Xem cách bồn cầu không dùng nước
Xem cách bồn cầu không dùng nước hoạt động. Sản phẩm được Bill Gates trao thưởng 710.000 USD. Vừa có thể tiết kiệm nước lại vừa xử lý được chất thải một cách sạch sẽ, còn gì tuyệt vời hơn?
Bốn năm sau sự kiện Quỹ Bill và Melinda Gates trao thưởng 710.000 USD cho chiếc toilet không dùng nước mang tính cách mạng thì mới đây, công nghệ này lại một lần nữa được ủng hộ tài chính.
Được các nhà phát triển tại Đại học Cranfield gọi là Toilet Màng Nano, chiếc bồn cầu này nhận vừa nhận được thêm vốn nhưng ta chỉ biết là thêm tiền phát triển thôi, con số chính xác bao nhiêu thì không rõ bởi người phát ngôn đại diện cho Cranfield từ chối đưa ra con số ấy.
Các nhà khoa học sẽ sử dụng số tiền ấy để tiếp tục hoàn thiện những nguyên mẫu điều tiên và sẽ sớm đưa vào một số nước Châu Phi để thử nghiệm.
Nhiệm vụ của những chiếc bồn cầu công nghệ cao này là giúp đỡ 2,4 tỉ người trên thế giới vẫn sống trong tình trạng thiếu vệ sinh. Họ không có nước sạch để sử dụng và cả một cộng đồng lớn người đối mặt với những bệnh tật nguy hiểm tới từ việc thiếu nước sạch, mất vệ sinh.
Chiếc bồn cầu không dùng nước này sẽ là một công cụ tuyệt vời để chống lại những mối nguy hại này.
Bà Alison Parker, một giảng viên tại Viện khoa học về Nước tại Cranfield nói rằng đội ngũ của bà sẽ tập trung phần nhiều vào những khu vực nghèo đói trên thế giới, những khu vực thiếu nước và điều kiện vệ sinh kém. Triệt tiêu được mối nguy hại tại những nơi như vậy, chất lượng cuộc sống của con người chắn chắn sẽ tăng lên.
Hiện tại, dự án này vẫn chưa được triển khai bởi lẽ bản thân chiếc bồn cầu cần được bảo trì 6 tháng một lần. Bà Parker nói rằng nó sẽ chưa được lắp đặt tại những khu vực kém phát triển, chừng nào chưa chứng minh được độ tin cậy của nó trong những thành phố lớn.
Và đây là cách mà chiếc bồn cầu này hoạt động
Sau khi một người đã “hoàn thành nghiệm vụ” và đóng nắp bồn cầu lại, hệ thống bên trong sẽ xoay 270 độ để đưa chất thải xuống một bể chứa bên dưới. Công cụ lau chùi sẽ lau sạch toàn bộ những phần chất thải còn sót lại trên bề mặt.
Chất thải rắn sẽ chìm xuống dưới, chất thải lỏng sẽ trở thành một lớp nổi bên trên.
Những sợi cáp nano cực mảnh sẽ được xếp lại thành từng búi ở trong khoang bồn cầu bên trong. Chúng sẽ đưa hơi nước của chất thải lỏng qua một ống thẳng đứng ở bên cạnh bồn cầu.
Hơi nước đi qua ống được thiết kế đặc biệt sẽ được chuyển hóa thành nước thật, nó sẽ được lưu trữ tại một khoang riêng của hệ thống bồn cầu này. Lượng nước sạch thu về có thể được sử dụng để lau rửa, tưới cây, …
Phần chất thải rắn được một hệ thống chạy điện đưa sang một buồng chứa riêng. Tại đó nó sẽ được trộn với một loại sáp khử mùi và để khô.
Sau một khoảng thời gian nhất định, nhân viên bảo trì sẽ tới để thu thập chất thải rắn và lượng nước thu được. Bên cạnh đó thay pin nếu cần thiết.
Theo như bà Parker nói, thì một chiếc bồn cầu như thế này có thể phục vụ nhu cầu của 10 người, với chi phí chỉ vỏn vẹn 0,05 USD/ngày với mỗi người sử dụng. Số vốn lần này cùng với số tiền thưởng từ quỹ Bill và Melinda Gates sẽ giúp cho dự án này được triển khai vào ngay cuối năm 2016, bà Parker khẳng định như vậy.
Ý tưởng của chiếc bồn cầu này hoạt toàn khả thi, nhưng một khó khăn mà nó gặp phải, cũng như vô vàn ý tưởng thiết kế khác, là việc áp dụng vào thực tế. Rất nhiều dự án có thể hoạt động trên giấy lại không thể tồn tại được ở những nơi nó được cho là sẽ phát huy tác dụng tối đa.
Với chiếc bồn cầu này, địa phương nơi lắp đặt sẽ phải tạo ra được những công việc đặc biệt nữa như bảo trì và bảo quản hệ thống bồn cầu. Quá trình đào tạo và huấn luyện sẽ mất chút thời gian và hơn nữa, một số nhà khoa học vẫn đang tìm cách tối ưu hóa được thiết kế của chiếc bồn cầu này.
Bà Parker thừa nhận một trong những vấn đề nan giải nhất đó là người sử dụng vẫn phải ném giấy chùi vào một sọt rác gần đó, không có cách nào khác cả. Bản thân bồn cầu thì sạch rồi, nhưng chiếc sọt giác với những chất thải bên trong nó lại vẫn có thể là một nguồn bệnh tiềm tàng.
Đây là một thiết kế bồn cầu mang tính cách mạng, không ai có thể nghi ngờ điều đó nhưng để thực sự áp dụng được vào cuộc sống thực tại và phát huy tối đa công dụng của nó, vẫn còn những thử thách phía trước được đặt ra cho đội ngũ các nhà nghiên cứu.
Tham khảo Business Insider