Café To GoQuán ven đường

Du ký Australia 09.2019 [Phần 3] | Perth

Tuyến Vũ từ Minnesota

PERTH

6 giờ 30 chiều thứ Ba 24.9, máy bay cất cánh từ Melbourne đưa chúng tôi đến Perth, thành phố lớn nhất của tiểu bang Tây Úc. Chuyến bay này dài 4 giờ nhưng giờ ở Melbourne đi trước 2 giờ nên khoảng 8 giờ 30 chúng tôi đáp xuống Perth. Cha Thúy đã nhờ một người quen giúp chở một số hành lý và Cha thuê một chiếc xe 12 chỗ để chở chúng tôi về nhà. Cha Thúy cho chúng tôi lưu trú trong nhà xứ của giáo xứ nơi cha đang làm chánh sở.

Nhà xứ của giáo xứ Sacred Heart (Thánh Tâm), Thornlie.

Đoàn Minnesota và Cha Thúy (bìa bên trái)

Về đến nhà xứ, đã thấy một nồi thịt bò kho cùng với các thứ rau thơm và bún, thêm vào đó là một nồi thịt heo kho riệu với hột vịt. Món này được cha Phạm Quang Hồng đặt tên là món “thịt kho rung rinh”, cha Thúy cho biết như vậy. Những món này là do em út của cha Thúy là cô Trang nấu và đem đến. Cám ơn cô Trang nhé. Món bò kho và thịt heo kho đều rất ngon. Nhóm chúng tôi ai cũng công nhận điều đó.

Sáng hôm sau, cha Thúy đưa chúng tôi đi tham quan Kings Park, hôm nay là những ngày cuối cùng của wildflower festival hằng năm được tổ chức ở Kings Park. Đây là lễ hội về hoa đồng nội lớn nhất Úc Châu, được tổ chức hằng năm vào tháng 9 gọi là Kings Park Festival.

Kings Park

Kings Park rộng đến 400 hecta, tọa lạc trên một ngọn đồi nhìn xuống Perth Water và thành phố Perth.

Từ down town, chúng tôi đã nhìn thấy State War Memorial trong khu vực Kings Park thế mà lái xe loanh quanh khoảng 10 phút mới đến lối rẽ vào Kings Park.

Từ lối rẽ, hai bên đường là hai hàng cây bạch đàn ( Eucalyptus) cao to, tỏa bóng mát rợp đường. Trước mỗi gốc cây là tấm bảng nhỏ khắc tên của một người lính Úc đã hy sinh trong thế chiến Thứ Nhất và Thứ Hai. Số liệu cho biết có trên 1.600 tấm bảng tên như thế trên các con đường: May Drive, Lovekin Drive và mới nhất là Marri Walk trong Kings Park.

Kings Park hình thành từ ngày 10 tháng 8 năm 1895. Đầu tiên gọi là Perth Park, sau đổi tên là King’s Park và sau cùng là bỏ dấu phẩy để trở thành tên Kings Park.

Hôm nay là những ngày cuối của Wildflower Festival. Những cây hoa đồng nội ( tôi thích dùng chử này thay cho chữ Wildflower hơn là chữ hoa hoang dại, hay hoa rừng) vẫn còn khoe sắc trong những khu vực khác nhau. Trong Botanic Garden (vườn thực vật) có trên 2.000 loại cây và hoa tiêu biểu của Tây Úc. Có những loại hoa chúng tôi chưa được biết tên, thấy mặt bao giờ. Có loại đẹp, có loại nhìn kinh dị nhưng thơm phức, đừng đánh giá hoa qua vẻ bề ngoài nhé các anh, lầm đấy…

Kings Park

Kings Park

Kings Park

Kings Park

Kings Park

Kings Park

Ở Kings Park em gái tôi trong đoàn cũng hẹn gặp được cô bạn học thời tiểu học ở Vĩnh Long, cũng phải hơn 40 năm mới gặp lại chứ ít gì. Vui quá, lại gặp cố tri nơi xứ lạ quê người.

Chúng tôi đi về hướng State War Memorial, trước khu vực đó là một hồ nước nhân tạo hình tròn đường kính chừng 20m có một ngọn lửa giữa hồ, họ gọi là Eternal Flame (ngọn lửa Vĩnh Cửu).

State War Memorial

Từ State War Memorial chúng tôi nhìn thấy toàn cảnh thành phố Perth rất đẹp với dòng sông Swan chảy qua thành phố trước khi đổ ra biễn. Bên trong State War Memorial có khắc tên của những chiến sĩ trận vong Úc, những người đã hy sinh trong Boer war, Korean war, Việt Nam war.

Rời Kings Park, chúng tôi đến Sorrento Quay. Đây là một khu vực bờ biển, được xây dựng phân nửa trên đất và phân nửa là nhà sàn trên bãi biển, như thế mùa hè nơi đây sẽ mát lắm đây. Phía trong là các cửa tiệm, nhà hàng, quán rượu ….

Nhìn vào số lượng xe trong bãi đậu xe rộng lớn, tôi ước chừng có trên 1 ngàn người đang ở đây.

Trên đường về chúng tôi ghé vào siêu thị Nguyên Phát để mua một số thực phẩm cho buổi cơm chiều. Siêu thị này lớn và sạch sẽ, có nhiều hàng hóa cho khách hàng chọn lựa.

Buổi tối về bếp nhà xứ của Cha Thúy quậy tung lên, chuẩn bị cơm tối. Cha Thúy giao toàn bộ nhà xứ cho đoàn Minnesota quản lý tạm thời, ngài tị nạn qua phòng làm việc của ngài ở tòa nhà kế bên. Tội nghiệp, chủ chiên phải hy sinh cực khổ vì đàn chiên như thế đấy.

Thứ Năm 26.9, sau khi thực hiện những việc thường nhật: Đọc kinh, tập thể dục và ăn sáng cho chắc bụng, chúng tôi tiếp tục lên đường khám phá thành phố Perth.

Đầu tiên chúng tôi đi đến Caversham Wildlife Park để xem một số động vật tiêu biểu của Úc như Wombats, Kangaroos, gấu Koalas, một số loại chim… Đây là một công viên tư nhân rộng khoảng 10 hecta, cách thành phố Perth 15km về hướng Bắc. Họ bán vé vào cửa 29 đôla Úc một người. Theo những giờ nhất định, họ có các show như: chụp hình với các con Wombats, két, rắn, gấu Koalas… Có một khu vực họ thả nhiều con Kangaroos để du khách có thể cho chúng ăn thức ăn họ cung cấp. Lần đầu tiên chúng tôi được nhìn và vuốt ve những chú chuột túi của Úc, hóa ra ở đây kangaroos có đến 3 mầu lông: Nâu, trắng và xám. Họ có show về cách xén lông trừu, những chú chó chăn trừu tinh khôn, những con trừu non nhìn thật đáng yêu.

Cách xén lông trừu

Cách xén lông trừu

Cách xén lông trừu

Kangaroo nâu, trắng…..

…. và xám.

Gấu Koalas…

Trên đường về chúng tôi ghé thăm Trung Tâm Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam ở Perth. Thời gian trước, Cha Minh Thúy cũng đã làm Quản Nhiệm cộng đoàn  này trong 8 năm. Chúng tôi vào gặp Cha Quản Nhiệm Nguyễn Mộng Huỳnh và Cha Phạm Quang Hồng. Cha Huỳnh sáng tác nhiều ca khúc rất hay, cha Hồng thì có những bài giảng vui tươi, dí dỏm. Vào YouTube và gõ chữ: Lm nhạc sĩ Nguyễn Mộng Huỳnh, bài giảng của Cha Phạm Quang Hồng thì sẽ thấy rất nhiều video về hai Cha. Cha Huỳnh và Cha Hồng hướng dẫn chúng tôi đi vào thăm tất cả các phòng lớn, phòng nhỏ trong trung tâm to lớn này.

Trung Tâm Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam ở Perth

Chúng tôi được Cha Thúy chở về nhà cô Thủy, nơi ông bà Cố cha Thúy ở trước đây.

Chúng tôi cùng đọc kinh cầu nguyện cho ông bà Cố, không biết có ai nhớ xin bà Cố rau lang không mà sau đó các chị ra sau vườn hái cả một túi đọt rau lang đem về.

Từ nhà ông bà Cố, Cha Thúy đưa chúng tôi ra bờ biển để ngắm mặt trời lặn. Trời gió nên hơi lạnh, chỉ có bọn trẻ chúng tôi xuống bãi biển chụp hình và nghe tiếng sóng biển gầm gừ chia tay với mặt trời. Sống ở tiểu bang trong nội địa Hoa Kỳ, cách bờ biển Đông, Tây hướng nào cũng phải 3 giờ bay nên bọn tôi ít thấy biển nên mải mê chụp hình đến khi mặt trời biến mất mới trở lên xe.

Tối nay Cha Hồng hẹn sẽ ra nhà xứ Cha Thúy để dùng cơm với chúng tôi nên chúng tôi ghé tiệm mua thêm thịt heo quay, vịt quay, nem chua… món Cha yêu thích là “thịt kho rung rinh” thì ở nhà đã có sẵn.

Cha Hồng đến thì cơm canh cũng vừa nấu xong, đúng là Cha có biệt tài đem nụ cười đến cho mọi người. Từ lúc Cha đến cho tới lúc Cha ra về, trong nhà luôn đầy ắp tiếng cười. Cha còn biểu diễn mấy màn ảo thuật, chấp chúng tôi đứng chung quanh và nhìn thật gần mà vẫn không khám phá ra tài nghệ của Cha.

Sáng 27.9 Cha Thúy đưa chúng tôi đi tham quan Pinnacle ở vùng Nambung National Park thuộc Cervantes.

Pinnacle cách thành phố Perth 186km về hướng Bắc, hôm nay có cô Xuân, bạn mới gặp lại sau 40 năm của em gái tôi cùng đi.

Sau hai giờ lái xe, chúng tôi đến nơi. Cả một vùng rộng lớn phủ đầy cát vàng, trên bãi cát vàng ấy là những hòn đá vôi đủ loại kích thước, hình dạng, nằm, đứng rải rác khắp mọi nơi nhưng chỉ cách đó một đoạn là bãi biễn với bờ cát trắng phao. Cả một vùng rộng chỉ toàn cát và đá, chúng tôi ghi hình và ăn bánh mì thịt do cô Xuân đem theo. Hôm nay có gió nên ít thấy ruồi, một loại ruồi nhỏ sống bằng mật hoa, nếu có chúng nó thì cũng hơi bất tiện một chút.

Trên đường về chúng tôi ghé qua Sand Dunes ở Lancelin.

Lancelin là một thành phố nhỏ, dân số chỉ hơn 700 người, nằm sát bờ biển Ấn độ dương. Ở đó có một vùng đồi cát trắng rộng và đẹp, bầu trời xanh trong làm nỗi bật cát trắng rất đẹp mắt. Mải mê lên đồi chụp hình quay phim, nhìn lại thì thấy quá xa, không còn thấy bóng dáng xe và các người khác trong đoàn nên chúng tôi quay trở lại.

Về đến nhà mọi người cùng nhau tân trang lại các món ăn trong tủ lạnh, trông cũng ngon lành thịnh soạn lắm. Nghỉ sớm để ngày mai lại có sức khám phá Perth.

***

Sáng thứ Bảy, chúng tôi đến viếng nhà thờ Chánh toà St. Mary của Tổng giáo phận Perth.

Đọc lịch sử của nhà thờ chánh toà St. Mary thấy có rất nhiều điều khác lạ, từ việc tu bổ và thánh hiến ba lần trong thời gian dài mới hoàn thành (năm 1862 đặt viên đá đầu tiên đến ngày 8 tháng 12 năm 2009 mới hoàn tất) cho đến việc tìm được các ngôi mộ của các vị Giám Mục tiên khởi của Perth bên dưới lối đi trong nhà thờ mà chỉ được đánh dấu bằng hình thánh giá khắc sơ sài. Các phần mộ chỉ được tìm thấy khi đóng cửa  tu bổ nhà thờ vào năm 2006, sau đó thi hài các ngài mới được an táng vào khu hầm mộ dưới bàn thờ cùng với thi hài của Giám mục tiên khởi John Brady được cải táng từ Pháp mang về. Nhà thờ hiện nay khá rộng với 1.600 chỗ ngồi, cung thánh nguy nga, tráng lệ. Vì gần đến giờ lễ nên chúng tôi dạo quanh bên ngoài khuôn viên  rộng rãi của nhà thờ. Nhìn thấy hai tháp nhà thờ mang hai hình dáng khác nhau cũng thấy hơi lạ, sau nảy tìm hiểu mới biết lý do là hội đồng di sản đã quyểt định là hình dạng hai ngọn tháp phải khác nhau.

Nhà thờ Chánh tòa St. Mary của Tổng giáo phận Perth.

Nhà thờ Chánh tòa St. Mary của Tổng giáo phận Perth

Nhà thờ Chánh tòa St. Mary của Tổng giáo phận Perth

Sau đó chúng tôi đến Khu vực Elizabeth Quay, nơi này trước kia là công viên, họ đào lấy đất đi và làm vịnh nhân tạo cho tàu thuyền neo đậu, hai bên đường là khách sạn, nhà hàng quán rượu phục vụ khách du lịch.

Chúng tôi tiếp tục lái xe dọc theo dòng sông Swan, đi vòng quanh cảng Fremantle. Cảng này rất lâu đời, từ năm 1829 nhưng mãi đến ngày 4 tháng 12 năm 1845 chiếc tàu hơi nước (steamship HMS Driver) đầu tiên mới cập cảng và đến ngày 4 tháng 5 năm 1897 mới chính thức mở cửa hoạt động dù  chỉ mới xây dựng được một phần. Ngày nay cảng này là cảng lớn nhất và nhộn nhịp nhất của vùng Tây Úc.

Buổi trưa chúng tôi vào Central Market, một khu chợ giống như chợ Bến Thành ở Sài Gòn, bán đủ các loại hàng hoá và thức ăn của các dân tộc: Việt, Tàu, Nhật, Ấn Độ, các nước Trung Đông… Chúng tôi tản ra chọn thức ăn mình muốn thưởng thức và hẹn giờ để ra xe đi về.

Buổi chiều, Cha Thúy đưa chúng tôi đi Lake Monger, nhìn những con thiên nga màu đen, mỏ đỏ (black swan) đặc trưng của vùng Tây Úc (Western Australia). Lâu nay cứ tưởng thiên nga phải là màu trắng yểu điệu mới phải chứ, đi ngày đàng học được sàng khôn là đúng quá mà.

Black Swan ở Lake Monger

Sau đó Cha Thúy đưa chúng tôi đến nhà cô Xuân, anh Tâm bạn cũ của Cô Vân trong đoàn và Cha Thúy về giáo xứ lo việc mục vụ hẹn sẽ trở lại đón chúng tôi khi ngài xong công việc.

Cô Xuân thết đãi buổi cơm tối với món đặc biệt của Úc là thịt trừu và Kangaroo. Nhiều người trong chúng tôi mới được nếm mùi vị thịt chuột túi Úc Châu lần đầu.

Kangaroo chiên bơ

Cảm tưởng? À! Màu sắc và hương vị thì cũng tương tự như thịt nai ở Mỹ. Dâu tây (strawberry) ở Perth rất ngon, ngọt. Cả một thùng to mà chúng tôi cũng ăn gần hết, còn dư thì to go (Úc gọi là take away). Ăn xong chúng tôi uống trà, ăn bánh, hát karaoke với nhau. Hết tiếng hát Úc Châu đến tiếng hát tử Mỹ Châu. Cha Thúy đến trễ cũng tham gia chương trình văn nghệ với các khúc hát điêu luyện. Vui ghê. Kết thúc ngày thứ tư ở Perth trong vui vẻ. Chắc chỉ có Cha Thúy là mệt vì vừa lo việc giáo xứ vừa phải đưa đón chúng tôi.

Chúa Nhật 29.9 chúng tôi dự lễ ở giáo xứ Sacred Heart, Thornlie do Cha Thúy làm chánh sở. Nhà thờ rộng vừa phải, ấm cúng và trang nghiêm. Hát trong thánh lễ là ca đoàn thiếu nhi, chúng tôi thật sự thán phục sự điêu luyện của các em. Những bài hát của các em làm mọi người hướng tâm hồn vào lời hát ca tụng Chúa. Thật đúng khi nói là: Hát thánh ca chính là cầu nguyện hai lần.

Nhà thờ giáo xứ Sacred Heart, Thornlie

Nhà thờ giáo xứ Sacred Heart, Thornlie

Sau thánh lễ, chúng tôi chụp hình lưu niệm với Cha Thúy. Cha Thúy mặc phẫm phục nhìn ra dáng oai phong ghê.

Về nhà xứ dùng cơm trưa xong chúng tôi lại tiếp tục lên đường khám phá. Chúng tôi đến vùng thung lũng Swan là nơi du khách thường ghé qua để tham quan các hãng rượu, vào đó có thể thử các loại rượu trước khi mua về, thăm các hãng làm bánh, kẹo Nougat, làm chocolate. Cũng có những nơi du khách có thể đi thuyền dạo chơi trên sông Swan, chơi golf.

Các vườn nho ở đây rộng bạt ngàn. Có những cây nho tuổi hơn trăm năm, tàn cây che bóng mát rộng đến mức họ có thể kê đến 4 bàn cho khách ngồi dưới bóng cây. Chúng tôi đến hãng làm các loại sauce, có đến hàng trăm loại sauce để khách nếm thử.

Hôm nay về sớm chuẩn bị cơm tối để có giờ ngồi hàn huyên tâm sự với nhau, với Cha Thúy để ngày mai là lên đường đi Sydney đáp máy bay về lại Minnesota. Hai tuần lễ chu du Úc Châu qua mau, chúng tôi đi qua ba thành phố lớn của ba tiểu bang: Sydney của New South Wales, Melbourne của Victoria và Perth của Western Australia. Tôi ghi lại hành trình chuyến đi để kỷ niệm, để luôn nhớ đến những người bạn từng ân cần tiếp đón chúng tôi dù mới gặp lần đầu hay đã rất lâu mới gặp lại. Những người như anh chị Hùng Liễu, Sơ Linh ở Sydney, các anh Chị Nhậm Nhiệm, anh chị Thi Nhu và anh chị Cảnh Oanh ở Melbourne, anh chị Tâm Xuân ở Perth. Nhất là Cha Thúy đã hy sinh những ngày nghỉ phép hằng năm để hướng dẫn chúng tôi đi thăm từ Đông sang Tây của Úc Châu. Ngài luôn chu đáo quan tâm đến những nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của chúng tôi để thực hiện dù tôi biết rằng có lúc ngài cũng mỏi mệt vì phải lái xe cả ngày. Cám ơn Cha Thúy nhiều lắm.

Cơm tối trước khi rời Perth.

Thứ Hai 30.9 chúng tôi sửa soạn hành lý, chiều nay sẽ ra phi trường để về Sydney, sáng thứ Ba sẽ đáp chuyến bay của hãng hàng không American Airline trở về Mỹ. Cha Thúy đi mua thức ăn cho chúng tôi để đem theo ăn dọc đường, sau cơm trưa chúng tôi ra phi trường, cô Xuân và anh Tâm cũng đến phi trường đưa tiển chúng tôi. Anh Tâm mua cà phê cho chúng tôi và ngồi chuyện trò cho đến khi chúng tôi lên máy bay mới cùng Cha Thúy ra về.

Phi trường Perth

Một lần nửa xin cám ơn tất cả các bạn, những người đã giúp cho chuyến chu du của chúng tôi thuận lợi và thú vị, các bạn đã chứng minh cho chúng tôi điều này là: Nếu muốn có bạn hãy đối xử với nhau như những người bạn. Các bạn sẽ luôn là bạn trong tâm tình của chúng tôi. Cám ơn những người đã bỏ thời gian đọc và theo dõi chuyến hành trình này, dù là nó hơi dài. Được nói lời cám ơn cũng hạnh phúc lắm các vị ơi. Các vị cứ thử xem sao nhé.

Thân chào

Minnesota 1.11.2019

Tuyến Vũ

Xem bài liên quan

Úc Châu du ca

 

Bài liên quan

Back to top button