Chuyện phiếm Đạo/đờiVăn - Nghệ

“Yêu em, vì ta ghét buồn” | Chuyện phiếm Đạo/Đời

Chuyện Phiếm đọc trong tuần 26 thường niên năm A 01/10/2017

“Yêu em, vì ta ghét buồn”

Yêu em, vì ta ghét hờn
Yêu em, vì ta khinh khi dối gian
Yêu em, vì ta chán người
Yêu em, vì ta chán đời
Yêu em, vì ta không tin ở trời.”
(Lê Hựu Hà – Yêu Em)

(Rôma 1: 25-27)

Bạn à. Nếu bảo rằng: “Yêu em, vì ta khinh khi dối gian” thì bọn mình đây nghe còn được. Chứ, bạn lại hát những câu như: “Yêu Em, vì ta chán đời.” hoặc: “Yêu Em, vì ta không tin ở trời!”, thì chuyện này cũng nên bàn lại, dù bạn và tôi đôi lúc hiểu chữ “trời” theo nhiều nghĩa.

Ý-nghĩa yêu đương ở nhạc-bản “Yêu Em” nếu dẫn bạn và tôi đi vào vấn-đề niềm tin, thì hết biết! Tin gì đây? Tin vào những ca-từ được bạn hát tiếp không?  Có hay không, thì bạn và tôi hãy cứ nghe tiếp, rồi mình tính:  

“Ta không thèm mái tóc huyền.
Ta không thèm đôi mắt đẹp.
Ta không màng lời khen chê thế gian.
Ta không cần ai hiểu mình.
Khi ta ngợi ca ái tình.
Khi ta dìu em đi trong ý thơ.
Em ơi, anh muốn nói rằng.
Sao em còn mãi hững hờ.
Khi anh trọn lòng yêu em thiết tha.
Xin em đừng luôn dối lòng.
Khi tim làm đôi má hồng.
Cho ta được gần nhau trong giấc mộng… “
(Lê Hựu Hà – Yêu Em)

À thì ra, bạn có nói chán ghét đủ mọi thứ, cuối cùng rồi cũng lại nói lên điều mà ca sĩ cứ muốn hát, đó là: “Anh trọn lòng yêu em thiết tha”, “Cho ta được gần nhau trong giấc mộng”, vân vân và vân vân.

À thì ra, “Không màng lời khen chê thế gian” “Gần nhau trong giấc mộng”, lại là lời nói chân-phương/thành-thật vào đôi lúc? Điều này, lại khiến tôi hỏi rằng: phải chăng đó là ý thơ và điệu nhạc, chỉ mỗi thế?

Thế nghĩa là, cuộc đời con người, có nhiều thứ khiến bạn và tôi nên đặt lại vấn đề, rồi hãy phán hoặc bảo. Có lẽ, cách hay nhất trong mọi sự, là: đừng nên tin thứ gì mà chữ nghĩa cứ mù mờ, hoặc chỉ là những tư-duy trừu-tượng, chẳng đi vào lòng người được bao lăm.

Thế có nghĩa, là: mọi sự trong đời, đều có cái giá của nó. Có cái rẻ mạt, cái khác lại có giá trên trời/dưới biển thì sao đây? Chuyện đời, nhiều thứ cũng “có giá” lắm chứ chẳng chơi? Tuy nhiên, đôi lúc ta không thể dùng tiền/bạc, châu báu để mua chuộc được. Ấy, thứ gì mà ghê thế?

Trước khi trả lời câu này, để nghị bạn và tôi, ta nghe thử “câu chuyện làm quà” ở dưới, hạ hồi sẽ rõ.

Truyện kể hôm nay, có đầu đề là: “Chuộc lại lương-tâm”, đơn giản chỉ như sau: 

Cách đây hơn hai chục năm, hồi tôi học phổ thông cấp III, đồng hồ đeo tay còn là thứ xa xỉ phẩm khan hiếm. Một hôm, thằng bạn cùng bàn sắm được một chiếc đồng hồ mới toanh; nó đeo đồng hồ rồi xắn tay áo lên trông thật oách làm sao, khiến cả lớp phục lăn. Chỉ vài hôm sau đã thấy mấy thằng khác cùng lớp đua nhau sắm đồng hồ đeo tay. Ngay cả trong giấc mơ tôi cũng ao ước được như chúng nó: sắm một chiếc đồng hồ để mọi người trông thấy mà thèm.

Hôm chủ nhật, tôi về nhà chơi. Lấy hết lòng can đảm, tôi nói với mẹ: 

– Mẹ ơi, con muốn mua một cái đồng hồ đeo tay, mẹ ạ! 

Mẹ tôi trả lời: 

– Con này, nhà mình đến cháo cũng sắp sửa chẳng có mà ăn nữa, lấy đâu ra tiền để sắm đồng hồ cho con? Nghe mẹ nói thế, tôi rất thất vọng, vội quáng quàng húp hai bát cháo, rồi chuẩn bị về trường. Bỗng dưng bố tôi hỏi: 

– Con cần đồng hồ làm gì thế hả?

Câu hỏi của bố nhen lên một tia hy-vọng trong lòng tôi. Rất nhanh trí, tôi bịa ra một câu chuyện: 

– Hồi này, lớp con đang học ngày học đêm, để chuẩn bị thi đại học, vì là lớp cuối nên bây giờ chúng con lên lớp không theo thời khoá biểu của trường nữa, cho nên ai cũng phải có đồng hồ để biết giờ lên lớp. 

Nói xong, tôi nôn nóng chờ bố trả lời đồng ý; thế nhưng bố tôi chỉ ngồi xổm ngoài cửa chẳng nói câu nào. Trở về ký túc xá nhà trường, tôi chẳng còn dám nằm mơ đến chuyện sắm đồng hồ nữa.

Thế nhưng, chỉ mấy hôm sau, bất chợt mẹ tôi đến trường, rút từ túi áo ra một túi vải hoa con tý rồi mở túi lấy ra một chiếc đồng hồ mác Thượng Hải mới toanh sáng loáng. Tôi đón lấy nó, đeo ngay vào cổ tay, trong lòng trào lên một cảm giác lâng lâng như bay lên trời. Rồi tôi xắn tay áo lên với ý định để mọi người trông thấy chiếc đồng hồ của mình.

Thấy thế, mẹ tôi liền kéo tay áo tôi xuống rồi bảo: 

– Con này, đồng hồ là thứ quý giá, phải lấy tay áo che đi để giữ cho nó khỏi bị sây xướt chứ! Con nhớ là tuyệt đối không được làm hỏng, lại càng không được đánh mất nó đấy! Thôi, mẹ về đây.”

Tôi tiễn mẹ ra cổng trường rồi hỏi: 

– Sao nhà mình bỗng dưng lại có tiền thế hở mẹ?” 

Mẹ tôi trả lời: 

– Bố mày bán máu lấy tiền đấy!”

Bố đi bán máu để kiếm tiền mua đồng hồ cho tôi? Trời ơi ! Đầu óc tôi quay cuồng, ngực đau nhói. Tiễn mẹ về xong, tôi tháo chiếc đồng hồ ra, bọc kỹ mấy lớp vải như cũ cất vào cái túi con tý mẹ đưa.

Ngay hôm ấy, tôi hỏi thăm các bạn xem có ai cần mua đồng hồ mới không. Các bạn hỏi tôi tại sao có đồng hồ mà lại không đeo, tôi bảo tôi không thích. Họ chẳng tin, cho rằng chắc hẳn đồng hồ của tôi có trục trặc gì đấy, vì thế chẳng ai muốn mua nó.

Cuối cùng, tôi đành phải nhờ thầy chủ-nhiệm lớp giúp tôi tìm người mua đồng hồ và thành thật kể lại đầu đuôi câu chuyện cho thầy nghe, vừa kể vừa nước mắt lưng tròng. Thầy chủ nhiệm nghe xong bèn vỗ vai tôi và nói: 

-Đừng buồn, em ạ. May quá, thầy đang cần mua một chiếc đồng hồ đây, em để lại nó cho thầy nhé! 

Thầy trả tôi nguyên giá, còn tôi thì dùng số tiền đó nộp hai tháng tiền ăn ở nhà ăn tập thể. Có điều khó hiểu là sau đó chưa bao giờ tôi thấy thầy chủ-nhiệm đeo đồng hồ cả. Mỗi lần tôi hỏi tại sao thì thầy chỉ cười không nói gì.

Về sau tôi thi đỗ đại học rồi ra trường và làm việc ở một tỉnh lỵ xa quê. Câu chuyện chiếc đồng hồ kia cứ mãi mãi đeo bám ám ảnh tôi. 

Trong dịp về quê thăm gia đình, tôi tìm đến nhà thầy chủ-nhiệm cũ và hỏi chuyện về chiếc đồng hồ ấy. Thầy tôi bây giờ đã già, tóc bạc hết cả.

Thầy bảo: 

– Chiếc đồng hồ vẫn còn đây. 

Nói rồi, thầy mở tủ lấy ra chiếc túi vải hoa nhỏ xíu năm nào mẹ tôi đưa cho tôi. Thầy mở túi, giở từng lớp vải bọc, cuối cùng chiếc đồng hồ hiện ra, còn mới nguyên!

Tôi kinh ngạc hỏi: 

– Thưa thầy, tại sao thầy không đeo nó thế ạ? 

Thầy chủ-nhiệm từ-tốn trả lời: 

– Thầy đợi em đến chuộc lại nó đấy! 

Tôi hỏi tiếp: 

– Thưa thầy, vì sao thầy biết em sẽ trở lại xin chuộc chiếc đồng hồ ạ? 

Thầy bảo: 

– Bởi vì nó không đơn-giản chỉ là chiếc đồng hồ, mà điều quan-trọng hơn, nó là lương tâm của con người.” (Nguyên Hải dịch từ “Kim Nhật Nữ báo” 24.2.2004) 

“Điều quan-trọng hơn, nó là lương-tâm con người!”, lời thầy chủ-nhiệm nói như đinh đóng cột vào đầu học trò xưa. Thì ra, là như thế! Như thế, tức như thể bảo: đời người không có thứ gì quí giá hơn lương-tâm!

Tuy nhiên, đó là chuyện xưa, cũ rích cũ rang, không còn bắt mắt người đọc để họ đầm mình trong tư-duy nữa. Ngày nay, chừng như mọi người lại đã quên món hàng độc chiêu/hiếm quí của ai đó rồi sao?

Thế có nghĩa, là: con người ngày nay mải lo-toan nhiều thứ, không còn để ý đến chuyện lương-tâm/chức-năng hoặc chuyện hư hư/thực thực, đáng tin cậy nữa. Cũng thế, ngày hôm nay, lại thấy xảy ra quá nhiều “tin vịt cồ” khiến người đọc và người nghe không còn biết tin thứ nào thực, cái  nào hư, nữa rồi.

Và ngày hôm nay, chừng như mọi người chỉ để ý đến những gì vui nhộn, nổi cộm độ dăm phút để cười rộ, rồi thôi. Chẳng còn ai thiết tha nghiên-cứu xem chuyện thực-hư thế nào? Có đáng tin không? Ngày nay, nhiều chuyện có thực lại trở-thành hư ảo, và chuyện hư-ảo lại đã trở-thành sự thực, khiến người nghe đã thấy buồn.

Chuyện thực/hư hoặc giả-mạo tin-tức thứ thiệt, lại đã tạo nhiều vấn đề rất ư là hư và không thực tí nào. Hệt như biện-luận của tác-giả nọ khi ông đặt bút viết lên giấy, những điều như sau:

“Vừa qua, các trang Facebook tiếp tục phá vỡ thành-tích của “Tin vịt”. Truyền-thông xã hội nọ mang tên “Hà Mã” có lời bình ngắn gọn rằng: Tin vịt hay tin lệch lạc, lâu nay gây hại cho cộng đồng chúng ta cũng rất nhiều. Nó làm cho thế-giới trong đó ta sống mất đi nhiều thông-tin và hao mòn tình-trạng tin-tưởng lẫn nhau.

Ít tháng gần đây, người sáng lập ra Facebook là Mark Zuckerberg đã tỏ ra khá lạc-quan về tình-trạng thế-giới nay có thể đối đầu với các tin lệch lạc, được rồi. Ít lâu sau kỳ bầu tổng thống Mỹ hồi cuối năm 2016 đã đưa ông Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ, Zuckerberg có nói: “Về nội-dung tin/bài xuất-hiện trên Facebook, hơn 99% những gì dân chúng thấy được, đều có thật. Chỉ một số rất ít là “tin vịt hoặc lệch-lạc” hoặc chơi khăm người đọc, thôi…

Nói chung thì, dường như các trò chơi khăm đã thay đổi kết-quả của cuộc bầu bán nói trên, theo chiều-hướng này/khác thế thôi. Nhưng, phần đông dân-chúng vẫn cho rằng “tin lệch lạc” đã tạo ảnh-hưởng rất nhiều lên cuộc bầu cử tổng thống ấy. Vậy thì, đâu là bằng cớ của sự việc như thế?

Theo ông, có cả tảng chứng cớ cho rằng “tin lệch  lạc” đã xuất-hiện trong cuộc vận-động tranh-cử tổng thống Mỹ, điều này mọi người đều thấy rõ…

Với báo chí, đây chính là cơn ác-mộng cho mọi người. Điều sai chậy/lệch lạc, một khi đã xuất-hiện trên facebook là nó xoáy tít vào tận trang mạng và từ đó cả trăm ngàn người lại cứ vào đó để đọc tin. Thế nhưng, vấn-đề đích-thực là hỏi rằng: tin lệch lạc, có thể thay đổi đầu óc và phiếu bầu của ai không? Và, lạ thay, nó bị đủ loại quảng-cáo ở truyền-thông khuynh-loát, nên ít khi ta có đủ chứng cớ biện minh cho các sự-kiện này…

Điều rõ nhất, là: ngày nay các vị ưu-tú trong xã-hội đều khổ sở vì thấy mình đánh mất đi thứ đòn bẩy quyền-lực. Với họ, sự ngu-dốt và tình-trạng láo-khoét đã bị tin lệch tràn lan đe-doạ đặc-trưng dân-chủ và uy-lực truyền-thông cách hợp-pháp. Với họ, sự việc này trông giống như Cách-mạng Pháp khi xưa lấn tràn mọi địa hạt: bọn dân-ngu-khu-đen trên mạng đang làm mưa làm gió mọi cửa ải bằng giáo mác/gậy gộc, cùng biện-chứng-pháp khó hiểu và áo quần thốc thếch, bẩn thỉu. 

Đây không là vấn-đề tài-chánh hoặc kỹ-thuật gì cho cam, nhưng đúng ra, báo/đài và các loa phát thanh như: các tờ New York Times, Washington Post và CNN là thủ phạm cho mọi người lên án. Nay, ta sống trong xã-hội hậu-chân-lý ở đó các tin lệch-lạc đang nở rộ; và truyền-thông đại chúng lại đã soi mòn/huỷ-hoại ý-niệm “chân-lý”, cũng rất nhiều.

Điều này có gốc gác rất dài về tính-cách trí-thức của chúng, nhưng hồi thập niên 1980s chủ-thuyết hậu-hiện-đại lại đã trồi lên tại một số đại-học ở Anh, Hoa Kỳ và Úc. Ý-tưởng chủ-lực về cái-gọi-là “PoMo” cho thấy chẳng bao giờ ta có được sự thật nhất-định và không thay-đổi, bao giờ hết. Tất cả chỉ là quan-điểm và/hoặc tầm nhìn khác nhau đứng trước hàng loạt các gương soi, mà thôi.

Tính yếm-thế của ngành truyền-thông đại-chúng đã nhiễm độc giới trí-thức và đề-suất thái-độ hoài-nghi cả các nền khoa học khác nhau, ngờ-vực mọi quyền-bính và bày tỏ tính thù-địch chống lại truyền-thống vững chắc như Giáo-hội và gia đình, nữa.          

Tất cả sự việc này được giới truyền-thông cổ-vũ như thứ tự-do cơ-bản. Nếu trên đời này không còn sự thật, thì mọi người buộc phải phải tái-tạo lại xã-hội và có khi cấu tạo nên cơ-thể của ta nữa, cũng không chừng. Cấu-tạo lại theo lý-thuyết theo khả-năng tưởng-tượng của mọi người. (X. Michael Cook, Is fake news a fake problem? MercatorNet 29/8/2017)

Nói cho cùng, thời nay mọi người lại thấy xảy đến những tin lệch-lạc đầy tính giả mạo. Người giả mạo đã nhân-danh thứ gì đó để trốn chạy lương-tâm. Bởi, chỉ có lương-tâm mới là thứ/là sự mà con người không thể giả mạo, được.

Không tin ư? Vậy thì, mời bạn và mời tôi, ta nghe thêm lời vàng ngọc của đấng thánh hiền từng khuyên bảo rằng:

“Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục vọng
mà làm những điều ô uế,
khiến thân thể họ ra hư hèn.
Thay vì Thiên Chúa thật,
họ đã theo những thần giả;
họ đã tôn thờ những loài thọ tạo,
thay vì chính Đấng Tạo Hoá.”
Bởi thế nên, Thiên Chúa đã để mặc họ
buông theo dục tình đồi bại…
Như vậy là họ chuốc vào thân
các hình phạt xứng với sự lầm lạc của mình.
(Rôma 1: 25-27)

Về sử-dụng tin lệch-lạc này/khác, có lần Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng bộc-bạch như sau:

“Theo tôi, truyền-thông đại-chúng phải có động-thái đúng-đắn, trong sáng chứ đừng rơi –dù không có ý xúc-phạm một ai- vào bệnh ám-ảnh cốt để bao che tai tiếng, phủ lấp những sự/việc xấu xa/tồi-tệ dù đôi lúc chúng có thực. Và một khi con người có khuynh-hướng mắc phải tâm-trạng bị ám-ảnh như thế rồi, đều có thể gây rất nhiều tai-hại.

Sử-dụng phương-tiện trao-đổi có mục đích dễ bị cám dỗ vu khống hoặc phỉ báng người khác, rồi từ đó vấy bẩn họ thường xảy ra rất nhiều ở chính-trường. Họ sử-dụng cung-cách ấy là để bôi nhọ phe đối lập…

Không ai có quyền được làm thế. Làm thế tức có tội. Làm thế rất dễ gây tổn-hại đến người khác. Thông tin lệch-lạc là cung-cách được giới truyền-thông đại-chúng sử-dụng đại trà là bởi nó điều-khiển dư-luận theo một chiều, một ý-hướng và bỏ quên phần khác của sự thật…” (X. Nhật báo Sydney Morning Herald ngày 8/12/2016 qua bản tin Pope Francis compares consuming fake news to eating excrement”)

Để giải quyết vấn đề sử-dụng phương-tiện sai trái, lệch lạc trong thông-tin đây đó, có lẽ cũng không nên đưa ra nguyên tắc hoặc trường phái này/khác làm chỉ-tiêu cho mọi người noi theo. Hay nhất, chi bằng ta đưa ra những bài học bằng truyện kể vừa gần gũi lại dễ cảm nhận. Kể truyện là kể những chuyện đại loại như sau:

“Trên chuyến xe khách đường dài, một hành khách nữ vì không tìm được chỗ ngồi nên phải đứng ở giữa xe. Đến đoạn quành gấp khúc trên đường núi, cả xe nghiêng ngả, cô cũng mất đà loạng choạng.  

Đúng lúc ấy, cô cảm thấy như có người đụng phải người mình một cái, rồi sau đó phát hiện ví tiền không còn nữa, liền lớn tiếng hô mất trộm. 

Tuy nhiên nhân viên bán vé trên xe khi ấy không giục tài xế lái xe đến đồn công an gần đó mà nói với tất cả hành khách rằng:

-Mọi người ra khỏi nhà vốn không dễ dàng gì, tiền bạc cũng chẳng có dư. Mong người nhanh tay này rộng lòng phối hợp, hãy để túi tiền xuống sàn. Trước mặt sắp phải đi qua một đường hầm, sẽ không ai nhìn thấy bạn cả. Nếu như chỉ vì chuyện này mà bị tuyên phán hai năm tù, thì quả thật là không đáng.

Thế là, sau khi chiếc xe chạy qua đường hầm tối đen, ví tiền đã trở về tay của nữ hành khách nọ. 

Trong cuộc đời, không có đường rẽ nào là không thể quay đầu lại, không có sai lầm nào là không thể cải chính. Đối diện với sai lầm của người khác, có khi khoan dung lại có sức mạnh cải biến hơn cả trừng phạt.

Khiến cho tình huống ngày càng đen tối hơn thường thường không phải là sai lầm, mà chính bởi trái tim lạnh lùng không chịu bỏ qua, không chịu tha thứ cho người khác.

Nếu như người bán vé đó bảo tài xế lái xe đến sở cảnh sát thì “người nhanh tay” móc ví kia chắc chắn sẽ phải nhận sự trừng phạt của pháp luật. Tuy hành động là giương cao chính nghĩa, trừng trị tội phạm nhưng nó lại khiến một người mãi mất đi cơ hội sửa sai, chuộc lại lỗi lầm, làm lại từ đầu.

Người bán vé thông minh nọ không chỉ đã bảo vệ được tài sản của nữ hành khách mà còn cho kẻ trộm ví một cơ hội hoàn lương. Nhận được sự tha thứ, khoan dung, kẻ trộm kia có lẽ từ đây cũng sẽ hồi tâm chuyển ý, sống cuộc đời mới. Nếu điều đó thực sự xảy ra, người nhân viên bán vé há chẳng phải đã cứu vớt được một linh hồn sa ngã đó sao? (Truyện kể do St sưu tầm)

Nói cho cùng, đời người cũng lắm công-phu. Cũng đủ mọi thứ chuyện thực-hư/hư-thực khiến người đời thấy vui rồi tin hết mình. Chuyện thực-hư/hư-thực trên đời, cũng giống như truyện kể rất ngắn có dính đến thiên-đường của ông Phêrô nào đó không là “thánh cả” sau đây là kết luận:

“Có 3 cô gái nọ bị tai nạn chết người, tức thì lên tới thiên đường gặp thánh cả Phêrô. Thánh-nhân bèn dẫn cả 3 vào bên trong thiên đường cực đẹp có đầy vịt con lép chép đi lại kín cả khu vườn.

Thánh-nhân lại đã phán:

– Ai mà dẫm phải mấy chú vịt con này, sẽ bị phạt rất nặng.  

Nói xong ngài bỏ đi nơi khác. Được một lúc, cô gái thứ nhất dẫm bẹp một cái, chết một chú vịt con. Lập tức thánh “cả” Phêrô hiện ra tức thì, trên tay ngài dắt theo một người đàn ông cực-kỳ xấu rồi nói với cô gái:

– Đây là hình phạt dành cho con, con phải sống với hắn ta”.

Hai cô còn lại sợ khiếp vía nên đã biết cẩn thận hơn cô kia. Nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Bởi, một lúc sau, cô gái thứ hai lại cũng làm bẹp một chú nữa, thế là thánh cả nhà ta lại hiện ra cùng với một người còn xấu hơn lúc nãy, trao tặng cô gái thứ hai.

Đến lượt cô gái thứ ba run rẩy như “cầy sấy”, cứ là dò dẫm từng bước và từng bước một, cho chắc ăn. Bước đi mãi, mà chẳng dẫm chết chú vịt con nào hết. Cô bèn dừng chân ngơi nghỉ, thở phào nhẹ nhõm.  

Thánh cả Phêrô hiện ra dắt theo một chàng trai tuyệt đẹp và trao anh chàng này cho cô ta. Cô gái này cảm thấy rất ư là hạnh phúc. Còn chàng trai kia, mặt mày cứ cau có, bực bội nói đi nói lại có mỗi câu, rằng: “Thực tức chết đi được. Mình đã cẩn thận như thế rồi, mà sao cứ dẫm phải chú vịt con cho nó chết, vậy cơ chứ?” (Truyện kể, rút từ mạng vi-tính rất ư “vịt cồ”)

Những mong rằng, các chú “vịt con” trong truyện kể ở trên không là truyện kể rất “vịt cồ” để ta tin và sống trong đời, cho thoải mái rồi kết thúc chuyện phiếm rất “đạo/đời” hôm nay.

Và, cũng để kết-thúc chuyện phiếm hôm nay cho thoải mái, lại mời bạn và tôi, ta hát lại nhạc bản ở trên có những lời rằng:

Em ơi, anh muốn nói rằng.
Sao em còn mãi hững hờ.
Khi anh trọn lòng yêu em thiết tha.
Xin em đừng luôn dối lòng.
Khi tim làm đôi má hồng.
Cho ta được gần nhau trong giấc mộng… “
(Lê Hựu Hà – Yêu Em)

Trần Ngọc Mười Hai
Nhiều lúc những muốn thoải mái
để kể rất nhiều và hát cũng không thiếu
những tin/chuyện
không mang tính cách
rất “vịt cồ”,
thời hôm nay.

Bài liên quan

Back to top button