Biển Galilê: Thuyền và bến cảng | Đời sống thời Kinh Thánh
BIỂN GALILÊ: THUYỀN VÀ BẾN CẢNG
Scarlett Le | Tam Le | Đời sống thời Kinh Thánh
Loạt bài về Đời sống thời Kinh Thánh:
– Biển Galilê: Thuyền và bến cảng
– Thợ mộc
– Thợ dệt và những chiếc khung cửi
– Tang lễ và mộ phần
Biển Galilê, hay theo Cựu Ước còn gọi là Kinneret, không phải là biển mà là một hồ nước ngọt rộng lớn có hình dáng như một cây đàn hạc. Nguồn nước ngọt chính của hồ là từ con sông Jordan, dòng sông chảy xuyên qua hồ từ bắc xuống nam.
Hồ Galilê dài khoảng 13 dặm (21km) và rộng khoảng 8,1 dặm (13km).
Hồ có tổng diện tích 64,4 dặm vuông (166,7km2) và nơi sâu nhất là 131 bộ Anh (43m).
Chu vi của hồ độ khoảng 33 dặm (53km).
Đây là hồ nước ngọt có vị trí thấp nhất trên địa cầu, mặt hồ thấp hơn mực nước biển đến 686 bộ Anh (209m).
Những ngọn đồi bao quanh hồ Galilê, đặc biệt là những đồi ở mạn phía đông có độ cao 2000 bộ (610m), là nơi hình thành luồng không khí mát và khô, luôn có khuynh hướng tràn xuống bên dưới. Lớp không khí phủ khắp mặt hồ thì ẩm và ấm áp hơn. Sự chênh lệch lớn về độ cao giữa vùng đất quanh hồ và mặt hồ tạo ra những thay đổi lớn về áp suất và nhiệt độ không khí. Những luồng gió mạnh từ các ngọn đồi thổi xoáy theo hình phểu tràn xuống mặt hồ Galilê tạo ra những trận bão bất ngờ không thể dự đoán.
Chúa Giêsu và những tông đồ của Người đã bị kẹt trong một trận bão dữ dội và bất ngờ như vậy khi giong thuyền vượt sang bờ bên kia của hồ Galilê (Mc 4,35). Ngay cả những người đánh cá lão luyện đầy kinh nghiệm đang ở trên thuyền cũng lo sợ không biết có còn sống sót để quay về hay không.
Chúa Giêsu đã ra lệnh cho cơn bão dừng lại, và cơn bão lập tức ngưng ngay, điều đó cho thấy quyền năng của Người đã vượt lên trên cuồng phong và sóng dữ. (Mc 4,39)
Bản đồ này chỉ ra những bến trú bão quanh hồ Galilê vào thời Chúa Giêsu, do một ngư dân có tên là Mendel Nun vẽ ra trong thời gian giữa 1989-1991, khi đó đã có một trận hạn hán khốc liệt xảy ra làm mực nước hồ rút xuống thấp.
Một trong những nơi quan trọng nhất cho ngư dân thời đó là thị trấn Magdala ở Aramaic, tức Taricheae ở Hy Lạp. Tên Taricheae có nguồn gốc từ một động từ trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “bảo quản bằng những phương tiện nhân tạo”. Ở nơi này, cá được chế biến để bán và được bảo quản bằng cách ướp muối lấy từ vùng Biển Chết. Magdala là nơi bà Maria Madalena sinh sống.
Ông Josephus đã có thể tập hợp được 230 chiếc thuyền ở Galilê vào thế kỷ thứ nhất, vì thế cho thấy số lượng thuyền ắt phải còn nhiều hơn con số này.
(Ghi chú: Titus Flavius Josephus sinh tại Jerusalem vào năm 37 sau Công Nguyên. Ông là một học giả kiêm sử gia. Vào năm 67 sau Công Nguyên, Josephus đã đứng lên tập hợp người Do Thái ở Galilê đấu tranh chống lại quân La Mã nhưng thất bại và bị Hoàng Đế La Mã Vespasianus bắt làm nô lệ)
Kinh Thánh có kể về hai anh em ông Simon Phêrô và Anrê đã cùng làm việc trong đội thuyền đánh cá với hai anh em ông Giacôbê và Gioan, những người con trai của Zêbêđê.
Nhiều người kết luận rằng 7 tông đồ của Chúa Giêsu đều là dân đánh cá – gồm các ông Anrê, Simon Phêrô, Giacôbê, Gioan, Tôma, Philipphê và Nathaniel.
Vào năm 1978, khi mực nước hồ rút cạn trong một trận hạn hán, hai ngư dân địa phương là Moshe và Yuval Lufan đã tìm thấy một chiếc thuyền cổ từ thời Chúa Giêsu ở bờ hồ hướng đông bắc. Bằng phương pháp phân tích phóng xạ carbon để xác định niên đại thì con thuyền được đoán đã có từ năm 40 sau Công Nguyên (với dung sai 80 năm) và những mảnh gốm sứ cùng với những cây đinh tìm được trên thuyền cũng đã có trong khoảng thời gian từ năm 50 trước Công Nguyên đến năm 50 sau Công Nguyên.
Xác thuyền hiện được trưng bày tại Viện Bảo tàng Yigal Allon ở Kibbutz Ginosar. Thuyền dài 27 bộ Anh (8,27m), rộng 7,5 bộ Anh (2,3m) với độ cao lòng thuyền ở vị trí cao nhất là 4,3 bộ Anh (1,3m).
Đây là hình mẫu giúp ta hình dung ra chiếc thuyền cổ trông như thế nào. Thuyền được đóng chủ yếu từ những mảnh gỗ tuyết tùng kết nối lại với nhau bằng cách ghép mộng, lòng thuyền khá cạn với chiếc đáy bằng, nhờ đó mà thuyền có thể vào được sát bờ.
Thuyền có thể dùng buồm hoặc chèo tay. Có một chỗ căng buồm hình vuông riêng, nằm ở giữa thuyền. Dựa vào kích thước con thuyền, có lẽ đội thủy thủ khoảng năm người, gồm bốn tay chèo và một người cầm lái. Thuyền được lái bằng hai mái chèo ở đuôi.
Thuyền của người Galilê có một cái khoang phía sau để chất lưới đánh cá. Bên trong thành gỗ của thuyền, cái khoang như vậy còn là một chỗ riêng biệt dành cho những người đánh cá nghỉ ngơi khi mệt mõi. Chúa Giêsu cũng đã dùng đến cái khoang này trong suốt trận bão. “Người ở khoang phía sau, nằm ngủ trên một chiếc gối”. Người ta cho rằng chiếc gối đó thật ra là cái bao cát dùng giữ thăng bằng cho thuyền. (Mc 4,37)
Ở Kibbutz Ginosar, người ta có thể tìm thấy chiếc thuyền được phục chế lại theo kích thước thật như thế này.
Những con thuyền như thế này đóng một vai trò không nhỏ trong đời sống của Chúa Giêsu và trong nhiệm vụ của Người, thuyền được Kinh Thánh đề cập đến 50 lần.
Có lần Chúa Giêsu bị một đám đông vây quanh trên bờ hồ Galilê. (Lc 5,1)
Người bảo các tông đồ đẩy thuyền ra khỏi bờ, vì thế Người có thể dùng thuyền như cái bục giảng để đứng giáo huấn đám đông. (Lc 5,3)
Thuyền được thả neo bằng những tảng đá lớn. Đây là vài chiếc mỏ neo thời cổ được tìm thấy tại Caesarea Maritime, thuộc Israel.
Những mỏ neo ở Galilê được làm từ đá bazan đen. Đây là hai chiếc mỏ neo như vậy đang được trưng bày trong vườn bảo tàng ở Galilê.
(Ghi chú: Basalt rock: đá bazan, loại đá được hình thành từ dung nham núi lửa)
Công việc đánh bắt cá thường diễn ra vào ban đêm. Kinh thánh có ghi lại chuyện các tông đồ đã thả lưới suốt cả đêm mà không bắt được con cá nào. (Lc 5,5)
Nghe bài The River Jordan (Nhạc Do Thái)
Scarlett Le | Tam Le