Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Ai thấy, ai mù ? | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY A  
(Ga.9,1-41)
****

 AI THẤY, AI MÙ ?

1 Khi ra khỏi Đền Thờ, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. 2 Các môn đệ hỏi Người: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” 3 Đức Giê-su trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. 4 Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. 5 Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian.”

6 Nói xong, Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, 7 rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa” (Si-lô-ác có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được.

8 Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói: “Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao?” 9 Có người nói: “Chính hắn đó!” Kẻ khác lại rằng: “Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi!” Còn anh ta thì quả quyết: “Chính tôi đây!” 10 Người ta liền hỏi anh: “Vậy, làm sao mắt anh lại mở ra được như thế?” 11 Anh ta trả lời: “Người tên là Giê-su đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo: “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa. Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy.” 12 Họ lại hỏi anh: “Ông ấy ở đâu?” Anh ta đáp: “Tôi không biết.”

13 Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pha-ri-sêu. 14 Nhưng ngày Đức Giê-su trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày sa-bát. 15 Vậy, các người Pha-ri-sêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời: “Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy.” 16 Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì nói: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát”; kẻ thì bảo: “Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?” Thế là họ đâm ra chia rẽ. 17 Họ lại hỏi người mù: “Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh?” Anh đáp: “Người là một vị ngôn sứ!”

18 Người Do-thái không tin là trước đây anh bị mù mà nay nhìn thấy được, nên đã gọi cha mẹ anh ta đến. 19 Họ hỏi: “Anh này có phải là con ông bà không? Ông bà nói là anh bị mù từ khi mới sinh, vậy sao bây giờ anh lại nhìn thấy được?” 20 Cha mẹ anh đáp: “Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh. 21 Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó; nó đã khôn lớn rồi, nó có thể tự khai được.” 22 Cha mẹ anh nói thế vì sợ người Do-thái. Thật vậy, người Do-thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. 23 Vì thế, cha mẹ anh mới nói: “Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó.”

24 Một lần nữa, họ gọi người trước đây bị mù đến và bảo: “Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi.” 25 Anh ta đáp: “Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được!” 26 Họ mới nói với anh: “Ông ấy đã làm gì cho anh? Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào?” 27 Anh trả lời: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông vẫn không chịu nghe. Tại sao các ông còn muốn nghe lại chuyện đó nữa? Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng?” 28 Họ liền mắng nhiếc anh: “Có mày mới là môn đệ của ông ấy; còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê. 29 Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê; nhưng chúng ta không biết ông Giê-su ấy bởi đâu mà đến.” 30 Anh đáp: “Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi! 31 Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. 32 Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. 33 Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì.” 34 Họ đối lại: “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư? ” Rồi họ trục xuất anh.

35 Đức Giê-su nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Người hỏi: “Anh có tin vào Con Người không?” 36 Anh đáp: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?” 37 Đức Giê-su trả lời: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây.” 38 Anh nói: “Thưa Ngài, tôi tin.” Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.

39 Đức Giê-su nói: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù! “

40 Những người Pha-ri-sêu đang ở đó với Đức Giê-su nghe vậy, liền lên tiếng: “Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?” 41 Đức Giê-su bảo họ: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy”, nên tội các ông vẫn còn! “.
_______________

SUY NIỆM 

AI THẤY, AI MÙ ?

1. Ai thấy, ai mù ?

Có một câu chuyện ngụ ngôn rất phổ biến mà hầu như ai cũng biết, đó là chuyện “Thầy bói xem voi”. Chuyện thế này:

Nhân buổi vắng khách, năm ông thầy bói ngồi chuyện gẫu với nhau. Thầy nào cũng phàn nàn không biết hình dáng con voi ra thế nào. Chợt nghe người ta nói có voi đi qua, năm ông thầy chung nhau tiều biếu người quản tượng, xin được xem voi.

Năm ông thấy bói đến bên voi. Thầy thì sờ vòi, thầy thì sờ ngà, thầy thì sờ tai, thầy thì sờ chân và thầy thì sờ đuôi.

Khi người quản tượng cho voi đi rồi, năm thầy ngồi lại bàn tán với nhau.

Thầy sờ vòi bảo:  
                             
– Tưởng con voi nó thế nào, hóa ra nó sun sun như con đỉa thật to ấy, các bác ạ.

Thầy sờ ngà bảo:

– Không phải chần chẫn như cài đòn cân.

Thầy sờ tai bảo:

– Đâu có, nó bè bè như cái quạt thóc ấy.

Thầy sờ chân bảo:

– Ai bảo, nó sừng sững như cái cột nhà.

voi

Thày sờ đuôi bảo:   
     
– Các thầy nói đều không đúng cả. Chính là nó tua tủa như cái chổi sể cùn.

Năm thầy, thầy nào cũng cho là mình nói đúng, không ai chịu ai, cuối cùng thành ra xô xát, đánh nhau toạc đầu, chảy máu.

Đó là chuyện ngụ ngôn trong sách vở, có năm ông thầy mù sờ voi. 

Trong đời thường, có vô số người cũng suy nghĩ và hành động tương tự năm ông thầy mù này, đây là những  “thầy mù thời đại”, có khi có chúng ta trong đó, ai mà chắc chắc rằng chúng ta đã thấy trọn vẹn mọi góc cạnh của vấn đề, đã hiểu đúng mọi thứ, mọi việc.

Chuyện đời sờ sờ ra đó, mà ta còn chưa chắc chắn thấy và hiểu rõ trắng đen sự việc huống là chuyện tâm linh, chuyện Đức Tin.

Chúng ta nhớ lại bài học từ câu chuyện “Nồi cơm Khổng Tử”:

Một lần Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Trong đám học trò đi với Khổng Tử có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò yêu của Khổng Tử

Trong thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ … Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát. Tuy vậy, không một ai kêu than, thoái chí; tất cả đều quyết tâm theo thầy đến cùng.

May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo … Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm.

Tại sao Khổng Tử lại giao cho Nhan Hồi – một đệ tử đạo cao đức trọng mà Khổng Tử đã đặt nhiều kỳ vọng nhất – phần việc nấu cơm? Bởi lẽ, trong hoàn cảnh đói kém, phân công cho Nhan Hồi việc bếp núc là hợp lý nhất.

Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở nhà bếp, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ.

Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống … thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ … Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh … rồi từ từ đưa cơm lên miệng …

Hành động của Nhan Hồi không lọt qua đôi mắt của vị thầy tôn kính. Khổng Tử thở dài … ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Học trò nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Chao ôi! Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói !”

Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về … Nhan Hồi lại luộc rau … Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ …

Một lát sau rau chín. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên; tất cả các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xơi cơm.

Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: “Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước …

Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa com đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ thầy … cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?”

Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!”

Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?”

Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.”

Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”

Nhan Hồi thưa: “Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi … nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình trung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em …
Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi … bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và … thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!”

Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”

2. Người mù được thấy, kẻ thấy lại mù !

“Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!” (Ga.9,39).

Thế giới này nay thật hỗn tạp, nguyên nhân sâu xa là việc ai cũng cho mình là đúng, ai cũng nói phần phải về mình. Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật ! (Khổng Tử). Để biết thốt lên câu nói đó cũng không phải dễ.

Dân này tự cho mình là đúng. Nước nọ tự cho mình là tốt… những lợi lộc riêng tư làm mờ mắt con người và con người không còn thấy đâu là Chân lý thật sự, là bình an, hạnh phúc thật sự… trong tăm tối, con người mải mê hưởng thụ, ích kỷ, riêng tư…  đi đến thù hận, tranh giành, chiến tranh, chia rẽ…

Những người Pha-ri-sêu đang ở đó với Đức Giê-su nghe vậy, liền lên tiếng: “Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?” Đức Giê-su bảo họ: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy”, nên tội các ông vẫn còn! “.(Ga.9,40-41).

Tâm hồn của những người Pha-ri-sêu chứa đầy những chất độc. Đức Giê-su đã từng nhắc nhở các môn đệ:  “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê! “(Mc.8,14-15). Nhưng, họ – những người Pharisêu – vẫn không đón nhận ánh sáng. Tâm hồn họ sống trong tăm tối. Đôi mắt tâm hồn của họ mù lòa. Mắt họ thấy đó nhưng họ vẫn sống trong thế giới đen tối đầy dục vọng thấp hèn và giả tạo. Họ chỉ thấy mình tốt lành đạo đức mà không thấy sự kiêu căng – nguồn cội của mọi thứ mọi tội lỗi – đang thống trị lòng họ.

Đức Ki-tô đã mở mắt cho người mùa vì người mù tin tưởng và đón nhận. Ngài đem lại cho người mù không chỉ ánh sáng cho đôi mắt thể xác, mà hơn thế nữa là ánh sáng cho Đôi Mắt Đức Tin, để người mù nhận thấy chân trời tình yêu hạnh phúc thênh thang của Tình Yêu Thiên Chúa.

Với Đôi Mắt Đức Tin, con người nhận ra đâu là con đường của sự sống. Thấy được Tình Yêu Thiên Chúa và thấy được tình anh em huynh đệ, thấy được hình ảnh Thiên Chúa nơi chính tha nhân. 

Với Đôi Mắt Đức Tin, con người nhìn được sâu vào tâm hồn của nhau. Cảm thông, tha thứ. Con người thể hiện được một cách nào đó theo mẫu mực “Ánh Mắt Nhân Từ’’ của Thầy chí thánh Giê-su.

Với Đôi Mắt Đức Tin, con người mới nhìn sâu vào lòng mình, nhận ra sự yếu hèn, tội lỗi của mình, từ đó con người mới khiêm nhường, biết ăn năn sám hối, biết xin ơn Chúa nâng đỡ vươn lên, luôn nguyện cầu, luôn cần đến Chúa để thăng hoa cuộc sống, hoàn thiện bản thân.

Với Đôi Mắt Đức Tin, con người mới thấy được đâu là ý nghĩa đời người, đâu là đường về Nhà Cha, đâu là bến bờ hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu.

LỜI NGUYỆN

Người đã thấy vũ trụ thật diệu kỳ
Và trần gian đẹp muôn màu rực rỡ
Người đã bước vào cuộc đời bỡ ngỡ
Tận hưởng thôi mà chẳng phút nghĩ suy…

Người đâu thấy ai cho người tất cả
Những hồng ân nối tiếp những hồng ân…
Người đâu hiểu một tình yêu khôn tả
Cát bụi nào thành kiếp sống vĩnh hằng

Ôi, lạy Chúa, con mù lòa tăm tối…
Mở mắt con, cho con thấy đời vui
Muôn tia sáng chói lọi Tình Yêu Chúa
Mở mắt ra ! Bình minh đến rạng ngời !

Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

Bài liên quan

Back to top button