Chút suy tưVăn - Nghệ

Tự Hào Về Áo Rách | Mai Nhật Thi | Nghệ Thuật Sống

Tự hào về áo rách

Antisthenes (445–365 BC)

Ngày xưa, vào cái thời xa xưa lúc ông Antisthènes (445–365 BC) chưa đi theo con đường triết lý, con đường sống theo tự nhiên, ông có rất nhiều áo măng-tô. Đủ loại. Bằng len, bằng dạ, bằng lụa, bằng vải. Màu trắng, màu nâu xám, màu đậm, màu nhạt, áo nhẹ cho mùa xuân và cuối hè, áo da cừu cho ngày giá lạnh đêm đông. Antisthènes là con nhà hàng hải, không những lịch sự và giàu, ông còn để tâm đến tiện nghi. Một cái áo măng-tô vừa ý không phải vì nó may đẹp, cắt đẹp. Dĩ nhiên may đẹp, cắt đẹp cũng tốt nhưng đó không phải là điều thiết yếu. Quan trọng là cái áo phải phù hợp với từng thời tiết : trời ấm, trời gió, trời lạnh.

Một sớm một chiều ông dẹp hết mấy chuyện này. Người sống theo tự nhiên không cần áo măng-tô. Thú vật có măng-tô đâu ? Rõ ràng thú vật có bộ lông. Vậy thì con người cũng cần áo măng-tô nhưng chỉ cần một thôi. Một áo bình thường, đơn giản, không hoa hòe hoa sói. Một áo măng-tô tiện dụng, may chắc chắn và bền. Một cái áo cho vị triết gia không còn thích bề ngoài, không còn thích ăn bận theo mùa. Một áo măng-tô cho nhà hiền triết khắc khổ, thân hình gầy ốm vì ý chí, chỉ để ý đến cái tối thiểu. Như thế, Antisthènes chọn trong bộ sư tập thời trai trẻ ngây thơ của mình cái áo măng-tô nào là cái áo xứng với tư cách hiền triết của ông.

Cái mà ông không dự tính là cái áo sẽ cũ mòn. Ông đã chọn một cái áo len với đường đan thật dày, có vá dạ ở cùi chỏ. Nhưng ông không nghĩ đến yếu tố thời gian, đến bao nhiêu mùa đông lạnh giá, đến những đêm lạnh trong chuồng, trong đụn rơm, đến những chuyến du hành trên tàu, trên xe bò, đến vết dầu vết mỡ, đến đinh móc, đến đồ ăn vấy bẩn, đến vết cháy khi ngồi quá gần bếp lửa hơ bàn tay tê cứng, đến vết cào của mèo chó chuột, đến các trò chơi xô đẩy của trẻ con, đến các vết xước của cành cây um tùm, đến nước đọng dưới đáy thuyền… Ông không nghĩ đến bao nhiêu là chuyện lớn nhỏ liên tục xảy ra từ mùa đông này qua mùa đông khác, biến cái áo măng-tô của ông thành nùi giẻ đầy cả lỗ rách, còn màu áo thì bây giờ không biết nói đó là màu gì.

Ông còn nhớ cái lỗ rách đầu tiên là ở cùi chỏ bên trái, ông đã thử vá nó. Cũng vậy, ông cũng đã cố tẩy sạch những vết dơ đầu tiên. Nhưng cái áo cứ cũ dần, dơ thêm, đến một lúc ông không thèm để ý đến nữa. Cuối cùng ông nghĩ thôi thì mấy cái lỗ rách này sẽ là dấu hiệu, dấu ấn cho đầu óc minh triết và khinh thường quy ước của ông. Người khác tự hào về áo mới thì ông tự hào về áo cũ.

Lâu dần điều này trở thanh một thói quen. Nếu có một nhân vật giàu có dù đàn ông hay đàn bà đi qua quảng trường thì họ sẽ thấy Antisthènes đứng chào với cái áo măng-tô đầy lỗ rách. Cử chỉ hào hoa, ông mở rộng cái áo rách toang cho khách thấy như muốn nói với khách :

“Quý vị xem đây, tôi, nhà hiền triết thanh bần, tôi chẳng để ý gì đến vòng vàng xuyến bạc, áo mũ ấm áp của quý vị. Tôi từ bỏ hết mọi thứ đó và bây giờ tôi sống khỏe hơn. Chắc chắn là khỏe hơn quý vị !”

Vào đầu một mùa đông, Socrate gặp Antisthènes ở quảng trường. Nhà hiền triết lão thành mặc cái áo măng-tô mới mà bà vợ Xanthippe vừa may cho ông. cái bà vợ cau có hay càm ràm này là một tay thợ may giỏi. Áo măng-tô của Socrate đơn nhã nhưng hàng tốt, may đẹp, tươm tất, không rách. Thấy Socrate như vậy, Antisthènes nghiêng mình và như thường lệ, ông giang rộng cái áo rách ra chào như nhắc cho Socrate biết ông là nhà triết gia chân chính, nhà hiền triết đích thực đã có can đảm từ bỏ các chuyện bề ngoài và kiên trì theo đuổi một cuộc sống giản dị.

Socrate nhìn Antisthènes, nhìn cái áo măng tô rách, rồi lại nhìn Antisthènes. Và không để cho Antisthènes có thì giờ phản đối lại, ông vừa quay đi khỏi góc đường, vừa nói :

“Tôi thấy cái huênh hoang của ông qua cái áo măng-tô của ông”

Roger-Pol-Droit

(Trích từ Điên Như Hiền Giả).

________________

Chút Suy Tư

+ 1. Từ bỏ các chuyện bề ngoài

Lối sống khắc kỷ có từ thời những triết gia Cổ Đại và nó vẫn có ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng và lối sống của nhiều người, trong đó có cả tôn giáo sau Thiên Chúa Giáng Sinh.

Ở đây, chúng ta chỉ tìm hiểu và rút ra bài học thực tế trong cuộc sống đời thường mà ai trong chúng ta cũng phải đương đầu.

“Một cái áo cho vị triết gia không còn thích bề ngoài, không còn thích ăn bận theo mùa. Một áo măng-tô cho nhà hiền triết khắc khổ, thân hình gầy ốm vì ý chí, chỉ để ý đến cái tối thiểu”. (trích truyện).

Nói gọn một câu, “cơm no áo ấm” để sống bình dị thôi cũng phải cần nhiều cái bề ngoài lắm đấy !

Chưa nói đến những cái sâu xa hơn như “sức khỏe” để làm việc cống hiến cho đời. “Ý chí ” để làm gì khi mang “thân hình gầy ốm” thì làm sao phụng sự cho cuộc đời được như mong ước ?

+ 2. Hành động chỉ vì bề ngoài.

Thật đáng tiếc khi nhà hiền triết Antisthènes cố loại bỏ những gì bề ngoài, thì lại hết lòng tô điểm cái bề ngoài sao cho nó hoàn hảo – cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cụ thể là chiếc áo măng-tô. Antisthènes tự hào về chiếc áo rách.

“Nếu có một nhân vật giàu có dù đàn ông hay đàn bà đi qua quảng trường thì họ sẽ thấy Antisthènes đứng chào với cái áo măng-tô đầy lỗ rách”. (trích truyện).

Đi xa hơn, Antisthènes còn khẳng định mình “có sức khỏe hơn” những người sống với những tiện nghi giàu có. Điều này chắc không ?

“Quý vị xem đây, tôi, nhà hiền triết thanh bần, tôi chẳng để ý gì đến vòng vàng xuyến bạc, áo mũ ấm áp của quý vị. Tôi từ bỏ hết mọi thứ đó và bây giờ tôi sống khỏe hơn. Chắc chắn là khỏe hơn quý vị !”

Có thể Antisthènes muốn nói tới “sống khỏe” tinh thần. Không liên lụy gì tiền của. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy.

+ 3. Chỉ là huênh hoang

Bức tượng Socrates đang suy nghĩ tại học viện Athens

Những ý tưởng khắc kỷ của Zeno được phát triển từ những người Cynics, do Antisthènes sáng lập, Antisthènes từng là môn đệ của Socrate.

Vào đầu một mùa đông, Socrate gặp Antisthènes ở quảng trường. Nhà hiền triết lão thành mặc cái áo măng-tô mới mà bà vợ Xanthippe vừa may cho ông… Áo măng-tô của Socrate đơn nhã nhưng hàng tốt, may đẹp, tươm tất, không rách. (trích truyện).

Hình ảnh của Socrate, bậc thầy của Antisthènes hoàn toàn khác. Socrate trong chiếc áo măng-tô thanh lịch, điều này Antisthènes chắc rất khó chịu. Nhưng Antisthènes vẫn giữ vững lập trường của mình, dù đang đối diện với bậc thầy.

Thấy Socrate như vậy, Antisthènes nghiêng mình và như thường lệ, ông giang rộng cái áo rách ra chào như nhắc cho Socrate biết ông là nhà triết gia chân chính, nhà hiền triết đích thực đã có can đảm từ bỏ các chuyện bề ngoài và kiên trì theo đuổi một cuộc sống giản dị. (trích truyện).

Socrate cũng rất bình thản :

“Socrate nhìn Antisthènes, nhìn cái áo măng tô rách, rồi lại nhìn Antisthènes”. (trích truyện).

Không có một lời khen ngợi nào từ bậc thầy Socrate, mà chỉ có một lời nghe như sét đánh ngang tai :

“Tôi thấy cái huênh hoang của ông qua cái áo măng-tô của ông” (trích truyện).

Kết:

Nhìn lại tư tưởng người xưa, để suy nghĩ về cuộc sống hôm nay, cũng còn đó nhiều giá trị nhân bản đáng chúng ta suy ngẫm.

MAI NHẬT THI

 

 

 

 

Bài liên quan

Back to top button