Chuyện phiếm Đạo/đờiVăn - Nghệ

“Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai” | Chuyện phiếm Đạo/Đời

Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 24 mùa thường niên C 11.9.2016

Doimat2

“Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai”.
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt em ơi mắt em xưa có sầu cô quạnh
Khi chớm thu về, khi chớm thu về một sớm mai.”
(Phạm Đình Chương – Đôi Mắt Người Sơn Tây)

(Lc 12: 51-54)

Phải nói ngay rằng: bần đạo bầy tôi đây vốn dĩ xuất-thân từ làng Tám bên quê ngoại ở Hà-Nội. Nhưng, vẫn nhớ “Đôi mắt người Sơn-Tây” cũng rất nhiều. Nhớ da diết, nên mới trích-dẫn câu ca mượt-mà một ới gọi như sau:

“Đôi mắt Người Sơn Tây
U uẩn chiều luân lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây,
Buồn viễn xứ khôn khuây
Em hãy cùng ta mơ
Mơ một ngày đất mẹ
Ngày bóng dáng quê hương
Đường hoa khô ráo lệ…”
(Phạm Đình Chương – bđd)

Cũng phải thú thật thêm điều nữa, là: khi nghe hát-sĩ “cây nhà lá vườn” ca những lời hát như trên ở buổi “Hát Cho Nhau Nghe” hôm 03/7/2016, bần đạo đây lại cũng thấy nhiều đôi mắt cũng “u-ẩn chiêu luân-lạc” do có nỗi “buồn viễn xứ khôn khuây”, rõ thật như đếm.

Hôm nay đây, bần đạo vừa nhận được điện-thư của một bạn đọc trẻ họ Trương tên Hưởng từ Bà-Rịa Vũng Tàu gửi, tuy mới quen và chưa được biết nhiều về thân-thế/sự-nghiệp của anh ta, nhưng vẫn có những lời thưa/gửi mượt-mà rất không kém, như sau:

Cám ơn Bác Mười Hai

đã chuyển các bài viết và hình ảnh cho con xem. Con đã đăng bài viết về Vương Cung Thánh Đường Phêrô lên trang “www.Binhgia.org” của bọn con. Lâu lâu có tin gì hay hay Bác nhớ chuyển cho con để đăng cho nó thêm phong-phú trang nhà của 3 xứ Bình Giã (thuộc địa phận Bà-Rịa).

Các bài dịch của Bác gởi cho con, con vẫn theo dõi và nghiền-ngẫm kỹ, đặc biệt là bài phỏng-vấn Đức Giáo Hoàng về “Hồi-giáo và Bạo-lực”, con rất thích. Cảm ơn Bác Hai nhiều lắm. Xin Chúa chúc lành cho Bác luôn được khỏe mạnh, bình an.

Con – Trương Hưởng” (trích điện-thư của bạn Trương Hưởng viết ngày 14/7/2016).

Điện-thư của bạn đọc trẻ mới quen/biết ở trên tuy nói không được bao nhiêu, nhưng cũng làm bần đạo đây nhớ rất nhiều về những “đôi mắt” khá là “u-ẩn chiều luân-lạc” khiến người người “buồn viễn-xứ khôn khuây”.

Đêm nay, chợt có “nỗi buồn không tên” rất “viễn-xứ khôn khuây”, bần đạo đây bèn chồm dậy lấy giấy bút ra nghí-ngoái đôi ba giòng để bàn-bạc với bạn đọc họ Trương hay ai đó đôi điều về nỗi “buồn viễn-xứ” rất khó khuây như sau:

“Mục-tiêu của khủng-bố (hoặc bạo-lực) chính ra là vấn-đề tâm-lý. Thế nên, vào lúc khởi đầu các sự-kiện đầy bạo-lực như vụ giết chóc xảy ra ở Paris vào thàng 11 năm 2015 này, khởi-điểm tốt đẹp nhất là phải biết chối-từ không cắn câu và cũng không trở-thành nạn-nhân của hãi-sợ.

Nề-nếp suy-nghĩ như thế phải phá-vỡ khỏi ý-niệm giản-đơn ra như thể sẽ lại có “đạo-luật” khắt-khe hơn tương-đồng với nền an-ninh to lớn hơn. Việc sản-sinh ra những chiến-dịch rầm-rộ, cứng-rắn quyết che-đậy xu-thế bảo-rằng rồi ra sẽ không có luật đi tắt cốt “chỉnh-sửa” chống lại khủng-bố.

Nếu cứ nghĩ rằng ta có thể tiêu-diệt IS (Nhà Nước Hồi-giáo) ngang qua sức-ép quyết tăng-trưởng mãi mãi một nhà nước an-toàn và tăng-cường việc tổ chức địa-phương theo-dõi, bảo mật, cật-vấn lập nơi giam-giữ cốt phô-trương ý-đồ của loài chó giữ nhà là nội-dung của việc cứ mải quay lại cắn đuôi của chính mình.

Các nhóm khủng-bố thường nhắm chuyện dấy lên cả nỗi kinh-hoàng lẫn việc dự-phóng uy-quyền thực-lực, mà thôi. Chiến-thuật đầy chết chóc ấy cũng mang hy-vọng khuấy-động một phản-ứng quá-tải cốt nuôi-dưỡng lề-thói tuyên-truyền của mình, cùng chia-rẽ xã-hội, chuyển-trao nỗ-lực tuyển-dụng và đi đến kết-cuộc là chính-quyền nhắm phân-phối một cách sai-trái các nghị-lực và nguồn mạch của họ.

Cuối cùng thì, điểm mấu-chốt của sự việc bảo rằng khủng-bố được đúc-tạo là để nạp-điện cho các nút bấm tạo tình-cảm của chúng ta. Điều đó không chỉ nói về bạo-lực nhưng về mối đe-doạ bạo-động trong tương-lai. Nó có thể có hiệu-lực cao như việc hăm-doạ và tuyên-truyền, nhưng chúng ta chỉ dàn-dựng các vấn-đề bằng cách thổi phồng các mối đe-doạ, tìm thêm nhiều “dê tế-thần” và thoả-mãn bằng các quyết-định dựa trên nỗi hãi sợ mà thôi.”  (Daniel Baldino, How to lose the war on terror, MercatorNet 23/11/2015)

Thế đó, là một trong các “nỗi buồn viễn-xứ” của đời người, rất khôn-nguôi. Lại cũng có nỗi “buồn viễn-xứ” khác, mà hầu hết các bạn đạo từng lưu-lạc hoặc tự ý đi đây đó mà lập-nghiệp đã nhận ra một vài ý-tưởng khi nghe/biết các chuyện bạo-động xảy ra ở nhiều nơi, vào nhiều lúc.

Nỗi “buồn viễn-xứ khôn khuây” ấy, nay hiển-hiện trên một số báo-chí/sách vở ở trời Tây. Đặc-biệt là cuốn “The closing of the Muslim Mind” do tác-giả Robert R. Reilly viết và in thành sách vào độ tháng 10 năm 2010.

Tác-giả sách Robert R. Reilly đã dài giòng giải-thích lý-do khiến phe Hồi-giáo quá-khích là nhóm Ash’arites đã chiến-thắng nhóm chính-qui là Mu’talizites tổ-chức bạo-lực ở nhiều nơi và bảo đó là ý của Đấng sáng lập đạo này.

Cuối cùng tác-giả này đã kết-luận bằng câu nói rất thời-thượng như sau:

Không phải tự-thân Đạo Hồi đã có lối hiểu biết về Đạo của mình nên vì thế mới tạo ra nhiều sự-kiện rất tàn-bạo. Trớ-trêu thay, chiều-hướng giải-thích sự việc theo cách của nhóm quá-khích  nay thống-lĩnh khắp nơi. Những gì ta tư-duy hôm nay, lại là hậu-quả rất “đối-đế” của hành-vi muốn xoá bỏ lý-trí con người, mà thôi. Làm như thế, con người đã để mất đi tính “nhân-bản” khi các phe/nhóm Hồi-giáo quá-khích đang chơi trò quảng-bá một thứ văn-hoá lụn-bại do họ đặt ra, để rồi phổ-biến lên toàn thế-giới Hồi-giáo và khuyên họ cứ theo đó mà thực-thi, áp-dụng”. 

Thêm nữa, nỗi “Buồn viễn-xứ khôn khuây” ở đây, còn là nét buồn vương-vấn với những câu hỏi đại-ý bảo rằng: “Tại sao có bạo-lực trong tôn-giáo?” “Tại sao vẫn cứ xẩy ra một thứ “thánh-chiến” theo hình-thức này khác, rất tân-kỳ? “Tại sao đến ngày hôm nay mà vẫn còn nhiều tranh-chấp/xung-đột xảy ra giữa các đạo như Công-giáo và Hồi-giáo? Và một câu hỏi nữa đại-loại bảo rằng: Tại sao cứ nhắc đến Hồi-giáo là bà con cứ hiểu đó là đạo chủ-trương bạo-lực? vv và vv…

Trả lời cho các câu hỏi trên cho đúng cách và vừa ý người hỏi thật cũng khó. Khó, là vì mỗi người mỗi ý. Chẳng ai chịu ai. Thiết tưởng, cũng nên mời bạn và mời tôi, ta quay về với vườn hoa Lời Vàng của đấng thánh-hiền từng có nhận-định như sau:

“Anh em tưởng rằng
Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao?
Thầy bảo cho anh em biết:
không phải thế đâu,
nhưng là đem sự chia rẽ.
Vì từ nay,
năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau,
ba chống lại hai,
hai chống lại ba.
Họ sẽ chia rẽ nhau:
cha chống lại con trai,
con trai chống lại cha;
mẹ chống lại con gái,
con gái chống lại mẹ;
mẹ chồng chống lại nàng dâu,
nàng dâu chống lại mẹ chồng.”
(Lc 10: 51-54)

Nhân đây, thay vì trả lời trực-tiếp cho các câu hỏi ở trên, tưởng cũng nên quay về với lập-trường của Đức Phanxicô khi ngài nhận-định về các tranh-chấp khác-biệt giữa các giáo-phái cùng thờ một Chúa, qua câu hỏi/đáp sau đây:

“Hỏi: (Tilmann Kleinhung ARD, Đức Quốc):  Thưa Cha, con muốn hỏi Cha một câu. Hôm nay, cha nói về những ơn của các Giáo-hội chia-sẻ, ơn mà các Giáo-hội cùng san-sẻ cho nhau. Mấy tháng nữa, Cha sẽ đến Lund dự kỷ-niệm 500 năm phong-trào cải cách tôn-giáo, con nghĩ có lẽ nay là lúc để ta không chỉ nhớ đến những vết thương thời quá-khứ của hai bên, mà còn là lúc để ta nhận ra các ơn do phong trào cải-cách tôn-giáo đem đến. Có lẽ, cũng là lúc để ta huỷ lệnh rút phép thông-công đối với ngài Martin Luther, hay tạo một hoà-giải nào đó. Xin cảm ơn Cha.

Đáp: (Đức Phanxicô): Cha nghĩ là các ý-định của Martin Luther không sai sót. Ngài là nhà cải-cách. Có lẽ một số phương-pháp sử-dụng đã không đúng. Nhưng vào thời đó, nếu ta đọc chuyện đời của một vị mục-tử người Đức từng thay-đổi khi thấy thực-tế cuộc đời thời đó Giáo-hội ta không thực-sự là khuôn-mẫu để mọi người noi theo. Thật ra, bên trong Giáo-hội ta cũng có tham-nhũng, phàm-tục bám víu tiền bạc, quyền-lực, vv… thế là ngài phản-chống. Ngài thông-minh và có những bước chân hướng về tư-duy công-chính và ngài đã thực-hiện. Ngày nay, mọi người thuộc giáo-phái Luther, Công-giáo, Tin-Lành, tất cả đều đồng ý về giáo-lý công-chính.

Về điểm này, điều hệ-trọng là: ngài đã không sai. Ngài đã chế thuốc cho Giáo-hội dùng nhưng thuốc này kết thành khuôn-khổ, đường-lối đức tin, đường-lối hành-động, cung-cách phụng-vụ và không chỉ có ngài thôi mà con có Zwingli, mỗi người một cách, và đằng sau họ là ai? Các vua/quan lãnh/chúa. Chúng ta nên đi thẳng vào bên trong sự việc của thời đó. Đây là chuyện không dễ hiểu, thật không dễ chút nào.

Rồi thì mọi chuyện cũng diễn-tiến về phía trước. Và, ngày nay công-cuộc đối-thoại rất tốt đẹp. Văn-bản về việc công-chính-hoá, là một trong những bản-văn đại-kết phong-phú nhất thế-giới, một điều mà hầu hết mọi người đều đồng-thuận. Nhưng sở dĩ có chia rẽ, cũng do các Giáo-hội. Ở Buenos Aires, có hai Giáo-hội Luther và mỗi giáo-hội nghĩ một cách khác nhau… ngay cùng một giáo-hội Luther cũng đã không có sự hiệp-nhất, nhưng họ tôn-trọng lẫn nhau, yêu-thương nhau và điều-khiển tất cả. Chúng ta đau đớn chính vì có khác-biệt.

Và, ngày nay chúng ta tìm cách đi theo con đường gặp gỡ nhau sau 500 năm chia cách. Cha nghĩ, chúng ta phải cùng cầu nguyện với nhau và cho nhau. Cầu-nguyện là điều rất quan-trọng. Hai nữa, làm việc chung với nhau vì lợi-ích của người nghèo, cả những người bị bách-hại, cho nhiều người và cả những người tỵ-nạn, đau khổ, ta cùng nhau làm việc và cầu nguyện cho nhau. Các thần-gia cũng đang cùng nhau nghiên-cứu, nhưng đây là con đường dài, vẫn rất dài.

Có lần Cha nói đùa rằng: ‘Tôi chẳng biết khi nào thì sẽ có hiệp-nhất cách trọn-vẹn’. Khi nào đây? ‘Ngày Con Người sẽ đến’, bởi lẽ chúng ta cũng không biết chuyện ấy… Thần-Khí Chúa sẽ ban ơn lành cho ta, nhưng trong lúc này, ta hãy cầu-nguyện, yêu-thương nhau và cùng làm việc với nhau. Trên mọi thứ, hãy vì người nghèo, những người đang đau-khổ. Làm việc vì nền hoà-bình và rất nhiều chuyện khác… chống lại nạn người bóc-lột người và nhiều việc khác nữa. Nói tóm, phải chung tay hành-động mới được…” (J.B Thái Hoà chuyển-dịch từ CAN)

“Tôi chẳng biết khi nào mới có hiệp-nhất thật trọn-vẹn?” Câu này tương-tự như câu bảo rằng: Tôi cũng không hề biết khi nào thì hết bạo-lực. Khi nào thì mọi người hết nghĩ xấu/hiểu lầm về người Hồi-giáo, nữa.

Là nhà Đạo, ngài còn nói thế huống chi là nghệ-sĩ cũng vẫn nói và vẫn hỏi bằng ca-từ rằng: 

“Tôi từ chinh chiến đã ra đi.
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì.
Sông Đáy chạm nguồn quanh phủ Quốc.
Non nước u hoài, non nước hao gầy, ngày chia tay.
Em vì chinh chiến thiếu quê hương.
Sài Sơn , Bương Cấn mãi u buồn.
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm.
Em có bao giờ, Em có bao giờ,
Em thương nhớ thương?
Đôi mắt Người Sơn Tây.
U uẩn chiều luân lạc.
Buồn viễn xứ khôn khuây,
buồn viễn xứ khôn khuây.
Em hãy cùng ta mơ.
Mơ một ngày đất mẹ.
Ngày bóng dáng quê hương.
Đường hoa khô ráo lệ.
Đôi mắt Người Sơn Tây.
Đôi mắt Người Sơn Tây.
Buồn viễn xứ khôn khuây …
(Phạm Đình Chương – bđd)

Thiết nghĩ, khi nghe câu “Em có bao giờ Em thương nhớ thương?” ta không chỉ nghĩ đến “Đôi mắt người Sơn Tây” mà thôi. Nhưng, còn thương và nhớ cả quê-hương Nước Trời lồng-lộng, trong đó lời Đức Phanxicô vẫn vang-vọng một cõi trời nào đó, cứ bảo rằng:

“Thần-Khí Chúa sẽ ban ơn lành cho ta. Nhưng trong lúc này, ta hãy cầu-nguyện, yêu-thương nhau và cùng làm việc với nhau. Trên mọi thứ, hãy vì người nghèo, những người đang đau-khổ. Làm việc vì nền hoà-bình và rất nhiều chuyện khác… chống lại nạn người bóc-lột người và nhiều việc khác nữa.”

Cứ sự thường, mỗi khi phiếm, bần-đạo đây thường hay chép lại một truyện kể nào đó để minh-hoạ cho vấn-đề bạn mình đang bàn-luận. Nói về đề-tài khủng-bố với bạo-lực của tôn-giáo hoặc do tôn-giáo tạo ra, thấy cũng khó. Thôi thì, chỉ xin trích dẫn một truyện kể để nói lên những “nỗi buồn viễn-xứ” rất khôn khuây. Để rồi, bạn đọc cứ tuỳ nghi mà định-liệu và đi đến kết-luận cho mình và cho người. Truyện kể hôm nay, là thế này:

Ngày 5/9/1997 là ngày tôi rời gia đình đi nhập học ở khoa Toán, Đại học Bắc Kinh. Ngọn khói bếp dài cất lên từ trên nóc ngôi nhà nông dân cũ nát của gia đình tôi. Mẹ tôi đang nấu mì sợi, chân vẫn còn tập tễnh. Mấy hôm trước, để thêm tí tiền cho tôi nhập học, mẹ đẩy một xe chất đầy rau từ thôn ra thị trấn, trên đường bị trật chân. Còn số bột mì này có được nhờ mẹ đổi năm quả trứng gà cho hàng xóm.

Bưng bát mì, tôi đã khóc. Tôi buông đũa quỳ xuống đất, xoa nắn chỗ chân sưng phồng lên to hơn cả cái bánh bao của mẹ, nước mắt rơi xuống… Nhà tôi ở Thiên Tân, làng Đại Hữu Đới, huyện Vũ Thanh, vô cùng nghèo khó. Tôi có một người mẹ tốt nhất thế gian tên là Lý Diệm Hà.

Khi tôi ra đời, bà nội ngã bệnh ngay trên giường sưởi. Tôi bốn tuổi, ông nội lại mắc bệnh hẹp khí quản và bán thân bất toại, những món nợ trong nhà lớn dần theo năm. Khi bảy tuổi, tôi được đi học, học phí là mẹ vay người khác. Tôi thường đi nhặt những mẩu bút chì bạn bè vứt đi, dùng dây buộc nó lên một cái que rồi viết tiếp, hoặc dùng một cái dây chun xóa sạch những cuốn vở bài tập đã viết, rồi viết lại lên đó.

Mẹ thương tôi đến mức đi vay vài hào của hàng xóm để mua vở và bút chì cho tôi. Những khi mẹ vui vẻ là khi bất kể bài kiểm tra nhỏ hay kỳ thi lớn, tôi luôn đứng đầu, toán thường được 100/100 điểm. Dưới sự khích lệ của mẹ, tôi càng học càng thấy ham thích.Tôi thực sự không hiểu trên đời còn có gì vui sướng hơn được học hành.

Chưa đi học lớp một tôi đã thông thạo cộng, trừ, nhân, chia và phân số, số phần trăm. Khi học tiểu học, tôi đã tự học để nắm vững Toán, Lý, Hóa của bậc trung học phổ thông. Khi lên trung học, thành phố Thiên Tân tổ chức kỳ thi vật lý của bậc trung học,tôi là đứa học trò nông thôn duy nhất của cả năm huyện ngoại thành Thiên Tân được giải, một trong ba người đỗ đầu. Tháng 6 năm đó, tôi được đặc cách vào thẳng trường Trung học số 1 danh tiếng của Thiên Tân, tôi vui sướng chạy như bay về nhà.

Nào ngờ, khi tôi báo tin vui cho cả nhà, mặt bố mẹ chất chứa toàn những đau khổ. Bà nội vừa mất nửa năm, ông nội đang gần kề cái chết, nhà tôi đã mắc nợ tới hơn mười nghìn Nhân dân tệ rồi. Tôi lặng lẽ quay về bàn học, nước mắt như mưa suốt một ngày. Đến tối, tôi nghe thấy ở ngoài nhà có tiếng ồn ào. Thì ra mẹ đang định dắt con lừa con của nhà đi bán cho tôi đi học, nhưng ba tôi không chịu. Tiếng ồn ào làm ông nội nghe thấy, ông lại đang bệnh nặng, trong lúc buồn bã ông đã qua đời.Sau lễ an táng ông nội, nhà tôi lại mắc thêm vài nghìn tệ tiền nợ nữa.

Tôi không còn dám nhắc đến việc đi học nữa. Cất “Giấy báo nhập học” thật kỹ vào vỏ gối, hàng ngày tôi ra đồng làm việc cùng mẹ. Sau hai hôm, tôi và ba tôi cùng lúc phát hiện ra: con lừa con biến mất. Ba tôi sắt mặt lại, hỏi mẹ tôi:

– Bà bán con lừa con rồi à? Bà bị thần kinh à? Sau này lấy gì kéo, lương thực hoa màu bà đẩy xe tay nhé, bà tự cõng nhé? Bà bán lừa một hai trăm bạc liệu cho nó học được một học kỳ hay là hai học kỳ?

Hôm đó mẹ tôi khóc, mẹ tôi dùng một giọng rất dữ dội rất hung dữ để gào lại ba tôi:

– Con cái mình đòi đi học thì có gì sai? Nó thi lên được trường số 1 của thành phố nó là đứa duy nhất của cả huyện này đấy, tôi không thể để cho tiền đồ của nó bị lỡ dở được. Tôi sẽ dùng tay đẩy, dùng lưng vác, để cho nó đi học…

Cầm sáu trăm tệ mẹ vừa bán lừa, tôi thật sự chỉ muốn quỳ xuống dập đầu trước mẹ. Tôi đã thích được học quá rồi, mà còn học tiếp, thì mẹ sẽ khổ sở bao nhiêu, vất vả bươn chải thêm bao nhiêu?

Mùa thu năm đó tôi quay về nhà lấy áo lạnh, thấy mặt ba tôi vàng như sáp, gầy da bọc xương đang nằm trên giường sưởi. Mẹ bình thản bảo: “Có gì đâu, bị cảm, sắp khỏi rồi”. Ai ngờ, hôm sau tôi xem vỏ lọ thuốc của ba, thì thấy đó là thuốc ngăn ngừa tế bào ung thư phát triển. Tôi kéo mẹ ra ngoài nhà, khóc hỏi mẹ mọi chuyện là thế nào. Mẹ bảo, từ sau khi tôi đi học, ba bắt đầu đi ngoài ra máu, ngày càng nặng lên.

Mẹ vay sáu nghìn tệ đưa ba lên Thiên Tân, Bắc Kinh đi khắp nơi, cuối cùng xác định là u nhu ruột bowel polyps, bác sĩ yêu cầu ba phải mổ gấp. Mẹ chuẩn bị đi vay tiền tiếp, nhưng ba kiên quyết không cho. Ông nói, bạn bè họ hàng đã vay khắp lượt rồi, chỉ vay mà không trả thì còn ai muốn cho mình vay nữa!

Hàng xóm kể với tôi, mẹ dùng một phương pháp nguyên thủy và bi tráng nhất để gặt lúa mạch. Mẹ không đủ sức gánh lúa mạch ra sân kho để tuốt hạt, cũng không có tiền thuê người giúp, bèn gặt dần. Lúa mạch chín chỗ nào gặt chỗ đó, sau đó dùng xe cải tiến chở về nhà. Tối đến mẹ trải một tấm vải nhựa ra sân, dùng hai tay nắm từng nắm lúa mạch đập lên một hòn đá to… Lúa mạch trồng trên ba mẫu đất của nhà, một mình mẹ làm. Khi mệt đến mức không đứng dậy nổi nữa thì mẹ ngồi xổm xuống cắt, đầu gối quỳ đến chảy máu, đi đường cứ cà nhắc… Không đợi hàng xóm kể hết, tôi chạy như bay về nhà, khóc to gọi mẹ: “Mẹ, mẹ, con không thể đi học nữa đâu…”.

Kết quả, mẹ vẫn tống tôi lên trường. Tiền sinh hoạt phí mỗi tháng của tôi chỉ 60 đến 80 tệ, thật thảm hại nếu so với những người bạn học khác mỗi tháng có 200-240 tệ. Nhưng chỉ mình tôi biết, món tiền nhỏ này mẹ tôi cũng phải tằn tiện lắm, từ ngày đầu tháng đã dành từng hào, bán từng quả trứng gà, rau xanh lấy từng đồng, có lúc dành dụm không đủ còn phải giật tạm vài ba chục. Mà cha tôi, em trai tôi, dường như chẳng bao giờ có thức ăn. Nếu nhà ăn rau cũng chẳng dám xào mỡ, chỉ chan tí nước dưa muối ăn qua bữa. Mẹ không muốn tôi đói, mỗi tháng mẹ chăm chỉ đi bộ hơn mười cây số mua mì tôm với giá bán buôn.

Mỗi cuối tháng, mẹ vất vả cõng một túi nặng lên Thiên Tân thăm tôi. Trong túi ấy ngoài mì tôm ra, còn có nhiều xếp giấy loại mẹ phải đi bộ ra một xưởng in ngoài thị trấn cách nhà 6km để xin cho tôi (đó là giấy để tôi làm nháp toán), cả một chai tương cay rất to, cải bẹ muối thái sợi, và cả một cái tông đơ để cắt tóc. (Cắt tóc nam rẻ nhất Thiên Tân cũng phải 5 tệ, mẹ muốn tôi dành tiền cắt tóc để mua thêm lấy vài cái bánh bao mà ăn).

Tôi là học sinh cấp 3 duy nhất của Thiên Tân đến cả rau ở bếp ăn nhà trường cũng không mua nổi, chỉ có thể mua vài cái bánh bao, mang về ký túc ăn cùng mì sợi khô hoặc chấm với tương ớt, kẹp dưa muối để ăn qua bữa. Tôi cũng là học sinh duy nhất không có giấy kiểm tra, chỉ có thể tận dụng giấy một mặt của xưởng in để viết bài. Tôi là đứa học sinh duy nhất chưa bao giờ dùng xà phòng, khi giặt quần áo tôi thường đi nhà bếp xin ít bột kiềm nấu ăn (alkali – chất kiềm, dùng để hấp bánh bao, làm bánh nướng, làm nước soda) là xong. Nhưng tôi chưa bao giờ tự ti, tôi cảm thấy mẹ tôi khổ cực cả đời, như người anh hùng chống lại đói khổ. Làm con của người mẹ như thế, tôi rất tự hào.

Hồi mới lên Thiên Tân, tiết học tiếng Anh đầu tiên khiến tôi ù cạc. Khi mẹ lên, tôi kể cho mẹ nghe tôi sợ tiếng Anh thế nào, ai ngờ mẹ chỉ cười bảo: “Mẹ chỉ biết con là đứa trẻ con khổ cực nhất, mẹ không thích con kêu khó, vì chịu khổ được thì chả còn gì khó nữa”.

Tôi bị nói lắp. Có người bảo, học tiếng Anh đầu tiên cần làm chủ được cái lưỡi của mình, bởi vậy tôi thường kiếm một hòn sỏi ngậm vào miệng mình, rồi gắng đọc tiếng Anh. Hòn sỏi cọ xát vào lưỡi tôi, có lúc máu chảy ra bên mép, nhưng tôi cố gắng kiên trì. Nửa năm trôi qua, hòn sỏi nhỏ đã bị mài tròn đi, lưỡi tôi cũng đã nhẵn, tôi đã thành người giỏi tiếng Anh thứ 3 của lớp. Tôi vô cùng cảm ơn mẹ. Mẹ đã khích lệ tôi vượt qua khó khăn lớn trong học tập. 

Năm 1996, lần đầu tiên tôi được tham gia cuộc thi Olympic tri thức toàn quốc khu vực Thiên Tân, đoạt giải Nhất môn Vật lý và giải Nhì môn Toán học, tôi được đại diện Thiên Tân đi Hàng Châu tham gia Cuộc thi Olympic toàn Trung quốc môn Vật lý. “Đoạt lấy chiếc Cup giải Nhất toàn Trung quốc tặng mẹ, rồi lên đường dự Olympic Vật lý Thế giới”. Không ngăn được nỗi khao khát trong lòng, tôi viết thư báo cho mẹ tin vui và mơ ước của tôi. Kết quả, tôi chỉ được giải Nhì. Tôi nằm vật ra giường, không ăn không uống. Dù là người đạt thành tích cao nhất trong đoàn Thiên Tân đi thi, nhưng nếu tính cả những nỗi khốn khổ của mẹ tôi vào, thì thành tích này không xứng đáng! 

Tôi về trường, các thầy ngồi phân tích nguyên nhân thất bại cho tôi thấy: tôi muốn phát triển toàn diện cả Toán, Lý, Hóa, những mục tiêu của tôi quá nhiều nên sức lực tinh thần phải phân tán rộng. Nếu giờ chỉ chọn một mục tiêu trước mắt là kỳ thi Toán, nhất định tôi thắng. 

Tháng 1 năm 1997, cuối cùng tôi cũng đã giành chiến thắng tại kỳ thi Olympic Toán toàn Trung Quốc với điểm số tuyệt đối, lọt vào đội tuyển Quốc gia. Cả mười kỳ thi kiểm tra ở đội tuyển, tôi đều là người đứng đầu. Với thành tích đó, tôi được sang Argentina tham gia kỳ thi Olympic Toán quốc tế. Nộp xong phí báo danh, tôi gói sách vở cần chuẩn bị và tương đậu cay của mẹ lại, chuẩn bị lên đường. Giáo viên chủ nhiệm và thầy giáo dạy Toán thấy tôi vẫn mặc bộ quần áo thải của người khác cho, những thứ áo quần màu sắc chả đâu vào đâu, kích cỡ khác nhau, bèn mở tủ áo của tôi ra, chỉ vào những áo trấn thủ vá, những áo bông tay đã phải nối hai lần, vạt đã phải chắp ba phân, hỏi tôi: “Kim Bằng, đây là tất cả quần áo của em ư?”

Tôi chả biết nói sao, vội đáp: “Thầy ơi, em không sợ người khác chê cười! Mẹ em thường bảo, Phúc Hữu Thi Thư Khí Tự Hoa – trong lòng có sách vở tất mặt mũi sáng sủa, em mặc những thứ đồ này đi Mỹ gặp tổng thống Clinton em cũng chẳng thấy ngượng”.

Ngày 27/7, Olympic Toán học Thế giới lần thứ 38 chính thức khai mạc. Chúng tôi thi liên tục suốt năm tiếng rưỡi, từ 8 giờ 30 phút sáng tới 2h chiều. Ngày hôm sau công bố kết quả, đầu tiên công bố huy chương Đồng, tôi không muốn nghe thấy tên mình; sau đó công bố huy chương Bạc, cuối cùng, công bố huy chương Vàng. Người đầu tiên, người thứ hai, người thứ ba là tôi. Tôi khóc lên vì sung sướng, trong lòng tự nói: “Mẹ ơi, con mẹ thành công rồi!”. 

Tin tôi và một người bạn nữa đoạt Huy chương Vàng kỳ thi Olympic Toán học ngay chiều hôm đó đã được Đài phát thanh Nhân dân Trung ương TQ và Đài truyền hình Trung ương TQ đưa. Ngày 1/8, chúng tôi vinh quang trở về, lễ đón long trọng được Hiệp hội khoa học Trung Quốc và Hội Toán học Trung Quốc tổ chức. 

Khi đó, tôi muốn về nhà, tôi muốn sớm gặp mẹ, muốn chính tay tôi đeo tấm huy chương vàng chói lọi lên cổ mẹ… Hơn mười giờ đêm tối hôm đó, cuối cùng tôi đã đội trời đêm về đến nhà. Người mở cửa là ba tôi, nhưng người một tay ôm chặt lấy tôi vào ngực trước lại chính là mẹ tôi. Dưới trời sao vằng vặc, mẹ tôi ôm tôi rất chặt… Tôi lấy tấm huy chương vàng đeo lên cổ mẹ, khóc một cách nhẹ nhõm và sung sướng. 

Ngày 12/8, trường Trung học số một của Thiên Tân chật ních người, mẹ được ngồi lên bàn Chủ tịch danh dự cùng với các quan chức Cục giáo dục Thiên Tân và các giáo sư toán học hàng đầu. Hôm đó, tôi đã phát biểu thế này:

“Tôi muốn dùng cả sự sống của tôi để cảm tạ một người, là người mẹ đã sinh thành và nuôi nấng tôi. Mẹ tôi là một người phụ nữ nông dân bình thường, nhưng những đạo lý mẹ dạy tôi nên người đã khích lệ tôi cả đời. Năm học lớp 10, tôi muốn mua cuốn sách “Đại từ điển Anh – Trung” để học tiếng Anh. Mẹ không có tiền, nhưng vẫn nghĩ cách giúp tôi. Sau bữa cơm sáng, mẹ tôi mượn một chiếc xe cải tiến, chất một xe rau cải trắng. Hai mẹ con tôi đẩy ra chợ huyện cách hơn 40 km bán rau. Đến được chợ đã gần trưa, buổi sáng đó tôi và mẹ chỉ ăn hai bát cháo ngô nấu với khoai lang đỏ, lúc đó bụng đói cồn cào, chỉ mong có ai tới mua cho cả xe rau ngay.

Nhưng mẹ vẫn nhẫn nại mặc cả từng bó, cuối cùng bán với giá 1 hào một cân. Hai trăm cân rau đáng lẽ 21 tệ, nhưng người mua chỉ trả 20 tệ. Có tiền rồi tôi muốn ăn cơm, nhưng mẹ bảo nên đi mua sách trước, đó là việc chính của ngày hôm nay. Chúng tôi đến hiệu sách hỏi, giá sách là 8 tệ 2 hào 5 xu, mua sách rồi còn lại 1 tệ 7 hào 5 xu. Nhưng mẹ chỉ cho tôi 7 hào rưỡi đi mua hai cái bánh bột nướng, một tệ kia còn phải cất đi để dành cho tôi làm học phí. Tuy ăn hết hai cái bánh nướng, nhưng đi bộ tiếp 40km về nhà, tôi vẫn đói tới đây lànào, mẹ tôi chịu đói cả ngày, vì tôi mà kéo xe suốt 80km đường xa.

Tôi hối hận tới mức chỉ muốn tát cho mình một cái, nhưng mẹ tôi chỉ bảo: “Mẹ ít văn hóa, nhưng mẹ nhớ khi nhỏ được thầy giáo dạy là, Golgi có nói một câu: Nghèo đói là trường đại học tốt nhất. Nếu con có thể tốt nghiệp trường đại học này, thì những trường đại học như Thiên Tân, Bắc Kinh con chắc chắn đều đỗ”.

Khi mẹ nói thế mẹ không nhìn tôi, mẹ nhìn ra con đường đất xa xôi, cứ như thể con đường đất đó có thể thông tới tận Thiên Tân, đi thẳng tới Bắc Kinh. Tôi nghe mẹ bảo thế, tôi không thấy đói nữa, chân tôi không mỏi nữa… Nếu nghèo đói là trường đại học tốt nhất, thì tôi muốn nói rằng, người mẹ nông dân của tôi chính là người thầy giáo giỏi nhất của đời tôi”.

Dưới khán đài, không biết có bao nhiêu đôi mắt đã ướt đẫm, tôi quay về phía người mẹ tóc hoa râm của tôi, cúi người xuống kính cẩn…” (Sưu tầm)

Truyện kể rồi, nay là lúc để bạn và tôi tưởng-nghĩ đến những chuyện rất “Nhớ và thương” như trên, để rồi ta lại sẽ nghe nghe thêm bài “hát nối” nghe được vào buổi “Hát Cho Nhau Nghe” tối 03/7/2016 có lời rằng:

“Tôi đi giữa hoàng hôn,
Khi ánh chiều buông, khi nắng còn vương
Một mình tôi ngắm cánh chim lạc loài
Mà lòng mình thấy u hoài
Tôi thương nhớ ngày qua, trên bến Hoàng Hoa
Hay những đường xa
Thường thường hai đứa dắt nhau tươi cười
Mắt say sưa thắm mộng đời
Dù cho mưa gió, bên mái tranh nghèo
Dù cho nắng, dù cho sương khói mịt mù
Niềm thương yêu hằng xin mãi maĩ không hề phai
Nhớ, nhớ, nhớ đêm nào, trên bến tìm sao
Hai đứa nhìn nhau, không nói một câu
Như thầm mơ ước, ước mơ dạt dào
Như thầm hẹn nhau mùa sau.”
(Văn Phụng – Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn)

Đi giữa hoàng hôn hay hôn hoàng có những tưởng nhớ về “nỗi buồn viễn-xứ khôn khuây” mà chọn lựa đường-hướng cho đời mình và đời người, đôi lúc cũng rất buồn. 

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn nhớ nhiều
những chiều u-ẩn
Rất khôn khuây ấy.
Nhớ hơn cả,
là Vương Quốc Nước Trời
ta thầm hẹn nhau mùa sau.  

Bài liên quan

Back to top button