BA ● Làng quê xưa, những ngày không êm ả.
Dom. Nguyễn Toàn Đông
… Từ những năm cuối thế kỷ 19, Mai Phốp được các vị giáo sĩ người Pháp gầy dựng. Các vị chèo ghe từ Cái Mơn qua. Vị trí hiện tại là địa điểm thứ hai. Lần đầu, một ngôi nhà thờ bằng lá đuợc dựng lên ở vàm Mai Phốp; chổ con sông hiện giờ chảy vào sông Cổ Chiên. Khơi lại chuyện này vì có lẽ các vị khai sáng lúc đó rất am hiểu địa hình nên mới chọn lại nơi hiện tại. Khuôn viên nhà thờ hiện nay nằm trên một con giồng. Giồng là một vùng đất cát. Dù không rộng mênh mông, nhưng đủ để kiến tạo một khu vực cao ráo. Mùa mưa không bị lầy lội.
Những gia đình ở cận kề nhà thờ được gọi là “xóm giồng trong”. Kế đến là Đất Thánh. Song song với Đất Thánh là một sân đá banh. Rồi những gia đình kề cận tiếp theo được gọi là “xóm giồng ngoài”. Bao quanh hai xóm giồng (đất cát) này là xóm Bưng và xóm Biền. Bưng có nghĩa vùng ruộng thấp, đất lầy. Biền là vùng ruộng cao, đất gò. Hai vùng bưng biền này là những cánh đồng lúa của Địa Phận và họ đạo. Tất cả là năm ngàn mẫu ruộng, đủ cung cấp lúa gạo cho Tiểu và Đại chủng viện đến năm 1975. Chỉ còn những gia đình bên khu chợ được gọi là “xóm chợ”. Sau này, trào cha Giacôbê Tỏ về mới có thêm “xóm đất liếp”. Xóm này đã là nguyên cớ gây bao phiền toái cho ngài. Và hầu như cha Giacôbê phải rời Mai Phốp cũng vi cái xóm đất liếp này.
Đất Thánh và sân đá banh, theo tôi hiểu, là hai di sản quý giá mang dấu ấn sâu đậm nhất của người Pháp còn lưu lại sau khoảng mười năm họ đồn trú ở đây.
Lúc đó là nhũng năm cuối thập niên 50, đám trẻ con chúng tôi thỉnh thoảng có dịp vô Đất Thánh chơi. Thường nhứt là để bắn chim. Dù là nơi chôn cất, nhưng không có vẻ gì ghê sợ. Trái lại, phong cảnh nơi đây rất đẹp. Khu đất rộng chừng non một mẫu tây. Chung quanh là những cây sao cách khoảng đều đặn, thẳng hàng. Những cây sao ấy đã khá cao. Mùa có gió, bông sao hình chong chóng bay đầy trời. Ngay chinh giữa sân có dựng một cây Thánh Giá. Bóng Thánh Giá với dáng vẻ lặng lẽ, im lìm một mình giữa khu đất rộng rãi tạo cảm giác trầm mặc khi vừa bước vào cổng rào. Ngay phía trước, sau và hai bên cánh Thánh Gía là bốn lối đi thẳng tấp đến tận cùng khu đất. Chiều ngang các lối đi rộng chừng hơn hai mét, đủ cho xe nhà giàn (xe chở quan tài) chạy vào. Cả bốn lối đi cùng gặp nhau tại chân Thánh Giá. Thời bấy giờ, các ngôi mộ thường là mộ đất và còn trống trải. Mỗi ngày có ông từ ra vô làm cỏ, trồng bông dọc các lối đi. Cha sở rao trong nhà thờ không ai được thả trâu bò vào khu Đất Thánh. Tôi thích đi chơi quanh khu vực này mà không thấy sợ gì. Sau này, khi lên Vĩnh Long học, tôi càng ngạc nhiên hơn khi thây Đất thánh Tây ở Vĩnh Long gần như giống y với khu đất họ đạo dưới quê tôi về cảnh quang.
Bây giờ, hình ảnh thân thương của khu Đất Thánh quê tôi đã biến mất từ hồi nào không biết. Có dịp trở lại thăm mộ gia đình thì chỉ còn một dấu vết duy nhất là bóng cây Thánh giá, vẫn lặng lẽ một mình. Hầu như không còn một chổ nào trống. Toàn mộ là mộ. Thêm nữa, gia đình nào cũng đua nhau xây cao lên cho dễ thấy (?) giữa một rừng mộ. Cảnh tượng ngổn ngang như chổ dành cho ma thực sự, hơi hơi lạnh người.
Cũng ngày xưa, song song với Đất thánh là một sân đá banh. Diện tích sân nhỏ hơn một sân bình thường nhưng được chăm chút tỉ mỉ như một công viên. Đây là một chứng tich quan trọng do quân đội Pháp để lại. Đa số lớp thanh niên thời đó đều biết đá banh. Những trận đấu được tổ chức thường xuyên làm cho người dân mọi độ tuổi am tường và mê mẩn môn thể thao này. Mặt sân luôn được giữ bằng phẳng. Cỏ trồng trên sân lúc nào cũng xanh mượt. Dù ở một nơi trống trải nhưng người đi đường không được dặm lên cỏ của sân. Môn đá banh được các ông (và cả các bà nữa!) thừa hưởng và phát triển cũng nhờ sự có mặt của Tây. Nên khi họ đã rời khỏi nơi đây, cái sân đá banh này còn ở lại như một tài sản tinh thần mà người bản địa nhận lấy chẳng khác gì một món quà hiếm hoi giữa bao tranh cải rằng người Phú-lang-sa (français) đến đây lợi và hại thế nào cho một vùng khá là quê mùa. Nhưng xui rủi lại xảy ra: Hôm nay, cái sân đá banh vàng son một thời cũng gần như không còn chút hình hài gì của ngày xưa ngoài một vài dấu vết nghèo nàn, xấu xí còn lại trơ trọi. Cái cảm giác tiêu hủy một công trình có giá trị cao về văn hóa, quyến rũ về cảnh quang không biết có phải do cuộc sống quá khó khăn hay sao mà người ta dành dứt bỏ. Một cụm hoa bị đào bới tan tành để thay vào đó một cây khoai mì?
Cha Felix Lê Vĩnh Trình về nhậm họ đạo Mai Phốp năm 1940. Năm 1956, cha rời nơi đây về Cái Bông.
Những năm từ 1945 trở về sau đầy biến động xảy ra khắp đất nước. Trước 1945, dù chính phủ thực dân Pháp vẫn còn ở VN nhưng là phía đang thua trong Đệ II Thế chiến. Khi Nhật đầu hàng Đồng Minh thì Pháp trở thành phe thắng trận. Và năm 1946, họ quay trở lại VN muốn tiếp tục cai trị như trước. Khổ nỗi là ngay tháng 8 năm 1945, Việt Minh đã cướp chính quyền của Thủ tướng Trần Trọng Kim ở Hà Nội.
Gia đình tôi, tính theo gốc gác cũng là gia đình tản cư. Ba gia đình trong gia tộc tản cư từ họ nhỏ Bưng Trường xuống Mai Phốp. Chưa kể những gia đình lối xóm. Lúc ấy, tôi nghe mấy anh con nhà bác nói là mình phải bỏ đi vì mất an ninh. Lâu lâu, người ta lại thấy “thằng chổng” trôi sông. Đó là những người bị Việt Minh sát hại. Bị thả trôi sông, nhưng trên thân mình luôn có tấm giấy kết tội là phản động hay… gì đó. Mấy lần, tôi có nghe cha tôi kể rằng Việt Minh ban đêm dùng loa rao trong xóm là ai có nuôi chó thi phải giết chó đi. Họ hoạt động vào ban đêm nên không thể có tiếng chó sủa được. Cuối cùng, Cha Felix mới biểu những người có đạo ở các họ nhỏ mất an ninh hãy tựu về Mai Phốp để Cha bảo vệ cho.
Tôi đoán chừng vài năm sau 1946 thì Cha Felix đưa quân đội Pháp về đây. Hoàn cảnh lúc đó đưa đẩy làm cho tình thế họ Mai Phốp thành như một lãnh địa đối đầu với Việt Minh. Cũng có những hoạt động quân sự như hành quân quanh khu vực hay bắt giữ những người bị tình nghi là Việt Minh.
Cha Felix có hẳn một đội gạc-đờ-co (garde-corps). Bác ba Tỵ là trưởng đội. Nhà bác ở ngay phía sau nhà thờ. Thời đó, bao quanh khuôn viên nhà thờ là những gia đình thân cận hay đáng tin cậy với cha sở. Các gia đình nầy liền kề nhau như một vành đai để tạo sự an toàn cho khu vực nhà thờ (?). Đặc biệt, nhà bếp của cha sở cũng nằm trong vành đai này, do hai cô Tư và cô Sáu phụ trách. Khu nhà bếp kính cổng cao tường không ai vô được (vì lý do an ninh?). Khi Cha Felix đổi đi rồi, cô Tư cô Sáu vẫn còn ở lại một thời gian (tôi không nhớ bao lâu). Có vài lần, tôi vô được nhà bếp “của cha sở cựu” vì có Thượng là bạn học. Thượng ở đây từ nhỏ. Lúc đó khoảng trước sau năm 1958 gi đó mà trong nhà đã có tủ lạnh chạy bằng một cái đèn dầu lửa nhỏ đặt phía ngoài dưới đáy tủ lạnh. Đây là lần đầu tiên tôi được chỉ cho thấy đó là cái tủ lạnh.
Sau đó, cô Tư lên Vĩnh Long mở một tiệm bán ảnh tượng thánh nơi dãy phố Đức Cha, tức dãy phố đối diện chợ Tân Bình ở ngã ba Cần Thơ. Cô Sáu thì không rõ đi đâu. Mãi đến năm 1972, tôi gặp lại cô Sáu, là bà bếp cho Đức Cha Simon Hòa Nguyễn văn Hiền, GM giáo phận Đàlạt !!. Thượng, bạn thời tiểu học theo cô Tư về Vĩnh Long học trường Nguyễn Trường Tộ. Và thật không may, Thượng bi chết đuối ngay trước sân trường Nguyễn Trường Tộ trong một lần tắm sông vào năm 1961. Một chi tiết khá lạ lẫm là chưa một lần tôi được nghe ai nhắc chuyện Thượng là ai hay con của ai cho đến khi bạn mất. Không nhắc tới; cũng không thắc mắc về một đứa nhỏ sống đơn độc trong hoàn cảnh như vậy! Như một điều cấm kỵ? Đến hôm nay, chuyện ấy vẫn là một bí mật không có lời giải khi có dịp nhớ lại.
Ngày trước, vị thế của một linh mục chánh sở thì đầy uy quyền. Con chiên rất ngoan ngoãn tuân phục. Với quân đội Pháp trong tay, ngài lại có thêm vũ lực hùng mạnh. Hinh ảnh người đứng đầu hiện lên đầy vẻ huyền thoại. Người thường không dám tới gần là chuyện không có gì lạ. Như lần trước đã nhắc tới, trong sân nhà thờ là nơi đồn trú của lính tiểu đoàn (theo cách gọi lúc bấy giờ) bao gồm commando và partisan của Pháp.
Biết đâu, nguồn cơn cũng nẩy sinh từ ý nghĩ tốt đẹp ban đầu là muốn bảo vệ đàn chiên? Mãi đến sau Công Đồng Vaticanô II thì Giáo Hội mới giải “vạ tuyệt thông” đối với Cộng sản vì tội vô thần!! Từ trước đó, ai theo CS là bị “dứt phép thông công”. Nếu chết thì chỉ có nước xuống hỏa ngục. Trong nhà thờ, có khi nghe đọc: “Xin Chúa hãy hạ những kẻ phản nghịch cùng Hội Thánh xuống.” Từ sau Vaticanô II, Giáo Hội mới chính thức gọi người Cộng sản là những người anh em vô thần.
Và lại… biết đâu, trong suy nghĩ lúc ấy, thu tóm vũ lực của thế quyền với thần quyền vào một mối là mới đẹp lòng Chúa (?). Thực hư thế nào thì sức người không tài nào thấu đáo được. Nhưng ánh mắt nghiêm khắc của người mẹ đã vô tình làm cho nhiều đứa con lãng tránh.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, có ông tám Đạo từ Bắc trở về. Ông gốc là người Công giáo tại đây thời cha Felix. Ông làm chức vụ gì đó ở tòa án Huyện. Vài lần gặp ông ghé chơi tại nhà xứ, tôi nghe ông hát văng vẵng những bài hát bằng tiếng Latin. Không rõ ngày xưa có sự đụng chạm gì giữa họ đạo và cá nhân ông. Ông bỏ đạo đi theo Việt Minh. Tôi nhớ đâu chừng vài tháng sau khi quay về đây; ông yêu cầu có một buổi nói chuyện với “đồng bào Công giáo”. Vì là lúc giao thời, ai cũng sợ nên bà con tới dự đông đảo. Nhà thờ phải lo máy ampli, loa phóng thanh cho ông. Tôi ở nhà nhưng nếu lắng tai thì nghe rõ mồn một. Giọng ông có vẽ giận dữ. Câu chuyện thì cứ xoay quanh chuyện Giáo hội Công giáo luôn chống Cộng; trong đó, họ đạo Mai Phốp đã một thời làm mưa làm gió!!!. Tôi còn nhớ ông nói rằng năm 1959, ở Sài-Gòn có tổ chức Đại Hội Thánh Mẫu. Theo ông, tại sao kiệu tượng Đức Mẹ mà phải có xe tăng, máy bay theo yểm trợ là sao? Chổ khác, ông hỏi rằng (ám chi thời cha Felix) mình ngồi tòa giải tội cho giáo dân mà mình hỏi người đi xưng tội có biết ai trong xóm mình là Việt Minh hay người nào đó có phải Việt Minh không, thì sao đây? Tất cả những chuyện đó tôi không thể nào biết được đúng sai, vì lúc đó mới năm ba tuổi. Nhưng tôi còn nhớ sau cái ngày “ai cũng chỉ biết lặng thinh” ấy tâm trạng những người có mặt rất u buồn… Chắc ai cũng cảm được thời cuộc đã thay đổi; cuộc sống sẽ bắt đầu những ngày chưa biết ra sao nhưng lành ít dữ nhiều…
Ngoài ông tám Đạo, còn có bác xã Phong. Có lẽ trước kia bác làm xã trưởng nên gọi như vậy. Còn nhớ lúc xưa, cha tôi có mời bác đến chích thuốc cho tôi mấy lần. Hồi xưa gọi là “đi rước thầy”. Tôi còn nhớ rỏ bác có dáng cao, luôn mang kiếng trắng, vầng trán cũng cao. Bác có phong thái của người học thức. Trước khi chích, bác đưa ống chích ngược lên ngang tầm mắt rồi bơm một cái thật mạnh. Khi thấy tia thuốc bắn lên cao thi bác mới chích. Bác xã Phong cũng thoát ly theo Việt Minh thời đó. Rồi tập kết như ông tám kia. Nay trở về, bác thinh lặng không nói lời nào; cũng không một chức vụ gì trong chính quyền và rất ít xuất hiện. Tôi không biết gì về những chuyện của bác ngày xưa. Nhưng với hình ảnh còn đọng lại từ mấy chục năm trước, tôi lại thấy mến bác. Với phong cách ngày xưa như vậy, chắc bác là một người theo tây học, có nhiều kiến thức hơn người.
Năm 1961, trong một lần bị phục kích, Cha Felix đã tử nạn trên đường tại Cái Bông. Thời khắc định mệnh ấy đã chấm hết một thời kỳ đầy vinh quang cũng như giông bảo của ngài. Bác ba Tỵ đưa anh em trong đội cận vệ trở về Mai Phốp. Như trở về ngôi làng Emmaus ngày xưa !!. Chắc chắn tâm trạng quý ông nảo nùng khôn tả. Tôi còn nhớ cánh tay trái của một người còn trẻ bị thương khá nặng. Chứng tỏ các cận vệ đã liều thân với thầy. Tôi tưởng tượng những ngày xa xưa của họ khoảng mười lăm năm về trước. Bao nhiêu là hăng say lúc còn trẻ đã thôi thủc các anh để cảm thấy vinh dự được đứng sau lưng một vị mà các anh ngưỡng mộ. Chắc ngày xưa các anh cũng từng cưu mang những hoài bão. Các anh đã một lòng với thầy đến độ không ngần ngại theo bảo vệ thầy khi ngài phải rời khỏi nơi đây năm 1956. Đây là năm bản lề sau hiệp định Genève. Người Pháp phải ra đi để trao trả toàn quyền lại cho miền Nam. Giờ đây, khi các anh luống tuổi thì tình thế lại quá là trớ trêu. Các anh đã “đi không rồi trở về cũng không”. Còn tệ hơn không. Bổng chốc, tôi lại nhớ đến một nhân vật trong sử Việt: Tướng Mạc Đăng Dung. Ông có làm bài thơ , tựa là Thuật Hoài. Hai câu cuối như sau:
Thù trả chưa xong đầu đã bạc.
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.
(Bản dịch của Trần Trọng Kim)
Đây là tâm sự của ông. Sử sách đã ghi nhận những đóng góp hữu ích của nhà Mạc. Câu chuyện cũng bắt đầu từ tấm lòng đầy nhiệt huyết của Mạc Đăng Dung. Ông là một võ tướng với cây “đại trượng” từng làm bạt vía quân thù. Khi thấy thế sự đảo điên, ông muốn khôi phục kỷ cương xã tắc. Nghĩ rằng đây là thiên ý và với thần trượng ngàn cân này, mình sẽ là minh vương cho trăm họ. Nhưng rồi một ngày, ông biết mình không thể đội đá vá trời được… Ngồi mài gươm dưới ánh trăng, nhìn thấy tóc đã bạc mà chuyện mưu sự chưa tới đâu là đâu…
Lúc đương thời, dễ nghĩ rằng mình là kẻ bất bại. Chung quanh chỉ là cỏ rác. Khi đương sức vóc, cứ tưởng chỉ cần trở bàn tay là xong chuyện. Những tưởng mọi việc sẽ đi tới như mình mong muốn. Nhưng rồi… mới biết thời gian không dung nể một ai. Những biến chuyển thế sự không thiên vị người nào.
Mãi về sau này, mỗi khi nhắc đến Cha Felix bà con đều gợi lại những câu chuyện oai hùng của ngài. Có người còn gọi Cha là vua Đa-vít thời đại! Hay cũng là một phương cách để khỏa lấp những phiền toái kèm theo (?). Thật vậy, có lắm chuyện không ngờ trước được. Thời thế thay đổi; trắng lại thành đen.
Dù sao, người đời vẫn trọng nể nhà Mạc mặc dù việc lớn không thành. Mưu sự tại nhân… Ai mà nắm hết được tương lai. Làm sao qua được lòng Trời… Mới ngộ ra rằng có sự khác biệt với Cha Felix vì là một nhà truyền giáo nhưng đã hành xử như một nhà quân sự. Tất cả vấn đề là ở đây.
Khi cương quyết ra tay thì tự nhiên hay đem vũ lực ra để “xoá sổ” đối phương. Nhưng… không đơn giản chút nào. Anh hùng cô đơn rồi sẽ… rất cô đơn. Một mình một ngựa rồi cũng sẽ tàn lụi theo thời gian. Đời người thì quá ngắn ngũi so với đại sự. Muốn tạo cả mùa xuân chỉ với một cánh én thì chỉ là giấc mơ mà thôi.
Bách Tùng Cao Nguyên 10.6.2018.
Ng.Toàn Đông.