Quán ven đườngTrà Đá Đường

MỘT | Sự hiện diện của người Pháp

Dom. Nguyễn Toàn Đông

. Một .
Sự hiện diện của người Pháp

Trở về quê nhà để thăm mộ gia đình, tình cờ gặp được cha sở Mai Phốp tại Cầu Vĩ, cha Tađêo Phạm Văn Don. Sau vài câu thăm hỏi, cha sở rủ ăn một bữa cơm trưa tại nhà thờ Mai Phốp.

Hai ngày sau, thứ Bảy, ngày 3 tháng 2 năm 2018, tôi có dịp đến thăm và dùng cơm trưa với cha Tađêo. Đây là một kỷ niệm rất quý vì hoàn toàn không tính trước. Ngôi nhà này, hơn 30 năm trước, chính là “nhà” của tôi. Chợt thấy hơi hơi vừa vui vừa buồn vì dường như đây là lần đầu tiên, sau mấy mươi năm, tôi mới trở về đây, ngồi vào những chiếc ghế mà tôi đã từng mời người khác ngồi; nhìn lại những căn phòng đã từng ngủ bao nhiêu năm suốt trào cha Anrê Nguyễn Bá Hớn; từ khi cha cho tôi vào Chủng viện năm 1962 cho đến khi cha rời Mai Phốp năm 1975.

Vài ba năm trước, tôi đã nghĩ là sẽ ghi lại những gì còn nhớ được về nơi chốn tôi đã được sinh ra và lớn lên. Ôn lại quãng thời gian đậm đà nhất nơi làng quê xưa. Khoảng từ 1957 đến 1962. Năm ấy, được mười tuổi, lần đầu tiên rời làng quê lên tĩnh làm học trò trường La-tinh. Sau đó, ngoài ba tháng hè mỗi năm với gia đình, phần lớn thời gian là những ngày tháng chung sống với anh em trong Chủng viện. Mãi đến năm 1976, mới chính thức rời ngôi trường đầy tương kính và thương nhớ Giáo Hoàng Học Viện và thực thụ trở về đây cho đến năm 1981.

Viết những trang này, tôi có cảm giác như đang giới thiệu về vùng quê ngày xưa, khá xưa. Hồi tưởng về một quảng thời gian dù không dài lắm (1957-1962) quanh ngôi Thánh đường này. Đó là những ngày thơ ấu, rồi có trí khôn, đi học. Đây chính là chiếc nôi của tôi từ trên năm mươi năm trước. Mỗi ngày, được lui tới nhà thờ học chữ và giáo lý. Mỗi ngày, được tập vào nhà thờ viếng Chúa; rồi làm học trò giúp lễ..v..v…

oOo

Năm 1956, người Pháp và quân đội của họ rút khỏi Việt Nam. Ngày 26 tháng 10 năm 1956 là ngày Chính quyền Pháp trao trả hoàn toàn quyền lực quốc gia cho Chính phủ Việt Nam. Nền Đệ Nhất Cộng Hòa chọn ngày này làm ngày Quốc Khánh.

Lúc đó, họ đạo cũng xôn xao không ít vì cũng có quân đội người Pháp đóng tại đây. Họ đang chuẩn bị lên đường. Không biết đơn vị này có bao nhiêu người. Nghe trong nhà hay lối xóm mỗi khi nhắc đến họ thì gọi là lính tiểu đoàn. Tôi nghĩ một tiểu đoàn thì đông người quá. Phải đến ít là 400 hay 500 người (?).

Rất tiếc, lúc đó mới bốn tuổi, phải chờ đến khi đi học mới thấy được quang cảnh nhà thờ với những nhà cửa, doanh trại mà trước đó chỉ nghe người lớn nói tới. Và với trí khôn bé bỏng lúc ấy, chắc chắn không thể nào hiểu ra được nhiều chuyện. Dần dà, khi lớn lên, những thắc mắc muốn hỏi nhưng chưa hỏi được những người am hiểu, lại mất mác theo thời gian rất nhiều.

Trong ký ức xa xưa nhất mà tôi còn nhớ được là tiếng kèn Tây, như cách gọi thời ấy. Lúc đó, tôi chưa đi học. Tiếc thay là không còn nhớ đã nghe tiếng kèn ấy mỗi ngày hay mỗi sáng thứ Hai đầu tuần. Đó là tiếng kèn đồng chào cờ buổi sáng và hạ cờ buổi chiều. Tôi còn nhớ những âm thanh cuối trong lúc hạ cờ mà dân gian nói nhái để đùa giỡn: “Bà đầm… bà đầm… bả đái trong quần ướt… nhem”.

Đến khi đi học, chị tôi hay dẫn tôi đi ngang phía sau nhà thờ. Ngay cạnh bên phải hông nhà thờ, tính từ phía sau, là nhà bác hai Trọng. Ông làm Cai Tổng lúc bấy giờ. Nhà ông cất trên nền cao ngang đầu tôi. Ai cũng gọi là ông Tổng Trọng. Qua khỏi nhà ông Tổng một khoảng sân trống là một dãy nhà có nhiều phòng, cất dọc theo con xẻo (đường nước chảy) từ ngoài sông vào. Ngay vị trí đó, sau này Cha Anrê cất lên một dãy lớp học. Thời còn người Pháp, người ta gọi đó là ‘sam’ (chambres). Nơi dành cho lính Pháp như trại gia binh (?). Dựa vào diện tích khuôn viên nhà thờ, tôi có cảm giác số lính Pháp ở đây lúc bấy giờ hơn kém hai trăm là vừa. Một số những ngôi nhà còn rải rác, có vẽ cũ kỹ, rất có thể được xử dụng cho họ. Tôi có học trong những căn phòng của các ngôi nhà ấy.

Có hai hạng lính. Người Việt mình thường gọi là “lính Bạc-ti-răn” (Partisan) và “lính Còm-măng-đô” (Commando). Trước 75, Commando là biệt kích; Partisan có lẽ tương đương với lính bảo an thời đó (?). Họ có tuyển mộ người Việt. Một người anh con nhà bác tôi là quan một (Thiếu uý). Nghe nói anh có đi thụ huấn bên Pháp. Sau, anh tử trận ở Long Hồ, đoạn đường vô Hoà Tịnh. Một sĩ quan khác là ông Một Bính, có tiếng chống Việt Minh cực đoan.  Với thời gian lâu để theo dõi, phía Việt Minh đã ám sát ông. Dù ông Một Bính không còn, khi tôi đã hiểu biết, người ta vẫn nhắc tới ông luôn như một nhân vật đặc biệt. Nhất là bên chợ, vẫn còn sừng sửng ngôi nhà to tướng của ông, làm bằng cột căm xe, mái ngói âm dương. Một ngôi nhà, nhìn vào là thấy lạ.

Khi tôi bắt đầu học lớp Năm (1957), người Pháp cũng vừa đi khỏi (1956). Không khí Tây còn rất mới mẽ. Ngoài hình ảnh khu nhà “sam” còn bỏ trống, một vài dấu vết mới tinh khác vẫn còn đó.

Một cái “bót lính” (poste) được đóng đối diện mặt tiền  nhà thờ, ngay bên ngoài khoảng sân. Khi ấy, cổng chính nhà thờ ở phía đường lộ về Trà Vinh. “Bót” được bố trí theo cách Pháp gồm một mirador (tháp gác), liền kề một gian nhà thấp hình chữ nhựt đủ cho khoảng 10 người. Tất cả được xây bằng gạch sơn màu đỏ. Lúc bấy giờ, người ta nói chen tiếng Pháp y như tôi viết vừa rồi.

Kế đến, ngay phía trước nhà Dì (các sơ) bây giờ là sân tennis. Đây là môn thể thao có lẽ xa lạ với người Việt vào những năm cuối thập niên 50. Không rõ có ai ở địa phương đã từng chơi tennis không. Nhưng khi lớn lên cho đến khi rời quê lên tỉnh học, tôi không thấy ai chơi môn này. Mãi đầu những năm 60, người dân quê mới biết đến môn cầu lông.

Nói đến lính Tây, viên sĩ quan chỉ huy người Pháp được nhắc đến là quan hai Mong-ta-ne (ghi lại theo âm thanh nghe được); tức Trung úy. Suy ra, một Trung úy không thể trông coi đến một tiểu đoàn. Tuy nhiên, có thể còn gì đó… khi nghe bà con giáo dân cũng gọi cha sở lúc đó là quan hai (?).

Cha Felix Lê Vĩnh Trình về đây năm 1940. Ngài đổi về Cái Bông năm 1956. Tôi không được gặp cha Felix một lần nào. Nhưng tôi được thấy nhiều hình chụp của ngài. Một tấm hình có lẽ trọn vẹn nhất mà tôi biết là hình ngài chụp cùng đồng nhi hát trong họ. Các chị tôi trong Hội hát. Trong hình đó, cha mặc áo dòng đen. Ngài có tướng tá nhà binh, oai vệ. Trong nhiều hình khác, cha Felix mặc quân phục. Tôi còn nhớ có hình cha mặc áo và quần short kaki vàng (thời Pháp). Chân mang giày,vớ cao tới đầu gối. Cha có một đội “Gạc-đờ-co” (Garde-corps) riêng. Như vậy, cha là một quan hai thực thụ (?). Do vậy, thời cha đang ở đây, nhiều người (Việt) trong họ đạo gia nhập đơn vị quân sự của cha là điều…đương nhiên. Cha tôi cũng có tham gia một thời gian với cấp bậc “Ách” (Adjudant = Thượng sĩ). Tôi đã thấy những tấm hình cha Felix mặc quân phục do cha tôi để trong nhà. Về sau này, vẫn nghe người ta xưng hô “thầy Cai”, “thầy Đội” với người này người kia trong làng thì biết những người đó ngày trước đã từng tham gia quân đội Pháp tại đây. Như vậy, vào năm 1956, sự hiện diện quân sự của người Pháp và người Việt được chiêu mộ, qua vai trò của cha Felix, tại họ đạo này, như đã nói, có lẽ chừng vài trăm mà người lương hay giáo đều gọi là lính tiểu đoàn. Tôi nghĩ như vậy không biết đúng sai thế nào.

oOo

Nhờ được ghé chơi ăn cơm với Cha Tađêo và có dịp nhìn lại khuôn viên ngôi Thánh đường so với năm mươi năm trước, tôi chỉ thấy còn lại một dấu vết cũ. Đó là chỗ để xe hiện nay của cha sở. Nơi đây, nguyên thủy là một ngôi nhà có ba phòng. Ngày xưa, lên lớp Nhì, tôi học ở đây. Như vậy, tất cả nhà cửa, trường ốc thời đó, kể cả hai vị trí quan trọng nhất là ngôi Thánh đường và nhà xứ, đều đã được xây cất lại hoặc không còn.

Một thời gian sau năm 75, cảnh quang nhà thờ bắt đầu thay đổi khi Cha Giuse Phan Trung Nghĩa về đây. Và mỗi vị kế tiếp đã ra công kiến tạo thêm những phần khác nhau.

Thật vậy, sau ba mươi năm, nay trở lại mái nhà xưa, cảm giác quen thuộc nơi tôi chỉ còn khoảng 20%. Tất cả đã thay đổi. Công sức các cha rất nhiều đổ vào đây mới tạo được một cảnh quang sầm uất với những công trình mới mẽ luôn nối tiếp. Nhưng tận đáy lòng, tôi không dằn được một nỗi niềm riêng về quá khứ một thời không thể nào quên được. Chẳng khác nào một cuộc bể dâu.

Nhẫm lại, Cha Felix Lê Vĩnh Trình đã tử nạn từ năm 1961. Cha Giacôbê Nguyễn Văn Tỏ cũng không còn. Nhất là Cha Anrê Nguyễn Bá Hớn, vị thầy cũ, đã nâng đỡ tôi một quãng đường dài, cũng đã khuất năm 2001.

Tuy nhiên, tôi cũng tự gợi lại được hình ảnh ngôi thánh đường cũ thời cuối thập niên 50. Chiều dài và chiều rộng không lớn lắm. Nhưng trên nền đá xanh cao. Bên trong có hai hàng cột căm xe, xài không biết bao nhiêu đời mới hư. Mặt tiền là một tháp cao kiểu gothique. Ngoài cửa chính, hai bên có hai cửa phụ. Vừa vào mỗi cửa phụ có thể theo cầu thang bằng cây hình xoán ốc để lên lầu hát và lầu chuông. Một dấu vết chiến tranh trên lầu chuông là một lổ tròn to chừng hơn một gan tay ở một góc của lầu chuông. Người lớn nói chổ đó bị chất nổ (?). Xem ra, nơi đây, do thời cuộc, đã có lúc là một pháo đài?

Nhà cha sở cũng ngay chổ bây giờ. Với hàng cây me cao to phía trước, nhà cha cũng trên nền đá xanh ngang đầu bọn nhí chúng tôi. Còn trên lối đi ra cổng phía đường lộ là một hàng còng bên phía nhà Dì, tàng lá sum xuê như cổ thụ. Sân nhà thờ hoàn toàn trống trải không có rào bao quanh, tạo ra vẽ quang đãng rộng mênh mông. Hình ảnh ấy hầu như không thay đổi cho đến cuối thập niên 60 mới được Cha Anrê xây dựng lại. Quảng thời gian khá dài như thế đã để lại cảm giác bình lặng, yên hàn ngày qua ngày trong mắt mọi người.

Để tiếp tục câu chuyện ngàn xưa, tôi sẽ tiếp theo: Chuyện muôn thuở: Các em bé lai Tây.

Bách Tùng Cao Nguyên 8.4.18
Ng. Toàn Đông.

 

Bài liên quan

Back to top button