Đồng đôla đỏ
“Đồng đô-la đỏ” là thuật ngữ dưới thời VNCH để chỉ “Chứng chỉ Thanh toán trong Quân đội” (Military Payment Certificate – MPC) được sử dụng trong giới quân nhân và viên chức Hoa Kỳ đồn trú tại miền Nam.
Loại tiền “đô-la đỏ” có mệnh giá từ đồng 5 cents đến 20 đô-la với kỹ thuật in ấn tinh xảo, không khác gì tờ đô-la chính hay còn gọi là “đô-la xanh”. Thực ra, loại tiền giấy mang tên “đô-la đỏ” không chỉ in màu đỏ mà còn dùng các màu trang trí khác như xanh, nâu hoặc tím. Dưới đây là các đồng đô-la đỏ “Series 641” theo thứ tự mệnh giá từ thấp lên cao được sử dụng đầu tiên tại miền Nam trong thời gian từ 1965 đến 1968:
Đồng 5 cents
Đồng 10 cents
Đồng 25 cents
Đồng 50 cents
Đồng 1 đô-la
Đồng 5 đô-la
Đồng 10 đô-la
Trên mỗi đồng đô-la đỏ đều có ghi dòng chữ: “Military Payment Certificate – For use only in the United States military establishments – by United States authorized personnel in accordance with applicable rules and regulations” (tạm dịch: Chứng chỉ Thanh toán trong Quân đội: chỉ sử dụng tại các cơ sở của Quân đội Hoa Kỳ – qua các nhân viên có thẩm quyền thuộc Hoa Kỳ theo quy định và luật lệ phù hợp).
Mục đích chính của việc phát hành đồng MPC là để bảo vệ nền kinh tế – tài chính Hoa Kỳ, qua đó ngăn ngừa một lượng tiền lớn “đô-la xanh” xuất hiện tại các quốc gia và lãnh thổ có quân nhân và nhân viên dân sự Mỹ hiện diện. Trong lịch sử của đồng MPC, Hoa Kỳ có tổng cộng 15 series nhưng trên thực tế chỉ có 13 Series được sử dụng tại nhiều quốc gia trong khoảng thời gian từ năm 1946 đến 1973. Trong số những Series được lưu hành có tổng cộng 94 loại tiền giấy MPC.
Sau Thế chiến II, số lượng quân nhân Hoa Kỳ đồn trú tại các nước Châu Âu khá đông nên năm 1946 chính phủ Mỹ phải phát hành MPC vì nhiều lý do. Người dân tại các nước Châu Âu bị tàn phá bởi chiến tranh, nền kinh tế kiệt quệ nên có khuynh hướng giữ đồng đô-la Mỹ thay vì đồng tiền nội địa ngày càng mất giá. Sự hiện diện của các GIs (Government Issues – chỉ quân nhân Hoa Kỳ vì toàn bộ sinh hoạt của họ đều do chính phủ cấp phát) là nguồn cung cấp “đô-la xanh” cho thị trường chợ đen bản xứ nên để ngăn chặn phải thay thế bằng loại tiền MPC để họ tiêu dùng tại nước ngoài.
MPC khởi đầu là các loại tiền giấy có mệnh giá từ 5, 10, 25, 50 cents cho đến 1, 5, 10 đô-la và đến năm 1968 có thêm tờ 20 đô-la xuất hiện tại Việt Nam. Series 641 được sử dụng đầu tiên tại miền Nam trong thời gian từ 1965 đến 1968, tiếp đến là Series 661 (1968-1969), Series 681 (1969-1970) và Series 692 (1970-1973).
Series 661, đồng 5 cents
Series 661, đồng 10 cents
Series 661, đồng 25 cents
Series 661, đồng 50 cents
Series 661, đồng 1 đô-la
Series 661, đồng 5 đô-la
Series 661, đồng 10 đô-la
Trên nguyên tắc, khi rời khỏi khu vực được sử dụng đồng MPC để về nước, quân nhân và nhân viên Hoa Kỳ được đổi sang đồng đô-la xanh hoặc khi đi nghỉ phép tại một nơi khác được đổi đồng MPC sang nội tệ tại địa phương đó. Những người không phải là quân nhân, nhân viên dân sự Mỹ không được sở hữu MPC nhưng trên thực tế đã có một số người bản xứ và cả người Mỹ đã thực hiện việc giao dịch đồng MPC thông qua thị trường chợ đen.
Điển hình là tại Việt Nam, việc buôn bán đồng MPC diễn ra rầm rộ với những khoản chênh lệch về giá cả đem lại lợi nhuận rất cao. Để ngăn chặn hiện tượng này, quân đội Mỹ tại Việt Nam thường thực hiện những cuộc đổi tiền bất ngờ vào những thời điểm được gọi là“C-Day” (Conversion Day – Ngày đổi tiền).
Vào C-Day, toàn thể quân nhân Hoa Kỳ bị “cấm trại” để tránh những vụ áp-phe đổi tiền. Việc cấm trại, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, trong ngày đổi tiền cho thấy nhiều kẻ đầu cơ đã bị trắng tay. Nhiều nơi còn có các cuộc tấn công căn cứ Hoa Kỳ của những người có liên quan nhưng rồi người ta vẫn tiếp tục buôn bán đô-la đỏ vì mối lợi khổng lồ quá hấp dẫn.
Sau C-Day, những đồng đô-la đỏ thuộc Series cũ trở thành những mảnh giấy lộn và được thay thế bằng những đồng MPC thuộc Series mới. Nói “những đồng đô-la đỏ trở thành mảnh giấy lộn” chỉ là lý thuyết vì ngày nay trên E-bay và một số trang web về sưu tầm tiền xưa những đồng MPC này vẫn còn được giao dịch.