“Ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời,” | Chuyện phiếm Đạo/Đời
Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 24 thường niên năm A 17/9/2017
“Ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời,”
thì hãi hùng hoàng hôn chợt tới
Ta nghiêng vai soi lại tình người,
thì bóng chiều chìm xuống đôi môi.
(Trầm Tử Thiêng – Tưởng Niệm)
(1 Phêrô 2:19-21)
Là nghệ-sĩ, những điều ông “tưởng niệm” có lẽ cũng bao gồm các câu chuyện đại để như thế. Như thế, tức như thể vẫn cứ mời gọi mọi người hát lên ca-từ toàn những: “hãi hùng”, “đam mê”, “bàng hoàng” như bên dưới:
“Đang đam-mê cho đời nở hoa,
chợt bàng-hoàng đến kỳ trăn-trối.
Đang nâng-niu cuộc tình lộng-lẫy,
bỗng ngỡ-ngàng hụt mất trên tay.”
(Trầm Tử Thiêng – bđd)
Và rồi, nghệ-sĩ nhà ta được thể, lại hát tiếp những câu “khổ đau một đời” rất như sau:
“Ta khổ đau một đời,
để chết trong tình cờ
Ta tìm nhau một thời,
để mất nhau vài giờ.
Bàn tay làm sao giữ,
Một đời vừa đi qua
Bàn tay làm sao giữ,
Một thời yêu thiết-tha
Mang ơn em trao tình một lần,
là kỷ niệm dù không đầm-ấm
Mang ơn em đau-khổ thật đầy,
là nắng vàng dù nhốt trong mây.
Mang ơn trên cho cuộc đời ta,
vài vạn ngày gió cuồng mưa lũ
Trong cơn đau một vùng hương khói,
kéo ta về, về cõi hư vô.”
(Trầm Tử Thiêng – bđd)
Nói cho cùng, thi-ca/âm-nhạc ở đời thường, vẫn mang sắc màu bi-ai, trải dài nhiều tâm-sự. Tâm-sự một đời người, cứ xuyên-suốt chảy theo giòng truyện kể không dông-dài nhiều thơ/văn nhưng chỉ đơn-giản như truyện kể, ở bên dưới:
“Năm đó, anh đang ngồi đợi người bạn đến uống cà-phê trong quán, bất chợt có người con gái nọ, bước đến hỏi nhỏ:
-Thưa, anh có phải là người mà dì Vương giới-thiệu để xem mắt, không?
Nghe hỏi, anh bèn ngẩng đều lên nhìn cô gái trong thoáng mắt, nhè đâu phát hiện đây chính là mẫu người mình ưa thích, mới thầm nghĩ: đã lầm, thì lầm cho trót một phen”, bèn trả lời:
-Vâng. Đúng thế. Xin mời ngồi.
Ngày kết-hôn, anh liền đem sự thật này nói với vợ, thì người vợ lại cứ cười nhè nhẹ rồi nói:
-Thì, em cũng đâu phải là người đến xem mắt anh đâu, chỉ là mượn cớ bắt chuyện với anh, thôi…” (trích truyện kể ở trên mạng)
“Chỉ là mượn cớ bắt chuyện với anh, thôi”, đôi khi cũng là dịp để tôi và bạn, ta cùng bàn chuyện tuy cao xa ở ngoài đời nhưng thực-tế trong Đạo, để giết thì giờ cho qua ngày đoạn tháng. Một trong các sự việc như thể “mượn cớ bắt chuyện với anh thôi” ở đời, lại dính-dự đến nhà Đạo như sự-kiện ít thấy nhưng vẫn xảy ra hằng ngày. Câu chuyện đời, là những truyện kể đại để như vết nhơ tạo cho đời sau đây:
“Giáo-hội Công giáo ở Ái Nhĩ Lan vừa đưa ra vài nguyên-tắc chỉ-đạo hầu hướng-dẫn các linh-mục từng lầm lỡ đến có con với ai đó có thể sống còn. Nguyên-tắc này, được các Giám-mục ký vào độ tháng 5/2017 tuy chưa kịp xuất-hiện trên trang mạng của địa-phận, nhưng nhiều người đều đã biết rằng: các linh-mục như thế, sẽ phải nhận-lãnh nhiều trọng-trách về pháp-lý, đạo-đức cùng tài-chánh.
Trường-hợp nào đi nữa, các linh-mục này không được lơ là trách-nhiệm bậc làm cha. Giới-chức có thẩm-quyền, có thể là Giám mục, có khi là Bề trên Dòng, cũng đã chỉ-đạo cho linh-mục dưới trướng đang có vấn-đề như thế, buộc phải nhận-lãnh trách-nhiệm, mới được.
Nguyên-tắc chỉ-đạo, còn viết thêm: Giả như nhu-cầu của đứa trẻ là con thật của linh mục giống như thế, thì: phải đặt chuyện ấy lên ưu-tiên hàng đầu; và phải đem người con ấy cho mẹ nó nuôi-nấng và chăm-sóc như người có trách-nhiệm luân-lý/đạo-đức, và có quyền định-đoạt mọi chuyện. Và, nguyên-tắc này còn nhấn mạnh: các trường-hợp như thế, điều quan-trọng là: không bao giờ để cho hai mẹ con thấy là mình bị xa cách, tách rời, hoặc bị đẩy lùi ra khỏi xã hội họ đang sống.
Văn-phòng truyền-thông Công giáo Ái Nhĩ Lan không cho biết hiện nay, nguyên-tắc này được đem ra áp-dụng cho bao nhiêu linh-mục đang có con ngoại luật, nhưng với linh-mục Arty McAnerney từng là chánh-xứ họ đạo CoTyrone, thì sau đây là ví-dụ cụ-thể. Hôm ấy, ngày 01/11/1998, linh-mục này đứng từ bục bàn thờ Đức Me Vô Nhiễm ở Beragh đã tuyên-bố là ông có một người con gái do có dính-líu/quan-hệ với một phụ-nữ, trong thời-gian ông phục-vụ tại giáo-xứ Drogheda hồi thập-niên 1980s.
Vào năm ngoái 2016, con gái ông là cô Dearbhla Clarke cũng đã công-khai cho biết về quan-hệ họ hàng của cô, sau khi ông bố cô qua đời, bảo rằng: cha cô đã can đảm làm một việc mà các linh-mục cùng cảnh-ngộ không dám làm. Cha cô vẫn tôn-thờ Thiên-Chúa là Đấng ông hết mực yêu thương, tôn kính. Ông làm mọi việc để phụng-sự Ngài, nhưng cùng một lúc, ông lại cũng yêu thương người con đẻ của mình; và ông còn dám bộc-lộ tình thương cha/con mà các linh-mục khác đồng cảnh-ngộ lại không dám làm thế.
Trả lời phỏng-vấn với báo/đài Ái Nhĩ Lan, cô con gái nói trên cho rằng: Luật độc-thân của Giáo-hội Công-giáo quá lỗi-thời và cực kỳ độc ác.” (X. Gareth McKeown, Priests who father children must “face up to responsibilities” say new Church guidelines, www.IRISHNEWS.COM/NEWS 21/8/2017)
Hát câu “Mượn cớ bắt chuyện” như trên, lại cũng để kể những chuyện trong Đạo từng gây thắc mắc với nhiều người, ở nhiều nơi. Chí ít, là: những nơi và những người thấy được vấn-đề đặt ra cho người đọc hoặc người nghe, chứ không để kêu gọi các chức-sắc giải-quyết. Đặt vấn-đề, để suy-nghĩ là suy về những điều như sau:
“Không ai biết được số con trai con gái của các linh-mục Công-giáo Hoa kỳ hoặc trên thế-giới hiện thời là bao nhiêu, chắc cũng chỉ vài trăm hoặc vài nghìn trẻ là con/cháu đang sống âm thầm che-đậy mọi vết nhơ của cha mình với thế-gian và có khi với các thành-viên trong gia-đình mình nữa.
Lại có một số con cái có cha ruột làm linh mục, vẫn tăng-trưởng trong gia đình lớn/nhỏ, nhưng không biết cha ruột mình là ai. Đôi lúc, các em còn lầm lẫn với bậc chú, bác, cậu ruột hoặc bố đỡ đầu hoặc bạn trai hoặc người thân trong gia-đình mà các cháu từng biết từ hồi nhỏ…” (X. Patricia Lefevere, Children of priests: ‘an invisible legion of secrecy and neglect’)
Vâng. Hôm nay, lại cũng xin phép bạn và mạn phép chính bày tôi đây, ta bàn thêm những điều lâu nay được đấng bậc ở Sydney vẫn còn bàn ở mục “Giải-đáp thắc mắc” rất đạo-hạnh, như sau:
“Thưa Cha,
Vừa qua, con có theo dõi tin-tức thấy nói về người đàn ông nọ lái xe trong lúc nồng-độ rượu trong người lên cao, nên đã cán phải một công-nhân đang lao-động ở gần đó, gây thương tích nặng. Con có bàn chuyện này với bạn bè/người thân đủ cả; và, một số bạn lại bảo: đáng lẽ, toà án cũng nên nhẹ tay một chút với anh ta, vì anh đang bị ảnh-hưởng của bia/rượu mới ra thế. Nhưng, người khác lại bảo: ngược lại mới đúng, toà án cũng nên “nặng tay” với các tài xế như thế, mới mong tránh được những cảnh chết chóc vô lý. Nhưng, hôm nay, câu hỏi của con là này: Giáo-hội ta, có lập-trường gì về những chuyện như thế không, xin cho biết?”
Thêm một câu hỏi xem ra cũng khá lạ, lại cứ đặt ra cho đấng bậc vị vọng nhà mình, liên-quan đến luật-pháp đời. Nhưng, không sao. Bất cứ độc-giả nào, hễ có công viết thư về hỏi-han chuyện gì cũng thế, chắc chắn đấng bậc nhà mình cũng sẽ vui lòng trả lời trên giấy, rất như sau:
“Trường hợp ông đưa ra, là ví-dụ điển-hình liên-quan đến nền thần-học luân-lý, coi như lòng muốn gián-tiếp hoặc hành-động có tự-do gây ra vụ việc có hại đến người khác. Ta thừa biết, tựa hồ như sách Giáo lý Hội thánh Công giáo từng viết: “Tự-do khiến con người phải lãnh trách-nhiệm về hành-động do mình làm, ở mức-độ giống như sự việc cố-ý.” (Sách GLHTCG đoạn 1734)
Bằng vào từ-vựng “cố ý”, ta hiểu đó là hành-động có tự-do chọn-lựa. Bởi thế nên, theo nghĩa của sách Giáo-lý Hội-thánh qui-định, thì: hành-động nào được trực-tiếp làm một cách cố ý, đều qui về tác-giả đã tra tay làm như thế (Sách GLHTCG đoạn 1736). Bằng vào tự-vựng “qui về”, ta hiểu là: tác-giả của hành-động ấy phải có trách-nhiệm về hành-động của mình, không cần biết đó có là điều tốt đáng được thưởng công không hoặc chỉ là hành-động tội-lỗi cần răn-đe/trừng-trị. Bao lâu hành-động này do tác-giả có tự-do thực-hiện, thì người ấy phải chịu trách-nhiệm về hành-động đó.
Thế nhưng, trường-hợp anh/chị đưa ra, hễ ai hành-động một cách có tự-do chọn-lựa sẽ dẫn đến hậu-quả tai-hại ghê-gớm mà mình không kịp suy xét lúc bắt đầu, dù anh ta thấy trước được là nó sẽ kéo theo nhiều hậu-quả, thì sao?
Chuyện này được hiểu như hậu-quả do hành-động mình tự-ý làm một cách gián-tiếp, hoặc hành-động cố ý tạo nguyên-nhân. Sự việc này, còn có nghĩa: anh tự-ý chọn lái xe khi trong người có nồng-độ rượu, và anh dư biết rằng: làm thế, sẽ gây nạn hoặc tạo thương-tích, chết người cho ai đó. Thật ra, anh không tự-ý gây tai-nạn và tạo thương-tích cho bất cứ ai; nhưng ít ra, anh cũng thấy trước được sự việc có thể ra như thế.
Thương-tích gây cho công-nhân đang lao-động, không là ý-muốn trực-tiếp hoặc trực-tiếp cố ý, nhưng chỉ là có ý-muốn một cách gián-tiếp, do bởi nó đưa đến hậu-quả từ việc trực-tiếp cố ý, tức: lái xe khi trong người có nồng-độ rượu; hoặc, sử-dụng ngôn-từ một cách khác, thì đây là việc tự-nguyện tạo căn-nguyên, khi người lái xe đã có lòng muống tạo nguyên-nhân gây thương-tích bằng việc lái xe trong lúc có nồng-độ rượu.
Nói theo sách Giáo-lý, thì: “một hành-động có thể là tự-ý một cách gián-tiếp khi nó kéo theo hậu-quả có từ việc lơ-là về chuyện gì đó mà ta từng biết hoặc hành-động; ví-dụ như: tai nạn xe cộ phát-sinh từ sự coi thường luật-lệ giao-thông” (X. sách GLHTCG đoạn 1736) Sách Giáo lý lại cũng tóm tắt trách-nhiệm của người lái trong vụ này bằng việc bảo rằng: “Kết-cuộc tồi-tệ có thể được qui lỗi cho việc nào đó, phải là chuyện biết trước việc đó và người vi-phạm phải có khả-năng tránh/né được nó, như trường hợp ngộ-sát xảy ra do người say rượu lái xe.” (X. sách GLHTCG đạn 1727)
Thành ra, phải hội đủ hai điều-kiện mới có thể kết tội là hậu-quả tồi-tệ có thể qui lỗi cho thủ-phạm, là: phải là việc có thể thấy trước được và phải có khả-năng tránh né, không làm chuyện ấy.
Cả hai điều-kiện nói ở đây đều thấy có trong trường hợp nói ở trên. Bất cứ ai đã uống nhiều rượu rồi đều biết là mình không được phép lái xe vì có thể gây tai-nạn chết người; và, người ấy có thể không lái xe về hoặc thay vào đó, chọn phương-tiện công-cộng hoặc yêu-cầu bạn bè lái xe đưa mình về, thì tốt hơn.
Quả thật, là: những ai đã uống quá nhiều bia/rượu rồi, thường thì sẽ không sử-dụng lý-lẽ thích-hợp và vì thế giảm-thiểu trách-nhiệm nơi hành-xử của mình và kéo theo sau nhiều hậu-quả, thì trách-nhiệm ngồi vào xe để tự lái rồi cuối cùng dẫn đến đều có thể truy-nguyên về quyết-định uống thêm nữa trong khi người ấy vẫn tỉnh-táo kềm chế và biết rõ là mình phải ngưng uống, mới phải.
Toà án dân-sự từng đồng-thuận với Giáo-hội về điểm này. Cả hai đều không muốn cho người say rượu ngồi vào tay lái hoặc giảm-thiểu hình phạt , do bởi người ấy đang ở trong tình-huống có nồng-độ rượu cao, nhưng tốt hơn là cứ kiếm tìm lỗi phạm của anh ta và có lẽ cũng gia-tăng hình-phạt nên mới khiến tình-cảnh của anh thêm trầm-trọng. Nói chung thì, toà-án đều đề-cập đến chuyện bảo rằng: người lái xe có thể và cũng phải thấy trước được khả-năng gây tai-nạn và tranh né nó bằng cách không lấy xe về.
Một ví-dụ khác về chuyện tự-ý một cách gián-tiếp gây nên tội là trường-hợp của một người ngồi xem phim có những cảnh-trí không thích-đáng và dẫn đến kết-cuộc có hành-động phạm lỗi trong trắng, tinh-khiết với chính mình hoặc với người nào khác. Hoặc, những người cứ thích xem phim ảnh đồi-truỵ có những cảnh bạo-lực hoặc dùng ngôn-từ báng-bổ/phạm thượng.
Tất cả những chuyện này đều có thể giúp ta tránh né không làm chuyện gì đó khả dĩ dẫn ta một cách gián-tiếp đến hậu-quả gây hại, rất tồi-tệ.” (X. Lm John Flader, We are all responsible in varying degree”, The Catholic Weekly 30/7/2017 tr. 25)
Nói đến trách-nhiệm tư-riêng của mỗi người, không phải để ta kể về về những chuyện xấu xa/tồi-tệ, đầy dẫy những hình-phạt hoặc hậu-quả kém vui. Nói về trách-nhiệm của mỗi người khi quyết-định tự chọn cho mình một lối sống vui, sống hung mạnh, thì lại khác.
Nói đến trách-nhiệm sống vui vẻ, lành mạnh, đôi lúc lại cũng nói đến những chuyện vui như các truyện kể nhè nhẹ, trong cuộc sống, rất thường tình ở đời. Những chuyệ đời hoặc truyện kể mang dáng dấp vui tươi, nhè nhẹ, làm mẫu cho người và cho mình, mà thôi.
Nói như thế, chỉ muốn kể cho người và cho mình, những câu truyện từa tựa như:
“Truyện rằng:
“Tại phiên tòa, một cặp vợ chồng trung niên chuẩn bị tiến hành thủ tục ly hôn. Người đàn ông đã điền đầy đủ thông tin và ký tên của mình vào đơn ly dị rồi lẳng lặng đưa tờ đơn cho người phụ nữ.
Người phụ nữ không nói câu gì, cầm tờ đơn, liếc nhìn anh chồng với vẻ rất khinh thường, rồi xé nát đơn ly hôn trước sự ngỡ ngàng của mọi người.
Người đàn ông nói:
-Chúng ta không phải đã nói chuyện rồi sao, em làm gì vậy?
Người phụ nữ cười nhạt đáp: “Anh còn thiếu nợ tôi 200 triệu. Anh phải trả cho tôi xong, thì mới ly hôn được”.
Người đàn ông chán nản rời đi, không nói một câu nào. Trước đó đã nói chuyện xong xuôi, cả hai bên đều đồng ý, chỉ còn thiếu một tờ giấy ly hôn, không ngờ giờ cô ta lại giở quẻ. Anh cái gì cũng không cần, giao hết nhà cửa lại cho vợ, ra đi tay trắng, chỉ cần vợ đồng ý ly hôn là được. Nhưng tới cuối cùng cô vợ lại đổi ý, muốn đòi anh trả nợ.
Về đến nhà, người vợ cầm giấy bút ra bắt người chồng viết giấy ghi nợ. Anh chồng không nói gì, ngậm ngùi nén cơn giận ghi giấy nợ đưa cho vợ. Anh cắn răng nói:
-Tôi sẽ trả đủ tiền cho cô!
Người vợ lạnh lùng đáp:
-Tôi chờ anh, trả xong chúng ta ly hôn. Nhà này anh tự nguyện không lấy, tôi không quan tâm. Anh thiếu tiền người khác tôi cũng mặc kệ, nhưng tiền nợ tôi, anh phải trả hết, thiếu một xu cũng không được. Tôi cho anh biết, nợ tiền mà không trả, có chết anh cũng không thể yên được.
Người chồng xấu hổ không chịu nổi, trong lòng rất căm giận: “Đúng là trên đời lòng dạ đàn bà độc ác nhất, không sai chút nào!”
Trước khi ly hôn gặp phải cảnh khốn khổ. Người đàn ông này vốn dĩ không phải là người bèo bọt tầm thường, anh đã bỏ việc tại một công ty lớn, tự mình chuẩn bị mở một nhà máy kim khí nhỏ. Lúc đó phải đi mượn tiền, ngoài mượn tiền vợ ra, còn mượn cả người thân bạn bè nữa. Anh là người có thể chịu khổ, mới đầu thì nhà máy làm ăn thuận lợi, trong thời gian ngắn đã tích lũy được hơn 600 triệu tiền vốn.
Nhưng khi anh ta chuẩn bị trả hết nợ cho mọi người, một sự cố ngoài ý muốn đã xảy ra khiến nhà máy biến thành đống tro tàn. Cuối cùng tính tổng gia sản lại, anh còn nợ vợ 200 triệu, nợ những chỗ khác tổng cộng hơn 150 triệu nữa.
Mọi thứ trở về con số không, lúc này người chồng mất hết dũng khi, tinh thần suy sụp chán nản, không những trắng tay mà còn mang cả đống nợ. Anh quyết định trốn tránh mọi người, sống phiêu bạt, lang thang chân trời góc biển. Anh không muốn liên lụy đến vợ mình, nên mới dứt khoát đòi ly hôn, nhưng không ngờ bị vợ làm cho mất mặt.
Đàn ông vốn tính hiếu thắng, nghe những câu nói lạnh lùng của vợ nên quyết định tạm thời không đi nữa. Thiếu nợ thì phải trả, cũng may có người đàn bà vô tình kia nhắc nhở, không thể để mất danh dự.
Đúng lúc này có một người bạn đến tìm anh ta, chủ động cho anh vay 350 triệu. Người bạn nói: -Tôi cho anh mượn tiền không phải là vì tình cảm bạn bè, mà để cho anh gỡ vốn. Anh là người có sĩ diện, đừng khiến tôi thất vọng.
Vậy là anh ta dùng số tiền này thuê một quầy hàng ở trong chợ, từ từ làm ăn, đi sớm về khuya chịu khổ chịu cực nên rất nhanh có được thu nhập ổn định. Người bạn cho mượn tiền kia cũng thường xuyên đến thăm, còn mang theo đồ ăn tới làm anh rất cảm động.
Sau khi được viện trợ tình thế thay đổi. Hai năm sau, anh ta không những mở rộng quy mô làm ăn mà còn dư được nhiều tiền, anh quyết định mang đi trả nợ. Anh định trả hết cho mọi người trước, sau đó trả cho vợ rồi ly hôn, giải quyết được vướng bận, sau này chỉ lo làm ăn.
Khi anh tìm đến nhà người mình nợ ít nhất, thật không ngờ, họ lại ngạc nhiên nói:
-Trả rồi mà, sao lại còn trả nữa?
Anh ta hỏi ai trả thì họ nói là vợ của anh. Nhà thứ hai, nhà thứ ba, đều nói như vậy. Cuối cùng tìm đến nhà người bạn đã cho anh mượn tiền.
Người bạn nở nụ cười, nói với anh:
-350 triệu đó chính là của vợ anh, cô ấy nhờ tôi chuyển cho anh, còn cả đồ ăn cũng đều là vợ anh mua nhờ tôi mang đến.
Anh ta kinh ngạc, nghĩ làm sao mà cô ấy có thể kiếm được hơn 350 triệu? Trong lòng anh chấn động, không nghĩ được rằng người đàn bà mà mình đang hận này lại dùng phương pháp như vậy để cứu mình.
Anh muốn chạy thẳng về nhà, quỳ gối trước mặt vợ mà tạ tội. Nhưng tới lúc về nhà, ngồi trước mặt vợ, câu đầu tiên anh ta hỏi là:
-Làm sao mà em có thể kiếm được nhiều tiền đến vậy?
Người vợ nói:
-Thì em bán nhà. Do người chủ mới có lòng tốt, cho em thuê lại để ở.
Anh ta trách cứ vợ:
-Sao vậy em lại dại dột bán nhà đi chứ!
Cô tiếp tục bày tỏ:
-Nhà bán đi còn có thể mua lại, chứ người không còn nữa thì cái gì cũng mất hết!
Anh chồng lúc này thực sự xúc động, ôm chặt vợ vào trong lòng. Cô vợ véo mũi anh nói:
-Anh vẫn còn nợ nợ em 200 triệu, giấy nợ em vẫn còn giữ đấy nhé.
Sau rồi mới lau nước mắt quở trách chồng:
-Chỉ là mấy trăm triệu mà anh đã như vậy, nếu vài trăm tỉ thì phải làm thế nào đây, anh nghĩ coi? Anh có còn là đàn ông không?
Anh xấu hổ, ngả đầu vào lòng vợ như một đứa trẻ ngoan đang nghe dạy dỗ. Trong tâm thấy vui sướng vô cùng, biết rằng mình đã tìm được người phụ nữ tài ba, một tình yêu đích thực.
Nghe xong câu chuyện bạn đã biết thế nào là người vợ chưa? Nam nhân hãy nhớ: Vợ chính là người phụ nữ vì bạn mà chịu thiệt thòi, bất luận vợ bạn có làm sao đi nữa thì đừng ghét bỏ họ, hãy quan tâm họ nhiều hơn. Cảm thông và thấu hiểu, chính là con đường đưa ta đến bến bờ hạnh phúc.” (Truyện kể rút từ mạng vi-tính)
Nói và kể những câu chuyện này khác, cũ/mới cũng là một động-thái hoặc tư-thế sống trong đời gồm nhiều chuyện rất rối bời.
Nói và kể, rất nhiều chuyện cũng chỉ để bảo rằng: đời người vẫn như thế và như thể bảo: dưới ánh mặt trời này, chẳng có gì là mới mẻ cả. Nói thế rồi, nay xin mời bạn và mời tôi, ta cứ hiên ngang cất tiếng hát lên những ca từ buồn nhè nhẹ được trích dẫn để còn kết luận cho buổi “luận phiếm” lai rai, dài dài nhiều giây phút. Những giây và phút có tiếng hát to vẫn ca rằng:
“Ta khổ đau một đời,
để chết trong tình cờ
Ta tìm nhau một thời,
để mất nhau vài giờ.
Bàn tay làm sao giữ,
Một đời vừa đi qua
Bàn tay làm sao giữ,
Một thời yêu thiết-tha
Mang ơn em trao tình một lần,
là kỷ niệm dù không đầm-ấm
Mang ơn em đau-khổ thật đầy,
là nắng vàng dù nhốt trong mây.
Mang ơn trên cho cuộc đời ta,
vài vạn ngày gió cuồng mưa lũ
Trong cơn đau một vùng hương khói,
kéo ta về, về cõi hư vô.”
(Trầm Tử Thiêng – bđd)
Hát thế rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta đi vào vườn hoa có những lời khuyên của đấng thánh-hiền làm bàn đạp cho cuộc sống, như sau:
“Thật vậy,
chấp nhận những nỗi khổ phải chịu một cách bất công
vì lòng tôn kính Thiên Chúa,
thì đó là một ân huệ.
Vì nếu có tội mà anh em bị đánh đập và đành chịu,
thì nào có vẻ vang gì?
Nếu làm việc lành và phải khổ
mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng,
thì đó là ơn Thiên Chúa ban.
Anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế.
Thật vậy, Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em,
để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Ngài”.
(1 Phêrô 2:19-21)
Quyết thế rồi, nay xin mời bạn/mời tôi, ta cứ thế mà sống, như đấng thánh hiền từng căn dặn.
Trần Ngọc Mười Hai
Luôn tự nhủ
và tự-quyết Sẽ làm thế suốt một đời.