Chút suy tưVăn - Nghệ

Tiếng đàn gã ăn mày | Câu chuyện cuối tuần

Tiếng đàn gã ăn mày

Có hai người bạn học chung lớp chung trường nội trú. Một người gia đình cha mẹ giàu có sinh sống ở thành phố, và một người gia đình nghèo ở quê lên tỉnh học. Cậu học sinh con nhà giàu được cha mẹ cho học đàn từ nhỏ, nên khi vào trường cậu đã giỏi nhạc, càng lên lớp lớn cậu ta càng có điều kiện giỏi hơn, đặc biệt cậu ta chơi đàn guitar rất điêu luyện.

Cậu  học sinh nghèo cũng có máu văn nghệ lắm, nhìn bạn mình chơi guitar cậu rất thèm thuồng, ước gì mình đàn được như vậy, nhưng cậu không có đủ tiền để mua cây đàn guitar cho riêng mình.

Một ngày kia, có việc, cậu vào nhà kho của trường, cậu phát hiện một cây đàn guitar cũ, đã hư hỏng nhiều chỗ, nhưng những bộ phận chánh của cây đàn còn khá tốt, như thùng đàn, cần đàn, phím đàn còn khá đầy đủ, cậu để tâm đến nó, nhưng chưa dám lấy vì nghĩ rằng của ai đang gởi cất ở đó. Rồi năm học đó kết thúc, mùa nghỉ hè đi qua, niên học mới bắt đầu, lại một thời gian nữa nối tiếp mà không ai lấy cây đàn đó. Cậu học sinh nghèo nghĩ bụng chắc cây đàn của ai đó thuộc lớp đàn anh đã mãn trường bỏ lại không xài nữa, nên cậu ta  lấy cây đàn đó sửa lại. Lòng vẫn tự an ủi nếu có ai nhìn lại cây đàn này thì trả lại cũng không sao. Nhưng vui làm sao, một thời gian dài lâu trôi qua không có ai nhận lại cây đàn.

Có được cây đàn, cậu say sưa học nhạc và chơi đàn. Phần lớn là cậu tự học, nhưng cậu cũng thật lòng xin người bạn giỏi nhạc dành thời gian chỉ dạy thêm cho cậu. Cậu mau chóng biết chơi đàn guitar và tham gia đàn hát vui chơi với bạn bè trong lớp, trong trường.

Rồi niên học cuối cùng đến, trong một lần đàn ca với người bạn giỏi nhạc, cậu vui miệng hỏi:

– Ông thầy dạy đàn ơi, thầy thấy tiếng đàn của đệ tử thế nào?

Người bạn nhanh chóng trả lời:

– Tiếng đàn gã ăn mày.

Câu trả lời bất ngờ làm cậu học sinh nghèo thoáng sượng sùng, nhưng cậu lấy lại bình tĩnh rất nhanh.

À, tiếng hát trong veo thảnh thót người ta gọi là “tiếng hát thiên thần”, còn tiếng hát khào khào là đà người ta gọi là “tiếng hát vịt xiêm, vịt đực” gì gì đó. Tiếng đàn của bạn mình là tiếng đàn điêu luyện bậc thầy thì đó là “tiếng đàn nghệ sĩ”, còn tiếng đàn của mình là tiếng đàn lõm bõm thì gọi là “tiếng đàn gã ăn mày” là phải rồi. Tựa như khi hát bết bát bạn bè bảo nhau “tiếng hát của mày giống tiếng vịt cồ quá” là sự thường mà.  Bạn mình chân thành nói sự thật thôi, đùa một chút cho vui chứ chắc không có ý gì đâu.

Nghĩ thế, cậu học sinh nghèo vỗ đùi cười lớn rồi nói theo cách nói của bạn mình:

– À, mai này thất nghiệp ôm đàn cầm nón đi ăn mày cũng sống được, là nhờ công ơn thầy dạy đàn đấy nhé!

Nghe thế cậu học sinh giàu cả cười. Hai bạn học trò chuyện vui nhộn, có vẻ họ còn rất vô tư.

Rồi niên học cuối cùng cũng kết thúc… Họ rời mái trường thân yêu. Họ xa nhau.

Dòng thời gian trôi qua… ba mươi năm sau…

Thời cuộc đổi thay, xã hội đảo lộn, cuộc sống nhiều bất ngờ ập đến.

Cậu học sinh nghèo bây giờ đã bước vào tuổi ngũ thập tri thiên mệnh. Sau khi đương đầu với biết bao thử thách gian truân, anh ta mới có được cuộc sống ổn định. Trong một lần về thành phố, anh lang thang trên một đường phố, chợt vang lên từ đâu đó tiếng đàn nghe như rất quen thuộc.

Ảnh chỉ có tính minh họa

Anh vội vàng đi về nơi tiếng đàn vọng vang lên: một người hành khất đang đứng chơi đàn bơ vơ trên đường phố. Hình như đã gặp người này ở đâu đó. Anh nhìn chầm chầm vào người đang say sưa đàn hát với cây đàn guitar cũ kỹ. Đúng rồi. Làm sao lầm lẫn được. Tiếng đàn đó, dòng nhạc đó, phong cách đó, đôi mắt đó làm sao anh quên được. Anh reo lên:

– Trời ơi, H. đây mà. Phải bạn là H. không?

Ngẩng nhìn lên, tiếng đàn ngừng lại, người nghệ sĩ guitar nhìn vị khách một lúc rồi tròn mắt hỏi to.

– Phải T. hông. Ừa, H. đây. Giữa đường phố đông người thế này sao bạn nhận ra mình vậy.

Không một chút suy nghĩ, anh học trò nghèo năm xưa trả lời ngay:

– Tiếng đàn. Tiếng đàn điêu luyện của bạn.

Một thoáng im lặng. Cuộc hội ngộ bất ngờ quá nên đôi bạn chưa thể nói gì thêm. Nhưng trong thanh âm của quá khứ vọng về, có một câu nói mà một trong hai người bạn – hay cả hai người không chừng – ngỡ ngàng trong giây phút này, có nên nói ra không, vì nó mang nhiều ý nghĩa thật không thể ngờ đến: “Tiếng đàn gã ăn mày.

MAI NHẬT THI

01.06.2019

 

 

 

 

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button