“Người tình đi xa mãi nơi chân trời” | Chuyện phiếm Đạo/Đời
Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 25 thường niên năm C 22/9/2019
“Người tình đi xa mãi nơi chân trời”
Trời u tối, mùa đông đang đi tới ngày dài quá dài
Mưa đã rơi mù khơi, mưa tơi bời
Từng giọt mưa rơi trên mái ngói nghe như lời
Lời tôi khóc cho tôi.”
(Phạm Duy – Hận Tình Trong Mưa)
(Sách Gióp 5 : 2)
Hận gì thì hận, có hận trong mưa hay lúc nắng, cũng là “Hận tình” vẫn rất hận. Nói gì thì nói, có nói lời gì đi nữa khi người yêu “xa mãi nơi chân trời” cũng vẫn tơi bời, rất mù khơi. Hận tình trong mưa, còn có những tình-tự cũng rất hận khi người hận vẫn cứ kêu trời như ở dưới:
“Người yêu dấu ơi!
Trở về đây với tôi
Nép bên bờ vai, bên tôi hay ngồi
Và nói những câu buồn vui
Và vuốt mái tóc cho tôi
Dù chỉ là những câu nói dối gian thôi
Nói lên câu ân tình
Tình đã chết nơi xa vời.
Ngồi chờ, ngồi mong bước chân ai về
Người về bên tôi,
một đêm không mưa gió
Một cuộc tình não nề
Cho hết đi sầu vương,
tôi không còn Ngồi lặng câm
Đêm đêm khóc lóc như mưa dầm
Vì tình chưa chết trong tim.
Người yêu dấu ơi, từng đêm lẻ loi
Nói câu biệt ly,
bên tai tôi còn vẳng tiếng đớn đau
Còn vừa mới e ấp trong nhau
Cuộc đời thoáng chan chứa
những trăng sao
Bỗng như cơn mưa rào
Tình đã chết theo bùi ngùi.”
(Phạm Duy – bđd)
“Tình đã chết theo bùi ngùi” như cơn mưa rào, những trăng sao, có là tình đã chết ở đâu đó trong nhà Đạo không? Trả lời cho câu hỏi này, tưởng cũng nên theo dõi ý/lời của đấng bậc nhà Đạo từng bảo ban về niềm tin và huệ-lộc vào của Thiên Chúa, như sau:
“Chuyện “cởi bỏ” giàu sang, bạc tiền hiểu theo nghĩa rộng, tức: những thứ và những sự mà mọi người cần rũ bỏ, đó chính là nỗi khó cho người tuổi nhỏ khi chưa đạt được những gì mình kiếm tìm. Chưa đạt, nên khó mà rũ bỏ.
Tuy nhiên, Lời Chúa vẫn dạy mọi người cần rũ bỏ những gì là năng lượng chìm sâu trong quyết tâm đưa mình vào thứ gì khác lạ. Thứ gì khác, là khả năng suy nghĩ về sự sống; về cả khả năng vấn nạn mọi sự trong cuộc đời.
Đi vào cuộc sống, là kiếm tìm niềm tin. Kiếm tìm, một lý tưởng nào đó khiến người người thuộc mọi văn-hoá, lứa tuổi cũng như giai tầng xã hội đều thực thi trong xã hội. Xã hội ngoài đời gồm những vị trưởng giả cũng như giới nghèo/hèn ở cấp thấp vẫn kiếm tìm “thiên đường hạ giới” nơi cuộc đời. Kiếm tìm mãi, mới khám phá ra rằng: thiên đường mình tìm để sống không là chốn miền ao ước, mà là trạng huống sống có tình thương-yêu, giúp đỡ lẫn nhau. “Thiên đường hạ giới”, là diện mạo trần thế của niềm tin, chứ không là chốn vui chơi, sa đà.
Cuộc sống người Công giáo các thập-niên qua, nhiều người lại đã nhận ra rằng: dù vẫn tin, nhưng niềm tin của ta ra như còn mang tính chất của “người tuổi nhỏ”, dù đã lớn. “Tuổi có nhỏ”, nhưng bằng vào cách nhìn về Hội thánh như giấc mơ. Mơ, rằng: cả trong lý tưởng để sống cuộc sống “thiên đường hạ giới”, người người vẫn có nhiều hạn chế. Mơ, còn vì Hội thánh ta chẳng khi nào trưởng thành được nếu không thực hiện điều Chúa nhắc nhở.
Hội thánh chẳng thể nào tìm ra được “thiên-đường-cửa-hẹp” như Chúa nói, nếu không biết cởi bỏ tình-huống khép kín, đóng khung, chia cách. Trái lại, nên hiệp thông, yêu thương, giùm giúp nhau. Yêu thương giùm giúp trên đường tìm kiếm cách-thế trưởng thành trong san-sẻ “thiên-đường-cửa-hẹp” có niềm tin sâu sắc. Nhiều thập-niên qua, người Công giáo vẫn cứ ngồi lì trong tình-huống rất “tuổi-nhỏ”, lại chưa đạt tình-trạng trưởng-thành của văn-hoá sự sống, rất đúng nghĩa. Sống, có tin và yêu thương lẫn nhau như người anh người chị cùng một cha, một mẹ.
Chín-chắn/trưởng thành, nằm trong hy-vọng cũng như niềm tin. Hy vọng và tin-yêu như tín-hữu cộng-đoàn tiên-khởi thời của thánh Luca từng sinh sống, dẫn dắt. Cộng-đoàn khi ấy cũng có yêu và có ghét. Yêu người cùng giòng giống, ghét đế quốc La Mã thời trước từng bách hại cộng đoàn mình. Tuy nhiên, cộng đoàn thánh Luca cũng đã kinh qua các giai đoạn khó sống, để rồi tỉnh thức trỗi dậy đi vào một thế giới khác biệt, quyết trở thành tín-hữu của Chúa, đã đổi mới. Thánh Luca tin tưởng điều ấy và tìm cách huấn-dụ dân con đồng Đạo đi vào “thiên-đường-cửa-hẹp”, Chúa muốn đi.
Cộng-đoàn Luca cũng kiếm tìm nhiều, đã nhận ra chân lý, nên thấy được rằng: muốn trở thành dân con đích thực của Chúa, ta đừng quá bận tâm vào chuyện kiếm tìm “thiên-đường-cửa-hẹp” mà làm gì. Bởi, trước khi ta tìm ra Chúa, thì Ngài đã tìm ta và thấy ta. Ngài đón nhận ta làm con của Ngài, ngay từ đầu. Đó, chính là huệ-lộc Chúa ban cho ta một cách nhưng-không, chẳng cần kiếm tìm mà chỉ cần duy trì quà tặng bằng quyết tâm tin, yêu, hy vọng vào tình Chúa vẫn thương ban.
Huệ-lộc Chúa tặng ban, ta không có khả năng tự mình rút tỉa, nhưng đó là quà nhưng-không, Chúa biếu không ngay từ đầu. Huệ-lộc, biến thành thứ gì đó rất trừu-tượng trừ phi nó được Chúa tặng ban cho ta, không cần đến bàn tay ta dính vào. Điều tuyệt vời, là ở chỗ: quà ân-huệ “đã” được Chúa tặng ban cả vào lúc trước khi ta kiếm tìm nữa. Cũng như thể, ta cứ nghĩ: mình cần thứ ân-huệ-cộng-thêm cho những gì hiện giờ ta chưa có.
Nếu nghĩ thế, ắt cho huệ-lộc đây chỉ là thứ quà cáp Chúa tặng ban sau khi suy đi nghĩ lại, chứ không phải từ đầu. Không. Không phải thế. Huệ-lộc Chúa ban không là quà tặng vào giai đoạn cuối đời, mà là quà tặng Chúa cưu mang, ngay từ buổi đầu.
Huệ-lộc cũng không là thứ gì đó chẳng ai trông chờ. Không là món nợ Chúa còn thiếu, nên mới trả cho ta. Quà Chúa tặng, không là phần thưởng Chúa hứa hẹn cho người sống tốt lành, hạnh đạo, chỉ một ít. Huệ-lộc, là quà có sẵn bên trong bản thể con người. Là người, ta đã được tặng ban huệ-lộc “nhưng-không” ở phần thâm-sâu của bản thể; nhờ đó, ta được thấy Chúa, ngay từ đầu. Bản thể “người”, tự thân, đã hàm-ngụ thứ khả-năng được thấy Chúa ngay từ lúc đầu. Đây không là văn/thơ kịch bản đầy diễn-xuất, mà là cung-cách Chúa tạo nên ta, thẩm-thấu vào bản-thể “người” của ta, ngay từ đầu.
Nói cách khác, không phải là ta khởi đầu tìm Chúa khi tìm huệ-lộc; nhưng, Chúa đã tặng ban huệ-lộc cho ta trước do yêu thương. Đó là lý do khiến tạo-vật-là-ta không chỉ vừa xuất hiện hoặc đang trên đường tìm kiếm, nhưng đã hiện hữu trong Chúa. Chúa và tạo-vật-là-ta ở trong nhau và với nhau. Ta hiện hữu đây là để cảm-tạ Chúa đã kiếm tìm ta và thấy ta, trong Ngài và Ngài đã có ta trong bản-thể cao cả của Ngài. Đó là chân lý. Đó, là điểm son trong quan hệ giữa Chúa và ta.” (X. Lm Kevin O’Shea DCCT, Lời Chúa Sẻ San 2014, tr. 193-196)
“Thiên-đường cửa hẹp”, vẫn hiện-diện trong quan-hệ giữa Thiên Chúa và loài người. Chí ít là: giữa loài người với nhau, như câu chuyện ngắn gọn ở bên dưới. Ngắn và gọn, nhưng vẫn diễn-tả được ý-nghĩa của tình người “nơi cửa hẹp”, có khi còn rất hẹp:
“Tại một thành phố ở Ấn Độ, vị thương gia mất cả ngày trời thương thảo với đối tác. Mệt mỏi, ông vào một nhà hàng sang trọng, tự thưởng cho mình bữa tối thịnh soạn.
Khi những món ăn đã sẵn sàng trên bàn, bất chợt ông nhìn thấy một cậu bé đang nhìn trộm qua cửa kính, ánh mắt vô cùng thèm thuồng. Có gì đó đâm nhói trong tim, ông vẫy cậu bé vào. Cậu bé dắt theo một đứa em gái nhỏ. Hai đứa trẻ chăm chăm nhìn vào những đĩa thức ăn nóng hổi, chẳng cần biết người gọi chúng vào là ai.
Vị thương gia bảo chúng cứ ăn thỏa thích. Và, không nói, không cười, hai đứa trẻ ngấu nghiến ăn hết các món ăn ngon lành trên bàn. Vị thương gia im lặng nhìn hai đứa trẻ ăn và rời đi, ông thấy cơn đói được xua tan một cách lạ kỳ, một cảm giác khó tả lâng lâng trong lòng…
Vị thương gia gọi lại món ăn, nhẩn nha thưởng thức, sau đó gọi thanh toán. Ông xem tờ hóa đơn, một giọt nước mắt khẽ rơi. Ông nhìn người đàn ông tại quầy thu ngân và mỉm cười, anh ta đáp lại bằng nụ cười rạng rỡ. Tờ hóa đơn không hề ghi số tiền mà chỉ có một lời nhắn: “Thật đáng tiếc, chúng tôi không in được hóa đơn thanh toán cho tình người! Chúc ngài luôn hạnh phúc!”
Vị thương gia dùng “đức”, lấy tình thương đối xử với người nghèo. Chủ nhà hàng dùng “nghĩa” đáp lại “đức”. Không biết ai hơn ai?
Người xưa có câu: “Ngồi trên đống cát, ai cũng là hiền nhân, quân tử. Ngồi trên đống vàng mới biết ai thật sự là quân tử, hiền nhân”.
Tình yêu thương luôn đem đến những điều kỳ diệu cho cả người cho đi và người nhận lại. Hạnh phúc mà tình yêu thương đem lại cho cả hai là cảm giác bình yên và thật sâu lắng, xóa tan mọi đau khổ và bất hạnh..
Vạn vật tồn tại trên thế giới này đều không thể sống mãi với thời gian, ngay cả con người cũng không thể đi ngược lại hay cưỡng cầu với quy luật của thời gian. Theo thời gian, mọi thứ đều biến hóa và đổi thay khôn lường, có thể sinh ra hoặc mất đi, có thể phát triển hay lụi tàn, cái gì có đến chắc chắn sẽ có đi, không bao giờ là tồn tại mãi mãi. Nhưng đó chỉ đúng với vật chất ngoài thân, có một thứ mà con người có thể gìn giữ nó tồn tại mãi với thời gian đó chính là tình người.” (St sưu tầm và kể lại)
Tình người ở đây, vượt quá không gian và thời gian. Vượt, lên trên đời sống của mỗi người và mọi người. Tình ấy, có lúc nằm khuất bên trong cử chỉ rất nhỏ, không nổi cộm, nhưng nếu để mắt ta vẫn thấy ở đây đó, rất nhiều nơi.
Tình người ở đây đó, vẫn cứ tồn-tại với con người hết thế-hệ này qua thế-hệ khác mà chẳng ai bảo ai cũng cứ thấy. Không cần kể lể, viết lách hoặc đặt nặng bằng chữ nghĩa Tình ấy, đâu cũng thấy. Lúc nào cũng gặp. Ngặt một điều, là người thời nay quá bận rộn, không để tâm/để ý nên chẳng thấy được nó.
Tình người gặp ở đó đây, lại vẫn là thứ Tình của con người, từ con người và cho con người. Tình ấy xuất tự Thiên Chúa và sẽ trở về cùng Ngài mỗi khi ta thực-hiện với nhau, và cho nhau. Đó là điều, được đấng thánh hiền từng dạy bảo, nhủ khuyên cùng nhắc nhở hết mọi người trong ngoài Hội thánh, rất như sau:
“Thiên Chúa không bất công đến nỗi quên việc anh em đã làm
và lòng yêu mến anh em đã tỏ ra đối với danh Ngài,
khi trước đấy anh em phục vụ các người trong dân thánh,
và hiện nay vẫn còn đang phục vụ.
Nhưng chúng tôi ao ước cho mỗi người trong anh em
cũng tỏ ra nhiệt thành như thế,
để niềm hy vọng của anh em
được thực hiện đầy đủ cho đến cùng.”
(Thư Do-thái 6: 10-12)
Thế nên, cùng với hết thảy mọi nghệ-sĩ từng ê-a hát bài ca yêu thương, ta cũng sẽ tiếp tục cùng với họ hát lời thương yêu qua nhạc-bản, những viết rằng:
“Người yêu dấu ơi!
Trở về đây với tôi
Nép bên bờ vai, bên tôi hay ngồi
Và nói những câu buồn vui
Và vuốt mái tóc cho tôi
Dù chỉ là những câu nói dối gian thôi
Nói lên câu ân tình
Tình đã chết nơi xa vời.
Ngồi chờ, ngồi mong bước chân ai về
Người về bên tôi,
một đêm không mưa gió
Một cuộc tình não nề
Cho hết đi sầu vương,
tôi không còn Ngồi lặng câm
Đêm đêm khóc lóc như mưa dầm
Vì tình chưa chết trong tim.”
(Phạm Duy – bđd)
“Tình chưa chết trong tim”, vẫn là tình của tôi, của bạn, của hết mọi người, trong cuộc đời. Tình ấy, còn được mỗi người và mọi người minh-họa bằng truyện kể về sự buông bỏ rất thực-tế của nước láng giềng dùng làm kết-luận cho bài ‘Phiếm’ ngắn hôm nay:
“Truyện về nước láng giềng có tên là Laos, dịch thành Ai-Lao, hoặc: ‘Lèo’ hoặc Lào rằng:
Nước Lào tươi đẹp vì xanh mát, trong lành và bình yên. Người Lào hồn nhiên, hiền hậu, chân thật, lịch sự và điềm đạm. Từ lao động chân tay đến trí thức, cảnh sát hay doanh nhân, ai ai cũng toát lên một thần-thái an-lạc. Nước Lào ít có người giàu, phần lớn những người giàu nhất là doanh-nhân Hoa-kiều và Việt-kiều. Do bởi người Lào ít kinh doanh, nếu có, họ cũng đóng cửa sớm lắm. Khi thấy khách hàng của mình mới 5 giờ chiều đã đóng cửa hàng, người viết có hỏi sao đóng cửa sớm quá, không bán thêm vài tiếng nữa, thì anh chị ấy cười cười rồi nói: “Thôi, nhiêu đó đủ rồi, về ăn cơm rồi xem ti vi”. Thật không phải họ lười biếng, cũng không phải là họ hổng biết kinh doanh, hoặc chê tiền mà chỉ là họ biết kiếm bấy nhiêu là đủ. Làm được như họ thất cũng khó, phải nói là khó lắm.
Ở Lào hiếm khi có chuyện cướp giật hoặc mất trộm ngoài đường. Chiếc xe máy dựng trước thềm nhà không khoá, sáng ra vẫn còn y thinh. Nửa khuya, ngay giữa ngã tư thênh thang vắng lặng, người ta vẫn dừng đúng vạch đèn đỏ. Giao thông bên Lào thật tuyệt vời, thi thoảng mới có chuyện kẹt xe giữa thủ đô vào giờ tan tầm, nhưng tuyệt nhiên không có chuyện chen lấn, bóp còi xe, không có chuyện cáu gắt hay bực dọc. Khi bạn băng qua đường, dù không đi trên vạch trắng, xe cộ thấy bạn từ xa, họ đã hãm tốc độ để tránh. Thành phố bên Lào lúc nào cũng êm ắng, lặng thinh ngày cũng như đêm. Đi mua sắm, lựa chọn cho đã xong rồi cứ thế bỏ đi, người bán họ vẫn vui vẻ chắp tay chào. Và còn nhiều chuyện khác nữa rất nên kể…
Vũ-trường ở Lào, nói cho đúng, cũng giống như quán hủ tíu bên nươc Việt mình tức: cũng sơ sài, nghèo nàn, vắng vẻ. Nhưng bảo tàng-viện và thư viện lại rất lớn, nhà hát tuyệt đẹp, lúc nào cũng đông nhiều người đến thưởng thức. Và cứ thế, bạn hãy suy thêm…
Tiện đây, để tôi kể chuyện này cho quí vị nghe, hồi SEA Games 25, thoạt lúc biết là bóng đá Việt Nam vào được chung kết và cơ hội thắng Malaysia đoạt chức vô địch là rất cao, tôi bèn rủ một bạn bay qua thủ-đô Vientiane để ủng hộ đội nhà, sung sướng với cảm giác vô-địch. Trần ai kiếm được vé máy bay, qua tới nơi, khách sạn sang hèn, nhà trọ lớn nhỏ không còn một chỗ trống. Dân Việt Nam ngập tràn bên đó, phần lớn đi đường bộ qua cửa khẩu Lao Bảo. Anh taxi cũng khốn đốn tới khuya để chở tụi tui đi tìm, rồi anh xin lỗi vì không giúp được.
Thì thôi, kiếm chỗ nào có mái che, lăn ra ngủ vậy, cổ động viên bóng đá chứ có phải doanh nhân đi nghỉ dưỡng đâu. Nghe vậy, anh taxi hổng chịu. Anh nói ở đây an toàn, không sợ gì con người nhưng anh sợ nửa đêm gió sương…Rồi anh mời tụi tui về nhà, gọi vợ mình dậy nấu mì cho ăn. Khách tắm rửa xong, vợ chồng anh nhường cho họ phòng ngủ của mình. Sáng ra, anh chở đi tìm vé vào sân vận động (ui Trời, dân bán vé chợ đen toàn Việt Nam tràn qua). Gửi biếu anh chị tiền, họ nhất mực không nhận, chỉ lấy tiền taxi. Như vậy đó.” (Truyện kể trích từ điện-thư vừa nhận rấ hôm nay)
Còn nhiều thì giờ, nên bần đạo bầy tôi đây tình nguyện kể thêm một câu chuyện không hay cho lắm nhưng cũng là chuyện để đời và nhớ đời.
“Truyện rằng:
“Một bác lớn tuổi bực mình với một cậu Grab Biker:
– Sao bác đợi cháu ở đây đến 20 phút không thấy cháu đâu, mà cháu cứ báo đến rồi là sao?
– Dạ, cháu tưởng số 2 Đồng Khởi là Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn nên cháu đứng đó đợi…
– Khổ quá… Cháu không biết xem số à?
– Cháu có xem, nhưng chỗ Nhà thờ không để số. Cháu nghĩ số 2 là đầu đường nên chờ mãi. Đang tính báo “Hủy” thì bác gọi lại…
– Cháu học hành sao mà đầu đường, cuối đường không biết?
– Dạ, cháu có đi học chứ. Cháu mới tốt nghiệp Đại học Luật bác ạ. Nhưng quê ở Tây Ninh. Giờ tốt nghiệp, xin việc chưa được, phải chạy Grab kiếm cơm. Bác thông cảm…
– Thôi được, cháu chạy đi. Bác dạy cháu một lần cho biết nhé. Cái này gọi là kiến thức phổ thông, nhưng nhiều người Việt Nam thời mới này không biết. Từ sếp lớn, đại gia đến người chạy xe ôm như cháu không biết vì có học đâu.
Bác nói cháu nhớ nhé: Trong một đô thị đã có quy định thì mặc nhiên là số nhỏ luôn tính từ sông lên. Ví dụ: Số 2 đường Đồng Khởi là Cà phê Runam hỗi nãy bác đứng là số nhỏ vì nó giáp sông Sài Gòn. Vậy, chỗ cháu chờ lúc nãy là ở Nhà thờ Đức Bà là cuối đường Đồng Khởi, chứ không phải đầu đường. Số lẻ luôn bên tay trái, số chẵn bên tay phải khi mày đứng nhìn từ đầu đường đến cuối đường.
– Giờ bác hỏi cháu, khách Tây nó nói cho xe đến trung tâm Sài Gòn thì mày chạy đi đâu?
– Dạ… Chắc chạy ra Nguyễn Huệ phải không bác?
– Trật lất rồi cháu à. Ở một đô thị, trung tâm là nơi có nhà ga xe lửa chính. Rồi nếu không có thì là Bưu điện Trung tâm. Tức là chỗ Nhà thờ Đức Bà vừa nãy đó.
Trước 1975, trung tâm Sài Gòn là Nhà ga xe lửa ở chỗ gần chợ Bến Thành, chứ không phải là Chợ Bến Thành. Sau năm 1980, nhà ga này dời về Hòa Hưng nên trung tâm Sài Gòn hiện nay là Bưu điện trung tâm Sài Gòn.
Đó là các kiến thức phổ thông. Cháu biết thì đi đâu ở nước ngoài cũng không sợ bị lạc đường. Nó có những quy tắc phổ quát ở đô thị, trong một xã hội văn minh. Phải được dạy dỗ từ bé. Nhưng người ta không làm. Người ta dạy rất nhiều thứ vô bổ. Người Việt đi nước ngoài khổ lắm. Đi từng đoàn, không biết cách xem bản đồ xem la bàn. La hét inh ỏi. Xấu hổ ghê lắm..
Trong khi ở các nước khác, trước khi học toán, học lý, họ dạy người ta sống với nhau như thế nào. Gọi là học cách cư xử, cách đối nhân xử thế giữa người với người, giữa trẻ với người lớn tuổi. Rồi dạy kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, nhóm lửa trong điều kiện khó khăn, cách dựng lều, trại, cách bắt cá, cách xử lý thịt sống… Rồi học bơi, học thoát khỏi đám cháy, nhà sập, động đất hay bị bắt cóc… Học cách ứng cứu y tế sơ đẳng… Nhiều lắm… Như trẻ con ở Nhật, từ lớp 1 đến lớp 6 chỉ học như vậy. Và một ít chữ. Toán, Lý, Hóa chỉ sau này mới học. Và nếu có năng khiếu có đam mê mới theo một ngành nào đó và học cấp cao hơn. Nhưng trước đó đứa bé đã biết mọi thứ để tự lo cho cuộc sống của mình.
Bác sang Canada… Người ta dạy lắp điện, sửa ống nước, thoát nước với những điều cơ bản từ trong trường phổ thông. Cái gì lo cho bản thân mình chính là phổ thông. Còn ở Việt Nam không có. Vì vậy, ở Việt Nam làm gì cũng mướn thợ. Ở nước ngoài, người ta ai cũng làm được hết, dù là phụ nữ hay đàn ông, từ điện đến cấp, thoát nước… Chỉ những người quá bận rộn mới mướn thợ.
Còn ở Việt Nam, rất nhiều đàn ông không biết lắp điện, không biết sửa ống nước. Vì có được học đâu?
Trẻ con Việt Nam yếu về mọi kỹ năng, cái gì cũng không biết. Vì chúng phải bỏ thời giờ để học yêu lãnh tụ, yêu đồng bào. Đó là sự xuẩn ngốc. Vì tình yêu không thể dạy để yêu được. Tình yêu là một tình cảm tự nhiên và lòng yêu nước cũng tự nhiên dù không dạy cũng vậy.
Hôm qua, thằng cháu ngoại của bác mới vào lớp vỡ lòng về hỏi: Ngoại ơi, tổ quốc là gì hả ngoại, có phải là tổ con chim quốc không ngoại, sao cô giáo dạy phải yêu? Bác nhức đầu quá, chẳng biết giải thích sao.
Sao không dạy cho bọn nó trước hết yêu ông, bà, cha, mẹ, anh chị, bạn bè, kính trọng thầy cô, người lớn trước khi dạy nó những thứ khác? Đầu óc non trẻ của tụi nó sao kham nổi mấy khái niệm xa lắc xa lơ?
Lớn lên, chúng còn mất thì giờ học Toán cao cấp như Vi phân, Tích phân. Mấy đứa sau này làm ca sĩ, nhân viên bán hàng, cầu thủ đá banh như Công Phượng, Quang Hải hay chạy Grab như mày . . . cần gì những thứ này? Hầu hết đều vứt đi sau khi thi xong, quá lãng phí công sức người dạy lẫn người học. Cái không dùng tới trong đời sống hàng ngày sao gọi được là phổ thông? Nó chỉ nên dạy ở đại học …
Còn nhiều thứ vô bổ khác nữa được nhồi nhét vào đầu chúng. Chẳng biết nhằm mục đích gì? Cách dạy cũng vậy, từ cấp nhỏ đến đại học toàn đọc, chép, thầy cô bảo sao nghe vậy, đứa nào có ý khác một tý, cãi một tý thì mắng là hỗn, láo mặc dù mình sai lè lè! Chẳng khác gì biến chúng thành một lũ cừu dễ bảo.
Gíao dục bây giờ thật tệ hại. Cho nên nói cứ nói mà không có mục tiêu nào đạt được. Đại hội Đảng năm 1976, người ta nói đến 1980 cơ bản biến nước ta thành nước Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá. Và giờ đã 43 năm rồi mà vẫn còn xa vời…
– Nghe đã quá, cậu Grab Biker chọt miệng chêm vào, thế mà hôm bữa có xếp lớn nói gíao dục của ta chưa bao giờ tốt như bây giờ, kể từ thời Vua Hùng đến giờ…
– Đúng chứ. Con nít bây giờ mới 10 tuổi mà biết sử dụng Ipad, Iphone nhoay nhoáy. Cháu 21, 22 tuổi biết dùng công nghệ kết nối chạy xe ôm. Bác chắc là Vua Hùng sống lại cũng không giỏi như các cháu đâu. Nên mới nói giáo dục của ta bây giờ hơn thời Vua Hùng nhiều là đúng lắm.
Tới nơi rồi cháu cho bác xuống đi.
Cuối cùng thì, chuyện của nước Lào hoặc Ai-Lao hoặc của ai đó, vẫn là chuyện thường ngay ở huyện. Chuyện thường tình, vẫn còn ghi những đoạn được Đấng Thánh Hiền khuyên dạy, mãi hôm rày, rằng:
“Quả thật, nỗi sầu khổ
làm người điên phải chết
và giận hờn làm kẻ dại phải tiêu vong.”
(Sách Gióp 5: 2)
Trần Ngọc Mười Hai
và chuyện thường tình hôm nay
vẫn làm vương vấn
rất nhiều người.