Quán ven đườngTrà Đá Đường

HAI | Lạc loài, những hạt bụi…

Dom. Nguyễn Toàn Đông

. Hai .
Lạc loài, những hạt bụi…

Thời người Pháp còn đô hộ Việt Nam, người ta gọi lính Pháp là lính Lê dương (Légion étrangère). Gọi như vậy để tỏ ra có phần xem thường họ. Lý do là trong binh đoàn Lê dương, người lính được chiêu mộ từ nhiều quốc gia khác nhau. Cho nên người ta còn gọi là lính đánh giặc mướn. Thêm một dấu chỉ khác để người ta hay gọi Lê dương vì đó thường là những người Phi châu (mặc dù không đúng). Thường nhất là dân Algérie, Maroc mà người Việt quen miệng gọi là ma-rôc-ken (marocain) hay đơn giản là Tây đen.

Ở Mai Phốp quê tôi cũng vậy, chưa kể người Việt thì lính Pháp cũng có đủ Tây trắng, Tây đen như bất cứ đơn vị Lê dương nào. Chuyện thế thái nhân tình là bất kỳ đơn vị quân đội Lê dương nào, sau một thời gian lưu trú nơi đâu thì trẻ em lai xuất hiện…

Hồi còn nhỏ, thỉnh thoảng nghe người lớn nói đến Bọt-đền (Bordel). Sau này mới biết đó là nhà thổ, nhất là cho lính. Ngày xưa, đây là chuyện không cho đám con nít nghe nên người lớn thường không đá động chuyện bọt-đền khi có trẻ con xung quanh.

Chuyện bọt-đền của lính là bình thường theo quan điểm các nhà xã hội học. Nghe nói có một viên tướng người Pháp thời đó, khi bị báo chí đặt câu hỏi khó là tại sao người dân thường quá hoảng sợ khi nghe lính Tây đi ruồng, nhứt là phụ nữ? Thì câu trả lời của ông là: La guerre, c’est la guerre! Chiến tranh là chiến tranh. Dịch sát nghĩa hơn: Chiến tranh là phải chấp nhận như vậy.

Có thể suy ra là trong làng quê tôi không thể có bọt-đền hoạt động công khai được. Khu vực trong họ đạo, do một linh mục trông coi, thì không được rồi. Khu vực ngoài họ đạo, tức bên làng, vào thời đó dân cư thưa thớt cũng không thuận tiện (cho Tây). Thêm nữa, như sẽ nói thêm về sau, người bên lương sống e dè, thậm chí nể sợ “bên đạo”. Lính Tây, nhất là Tây đen khó lòng lui tới những xóm nhà người lương được.

Ngay sau năm 1975, nhờ một nhân chứng sống mà tôi biết thêm nhiều điều đáng chú ý. Đó là bà  “Chín Khùng”. Tôi không biết bà tên gì; không biết bà sinh sống bằng nghề gì, ở đâu. Chỉ biết sau 1975, từ nơi nào đó, bà lại quay về Mai Phốp. Dù vẫn còn bà con giồng họ nơi đây, nhưng tôi mới biết bà lần đầu tiên. Bà Chín (Khùng) này là nhân vật duy nhất còn lại đã có một quá khứ “vang bóng” với quân đội người Pháp. Thời đó, bà là một cô gái trẻ, nhan sắc nổi bậc. Những người đương thời với bà đều biết danh.

Cảnh chợ quê Nam bộ xưa (trích trong bộ tranh Monographie dessinée de l’Indochine (Chuyên khảo có minh họa về Đông Dương) do học sinh Trường Mỹ thuật Gia Định xuất bản năm 1935 đến 1938.

Giờ  đây, sở dĩ bà con gọi là bà Chín Khùng vì lối sống của bà khác lạ không hiểu được. Chẳng  hạn, bà không làm bất cứ việc gì để sinh sống. Mỗi ngày, chờ tan chợ, bà lang thang ra đó xin ăn. Ai cho gì bà cũng lấy. Là thịt cá còn tươi hay sắp ươn. Là rau cải bị úng hư hay bán không hết. Tất cả được đem về chất trong nhà. Thực ra, chổ ở của bà giống một cái hang hơn là nhà. Chỉ với vài chục mét vuông mà bà chứa đủ thứ, từ đồ ăn đến rơm rác ngoài đường để làm củi đốt. Bà sống khùng như vậy, nhưng muốn lý sự với bà chín này thì không phải chuyện dễ. Ai cũng nhận ra bà ấy khùng mà không khùng !!. Đặc biệt nhất là bà nói tiếng Pháp lưu loát. Dù giọng nói chưa “tây” lắm. Nếu có dịp nhắc đến bà, nhiều người cùng thế hệ với bà nói rằng bà “phải trả nợ do Trời phạt”, vì thời Tây, bà đã được một cuộc sống không thua gì bà hoàng. Cũng tò mò, trong một hai dịp hiếm hoi, tôi có hỏi ngày xưa bà quen lớn với người Pháp thế nào. Bà trả lời khẳng khái: “Thời Tây ở đây, tui chỉ giao du với hàng sĩ quan, đi xe Jeep; chớ lính thì miễn!”

Thêm nữa, giữa những người từng ở trong quân đội với người Pháp, câu chuyện giữa họ cũng thường là những chuyện ăn chơi. Tôi vẫn nghe họ nhắc ở Bungalow Vĩnh Long ăn nhậu thế nào; tụi bọt-đền thì thế nào…thế nào.  Có thể suy đoán rằng ở một nơi tương đối nhà quê, mà nhất là một họ đạo lâu đời như ở đây thì sự lu bu “La guerre, c’ est la guerre.” không thể tự do được. Nhưng cũng không thể không có gì hết như lời chứng của bà chín Khùng. Và thực tế đã xảy ra như vậy. Những đứa trẻ lai Tây, lớn hơn, nhỏ hơn hay cùng trang lứa với tôi vẫn còn ở lại khi người Pháp đã rút đi. Lai trắng, lai đen, trai gái đều đủ cả.

Ảnh Sergina Leloux

Robert là một anh Tây đen. Người ta quen gọi là Be. Có thể anh ta hơn tôi khoảng ba bốn tuổi. Không hiểu vì sao tôi không thấy anh đi học. Khoảng năm 66 hay 67 gì đó, anh Be đi lính Nghĩa quân trong xã. Người cao to, anh mang súng Garant cùng đạn dược đầy mình. Thời đó, lính còn mang súng Carbine. Garant dành cho người lớn con. Năm 1970, anh là trưởng đồn ở đầu xã. Một đêm nọ, đồn anh bị tấn công. Anh đã giữ vững qua đêm. Sáng ra, anh Be xuất hiện trong sân nhà thờ; kể lại chuyện chống cự đêm vừa qua. Ai cũng ngưỡng mộ anh thật gan dạ. Anh càng có tuổi, nước da Tây đen càng rõ với những nét rắn rõi.

Nhưng nỗi bậc hơn cả là trường hợp của hai cô lai Tây trắng rất xinh đẹp nơi đây. Người thứ nhất tên Christiane. Bà con đọc không được tên chị ấy nên gọi là Tuyết-chal (?). Theo như tôi biết, chị là cô gái lai Tây cao tuổi nhất lúc bấy giờ. Lúc tôi được chín mười tuổi thì tôi đoán chị khoảng mười sáu tuổi. Nước da trắng lai, dáng dấp cũng không thấp như người Việt, chị Tuyết có nét đẹp không ai sánh bằng. Chị là một cô gái ngoan đạo; tính tình hiền hậu, nhã nhặn với mọi người. Một chuyện hiếm hoi.

Chị lập gia đình khoảng năm 1967 với một sĩ quan VNCH. Tôi nhớ chi tiết này vì sau đó, hai ông bà về sinh sống tại ngã ba Chiều Tím, Vĩnh Long. Từ năm 1975, tôi chưa gặp lại chị Christiane lần nào. Ngôi nhà chổ ngã ba Chiều Tím bị tich thu giao lại cho một gia đình cách mạng nào đó. Sau một thời gian, đi ngang nơi đó, tôi đọc thấy: ‘Quán thịt cầy Tùng’. Thật là bẽ bàng.

Người thứ hai là Jacqueline. Cũng vậy, bà con lối xóm vẫn gọi là Rắc-lin. Trường hợp này khá đặc biệt. Jacqueline là cháu ngoại của một gia đình gia giáo, nhân sĩ trong họ đạo. Vào thời đó, gia đình này đã có những người con đang ăn học trên Sài Gòn. Xem ra, chị nhỏ hơn chị Chistiane vài tuổi, nhưng giống Tây nhiều nên rất đẹp. Khi chị được khoảng mười hai tuổi, gia đình gởi chị lên Sài Gòn. Lúc còn ở Mai Phốp, chị phải gọi mẹ bằng chị!!. Đến nay, chắc chị cũng cở bảy mươi. Nhưng chưa thấy chị trở lại nơi chị được sinh ra lần nào.

Cùng trang lứa với Jacqueline là Hélène. Quen gọi là Hai-len. Hélène có bà ngoại là bà tám thợ bạc. Có lẽ khi xưa còn nghề thợ bạc thì khác, bấy giờ gia đình nghèo. Hélène ở với bà ngoại, nhưng vất vã. Tôi không được biết mẹ của Hélène là ai; cũng không biết bà ở đâu, còn hay mất. Mỗi sáng, Hélène bưng một rổ rau lớn ra chợ bán. Ban ngày trồng rẫy, cắt rau chuẩn bị bữa sau. Y như một cô gái quê, Hélène phải lội ruộng, cắt lúa với bà ngoại. May mắn thay, Hélène trở thành “công chúa lọ lem” khoảng năm 1966. Nhà chị ở sát lộ xe, năm đó, người Mỹ làm lại con đường. Hélène được một quân nhân Mỹ cưới và đưa về Mỹ từ dạo đó.

Ảnh Sergina Leloux

Étienne là con trai. Tên thường gọi là Chên. Étienne nhỏ hơn tôi vài tuổi. Lai Tây trắng, nhưng Étienne lại hơi nhỏ con như người Việt. Lúc nhỏ, chúng tôi là học trò giúp lễ với nhau… Về sau,  cũng đi lính tại địa phương như anh Robert. Étienne hiền, ít nói. Từ nhỏ chung sống với nhau, chúng tôi không cảm thấy gì khác biệt khi chơi với ‘Chên’.

Cùng lớp với tôi thời tiểu học, có Josephine. Đi học tên là Phin. Josephine lai Tây trắng. Nhìn bạn hơi có nửa Việt nửa Tây.  Một điều tới bây giờ tôi không quên khi nhắc tới Josephine là bạn có nét buồn buồn. Làm như bạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn hay sao mà trong lớp, Josephine ít khi đùa giỡn với các bạn khác.

Và người trẻ nhất mà tôi còn nhớ là một cô bé marocaine chính cống. Ngoài màu da đen thui,  tóc cô khác lạ đến nỗi người ta gọi là Sáu Quắn. Lúc được mười lăm mười bảy tuổi, vào nhà thờ, đứng quỳ chỗ nào, Sáu cũng cao hơn mọi người cả cái đầu. Tóc đen bóng và xoắn lại sát rạt. Nếu sống vào thời đại này thì Sáu có cái đầu rất điệu nghệ. Đã cao, người lại đô, Sáu Quắn giống một người ngoại quốc thực thụ.

Nhưng chuyện chưa xong. Mãi về sau, tôi biết thêm bên làng còn có hai cô lai Tây đen khác. Như đã nói, thời bấy giờ khó khăn, vẫn có chuyện ‘vượt biên’. Giữa lương giáo có sự phân chia rõ rệt. Tôi không biết tên hai cô ấy. Sau này, khoảng trước sau năm 1975, tôi được biết một người đã là cô giáo tiểu học. Thật là đáng mừng.

___ ___ ___

Những câu chuyện vừa kể nghe đơn giản. Nhưng không. Rất rắc rối. Mỗi trường hợp đã âm thầm xảy ra; nhưng lại ầm ỉ với người ngoài và đầy buồn tủi cho người trong cuộc. Các hài nhi đều là những thiên thần bé nhỏ… Nhưng cuộc sống của các em đã trải qua quảng thời gian dài đăng đẳng trong bi lụy và mặc cảm. Các em hiện diện như những hạt bụi bơ vơ.

Cách gọi me Tây đã là một chuyện buồn. Làm một người mẹ không chồng có con lai là chuyện sai quấy nặng nề, nhất là vào thời buổi lề thói cổ xưa còn bao trùm xã hội. Ngay trong họ đạo của tôi, dù đã thừa hưởng sự dạy dỗ từ các vị giáo sĩ người Pháp từ trước, người có đạo đã phản ứng cũng không khá hơn!!

Vào thời ấy, ở những vùng quê, dân trí còn thấp. Với chính sách ngu dân của người Pháp, gần hết dân chúng (90%) đều không biết chữ. Tôi còn nhớ thời đang học tiểu học, mỗi sáng, trên đường ra chợ, nhà nước buộc các người đi chợ phải đọc được vài hàng chữ đã được viết trên tấm bảng. Ai không đọc được, phải đi học chữ. Gọi là “Phong trào Bình Dân Học Vụ”.

Ảnh Sergina Leloux

Học hết tiểu hoc, muốn lên trung học, phải lên tỉnh mới có trường. Trong làng xã và cả trong họ đạo, có ai đậu được trung học là quý hiếm. Nhắc tới Tú tài toàn phần là chuyện xa vời…

Tình cảnh không được ăn học cho có chữ nghĩa đã giam hãm trí tuệ con người rất đáng buồn. Trong trí não dân quê, người ta nghĩ hay xác quyết rằng chỉ còn những “người làm lớn”, “người có quyền” của Nhà Nước biểu gì thì làm nấy là đủ rồi. Người dân thì quê mùa; lo làm kiếm cơm ăn áo mặc là hết chuyện. Cách nhìn, cách hiểu và cách suy nghĩ vào thời đó vô tình gò bó mỗi người thành hẹp hòi, nông cạn quá sức chịu đựng trong nhiều trường hợp.

Những người bị lên án vì họ nhỏ nhoi hơn, thấp bé hơn hay thua kém người khác đành phải chấp nhận sự thị phi của đời? Không biết!. Nhưng chắc chắn là tâm trạng họ u buồn khôn tả. Họ là những người, lúc bấy giờ, chỉ là những cô thôn nữ có khi non nớt chuyện đời nhưng là mẹ của những đứa bé lai Tây trong một họ đạo.

Từ lâu, mỗi lần nhớ lại những hình ảnh này, tôi hay nghĩ đến cách hiểu và cách sống đạo của bà con ở quê tôi thời đó. Gọi là ‘đức tin của người bán than’(cách nói của người Pháp) ám chỉ cứ nhắm mắt mà nghe ; không cần hiểu.

Vai trò của chủ chăn lúc nào cũng phải rao giảng sự “trọn lành”. Vạch ra một con đường tránh xa cái xấu, dịp tội là bổn phận của vị mục tử. Mô tả thế nào là một đời sống phải noi theo mới là người giữ đạo phải phép. Ngôi Thánh đường là nơi thờ phượng. Cung thánh là nơi linh thiêng; thời đó, trong giờ cử hành phụng vụ, không có bóng dáng phụ nữ ở đó. Được như vậy quả là cao vời. Nhưng đây là… lý tưởng mà người có đạo nhắm tới để noi theo. Mà ‘Lý tưởng’ là cái không bao giờ đạt đến đối với con người là kẻ mang thân phận thấp hèn đầy lỗi lầm. Có lẽ do sự nhầm lẫn giữa con người thật thường ngày và con người được rao giảng nên khó cảm thông với sự lỗi lầm (?).

Có một điểm khá nổi bật mà tôi nghĩ là bàn bạc nơi bà con có đạo. Hồi đó, người ta sợ Chúa quá. Coi chừng bị ‘Chúa phạt’. Coi chừng bị ‘xuống Hỏa ngục’. Thiên đàng, Hỏa ngục hai quê. Ai khôn thì về; ai dại thì sa. Đêm nằm tưởng Chúa nhớ Cha. Đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn. Và… chưa biết rằng cách hiểu về Thiên Chúa như vậy còn hay hết ngay trong lòng người tín hữu hôm nay !!! Trong khi phải hiểu ngược lại, hình ảnh người Cha già mỗi ngày ra đứng đầu ngỏ trông con được xem là một trong những hình tượng đẹp nhất trong Kinh Thánh khi muốn hiểu Thiên Chúa là Ai.

Không có tôn giáo nào dạy đường tà. Đó là sự mâu thuẫn cội rể. (Nhưng, mục đích của Ky tô giáo không phải để dạy làm lành lánh dữ). Vì thế, cách nhìn và phản ứng của Ky tô giáo về điều xấu nơi người có tội thì rất lạ. Câu nói cực danh tiếng mà người càng có tuổi càng sợ khi được nghe: Ai trong các ngươi thấy mình vô tội thì ra tay trước đi. Mà đây cũng cội rể không kém. Ai có thể hiểu rõ được tại sao Người vừa công minh vô cùng lại vừa nhân từ vô cùng? Khi con người ‘cả lòng’ từ chối Thiên Chúa thì sẽ hiểu Người công minh thế nào. Trả lời câu hỏi Thiên Chúa ở đâu trong biến cố 11/9 ở Mỹ năm 2001, người được hỏi trả lời (đại ý): Thiên Chúa có thể buồn hơn con người nữa. Nhưng, khi con người đã gạt Người ra khỏi đời sống thường ngày của họ; xua đuổi Người ra khỏi những nơi công quyền; không chấp nhận Người hiện diện ở những trường học; mời Người đi chổ khác ở những nơi công cộng thì làm sao Người can thiệp được khi con người hữu sự? Thầy là cây nho. Các con là cành… Cành nào lìa cây, sẽ khô héo liền. Thiên Chúa không phạt ai cả. Chổ khác: ‘Dù tội ngươi đỏ như huyết, nhưng Ta sẽ biến ngươi thành trắng như tuyết’. Con người muốn thấy Người nhân từ vô cùng thì phải biết chân thành tỏ lòng nhận biết thân phận mình. Có thể nói, nếu thế gian toàn là những vị thánh thì loài người sẽ không biết Chúa của mình nhân từ cở nào (?).

Chiến tranh chưa kết thúc thì anh Be và Chên đã không còn. Mãi tận hôm nay, những Christiane, Jacqueline, Hélène, Josephine, Sáu quắn và nhiều người khác cũng đã phai mờ theo thời gian. Kể lại chuyện ngày nào đó khi họ vừa chào đời; nay đa số họ đều gần như thất thập cổ lai hy. Tôi nghĩ, đây là một bài học to lớn mọi nơi mọi lúc. Tiếc thay, ngày xưa là một cuộc xâu xé trong tâm, biết đâu có thể tránh được nếu bà con xóm giềng hạ lòng thương cảm và hiểu biết hơn. Nếu không quên Thánh Vịnh luôn nhắc nhở rằng trước mặt Người, mọi người đơn giản chỉ là tội nhân mà thôi.

Bách Tùng Cao Nguyên 25/4/2018
Ng. Toàn Đông.

 

 

Bài liên quan

Back to top button