Đọc báo dùm bạnLướt web

Đầu cừu – món ăn ghê sợ trên bàn tiệc Giáng sinh

Quán Ven Đường: Mời các bạn xem ý kiến của anh Nguyễn Công Hùng từ NaUy (nhóm Thánh Vịnh NaUy) về món đầu cừu hun khói nầy.

TL mến.
Bài viết về cách làm và ăn món “smalahove” tương đối đầy đủ. Tuy nhiên món ăn này ngày nay chưa hề trở nên phổ biến khắp nước Nauy như bài viết nói. Nó vẫn chỉ quanh quẩn ở tỉnh Hordaland, miền tây Nauy; đúng hơn nữa, món ăn này là truyền thống đặc biệt của Voss, một quận lị nhỏ với khoảng dưới 15.000 dân cư (chứ không phải là đô thị như bài viết nói). Người ta cũng không ăn món này trong tiệc Giáng Sinh, mà chỉ ăn vào ngày Chúa Nhật trước lễ Giáng sinh (Chúa nhật thứ tư Mùa vọng). Dầu vậy ở Voss hàng năm có ngày hội đầu cừu tổ chức trong khoảng tháng 9-10. Dân du lịch tới Voss cũng được giới thiệu món này. 

Đúng ra món ăn này khởi thủy là của những gia đình nghèo, họ không có tiền để ăn món sườn cừu ướp muối hun khói (pinnekjøt). Giá một cái đầu trừu ướp muối hun khói mắc nhất cũng chỉ khoảng 150 đồng Nauy (200.000 VN); trong khi đó một kilo sườn cừu nhãn hiệu nổi tiếng giá gấp khoảng 15 lần.

Gia đình anh chị chưa bao giờ nếm món smalahove. Nhưng pinnekjøt thì không thể thiếu được trong tiệc Giáng Sinh. Lần đầu ăn nó giống như cá khô VN vậy, nhưng càng về sau càng nghiền… y hệt như Tết Nguyên Đán phải có bánh tét hay bánh chưng dưa hành/củ kiệu của dân ta vậy. Hihihi…


Smalahove là niềm tự hào của ẩm thực Na Uy với hương vị độc đáo đã được khẳng định, nhưng không ít thực khách chỉ nhìn cũng phải khóc thét vì bề ngoài kinh dị của nó. 

Smalahove ban đầu là món ăn truyền thống của người dân miền tây Na Uy, làm từ đầu cừu, và được thưởng thức vào dịp Giáng sinh. Hiện nay, món này phổ biến khắp Na Uy và có thể ăn vào cả dịp lễ quan trọng lẫn ngày thường. Tên của món ăn là sự kết hợp của hai từ trong tiếng Na Uy là hove (nghĩa là “đầu”) và smale (nghĩa là “cừu”).

dau-cuu-mon-an-ghe-so-tren-ban-tiec-giang-sinh

Đầu cừu được ướp muối, hun khói hay sấy khô,
hoặc đem đi hầm chín mềm trong 3 tiếng. Ảnh: Nauy.

Lớp da và lông ở đầu cừu được thui trụi, bộ não được lấy ra, phần còn lại chiếc đầu được rửa bằng nước thật sạch rồi ướp muối, sau đó hun khói bằng loại củi đặc biệt hoặc sấy khô. Cũng có thể đem đầu cừu luộc hoặc hấp khoảng 3 tiếng cho mềm rồi lấy ra ăn kèm với củ cải và khoai tây nghiền. Món ăn này thưởng thức theo cách truyền thống thì không thể thiếu sữa, bia hay Akvavit – một loại rượu truyền thống của vùng Scandinavia.

Nếu đầu cừu luộc hay hấp thì bộ óc được để nguyên, nấu trong xương sọ và ăn bằng thìa hoặc cho vào chảo chiên nóng. Món đầu cừu ban đầu là thức ăn của người nghèo, tuy nhiên, ngày nay nó lại trở thành một loại cao lương mỹ vị.

dau-cuu-mon-an-ghe-so-tren-ban-tiec-giang-sinh-1

Smalahove thường ăn kèm với củ cải và khoai tây nghiền. Ảnh: wordpress.

Khi bày lên đĩa đầu cừu được chia làm hai nửa, mỗi suất ăn là một nửa đầu. Đầu cừu thường được ăn từ mặt trước ra mặt sau, xung quanh phần xương sọ. Người Na Uy thưởng thức smalahove khá chậm rãi, có thứ tự và nguyên tắc riêng. Riêng cơ mắt, lưỡi cừu được bỏ riêng và chỉ dành cho những người quan trọng nhất trong bữa tiệc. Phần tai và mắt được thưởng thức đầu tiên vì chúng béo ngậy và nên ăn khi còn nóng. Tiếp đến thực khách dùng dao dĩa cắt ngược giữa các răng ở hàm trên và dưới, từ đó ăn tới các phần xung quanh như ở hốc mắt, tai, má hay cằm.

Từ năm 1998 khi có dịch bò điên, liên minh châu Âu ra lệnh cấm chế biến smalahove từ cừu trưởng thành, vì lo sợ khả năng lây truyền scrapie – bệnh thần kinh dẫn đến tử vong ở cừu và dê, mặc dù bệnh này không lây nhiễm sang con người. Ngày nay, smalahove vẫn chỉ được làm từ đầu cừu non.

                 

Đầu cừu là một món ăn còn tạo cảm khác ghê rợn, chỉ thu hút những người thực sự say mê, nhưng nó vẫn có trong thực đơn của các nhà hàng ở Na Uy để phục vụ du khách. Với bề ngoài kinh dị hầu như du khách nào nhìn thấy cũng sợ hãi khi phải thưởng thức smalahove. Tuy nhiên, Voss, một đô thị thuộc hạt Hardaland, miền tây Na Uy, lại hưởng lợi từ du khách muốn thử món ăn kỳ lạ này. Họ cho rằng smalahove không chỉ là đặc sản truyền thống của người Na Uy, mà còn là một “danh hiệu ẩm thực” đầy thử thách với những người tìm kiếm nó.

Hương Chi
http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/quoc-te/dau-cuu

Bài liên quan

Back to top button