Chút suy tưVăn - Nghệ

Một ngày cuối cùng | Mai Nhật Thi | Nghệ Thuật Sống

Một Ngày Cuối Cùng

Trước kia có một quốc vương vô cùng sùng kính Phật pháp, kính lễ tăng bảo.

Một hôm có một đoàn ca múa từ nước khác lại, trong đoàn có rất nhiều hình thức biểu diễn như ảo thuật, ca múa v.v…

Quốc vương không nỡ hưởng vui một mình bèn mời hòa thượng trụ trì của quốc tự cùng thưởng thức. Vị trụ trì bởi lệnh vua nên khó từ chối mà cũng đành phải tới xem.

Khi biểu diễn, chỉ có vị trụ trì ngồi cúi mặt xuống không xem, quốc vương ngược lại ngồi bên cạnh vui vẻ không ngừng vỗ tay. Sau buổi biểu diễn, quốc vương hỏi vị trụ trì tiết mục nào đặc sắc nhất, người liền trả lời:

– Lão tăng vô tâm không xem.

Quốc vương ngạc nhiên hỏi :

– Hòa thượng tại sao lại vô tâm không xem ?

– Vì đời người vô thường, chớp mắt đã chết, việc sinh tử đại sự trên mình, cho nên không có lòng xem.

Quốc vương nghe xong bán tín bán nghi hỏi :

– Đại sự sinh tử vô thường thực ra có quan trọng và bức thiết gì để có thể khiến ngài không có lòng dạ nào xem biểu diễn của đoàn ca múa này ?

– Không tin ngài tìm một tử tù lại, tôi chứng minh cho ngài thấy.

Quốc vương nghe xong liền lập tức ra lệnh đưa một người tử tù lại. Vị trụ trì nói với quốc vương:

– Xin ngài mời đoàn ca múa nọ cố gắng hết sức biểu diễn một lần nữa.

Rồi vị trụ trì quay lại, bảo một người lấy một thùng nước đặt lên đầu người tử tù và nói với anh ta:

– Nếu như đến khi các tiết mục được biểu diễn xong, nhà ngươi không để một giọt nước rơi xuống, ngươi sẽ được tha chết.

Kết quả là mãi đến khi diễn xong, người tử tù đó quả nhiên không để một giọt nước nào rời xuống, vị trụ trì hỏi người tử tù có biết đoàn ca múa diễn cái gì không, người tử tù nói :

– Tôi còn lòng dạ nào mà chú ý đến đoàn ca múa đó đang diễn cái gì. Tôi chỉ toàn tâm chú ý tới thùng nước trên đầu tôi, không để cho giọt nước nào rơi ra ngoài thôi.

Vị trụ trì lúc bấy giờ mới quay lại nói với quốc vương:

– Nhanh chóng của vô thường, giống như người tử tù ngày mai đem đi chặt đầu, chỉ là cái mơ hồ qua ngày của đời người, hưởng lạc của thế gian không tự biết mà thôi. Nếu mọi người đều nhìn thấy vô thường, giống như sự bức thiết sâu sắc của người tử tù bị đem đi chặt đầu, đại sự sinh tử của con người, ai còn lòng dạ nào mà xem người khác ca múa đây.

Quốc vương nghe xong chợt tỉnh ngộ, hiểu rõ thời gian lãng phí vô vị đã qua của đời người.

__________

Chút Suy Tư

Nhận ra giá trị đời người

+ 1. Quốc vương

Làm Vua thì hầu hết là vui hưởng vinh hoa phú quý. Tận hưởng hoan lạc mọi thứ. Ý nghĩa cuộc sống đối với họ là tìm những trò vui để thụ hưởng. Từ chuyện khuê phòng hàng trăm hàng ngàn cung phi mỹ nữ, đến yến tiệc sang trọng. Đối với những ông vua ác độc còn có thêm những cuộc vui thỏa mãn trí tò mò và bản năng thú vật tiềm ẩn trong con người bằng những trò giải trí trên xương máu của tội nhân, đem  họ ra cho ác thú xé xác hay bắt họ đấu đá chém giết nhau đến chết… Đắm chìm trong những cuộc vui như vậy, quốc vương không thể hiểu lẽ cao siêu nhưng lại rất hiện thực của kiếp phù du.

“Đại sự sinh tử vô thường thực ra có quan trọng và bức thiết gì để có thể khiến ngài không có lòng dạ nào xem biểu diễn của đoàn ca múa này ?” (trích truyện).

+ 2. Hòa thượng trụ trì

Ngài là vị chân tu đã giác ngộ đạo lý nhân sinh. Niềm vui của ngài là nhận ra và chọn lựa những giá trị cuộc sống với huệ nhãn nhìn đời của một người đã thoát tục. Nên nhiều cuộc vui của Quốc vương đâu phải là niềm vui được chọn lựa của vị trụ trì. Đời người thoáng qua như một giấc chiêm bao. Cuộc thế trôi qua chỉ một sớm một chiều. Niềm vui nào chỉ có giá trị phù phiếm trần gian đâu thể nằm trong kho tàng tích đức của người giác ngộ được.

“Vì đời người vô thường, chớp mắt đã chết, việc sinh tử đại sự trên mình, cho nên không có lòng xem”. (trích truyện)

+ 3. Tên tử tội.

Quốc vương và Vị trụ trì có một khoảng cách xa lắm về mức độ giác ngộ giá trị của cuộc đời. Tên tử tội là một thí dụ cụ thể để thu ngắn cách nhìn của hai bên về cuộc sống. Ngôn ngữ của vị chân tu có khi quá cao siêu đối với quốc vương. Điểm cốt lõi ở nơi đây là “sự nhanh chóng của vô thường”, tựa như chỉ một ngày còn lại sự sống của tên tử tù. Nghe có vẻ đơn giản như vậy, nhưng nhận ra tầm “quan trọng và bức thiết” của nó không dễ dàng gì.

“Tôi còn lòng dạ nào mà chú ý đến đoàn ca múa đó đang diễn cái gì. Tôi chỉ toàn tâm chú ý đến thùng nước trên đầu tôi, không để cho giọt nước nào rơi ra ngoài mà thôi”. (trích truyện)

+ 4. Bài học cuộc sống.

Hẳn nhiên bài học của Vị Hòa Thượng trụ trì không phải là từ bỏ những giá trị đẹp thuộc về Chân Thiện Mỹ, như nghệ thuật, giải trí, những gia sản vật chất và tinh thần quý giá của nhân loại đáng trân trọng…  Điều ngài muốn nói với Quốc Vương đây là sự đắm đuối của cuộc đời trước những thú vui hưởng thụ mà con người dễ đi đến mất gốc Chân Thiện – mất “Thiện Căn ở tại lòng ta” – khi chỉ lo đề cao những thứ phù du mà quên đi tìm sự viên mãn đích thực của đời người.

Nhiều kẻ vì quá giàu có dễ đi đến thái độ phô trương, lối sống hưởng thụ xa hoa phung phí, “ăn uống vui chơi cho đã”- mà Quốc Vương trong câu chuyện hôm nay là một hình ảnh đại diện – còn thời gian đâu “dừng lại” để nhớ đến những kẻ kém may mắn, bất hạnh, và nhất là suy nghĩ về cuộc đời ngắn ngủi chóng qua… Với những người như thế, thật đáng tiếc thay, nếu có nghĩ về “sinh tử vô thường” họ càng lao vào cuộc sống “vui chơi cho đã” để bù vào kiếp sống ngắn ngủi. Và cứ thế, họ trải qua một cuộc đời không còn lại gì để ngang tầm giá trị “nhân linh ư vạn vật”…

Để kết thúc bài này, xin tìm đến câu chuyện Kinh Thánh để nhờ “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119, 105) trong thế giới tục hóa ngày hôm nay.

Chúa Giê-su đã kể dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu! Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã ! Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.” (Lc.12,16-21).

MAI NHẬT THI

Bài liên quan

Back to top button