Ông ăn bánh mì kẹp, ở nhà thuê, đeo đồng hồ 15 đô, nhưng là người khiến Bill Gate và Warren Buffett ngưỡng mộ
Trên thế giới hiện nay có không ít nhà hảo tâm chuyên làm từ thiện, tuy nhiên có một nhân vật không có tên tuổi trong giới từ thiện nhưng lại đã dùng toàn bộ tiền ông có được để giúp người. Đó chính là tỷ phú Chuck Feeney. Ông coi việc làm từ thiện cũng như là một phần của cuộc sống.
Ông từng là ông chủ của DFS nổi tiếng toàn cầu về bán hàng xa xỉ phẩm miễn thuế nhưng lại mặc trang phục cực kỳ đơn giản. Tủ quần áo của ông có ít hơn 10 bộ y phục, đeo đồng hồ trị giá 15 đô la và sống rất giản dị. Trong suốt 30 năm qua, vị tỷ phú này đã đi đến nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Australia, Việt Nam, Nam Phi, Ireland… trao tặng, làm từ thiện với số tài sản 8 tỷ USD.
Chuck Feeney sinh ra trong một gia đình bình thường, mẹ là y tá, và bố là nhân viên của công ty bảo hiểm. Ngay từ khi còn nhỏ ông đã bộc lộ tài năng trời phú về kinh doanh. Năm đó, đúng vào mùa Giáng sinh, ông bán những đồ trang trí bằng tay, khi có bão tuyết ông cùng bạn bán dịch vụ dọn tuyết, gõ cửa từng nhà để bán thiệp Giáng sinh…
Sau khi trưởng thành, Chuck Feeney gia nhập quân đội nhưng ông luôn nhìn thấy cơ hội kinh doanh. Ông đã bán xe cho binh sĩ ở châu Âu, châu Á và Mỹ, nhờ vậy kiếm được khoản tiền lớn đầu tiên.
Năm 1960, ông cùng bạn sáng lập ra Tập đoàn Duty Free Shoppers (DFS Group) chuyên bán rượu, nước hoa, đồ trang sức miễn thuế. Sau đó, du lịch ngày càng phát triển, ông đã mở được 27 chi nhánh vào năm 1964 trên khắp thế giới. Sự nghiệp kinh doanh của ông đã phát triển nhanh chóng.
Năm 1982, ông thành lập Tổ chức Từ thiện Atlantic và quyên tiền đi khắp nơi trên thế giới. Năm 1984, ông bí mật chuyển toàn bộ 38,75% cổ phần của mình có trị giá khoảng 500 triệu đô la vào Tổ chức Từ thiện Atlantic. Ngay cả các đối tác kinh doanh của ông cũng không biết rằng ông không còn sở hữu bất cứ cổ phần nào của DFS nữa.
Trong nhiều năm, Atlantic đã bí mật tài trợ giúp đỡ từ thiện cho nhiều vụ việc, nhưng họ yêu cầu người nhận không được tiết lộ nguồn tài trợ là từ họ. Người nhận được tài trợ phải ký một thỏa thuận bảo mật, nếu tin về ông lan ra bên ngoài thì nguồn tài trợ lập tức bị cắt.
Bởi vì Chuck Feeney yêu cầu đơn vị nhận tiền từ thiện phải ký cam kết này, cho nên rất ít người biết đến ông mặc dù ông đã cho đi rất nhiều tiền. Trước khi ông tặng 350 triệu đô la cho Đại học Cornell, hiệu trưởng trường không thể nói tên của ông nên đã giải trình với Hội đồng quản trị rằng, khoản tiền này chắc chắn không phải của tổ chức mafia hay những kẻ khủng bố.
Feeney kín tiếng tới mức, mãi tới 1988, thế giới mới biết đến sự giàu có của ông. Khi đó, lần đầu tiên Forbes ước tính Feeney có khoảng 1,3 tỷ và xếp thứ 31 tại Mỹ. Tuy nhiên, tài sản thực của ông vẫn là một ẩn số, chỉ sau những lần làm từ thiện, thế giới mới biết được.
Chuck Feeney đóng góp 400 triệu đô la/ năm cho đơn vị nghiên cứu Ung thư Úc, Philippines, hỗ trợ cho trẻ em Việt Nam phẫu thuật hở hàm ếch. Một lần, khi nhìn thấy một cô bé chuẩn bị cho cuộc giải phẫu trong phòng chờ nở nụ cười, ông nói: “Tôi nghĩ rằng sự giàu có có giá trị tại thời điểm này.“
▼ Mặc dù sở hữu khối tài sản kích xù như vậy, ông Chuck Feeney đã sống cuộc sống như thế nào? Ông không có xe, không có nhà.
New York Times tiết lộ, trong nhiều năm ở New York, bữa trưa của ông không phải ở các nhà hàng sang trọng mà là ở khu nhà Irish Pavillion Tommy Makem trên phố East 57th – nơi ông ăn bánh mì kẹp thịt. Trước đó sở hữu 6 biệt thự tại London, New York, Paris, nhưng rồi ông cũng bán đi tất cả để làm từ thiện. Hiện tại, ông sống cùng vợ trong một căn hộ bình thường thuê ở San Francisco.
Ông đi lại bằng xe buýt, tàu điện ngầm, ngồi khoang phổ thông khi đi máy bay. Ông đã từng nói: “Khoang hạng nhất cũng không giúp tôi nhanh đến đích hơn.” Khi gặp Thủ tướng Ai Len, ông đeo chiếc kính mua từ quầy hàng bên đường.
Chuck Feeney có 5 người con, nhưng ông không cho con ngay cả tiền tiêu vặt. Ông nghĩ rằng chúng có thể tự kiếm ra tiền để tiêu.
Lúc con gái ông còn trẻ, cô đã gọi rất nhiều cuộc điện thoại đường dài và thế là ông liền ngắt đường dây điện thoại. Ông đưa cho con bản đồ thành phố và đánh dấu các bốt điện thoại công cộng để con gái ông giải quyết việc riêng. Ông nói: “Tôi có đủ tiền để đến nhà hàng ăn những bữa ăn trị giá 100 đô la nhưng bữa ăn 25 đô la sẽ khiến tôi cảm thấy hài lòng hơn.“
Khối tài sản lớn cuối cùng được Chuck Feeney quyên tặng vào cuối năm ngoái và ông dự định đóng cửa tổ chức này vào năm 2020. Ông không lưu lại tiền cho con cái vì ông nghĩ rằng làm như vậy là làm hại các con. Các con cũng hiểu tư tưởng của ông, rằng họ có đủ năng lực kiếm tiền.
Nhiều người không biết đến cái tên Chuck Feeney, nhưng ông lại có sức ảnh hưởng đến quá nhiều người. Feeney luôn tâm đắc rằng: “Chỗ Thượng Đế ở không có ngân hàng, mỗi người đều là trần trụi sinh ra, cuối cùng cũng đơn độc ra đi, không ai có thể mang theo tài phú và danh tiếng mà bản thân đã đau khổ tìm kiếm cả đời.”
Nguồn Đại Kỷ Nguyên