Lướt webThường thức gia đình

Nguyên PGĐ bệnh viện K cảnh báo tác hại của máy khử trùng ozone

Hiền Nguyễn |

Nguyên PGĐ bệnh viện K cảnh báo tác hại của máy khử trùng ozone

Hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng máy ozone để khử độc thức ăn, nhưng ít ai biết được tác hại thực tế của máy khử trùng này.

Hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam hi vọng rằng họ có thể sử dụng máy khử trùng ozone để bảo vệ sức khoẻ của gia đình mình trong cơn bão thực phẩm bẩn.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia nhận định việc sử dụng máy khử trùng ozone cực kỳ nguy hiểm, có thể làm ảnh hưởng tới tầng khí quyển, gây các bệnh tai mũi họng.

PV: Thưa PGS, theo ông biết máy ozone có được dùng phổ biến để làm sạch thực phẩm ở các nước khác trên thế giới không?

PGS Phạm Duy Hiển: Tôi thấy ngạc nhiên khi người ta đưa máy khử trùng ozone vào sử dụng trong gia đình với hi vọng loại bỏ được các độc tố, vi khuẩn trong thực phẩm. Đây là một sai lầm rất tai hại mà nhiều người biết nhưng không có dịp để nói ra.

Tôi thử vào mạng tìm kiếm xem có nước nào dùng máy ozone trong gia đình để xử lý thực phẩm bẩn không, thì tôi thấy không có nước nào cả, chỉ có Việt Nam mới sử dụng máy này thôi (cũng có thể tôi tìm chưa hết vì thời gian có hạn).

PV: Được biết ông là người đã có phản biện về việc nhà sản xuất đưa máy khử trùng ozone vốn dành cho công nghiệp lại mang về sử dụng cho mỗi gia đình như một cách chống lại thực phẩm bẩn. Ông có thể chia sẻ vì sao có những tranh luận đó?

Tiêu chuẩn về mức ozone an toàn cũng chưa được công bố rộng rãi, mặc dù liều chết, nồng độ chết và thời gian tiếp xúc gây chết cho động vật và cả con người (lethal dose hay concentration-LD or Lc) đã được công bố theo tiêu chuẩn của FDA (Mỹ) nhưng để đo được là cực kỳ khó, nhất là nồng độ bao nhiêu thì gây hại cho sức khoẻ.

Mặt khác, các chỉ số ngưỡng nguy hại thấp nhất của ozone cũng không được xác định. Vì vậy, việc sử dụng máy ozone trong gia đình hàm chứa nhiều rủi ro cho sức khỏe.

PV: Đã có nghiên cứu nào chứng minh về tác hại của việc sử dụng ozone bừa bãi đến sức khỏe con người và môi trường chưa, thưa ông?

Năm 1997, tiền chi cho bệnh lý mãn tính của phổi theo cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm (FPA – Mỹ) tăng từ 2,5-3 tỷ USD năm 1981 lên 5 tỷ USD. Song hành cùng việc chấp nhận tăng nồng độ ozone là tăng chi phí cho chữa trị riêng các bênh mạn tính của phổi.

Những câu chuyện vào năm 70 -80 của thế kỷ trước, có 2 đia danh tại Mỹ và Đức xảy ra một hiện tượng mà nhà khoa học gọi là “có một mùa thu sớm” bất thường (lá vàng rụng sớm vào tháng 7 – 8).

Người ta đã đo được nồng độ ozone trong không khí ở vùng đó cao bất thường. Nguyên nhân được xác định do mở rộng giao thông, đô thị hoá mạnh, nhiều nhà máy mọc lên. Ozone được thải vào không khí tăng lên đã làm ảnh hưởng đến cả hô hấp của lá cây!

Ô nhiễm không khí một phần là do ozone trong tầng đối lưu tăng quá cao. Nhân loại đang sống trong một sự cân bằng rất mỏng manh đầy bất trắc, đang bị xâm hại.

Nồng độ ozone trong tầng đối lưu (cao khoảng 8-17km từ mặt đất) ngày càng gia tăng do ô nhiễm môi trường không khí. Khí thải từ các nhà máy sử dụng nguyên liệu hoá thạch (than đá), đốt các nhiên liệu từ dầu mỏ (phương tiện giao thông vận tải) và các hoạt động khác của con người.

Các chất ô nhiễm không khí gồm C02, CO, SO, SO2, NOx, HCl, HF, các chất hữu cơ tổng hợp như sơn, xăng bốc hơi,… dưới tác dụng của áng sáng, qua nhiều phản ứng hoá học liên tiếp rồi tạo ra khí ozone. Khí này ngày tạo ra càng nhiều trong không khí.

Năm 1990 riêng Mỹ đã thải vào không khí ước tính 90 triệu tấn ozone và 18 triệu tấn SO2 từ ô tô, công nghiệp, cháy rừng…

Trong khi tầng bình lưu nằm ngay sát bên trên tầng đối lưu có độ cao từ 17-50km trở lên là tầng khí chủ yế là ozone, tầng này có chức năng bảo vệ trái đất khỏi các tia cực tím từ mặt trời.

Tầng này đang có xu hướng bị mỏng dần do ô nhiễm từ tầng đối lưu phía dưới và đã có những chỗ “bị thủng”.

Hiện tượng được gọi là “hiệu ứng nhà kính” đang đe doạ mọi sinh vật trên trái đất, khí hậu đang nóng lên, các hiện tượng như El Nino, La Nina…ngày càng gay gắt và kéo dài.

Nhiều hội nghị quốc tế về chống biến đổi khí hậu toàn cầu chính là chống biến đổi ở 2 tầng này. Các nước phải cam kết giảm lượng khí thải trong đó ozone vào không trung.

Nhưng tại Việt Nam người ta lại sản xuất máy tạo ozone để cho mỗi gia đình sử dụng. Nếu cứ dùng như thế này, tôi không biết sức khoẻ, môi trường của người Việt Nam mình sẽ đến đâu. Xin lưu ý là các tầng khí quyển quanh trái đất không có biên giới.

Nguyên PGĐ bệnh viện K cảnh báo tác hại của máy khử trùng ozone - Ảnh 1.

PV: Trên thực tế, những người sử dụng máy ozone họ đều rất hài lòng vì công dụng “đánh bật” vi khuẩn, hoá chất độc hại của nó thể hiện bằng các chất bọt trắng khi xục thịt, hoa quả, rau nên họ đua nhau mua. Vậy theo ông vì sao nó có thể diệt được vi khuẩn như thế?

PGS Phạm Duy Hiển: Khí ozone có thể tiêu diệt sạch vi khuẩn bám trên bề mặt thực phẩm nhưng không thể diệt được nếu chúng ngấm sâu vào thực phẩm.

Ozone diệt vi khuẩn nhờ tác dụng oxy hoá làm hỏng màng tế bào của vi khuẩn, bẻ gẫy các mối liên kết của ADN, đông vón Protein và các chất mỡ…Các chất sủi bọt tạo váng khi sục ozone chính là các chất này.

Nhưng khi thực phẩm sạch hoặc các chất độc được các cây, con, củ, quả hấp thu vào trong cơ thể thì dù sục ozone trực tiếp cũng không loại bỏ được hết các độc tố, siêu vi khuẩn đó.

Ozone phải được tạo ra từ oxy sạch và làm khô để sản xuất. Trong khi đó, để có được oxy sạch nhà sản xuất sẽ phải lắp thêm bộ phận làm sạch oxy và làm khô nó.

Theo một nhà khoa học về Vật lý ứng dụng giá của bộ phận này khoảng 16-18 triệu đồng VN, như vậy thì sẽ rất tốn kém, giá thành máy “sục” rất cao, không ai đủ sức mua nên họ bỏ qua khâu này.

Vì trong không khí oxy sạch chỉ chiếm 20,9% thể tích khí thường mà chứa đến 70 % là khí ni tơ, khi máy sục ozone hoạt động với khí trời sẽ tạo ra NO3 là chủ yếu và kết quả chúng thải ra không khí NO3 và ozone đầy độc tính.

Trên không trung NO3, SO2 và Ozone dưới tác dụng của ánh sáng và nhiệt độ a-xit ni-tơ ric & a-xit sul-fu-ric được tạo ra và đó là nguyên nhân của các cơn mưa a-xit.

Nhưng nhà sản xuất lại lách lỗ hổng là khoa học chưa tìm ra ngưỡng của nó là bao nhiêu để có mức an toàn nên họ cứ sản xuất và bán cho người dân. Còn người dân cứ mua về sử dụng trước nỗi lo thực phẩm bẩn như hiện nay.

Và như vậy có thể thay một phần thực phẩm bẩn bằng không khí bẩn. Nếu có giải quyết được phần nào thực phẩm bẩn nhiễm trùng thì các phương pháp khác an toàn hơn cũng làm sạch vi trùng!Nguyên PGĐ bệnh viện K cảnh báo tác hại của máy khử trùng ozone - Ảnh 2.

PV: Nguy cơ ô nhiễm ozone từ không khí đang xảy ra, vậy ảnh hưởng của ozone trong môi trường cũng như việc xục như hiện nay người dân vẫn làm đến sức khoẻ người dùng như thế nào thưa ông?

PGS Phạm Duy Hiển: Cái chúng ta đang làm hiện nay rất mịt mờ. Ví dụ: Thịt ôi thiu, bảo quản bằng các chất hoá học không rõ nguồn gốc, thậm trí cả chất cấm.

“Sục ozone” vào nó váng bọt lên, oxy hoá khử các chất mỡ nên tạo ra các váng nhầy nhưng phía sau đó là các chất đang phân huỷ thối rữa.

Các chất độc hại được oxy hoá khử sẽ ra chất trung gian gì thì không ai biết về nguyên lý sẽ có rất nhiều chất gốc tự do, mà các chất chuyển hoá trung gian mới độc!

Các chất tận cùng trong quá trình chuyển hoá tự nhiên của cơ thể sống được đào thải qua phân, nước tiểu, hơi thở, mồ hôi…ở đây các chất trung gian do oxy hoá chưa biết là gì mà cứ yên tâm ăn, điều này rất nguy hiểm!

Ngoài những tác hại do sục ozone với thực phẩm, ozone còn ảnh hưởng tới sức khoẻ con người ở khía cạnh toàn cầu.

Khi dùng máy sục ozone gia đình chúng ta vô tình làm gia tăng khí ozone ở trong bầu khí quyển,còn gọi là ozone tầng đối lưu hay ozone xấu.

Bình thường, chúng ta sử dụng máy sục ozone trong gia đình tạo ra ô nhiễm ozone, khi ozone tiếp xúc với mô phôi, nó tấn công và làm tổn thương các tế bào biểu mô lót của đường dẫn khí.

Từ đó, gây viêm các tế bào, làm chúng ta ho, ngứa họng, thấy khó chịu trong lồng ngực, đồng thời làm giảm chức năng phổi, khiến ta không thể thở sâu như bình thường, gây viêm mũi…

Vì vậy, ô nhiễm ozone có thể làm cho bệnh hen suyễn, khí phế thủng, viêm phế quản mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng lên và làm giảm khả năng của cơ thể chống lại vi sinh vật xâm nhập vào hệ hô hấp.

Máy “sục ozone”: Mặt “lợi” rất khiêm tốn, mặt “hại” nổi trội.

Chất khí này đã được biết đến từ năm 1785 bởi nhà Hoá học người Hà Lan và được nhà bác học người Đức (C. F. Schoenbein) đặt tên là “Ozone” năm 1840 (theo nghĩa tiếng Hy Lạp là “thối” vì nồng độ cao có mùi tanh-thối).

Tác dụng sinh hoá học của nó cũng được biết từ rất lâu nhưng gần đây (khoảng 10 năm) mới được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam. Nếu nó tốt như các nhà sản xuất quảng cáo, cớ sao ngưới các nước Âu, Mỹ, Nhật… không dùng?

Nhà nhà đua nhau sản xuất ozone với các máy nhất là từ Trung Quốc chế tạo, các trung tâm kỹ thuật trong nước nghiên cứu, giá chỉ từ trăm ngàn đến vài triệu đồng Việt Nam một chiếc, dùng như “vĩnh cửu”.

Chúng ta sẽ phải chi bao nhiêu tiền chữa trị các bệnh phổi như hen xuyễn, viêm phế quản mãn, các bệnh tai mũi họng do viêm teo niêm mạc nhất là ở trẻ em…và cả ung thư và tim mạch ở người lớn. Và cái giá phải trả cho môi trường sống!

theo Trí Thức Trẻ
http://soha.vn/

Bài liên quan

Back to top button