“Người về như bụi” | Chuyện phiếm Đạo/Đời
Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 2 thường niên năm B 14-01-2018
“Người về như bụi”
vàng trang sách xưa
người về như mưa
soi tìm dấu cũ.
(Du Tử Lê – Hoàng Quốc Bảo – Người Về Như Bụi)
Về đâu thì về. Như gì thì như, nhưng sao cứ “như bụi”, để rồi lại cũng “buồn như cỏ”, có “gió ngang qua thềm nhà”? Ối chà, là thơ văn/nghệ thuật rất âm thanh. Ối giời, là âm thanh với âm nhạc của người Việt tuyệt vời một cõi thơ! Vâng. Thi-ca là thế đấy, cũng rất đúng. Âm nhạc, lại cũng là như vậy, rất thế vậy. Như thế và như vậy, còn có nghĩa như khúc nhạc sau đây:
“Tôi buồn như cỏ.
một đời héo khô.
tôi buồn như gió.
ngang qua thềm nhà.
thấy ai ngồi đợi.
bóng hình chia đôi.
sầu tôi lụ khụ.
người về như sông.
buồn tôi quanh năm.
người về như đêm.
tình tôi phập phều.
những tăm phụ bạc.
lòng tôi gian ác.
dấu trong miệng cười.
người về như sương.
ẩn sau hang động.
người về trong gương.
thấy mình mất tích.
người về như sông.
tràn tôi, lụt lội.
hồn tôi thả nổi.
như khóm lục bình.
sầu ai về cội.
(Du Tử Lê-Hoàng Quốc Bảo – bđd)
Vâng. Thi-ca/âm nhạc nay vẫn thế, cứ rối bời. Lại vẫn rối bời hơn cả chuyện Đạo trong đời; hoặc, chuyện đời người đi Đạo, hệt như lời thắc mắc/hỏi han sau đây:
“Kính thưa Cha,
Vừa rồi con có trò chuyện với các bạn bên phía Thệ Phản bàn về vấn-đề niềm tin, nhiều người trong họ lại cứ bảo: họ sẽ không chấp-nhận bất cứ tin-tưởng nào trừ phi kiếm được điều ấy, ở thánh kinh. Có nhiều điều như chuyện tin có Luyện ngục đại-để không ai biết rõ điều này có nằm trong Kinh thánh không. Vậy, làm sao trả lời các vị ấy, đây. Xin cha góp ý cho con với.” (Câu hỏi không ghi tên của ai hết).
Lại một câu hỏi không thấy ghi tên/tuổi người gửi, nên chẳng thể nào biết được người hỏi ra sao: già/trẻ, trai/gái Tây/ta như thế nào. Thôi thì, chỉ cần biết mỗi điều là người ấy chịu đưa ra câu hỏi, tức thì đấng bậc vị vọng sẽ lấy giấy bút trà lơi ngay thôi. Nghề của chàng mà. Vậy thì, mời bạn, mời tôi ta hãy nghe cho biết ất giáp thế nào đây. Và, câu trả lời bao giờ cũng trịnh trọng như thế này:
“Bạn bè của anh/chị lại cũng giống như hầu hết những người Thệ Phản đều bám chặt vào niềm tin tưởng bảo rằng: cội nguồn mọi sự thật về đạo lại chính là Thánh Kinh, và rằng: nếu nhiều sự việc không thấy ở Thánh Kinh, đơn-giản vì đó không thật và không được viết để mọi người tin.
Tất cả những người này đều tin rằng Thiên-Chúa đã để lại trong Kinh thánh tất cả những gì Ngài muốn cho chúng ta tin. Điều này được hiểu như nguyên-tắc gọi là “Sola Scriptura”, tức: chỉ mỗi Thánh Kinh, chính là nguồn gốc của mọi sự thật. Người Thệ Phản tin rằng: ta không cần Truyền thống Giáo hội, hoặc huấn-quyền của Hội thánh mới biết rõ những gì là sự thật.
Vậy, ta trả lời họ sao đây? Thật ra, có nhiều cách cho thấy nguyên-tắc này không bảo-vệ được, dù ta có bàn cãi điều ấy cách lịch-sự, bình-tâm và lý-sự hẳn hòi, chứ không theo cảm xúc.
Cuối cùng thì, các bạn đạo Thệ Phản của ta đều là tín-đồ tốt lành/hạnh đạo và họ cũng công-nhận những gì được dạy dỗ giống như ta, mà thôi. Khởi từ chính Thánh Kinh, là tài-liệu mà mọi người Thệ Phản đều công-nhận, ta có thể nhắm vào hai đoạn văn khả dĩ đánh mạnh lên luận-điểm viện vào nguyên-tắc duy-nhất chỉ tin vào Kinh thánh, mà thôi. Thứ nhất, là: ở đoạn cuối Tin Mừng theo thánh Gioan, ta đọc được lập trường bảo rằng: “Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.”(Gioan 21: 25; 20: 30).
Rõ ràng là, rút từ câu cuối sách Tin Mừng theo thánh Gioan, Đức Giêsu cũng từng nói và làm rất nhiều điều mà Tân Ước không ghi chép hết. Thật ra thì, không phải bất cứ điều gì Ngài dạy cũng được ghi lại trong Kinh thánh hết cả đâu.
Tỉ như, giáo-huấn Ngài truyền dạy về Luyện ngục, như anh/chị đề-cập, không thấy xuất hiện trong Kinh thánh, dù nhiều chương-đoạn đều ám-chỉ chuyện ấy. Dầu sao đi nữa, rất có thể là Đức Giêsu từng nói với các tông-đồ về tầm quan-trọng của việc cầu-nguyện và dâng lễ-vật trong Tiệc Thánh để cầu cho linh-hồn của các tín-hữu đã ra đi, bởi đây là thói quen của người Do-thái-giáo sống vào thời đó (Máccô 12: 42-45).
Thành thử, thời xưa/cổ, việc cầu nguyện cho tín-hữu đã qua đời được phổ-biến rộng đến độ thánh Isiđôrô thành Seville (chết vào năm 636) cũng từng bảo: “Việc dâng của lễ hy-sinh (trong thánh-lễ) cầu cho các tín-hữu đã qua đời, là thói quen còn tồn-tại trên khắp thế giới. Chính vì lý do này, khiến chúng ta tin rằng: đây là tập tục được các thánh tông-đồ dạy-dỗ con dân mọi người nên làm thế. (Xem “On ecclesiarical offices”, đoạn 1). Bởi, nếu các thánh tông-đồ có làm thế, hẳn là các ngài cũng học được điều ấy từ nơi Đức Kitô.
Đoạn trích thứ hai từ thánh Phaolô tông-đồ, cũng đã gây tổn-hại cho nguyên tắc “chỉ mỗi Thánh Kinh
Thôi”. Ngay ở đây, thánh Phaolô có nói rằng nền-tảng của sự thật chính là Giáo-Hội chứ không phải Thánh Kinh: “Tôi viết cho anh thư này, dù vẫn hy vọng sớm đến với anh. Nhưng nếu tôi chậm trễ, thì thư này sẽ cho anh biết phải ăn ở thế nào trong nhà của Thiên Chúa, tức: Hội-Thánh của Thiên-Chúa hằng sống, là cột-trụ và điểm tựa của chân lý.” (1Timôtê 3: 14-15)
Trường-hợp nào cũng thế, giả như người Thệ-Phản muốn bảo rằng: chỉ mỗi Thánh Kinh là nguồn-cội của mọi sự thật, thì họ cũng sẽ có khả-năng điềm-chỉ bản-văn Kinh thánh nào nói như thế, và dĩ nhiên là chẳng có văn-bản nào như thế hết.
Cũng nên nhớ rằng: chính Giáo-hội được Chúa Thánh Thần hướng-dẫn, đã quyết-định rằng: nhiều bản-văn được lưu-chuyển hồi thế kỷ thứ nhất vẫn được coi là Lời Chúa có nguồn hứng được bao gộp trong “Kinh bộ” qui-điển của Thánh Kinh. Tiến-trình này tiếp-diễn nhiều thế-kỷ. Không có Giáo-hội, thì ngay đến Thánh Kinh ta cũng không có được.
Lại nữa, lâu nay cũng chính Thánh Kinh, vốn dựa trên văn-bản của các thánh Tổ phụ, như thánh Âu-tinh, Giêrônimô, Gioan Kim Khẩu, vv… là những vị từng đem đến cho ta lời chú-giải chân-thực của Kinh thánh.
Thánh kinh chỉ được hiểu và giải-thích cách an-toàn trong Truyền-thống của Giáo-hội mà thôi. Ví dụ như: Truyền-thống sống động này luôn hiểu/biết lời Đức Giêsu nói về một người từng rẫy vợ và đi cưới người khác làm ví-dụ để rồi Ngài cấm đoán chuyện ly-dị vợ rồi lại tái giá.
Phần đông các giáo-phái Thệ Phản đều cho phép ly-dị và tái-tạo hôn-nhân. Vậy thì, ở đây ai có lý? Giáo-hội do Đức Giêsu thiết-lập vốn cho phép thực-hiện giáo-huấn này suốt hai ngàn năm; hoặc, một loạt các cộng-đoàn được thiết-lập vào thế kỷ thứ 16 vốn dạy ta những điều ngược lại?
Ta cũng nói được như thế với niềm tin về sự hiện-diện đích-thực của Đức Kitô trong Tiệc Thánh Thể từng được Đức Giêsu nói rõ tại hội-đường Do-thái-giáo ở Caphanaum được thánh Phaolô lặp lại trong thư ngài viết (X. Gioan 6: 51-58; 1Corintho6 11: 27-29).
Rõ ràng là, “chỉ mỗi Thánh Kinh thôi” cũng không đủ. Ta cần cả Truyền-thống sống động của Giáo-hội từng ban tặng cho ta nhiều sách trong Kinh thánh và từng gìn giữ cũng như diễn-giải các sự việc ghi trong đó theo tâm-trí của Đức Kitô Giêsu.” (X. Lm John Flader, Catholics beliefs not in the Bible? It’s not so straightforward as that, The Catholic Weekley 29/3/2015, tr. 36)
Về nỗi buồn man-mác chốn “luyện tội”, tưởng cũng nên trở về với Lời Vàng Bậc Hiển Thánh ghi như sau:
“Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến.
Bấy giờ Người nói với các ông:
“Tâm hồn Thầy buồn đến chết được.
Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy.”
Người đi xa hơn một chút,
sấp mặt xuống,
cầu nguyện rằng:
“Lạy Cha, nếu có thể được,
xin cho con khỏi phải uống chén này.
Tuy vậy, xin đừng theo ý con,
mà xin theo ý Cha.”
(Mt 26: 37-40)
“Buồn bã đến chết được”, phải chăng là tâm-trạng của người Thày, trước khi chết? “Xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha”, cũng có thể là ý của Cha, Con và mọi người trước mọi quyết-địng quan-trọng của cuộc đời.
Cuối cùng thì, ai cũng vậy. Có là Thệ Phản, Công Giáo hay Tin Lành, ắt hẳn mọi người đều có niềm tin như nhau, giống nhau? Phải chăng có khác nhau thì cũng chỉ khác mỗi chuyện là: cường-độ niềm tin ấy ra như thế nào? Ảnh-hưởng lên cuộc sống của người ấy, sẽ ra sao?
Để trả lời, tưởng cũng nên ghi lại ở đây một minh hoạ về cường-độ của mọi việc trên đời. Minh-hoạ đây, là truyện kể tuy hư-cấu, tức có nghĩa: chả chắc gì mọi người đồng-thuận, nhưng chỉ để mua vui cũng được một vài “phút giây” trong đời đi Đạo làm kim chỉ nam hướng dẫn cuộc đời mình.
Vâng. Các câu truyện kể ở bên dưới đều có lời bàn như sau:
1- Có ông bạn nọ hay bị bạn bè chê cười vì sợ vợ, ông ta bèn tìm đến một người bạn và hỏi làm thế nào để hết sợ. Bạn ông ta khuyên:
-Ông thử uống rượu vào xem, có chút men sẽ làm ông tự tin hơn khi đứng trước bà ấy. Vài ngày sau, ông chồng gặp lại bạn và than:
-Thôi, thôi! Tôi chẳng dám làm theo cách ấy nữa đâu. Hôm trước, tôi thử uống rượu và nhìn bà ấy thành hai, nỗi sợ của tôi còn tăng gấp đôi.
LỜI BÀN NGẮN: Người đàn ông này sợ vợ. Nghe lời bạn khuyên, uống rượu vào cho hết sợ. Nào ngờ, rượu vào nhìn vợ, ông ấy lại sợ nhiều hơn. Cách giải quyết này mới nghe người khác nghĩ là thất bại. Có lẽ không phải thế. Sợ vợ là một căn bệnh. Muốn hết bệnh đương sự phải dung thuốc. Khi uống thuốc đương sự cần uống đủ liều trong một thời gian nào đó. Bệnh đã lâu, thuốc mới uống có một lần, mà liều lượng lại chưa đủ, bệnh quen đi, sợ hãi dĩ nhiên vẫn còn, không những thế lại tăng
thêm. Trường hợp này giống như bệnh nhân uống trụ sinh vậy. Phải uống đủ “đô” mỗi ngày và phải uống 10 ngày rồi tái khám xem xét kết quả lại.
Vậy đương sự cần thử lại. Hãy uống rượu vang mỗi tối – rượu vang California rẻ rề, vừa ngon vừa bổ -uống luôn một tháng, mỗi lần uống ít nhất một nửa chai. Cứ làm đều như thế. Khi rượu đã thấm thì người ta “hết biết”, hết thấy và do đó hết sợ. Cùng lắm là ngủ say thôi. Chỉ có điều đáng lo là người đàn ông này trong giấc ngủ lại nhìn thấy ác mộng. Đến nước này thì bệnh kể như hết thuốc chữa, đành phải chịu thua thôi, để cho nhà cửa yên ấm. Mà nếu sợ riết người ta thành quen. Khi đã quen người ta hết sợ. Cứ nghĩ rằng vợ mình mình sợ, không sợ vợ của anh hàng xóm thì có xấu hổ gì mà phải lo!
2.Sư cụ ngồi đàm đạo với mấy người khách, có người hỏi:
– Trong đám ta đây ai là người sợ vợ nhất?
Chưa ai dám đáp thì sư cụ đã nhận ngay:
– Kể sợ thì tôi đây sợ nhất!
Mọi người lấy làm lạ mới hỏi:
– Sư cụ có vợ đâu mà sợ?
– Tôi sợ đến nỗi không dám lấy vợ.
LỜI BÀN NGẮN: Nghe chuyện sư cụ tưởng chơi, hoá ra chuyện này y chang như tôi. Cứ thành thật, tự giác và khai báo trước, mọi người biết rõ ràng sự việc từ đầu chẳng còn lý do gì để đàm tiếu, chứ mà cứ dấu đầu lòi đuôi đến khi bị khám phá ra là sợ vợ thì kể như chút uy tín còn sót lại sẽ mất sạch.
3. Chồng cãi nhau với vợ. Sau khi chuẩn bị hành trang để ra đi, anh ta liền nói lời từ biệt:
– Tôi tự nguyện đi làm nhà du hành vũ trụ đây. Thà va đập vào các thiên thể, hy sinh ở một hành tinh bí ẩn nào đó còn hơn cãi cọ suốt đời thế này với cô!
Nói rồi anh ta đi ra và đóng sập cửa lại. Nhưng chỉ một phút sau đã quay vào nói:
– Cô thế mà may! Ngoài phố trời mưa.
LỜI BÀN NGẮN: Không phải chuyện gì con người ta muốn đều được toại nguyện đâu, kể cả chuyện nhỏ. Chẳng thế mà người Việt có câu “Mưu sự tại nhân mà thành sự tại thiên” là như thế.
Nói tóm lại, được thua còn mất tùy thuộc rất nhiều vào các yếu tố ngoại lai hay tha lực. Khả năng con người không giải quyết hết được mọi chuyện họ muốn trên đời khi nhân duyên chưa hội đủ. Một anh chàng ra vẻ ta đây là người không sợ vợ, hung hổ tuyên bố với bạn bè rằng:
– Vợ tôi ý à, hư là tôi vả cho gãy hết cả răng ấy chứ.
– Chà, thế bây giờ xin được hỏi rằng, răng vợ cậu là thật hay giả?
– Thật 100% – Còn răng của cậu?
– Có cái nào còn là thật đâu!
LỜI BÀN NGẮN: Nhiều người năng nổ, hay nhìn ra mà không chịu nhìn vào. Cái này gọi là tự ti mặc cảm, cái cách khỏa lấp nhược điểm của mình, vì cái ngã của họ. Cho nên người đời khuyên nhủ, trước khi nói phải uốn lưỡi hay soi gương cho kỹ, rất hợp lý. Không làm thế tự mình đưa mình vào thế kẹt.
3. Có anh nọ xưa nay rất là sợ vợ. Vợ nó quát tháo thế nào, anh ta cũng ngậm miệng, không dám cãi một lời. Anh ta đi đánh bạc, mãi xẩm tối mới về. Thổi cơm ăn xong, chị vợ ngồi chờ chồng mỏi mắt. Chị ta tức lắm. Khi anh chồng vừa mới ló mặt vào ngõ, chị ta đã chạy ra túm ngực lôi vào nhà, gầm rít. Anh ta vừa gỡ tay vợ túm ngực, vừa kêu xin:
– Bỏ tôi ra! Tôi xin má nó! Chị vợ được thể càng làm già, túm luôn tóc ấn đầu anh ta xuống. Anh ta liền vung tay gạt ngã chị vợ, tát cho luôn chị vợ mấy cái, rồi trợn mắt, quát:
– Người ta đã sợ thì để cho người ta sợ chứ!
LỜI BÀN NGẮN: Đây là bài học cho các bà. Nếu biết người phối ngẫu đã sợ mình, chớ dồn đối phương vào chân tường kẻo bang giao “tốt đẹp” xưa nay bị sứt mẻ.
4. Chàng trai đi chơi về muộn, tâm sự với bạn:
– Ước gì lúc này tớ được là con chuột nhỉ!
– Sao ông có ý muốn lạ lùng vậy? Làm người chẳng sướng hơn sao?
– Đúng thế. Nhưng vì chuột là con vật duy nhất mà vợ tớ sợ.
LỜI BÀN NGẮN: Cũng là một cách trả thù vợ. Nhưng thuộc loại không tưởng. Đang làm chồng ngon lành lại đi ước mơ làm chuột nhắt, rõ khổ!
4. Dưới địa ngục, Diêm Vương tập hợp tất cả đàn ông lại và nói:
– Ai sợ vợ đứng sang 1 bên!!!. Tất cả lũ lượt kéo nhau sang bên “sợ vợ” chỉ còn đúng 1 người đàn ông đứng ở bên “không sợ vợ”. Diêm Vương lại gần vỗ vai anh ta và nói:
– Anh đúng là 1 người đàn ông dũng cảm và gan dạ. Vì sao anh lại không sợ vợ?
Anh ta trả lời:
– Dạ thưa vợ tôi dặn không được tụ tập ở chỗ đông người.
LỜI BÀN NGẮN: Sợ vợ kiểu anh này thuộc loại thâm căn cố đế, nó nhiễm sâu vào máu rồi. Đã xuống tới tận cùng địa ngục rồi, đã xa rời bà vợ, đi sang một cảnh giới khác rồi, mà vẫn còn sợ vợ nhà, sợ còn hơn cả Diêm Vương với lò thiêu, chảo dầu sôi, anh này đúng là đã bị vợ tẩy não lúc còn ở trên dương thế. May mà anh này xuống địa ngục cho nên bà vợ không đi theo chứ anh ấy mà lên thiên đàng chắc bà vợ sẽ kè kè đi theo để giám sát thì không biết đời anh sẽ còn vất vả như thế nào. Câu nói “Trong cái rủi có cái may, trong cái xui có cái hên” có vẻ ứng vào anh này. Bị xuống địa ngục là xui, nhưng thoát khỏi tay bà vợ lại là hên, nhưng cái hên không trọn vẹn. Anh này vẫn còn nỗi sợ trong tâm tưởng. Dám anh này làm Diêm Vương tò mò về bà vợ của anh không chừng!
5. Hai người cùng sợ vợ, lâu ngày thành bệnh, một người khạc ra đờm đỏ, một người khạc ra đờm xanh. Họ rủ nhau đi tìm thầy chạy chữa. Thầy bảo:
– Ðờm đỏ, may còn hi vọng, chứ đờm xanh thì chịu, không sao chữa được nữa. Nên về mà lo hậu sự đi thôi.
Cả hai cùng hỏi thầy:
– Sao đờm xanh, đờm đỏ lại khác nhau như thế?
Thầy nói:
– Ðờm đỏ tự phổi ra, họa còn có phương cứu chữa, chứ đờm xanh là mật vỡ mất rồi, còn chữa thế nào cho lành được. (Vỡ mật vì sợ vợ)
LỜI BÀN NGẮN: Người thường thấy xanh đỏ giống nhau, cùng là màu sắc hết. Hoặc cho rằng báo động xanh nhẹ hơn báo động đỏ. Nào ngờ thầy thuốc lại nhìn trái ngược. Xanh mới là nguy. Xanh là vận số đã mãn. Sợ vợ xem ra cũng có nhiều mức độ phức tạp quá.
6.Trời bên ngoài đang giông tố dữ dội, bà chủ tiệm bánh mì định đóng cửa đi về thì có một người đàn ông đội mưa gió chạy vào để mua một ổ bánh mì thịt. Bà chủ tiệm ái ngại hỏi:
– Ông có vợ rồi phải không?
– Thì đúng là có vợ rồi. Bộ bà nghĩ, mẹ tôi nỡ sai tôi đi mua một ổ bánh mì trong trời giông bão như thế này sao?
7. Xét Mình Xưng Tội Cha xứ khuyên giáo dân là cần phải xét mình kỹ lưỡng trước khi xưng tội. Một ông chồng chia sẻ kinh nghiệm về cách thức xét mình như sau:
– Tôi chỉ cần chọc vợ tôi một câu, vợ tôi sẽ nổi xung lên và đọc cho tôi nghe một lô các thứ tội mà tôi đã làm. Tôi chỉ việc lắng nghe và nhớ lấy. Thế là xong công việc xét mình, vừa mau lại vừa đúng”.
Sau buổi lễ, cha xứ hỏi các con chiên phái nam:
– Những ai trong số các con thường bị vợ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay thì đứng dậy. Tất cả đàn ông đều đứng dậy, chỉ một người vẫn ngồi yên tại chỗ. Cha xứ lại gần anh ta thân mật nói:
– Chúa dạy các con phải yêu thương nhau. Vợ chồng phải thuận hòa và nhường nhịn nhau. Con thật đáng khen. Tiếc là trên đời người như con rất ít. Con chính là người như thế đầu tiên ta gặp.
Người đàn ông nọ bùi ngùi:
– Thưa cha, con không dám nhận lời khen của cha.
– Tại sao vậy? Hỡi con của ta! cha xứ hỏi.
– Số là con bị vợ đánh què, không thể đứng dậy được”, người đàn ông trả lời!” (Trích truyện kể ở xứ đạo nọ)
Truyện kể có lời bàn ở trên, vẫn là những minh-hoạ tuy “hư-cấu” nhưng sẽ nhắc tôi và bạn, ta cũng nên suy và nghĩ về các trường-hợp hi-hữu có thể xảy đến với mình, và mọi người. Trong đời.
Trần Ngọc Mười Hai
Đôi lúc cũng suy và nghĩ
Đến những “hư-cấu”
nơi chuyện tình đời
của mọi người.