tại Ấn Độ, nghề này đang được lan rộng. Có một bài báo đã mô tả như sau: Chỉ với sức khỏe bình thường, một phụ nữ Ấn Độ có thể kiếm được 5000 đô Mỹ sau chín tháng cưu mang. Một viên chức y tế đã phát biểu: Nó hoàn toàn mang tính kinh doanh, chẳng có gì là phi đạo đức. Tuy nhiên nhiều người khác lại tỏ ra lo ngại về sự lợi dụng phụ nữ cũng như nhiều hiểm họa xảy ra do việc sinh đẻ. Trong khi đó, “du lịch sinh sản” của người nước ngoài tại Ấn Độ tiếp tục bùng nổ và có thể trở thành một công nghiệp đem lại gần sáu tỷ đô mỗi năm…(PNCN số 18, ngày 7.5.2006).

Tại Việt Nam, luật pháp chưa chấp nhận chuyện thuê người đẻ mướn, nhưng trong thực tế cũng đã có nhưng người dùng cách thức này để giải quyết những hoàn cảnh riêng tư của mình. Một  là những cặp vợ chồng son sẻ. Hai là những cặp vợ chồng chỉ sinh toàn con gái, bây giờ muốn kiếm thêm một mụn con giai để nối dõi tông đường. Ba là những cô không muốn lấy chồng, mà lại khao khát có con và đứa con ấy không phải là con nuôi, nhưng là con của mình, bèn phải nhờ người khác mang thai giùm bằng chính cái trứng của mình…(PNCN số 20, ngày 21.5.2006).

Thứ hai đó là dịch vụ thuê mướn “cây cảnh”. Cây cảnh ở đây không phải là một loại hoa kiểng, mà là những cô gái đẹp để làm cảnh cho những công ty hay những buổi chiêu đãi. Dịch vụ này được mô tả như sau: Tôi không ngờ cậu bạn của tôi là giám đốc một công ty, lại có một cô thư ký đẹp tuyệt vời, khiến tôi và đám bạn phải lướt khướt trong bữa tiệc hôm đó. Vừa gặp lại cậu ta, tôi đã vồ vập hỏi: Anh kiếm đâu ra cô thư ký xinh đến thế? Cậu bạn tôi trả lời tỉnh bơ: Ôi chao, quan tâm làm gì bọn “cây cảnh” văn phòng ấy. Thấy tôi trố mắt ngạc nhiên, cậu bạn bèn thương tình cắt nghĩa: Chẳng cần phải nhọc công tốn sức tìm kiếm cho mình một cô thư ký, chỉ cần có tiền là có thể sở hữu bên mình một người đẹp. Tùy theo hợp đồng và nhu cầu, có thể một tháng, hai tháng hay đơn giản chỉ cần mấy tiếng đồng hồ, xong việc là “a-lê-hấp”, anh đi đường anh, em đi đường em, chẳng vướng bận gì cả. Các em làm nghề này nhan nhản ra ấy mà. “Cây cảnh” văn phong nôm na là như vậy. Hiểu chưa ?

Họ là những cô gái trẻ đẹp, được liệt vào hàng “top ten”. Dáng người cao ráo, ăn nói có duyên, đặc biệt nhất là đôi mắt, cô nào cô nấy đều lúng la lúng liếng, khiến đám đàn ông khi mới giao tiếp phải chết đứ đừ. Do nhu cầu làm ăn, các công ty tư nhân đã thuê những “cô gái chân dài” này về làm cây cảnh, trang điểm cho bộ mặt của mình. Công việc chủ yếu của những cây cảnh văn phòng là diện những bộ áo quần thật mốt, khi đóng vai thư ký phải giả nai, mắt liếc đưa tìnnh, làm sao hút hồn các sếp, để các sếp ưu ái đặt bút ký những hợp đồng làm ăn. Xong việc, nếu sếp thích, các “thư ký” sẽ sẵn sàng được điều động tới để chiều chuộng…(Gia Đình, số 12 năm 2006).

Tóm lại, các cụ ta ngày xưa đã bảo có tiền mua tiên cũng được. Nếu vậy việc thuê tiên, hay mướn tiên, thì chỉ là chuyện nhỏ mà thôi !!!

GÃ SIÊU

 

 

 

 

 

 

 

Bài liên quan

Back to top button