Chuyện phiếm Đạo/đờiVăn - Nghệ

“Tôi chia em trọn kho tàng” | Chuyện phiếm Đạo/Đời

Chuyện Phiếm đọc trong tuần 25 thường niên năm A 24/9/2017

“Tôi chia em trọn kho tàng“

Tôi chia anh trọn kho tàng.
Niềm quý mến nhau là xâu chuỗi mầu,
Buồng tim yêu thương là châu báu.”
(Nguyễn Trung Cang – Kho tàng của chúng ta)

 

(Thư Rôma 6: 17) 

“Kho tàng của chúng ta” sao? Ối chà chà, là bài hát! Ối giời ơi, là câu ca. Ca với hát cho hay, cũng chỉ đến như thế mà thôi! Bởi, còn gì hay bằng khi nghe lại những ca-từ đầy kim-cương/vàng bạc như sau:

“Kim cương đây là môi cười.
Tôi xin chia phần cho người.
Từng ánh mắt vui, từng câu ấm lòng,
Từng câu yêu thương hằn trên môi.
Ta sẽ chia kho tàng
tình yêu cho anh em cùng dòng máu.
Ta sẽ chia kho tàng
tình thương cho khắp quê hương.”
(Nguyễn Trung Cang – bđd)

Chưa hết đâu. Chia kho tàng, tình thương khắp quê hương thôi, cũng chưa đủ. Nghệ sĩ nhà mình còn mua bán cả những “căm thù” nữa, vẫn ở đây:

“Tôi xin mua lại căm thù.
Tôi xin mua lại lao tù.
Bằng những cánh hoa cài trên áo người.
Bằng đôi tay non còn rướm máu.
Tôi dâng anh vạn chân tình.
Tôi dâng em trọn tim mình.
Đời sống sẽ vui dù ta có nghèo.
Người vui ta cùng vui theo.”
(Nguyễn Trung Cang – bđd)

Lời lẽ trên đây, chính bần đạo bầy tôi này từng nghe được vào thập niên 1950s khi nhóm nhạc trẻ ABC, Ba Con Mèo và/hoặc Ba Trái Táo cứ là nhộn nhịp với ca nhạc và hát hò, vui khôn kể.

Thế còn, niềm vui nhà Đạo thì sao? Có “chia nhau trọn kho tàng”? Hoặc: “dâng anh vạn chân tình” không thế? Điều này không rõ, chỉ rõ có một điều là các đấng bậc nhà mình đã và đang bận tâm với vấn đề “Hôn-nhân đồng giới tính” xảy ra ở đây đó, như một nhận-định trên các “Bản tin Giáo xứ”, như sau:

“Hậu quả việc Quốc hội Úc tái định-nghĩa Hôn-nhân như sự kết-nối giữa hai con người dù đồng tính: 

– mất tự do ăn nói: Không được đả động đến chuyện này

– mất tự do tín ngưỡng: chấp nhận đám cưới cho đồng tính 

– mất tự do lập hội: không được phản đối đám cưới của họ  

– mất tự do lương tâm: vì phản đối các đám cưới như thế

– giới-tính không còn xứng-hợp trong xã-hội

– tự-vựng “Mẹ” và “Cha” sẽ biến mất trong tự-điển

– sẽ có thay-đổi trong giáo-dục giới-tính

– bất an về giới tính sẽ gia-tăng nhanh-chóng

– quyền-hạn của bậc cha mẹ sẽ bị giỡ bỏ

– trường học nào không chịu dạy về đồng-tính luyến-ái và hôn-nhân đồng-tính sẽ phải đóng cửa.

Việc bỏ phiếu tái định-nghĩa hôn-nhân là tự-nguyện, nên Đức TGm Anthony yêu-cầu các giáo-xứ hãy tham-gia đầu phiếu. Ai mới thay đổi địa chỉ với Uỷ-Ban Bầu-Cử Úc cần cập-nhật lại từ nay đến 24/8/17 bằng không sẽ trễ tràng nếu không được cập-nhật. Có thể cập-nhật địa chỉ ở trên mạng…” (Trích Tin Vắn trên Bản Tin Giáo Xứ Fairfield, NSW Úc ngày 2/8/2017)

Đồng giọng với Lm Michael de Stoops là chánh xứ nói ở trên, còn thấy có đấng bậc vị vọng nổi cộm của Tổng Giáo Phận Sydney, NSW Úc từng giải đáp thắc mắc của bổn đạo đặt ra như thế này:

“Thưa Cha,
Con trai con đã ngưng không còn thực-thi niềm tin đi Đạo cách nay nhiều năm rồi; và nay thì cháu nó đang sống trong tội lỗi với bạn gái của cháu. Cháu còn tuyên-bố rằng cháu không còn cầu nguyện gì được và cũng chẳng muốn đi nhà thờ dự lễ gì nữa hết. Đôi khi, lại vẫn nghĩ rằng cháu đã để mất đi sự tự-do quan-hệ với Chúa rồi, phải thế không thưa cha? Xin cho con vài lời chỉ dẫn.

Gì chứ, chỉ vài lời chỉ-dẫn từ đấng bậc thôi, sẽ có ngay lập tức, như bên dưới:

“Để trả lời chị cho đúng phép, tôi nghĩ trước tiên ta phải làm cho sáng tỏ định nghĩa thế nào là “Tự do”, mới được. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo định nghĩa: “đó là quyền-uy/sức mạnh cắm rễ sâu nơi lẽ phải và ý-chí để hành-động hoặc không hành-động, để làm việc này hoặc việc kia và có thế mới thực-hiện hành-động một cách cân-nhắc có trách-nhiệm .” (Sách GLHTCG đoạn 1731).

Loài người đều có lý-trí, thông minh và ý muốn tự do, thế nên ta có thể chọn lựa quá-trình diễn biến hành-động rất khác-biệt. Loài thú không có được những thứ này, Chúng không có trí thông minh lý-luận cũng chẳng có chút tự-do nào hết, thành ra chúng không thể có được chọn-lựa theo tự-do. Thú vật chỉ biết làm theo bản-năng của chúng, mà thôi.

Ở nơi loài người, ta có thể nhận ra sự khác-biệt giữa tự do mang tính chất bản-thể hoặc căn bản mà mọi người, với  tư cách là bản-thể người đều có được tự-do hiện-sinh, thực-thụ như mình có. Theo định-nghĩa đầu, con người có lý-trí và ý-chí tự-do, nên ai cũng có thể hành-động một cách tự do trên nền-tảng.

Thế nhưng, cũng tuỳ cung-cách sử-dụng tự do ấy như thế nào, con người có thể từng nấc một gia-tăng hoặc giảm sút mức-độ tự-do của mình. Theo nghĩa này, thật rất đúng để nói là nhiều người có tự-do nhiều hơn một số người khác.

Muốn hiểu điều này cho thấu-đáo, ta cần phải làm sáng-tỏ mục-đích của tự-do, nữa. Vấn-đề là hỏi rằng: tại sao Thiên-Chúa lại dựng nên con người có tự do như thế? Ta có được làm bất cứ thứ gì bất kẻ việc ấy tốt/xấu với ta như thế nào không? Không phải thế. Thiên-Chúa để cho ta san-sẻ sự tự-do của Ngài, thành ra ta có thể chọn-lựa một cách tự-do phục-vụ Ngài, làm điều tốt đẹp và phải lẽ; và như thế mới phát-triển tính-chất nhân-loại một cách đầy đặn hơn và cuối cùng về ở với Ngài mãi mãi trên thiên-quốc.

Công đồng Vaticăng 2 cũng đã định-nghĩa tự-do theo nghĩa bảo rằng: “Thiên-Chúa muốn để con người tuỳ thuộc lời khuyên của lương-tâm để họ có thể tự ý tìm kiếm Đấng Tạo Hoá và tự do có sự toàn-hảo/toàn-thiện bằng một lòng thuỷ-chung với Ngài.” (X. Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng đoạn 17; Sách GLHTCG đoạn 1730)

Nói tóm lại, mọi người chúng ta đều có tự-do tìm-kiếm Chúa và nhờ đó có được sự toàn-thiện và hạnh-phúc. Cả hai thứ ở đây, lúc này và mãi về sau. Theo nghĩa này, thì khi nói chữ “tự-do” là ta nói đến thứ tự-do tìm kiếm Chúa, và hoàn-thành trọng-trách đạt mục đích cao-cả ấy. Đó không là “tự do xuất tự Thiên-Chúa và luật-pháp của Ngài.”

Thế nhưng, cũng tuỳ theo cách ta có được chọn-lựa nào, ta có thể từng bước gia-tăng sự tụ-do của ta để kiếm tìm Chúa và thực-hiện thánh-ý của Ngài hoặc làm giảm bớt những thứ ấy. Bằng việc cầu nguyện, nhận lãnh bí-tích cách đều-đặn, hoặc phấn-đấu nghe theo lương-tâm của ta mà làm những gì ta biết là đúng-đắn, tốt đẹp và tránh né những gì ta biết nó sai trái, có thế mới trưởng-thành trong đạo-đức và mới thấy dễ dàng phục-vụ Chúa. Càng ngày ta càng thấy mình tự do hơn để làm thế. 

Đổi lại, ta có thể ngưng không còn nguyện-cầu và nhận các phép bí tích, phớt lờ những điều mà lương-tâm khuyên ta làm và chỉ làm những gì mình thích và rồi cứ từ từ xa rời Chúa đi vào cuộc sống đầy tội lỗi. Đây là tình-cảnh mà con trai của chị đang rơi vào trong đó. Thay vì lớn lên trong nhân-đức, thì cháu lại tăng-trưởng trong sự xấu khiến ta thấy khó mà định đoạt thế nào là phải lẽ, thế nào sai. Làm như thế, tự khắc ta giảm-suy tự do của ta.

Cuối cùng, ta cũng nên xem lời tóm tắt ở sách Giáo lý đoạn 1733, cũng cùng một ý tưởng viết trong thư của thánh Phaolô gửi cộng đoàn tín-hữu Rôma, những lời rằng:  

“Nếu như ta làm điều tốt ngày càng nhiều,
thì ta càng trở nên tự do nhiều hơn nữa.
Không thể có tự-do đích-thật
ngoại trừ lo phục vụ những gì là tốt đẹp và phải lẽ.
Nếu ta cứ chọn bất tuân-phục,
và chỉ làm sự xấu,
thì đó là hành-động lạm dụng tự-do,
và rồi cũng làm thân nô lệ tội lỗi, thôi.”
(Rm 6: 17)

Thánh Phêrô cũng từng viết bức thư thứ hai cho cộng-đoàn tín-hữu vẫn bảo rằng: “vì miệng họ nói những lời huyênh hoang rỗng tuếch, họ dùng những ham muốn xác thịt dâm ô mà nhử những người vừa thoát tay các kẻ sống trong lầm lạc. Họ hứa cho những kẻ đó được tự do, nhưng chính họ lại làm nô lệ cho lối sống dẫn đến hư vong, vì đã thua ai thì phải làm nô lệ người ấy.” (2P 2: 18-19)

Vậy nên, quả là điều quan-trọng biết bao khi ta biết sử-dụng sự tự-do của ta một cách khôn-ngoan không sai lạc.” (X. Lm John Flader, Is it possible to become less and less free? Question Time, The Catholic Weekly ngày 13/8/2017 tr. 25)   

Hôm nay đây, trích-dẫn lời lẽ của bậc thánh hiền trong Đạo về sự tự-do rất chính-đáng, cũng chỉ để luận phiếm cho vui, hoặc cho qua ngày đoạn tháng khi người người nói quá nhiều về thứ tự-do không theo nghĩa đích-thực của đạo-nghĩa, và Đạo Chúa.

Nói thì nói thế, với người đời thời buổi này, chẳng ai có sức thuyết-phục hoặc ép buộc mọi người phải làm những gì mà Đạo Chúa khuyên dạy. Như mọi lần, thiết tưởng bạn và tôi, ta cũng nên mời nhau đi vào vùng trời truyện kể để nghe

“Trong vườn hoa nhà thờ, vị linh mục nọ lang thang đi dạo chung với một thương-gia cùng với môn đồ trẻ lẽo đẽo đi sau nghe chuyện. Xem ra, câu chuyện giữa vị linh mục và lão thương-gia có vẻ hấp dẫn. Nhà buôn nói:

– 50 ngàn đôla được không, thưa ngài?

Vị linh-mục nọ đáp lại một cách gọn lỏn:

– Không được!

– Thế vậy đề-nghị với ngài là 100 ngàn đôla cũng được chứ, phải không? 

Thấy linh mục nọ chẳng nói thêm điều gì, thương-gia nhà ta bèn thưa tiếp:

– Thôi được, cấp trên bảo: tôi có tự do ra giá, vậy thì tôi đề-nghị 500 ngàn đola vậy

Nghe vậy, vị linh mục vẫn chẳng trả lời thêm câu nào. Thấy thế, môn-đồ trẻ hỏi;

– Sao cha nói có tự do đề xuất giá cả cơ mà?

– Về chuyện này, cha đây không có chút tự do nào để làm hết.

– Ai mà chẳng có tự do chịu giá, cơ chứ?

– Đây thì không, vì ông ấy đề-nghị với ta là: mỗi lần đọc xong bất cứ bài nào trong thánh lễ, thay vì nói “Đó là Lời Chúa”, ngài cứ vui vẻ bảo “Đó là nguồn suối Coca-Cola” theo cách rất tự do, là xong ngay.

– Không được phạm-thượng như thế!”

(Trích truyện cười lạt lẽo lấy từ trên mạng vi-tính)        

Hiển nhiên là, ai cũng có đủ mọi thứ tự-do, cả trong chuyện ăn nói, trả giá và giao hàng, được hết. Nhưng, ở đây hôm nay, ta không đặt thành chuyện nghiêm-chỉnh chút nào, chỉ mỗi đưa ra vấn-đề, là hỏi rằng: bậc cha/bác trong nhà Đạo, dù có quyền phép như “Đức Chúa Trời con”, các “đức ngài” vẫn chỉ có thứ gọi-là “tự do trong khuôn-khổ”, mà thôi.

Tự do, thật ra không có nghĩa: muốn làm gì thì làm. Dù chuyện đó, có là chuyện luật pháp hoặc đạo-đức hay không. Có tự-do, là có trách-nhiệm. Trách-nhiệm, về hành-động mình làm. Trách-nhiệm, cả về hậu-quả kéo theo sau đó.

Tóm lại, tự-do là nhận-lãnh trách-nhiệm khi tra tay làm việc gì đó theo đúng lương-tâm mình đòi hỏi, dù không tạo lợi/lộc gì cho chính mình cả. Tự-do, với người trong Đạo/ngoài đời, là làm điều tốt-đẹp cho mình và cho người, đúng với lương-tâm từng chỉ vẽ cách mình hành-động.

Nói cách khác, tự-do và trách-nhiệm, hoặc tự-do trong trách-nhiệm, là hai phạm-trù luôn sánh đôi, song-hành ở mọi nơi, vào mọi lúc, trong đời người.

Trong tinh-thần hãnh-tiến thực-hiện những gì được lương-tâm hoặc truyền-thống nhà Đạo khuyên-dạy, mời bạn và tôi, ta cứ thế hiên-ngang hát lại ca-từ nhạc trẻ những hát rằng:

Tôi chia em trọn kho tàng. “
Tôi chia anh trọn kho tàng.
Niềm quý mến nhau là xâu chuỗi mầu,
Buồng tim yêu thương là châu báu.
Kim cương đây là môi cười.
Tôi xin chia phần cho người.
Từng ánh mắt vui, từng câu ấm lòng,
Từng câu yêu thương hằn trên môi.
Ta sẽ chia kho tàng
tình yêu cho anh em cùng dòng máu.
Ta sẽ chia kho tàng
tình thương cho khắp quê hương.”

Và:

“Tôi xin mua lại căm thù.
Tôi xin mua lại lao tù.
Bằng những cánh hoa cài trên áo người.
Bằng đôi tay non còn rướm máu.
Tôi dâng anh vạn chân tình.
Tôi dâng em trọn tim mình.
Đời sống sẽ vui dù ta có nghèo.
Người vui ta cùng vui theo.”
(Nguyễn Trung Cang – bđd)

Trần Ngọc Mười Hai
Nhiều lúc cứ ngâm nga
những câu ca tựa hồ như thế
rất tự-do.

Bài liên quan

Back to top button