Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Cánh Cửa Tình Thương | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN C
(Lc.19,1-10)
***** 

CÁNH CỬA TÌNH THƯƠNG

            1 Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy. 2 Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. 3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. 4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. 5 Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông! “6 Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. 7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” 8 Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” 9 Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. 10 Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

_____________

SUY NIỆM

CÁNH CỬA TÌNH THƯƠNG

+ 1. Từ những bản tin đáng suy nghĩ …

            Đại lễ ngàn năm Thăng Long hoành tráng.

Những ngày mừng đại lễ ngàn năm Thăng Long hoành tráng thật, theo một vị chức quyền lớn ở Hà Nội phát biểu chiều ngày 15.10.2010: “Nếu ai đó nói rằng công tác tổ chức đại lễ còn hạn chế thì đó là do nhận thức chưa tốt. Đại lễ đã thành công, đạt mục tiêu trang trọng, hoàng tráng, ấn tượng.”

            Sơ kết lũ lụt miền Trung.

            Trận lũ kéo dài gần 10 ngày ở 5 tỉnh miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) đã cướp đi sinh mạng của 66 đồng bào, khiến 17 người mất tích, 75 người bị thương. Tổng thiệt hại ước tính lên tới 2.562 tỷ đồng (số liệu thống kê đến 18h ngày 10/10 – Chỉ có 5 ngày sau, là Đại Lễ ngàn năm Thăng Long hoành tráng). (Tổng hợp từ Internet).

            Thật đáng tiếc, cái tự hào về đại lễ ngàn năm Thăng Long hoành tráng đã trở nên nhạt nhòa nếu không muốn nói là đã bị nhấn chìm theo cơn Hồng Thủy hoành hành miền Trung để lại một miền trung tan tát đau thương. Khi người ta nhớ đến kỷ niệm ngày đại lễ ngàn năm Thăng Long hoành tráng đó, thì người ta liên tưởng ngay đến cơn Hồng Thủy Thế Kỷ, mà cho dù vì bất cứ lý do gì, người ta cũng không thể quên nó nếu con tim còn biết rung động với tình đồng loại.

            Một trong những đau thương trong cơn lũ dữ này, là vụ chiếc xe đò bị lũ cuốn trôi, mang biển số 48K-5868, chở 38 hành khách, gặp nạn ở xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tỉnh. 18 người được cứu sống, 20 người cùng với chiếc xe chìm xuống dòng sông định mệnh. Ngày trục vớt xe lên, người ta tìm thấy 4 thi thể trôi ven sông, 10 thi thể kẹt lại trong xe, và 6 người còn mất tích. 

            Lời người sống sót:

            Ông Lực, một trong 18 người may mắn sống sót, đã kể: “Mưa như tát nước vào mặt, hành khách thiu thiu ngủ, bỗng thấy nước ập vào, xe nổi bồng bềnh rồi từ từ chìm nghỉm. Ai cũng hoảng sợ, tài xế kêu mọi người bình tĩnh để đưa xe vào làn đường. Nhiều người bắt đầu kêu la hoảng loạn. Rồi tài xế yêu cầu mọi người đập vỡ cửa kính. Ngay lập tức hàng chục cánh tay cứ đấm thình thịch vào cửa nhưng không có kết quả. Khi tài xế dùng chiếc cờ lê đập được kính thì một số người nhốn nháo chui ra ngoài”.

Tai nạn có kết cục thật đau thương, vì không có cửa thoát hiểm đủ rộng để người trong xe kịp thời thoát ra ngoài.

            Trong kiến trúc nhà ở, hay những công trình công cộng, người ta đều đặc biệt quan tâm đến cửa thoát hiểm, lối thoát hiểm. Đó là nơi người ta hy vọng sẽ gìn giữ được sự sống khi mạng sống bị lâm nguy. Có biết bao trường hợp không có cửa thoát hiểm, lối thoát hiểm, người ta không còn con đường sống.

Có rất nhiều mảnh đời xem ra bế tắt, họ sống trong vô vọng vì cuộc đời đối với họ không còn ý nghĩa. Không có một cánh cửa nào để cho họ nhìn ra thế giới hạnh phúc. Họ chết mỏi mòn trong không gian tù tội của thành kiến xã hội hay sự đè nặng của một thứ hình thức tôn giáo nào đó. Họ muốn vươn lên, nhưng có sức mạnh nào đó đè họ xuống. Họ muốn được sống trong ánh sáng, nhưng có thứ quyền lực nào đó dồn họ vào chốn tối tăm. Không có một cửa thoát hiểm nào dành cho họ!

+ 2. Trường hợp Gia-kêu.

           Ông Gia-kêu là một người thu thuế. Có thể nhận ra ông là hạng người nào ở ngay trong bài Phúc Âm hôm nay: “mọi người xầm xì với nhau: ‘Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!’”.

            Với hạng người tội lỗi như Gia-kêu, ông không có quyền nói gì. Những người tự cho mình là người công chính đều lánh xa hạng người như ông. Và ai gần gũi hạng người thu thuế đều bị liệt vào hạng người đáng khinh tởm.

            Chắc chắn ông đã nghe danh Chúa Giê-su, và như tâm lý thường tình của con người, ông cũng muốn thấy tận mắt nhân vật danh tiếng lừng lẫy ấy. Việc ông tìm cách tiếp cận với Chúa Giê-su cho thấy ông hết sức ngưỡng mộ Chúa Giê-su. Ông muốn gặp Chúa Giê-su cho bằng được ! “Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó.” (Lc.19,3-4).

            Chỉ cần gặp được Chúa Giê-su thôi, là ông mãn nguyện rồi. Ông nhìn thấy Chúa, và bất ngờ, ánh mắt Chúa nhìn lên ông. Không hiểu tâm trạng ông lúc đó thế nào, khi một người tội lỗi được Thiên Chúa đoái nhìn. Cũng đã từng có một cái nhìn tương tự như vậy khi Phêrô đang chối Chúa: “Ngay lúc Phêrô còn đang nói, thì gà gáy. Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: ‘Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần’. Và ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết”. (Lc.22,60).

            Nhưng, cho dù Gia-kêu có suy nghĩ gì, chắc chắn ông không thể ngờ Chúa Giê-su lại có thể cho ông một niềm vui hơn cả sự chờ đợi: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc.19,5). Lập tức, bất kể những lời xầm xì quanh ông, chỉ có lời Chúa là đủ cho ông hạnh phúc, ông hân hoan đón nhận Chúa, không phải bằng một bữa tiệc thịnh soạn với sự tiếp đón ân cần, mà là một cuộc đổi đời ngoạn mục đoạn tuyệt với quá khứ đen tối. Và như thế, cũng giống như Phêrô, cách thức có thể khác, nhưng cùng chung một điểm chính là sự sám hối ăn năn can đảm và chân thực. Ông đã tìm thấy cánh cửa thoát hiểm, đời ông bừng dậy một sức sống vui tươi sau những tháng năm dài ủ rủ xanh xao.

            Sự sám hối ăn năn của Gia-kêu không phải đến từ một phút cao hứng, nhưng từ một quá trình suy tư lâu dài. Đời chìm trong khắc khoải lo âu và bế tắc. Khi Gia-kêu bắt gặp ánh mắt Chúa Giê-su, và lời loan báo tin mừng đầu tiên là Chúa Giêsu sẽ đến nhà ông, lòng ông òa vỡ niềm vui khôn xiết và những điều ông ấp ủ tự bao giờ bùng cháy lên thành lời hứa như một tin vui đáp lại tình thương mà Chúa Giêsu vừa ban phát cho ông. “Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: ‘Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.’” (Lc.19,8). 

+ 3. Chúa Giêsu: cánh cửa tình thương.

                Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” (Lc.19,10).

            Người Pha-ri-sêu đã khóa kín tất cả mọi cánh cửa để con người sống trong vô vọng và chết dần mòn trong kiếp sống đầy sợ hải. “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các ngươi khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào”.(Mt.23,13).

            Họ đưa con người vào tòa nhà tôn giáo đầy những gánh nặng đọa đày và rồi phải chết tức tưởi trong thứ luật lệ gông cùm xích xiềng của họ. “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo đạo rồi, các người lại làm cho họ xuống hỏa ngục gấp đôi các người”. (Mt.23,15).

            Không có Chúa Giê-su, không có một Gia-kêu hoàn toàn đổi mới ngày hôm nay. Không có Chúa Giê-su, Gia-kêu ấy đã chết trong tăm tối vì không tìm thấy được cánh cửa dẫn đến sự sáng. “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ”.(Ga.10,9).

            Cánh cửa dẫn đến đồng cỏ: – cánh cửa dẫn đến sự sống.
            Cánh cửa dẫn vào chuồng chiên: – cánh cửa dẫn đến nơi an toàn, nơi được bảo vệ.

            Đó không phải là những cánh cửa bị khóa chặt. Cánh cửa được mở ra và khép lại đúng lúc, đúng nhu cầu. Mục đích của cánh cửa là để đàn chiên được sống, và được sống dồi dào. “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này.” (Lc.19,9).

+ 4. Cánh cửa thoát hiểm, cánh cửa Tình Thương.

            “Một phút có thể thay đổi cuộc đời”, đó là câu chuyện của Sherman Rogers kể trong tập sách Foremen: Leaders or Drivers”:

            Hồi còn đi học, có lần Rogers đến nghỉ hè tại một trại cưa ở Idaho. Một hôm người quản đốc có việc bận, phải đi vắng vài ngày, nên phải nhờ Roger trông nom giùm xưởng cưa của ông.

            “Nếu mọi người không nghe lời tôi thì sao?”. Rogers phân vân hỏi, suy nghĩ của anh hướng về Tony, một công nhân có tính tình cáu bẳn, suốt ngày cứ gầm gừ, cảu nhảu và luôn tìm cớ gây khó khăn cho người khác.

            Người quản lý trả lời: “Thì cứ đuổi việc họ!”.

            Rồi như đọc được ý nghĩ trong đầu Rogers, ông nói thêm: “Tôi nghĩ là anh sẽ sa thải Tony khi có cơ hội. Mọi người cũng nghĩ về Tony như thế. Tôi cảm thấy khó chịu về điều này. Tôi đã ở trại cưa này suốt 40 năm trời, và Tony là người mà tôi tin tưởng nhất. Tôi biết anh ta nóng tính và hay gắt gỏng, anh ta cũng không mấy thân thiện với mọi người. Thế nhưng anh ta lại là người đến chỗ làm sớm nhất và ra về muộn nhất. Tám năm nay chưa có một sự cố nào xảy ra trên ngọn đồi nơi anh ta làm việc”.

            Ngày hôm sau, Rogers đi đến chỗ Tony và nói: “Tony này, anh có biết hôm nay tôi là sếp ở đây không?”. Tony gầm gừ gì đó trong cuống họng. “Tôi sẽ sa thải anh ngay nếu như anh lộn xộn, nhưng tôi muốn anh biết là tôi sẽ không làm thế đâu”, rồi Rogers kể cho Tony nghe về những điều mà người quản lý đã nhận xét về anh ta.

            Khi Rogers dứt lời, Tony xúc động buông rơi cái xẻng đầy cát đang cầm trên tay, nước mắt tuôn rơi: “Ôi! Sao ổng không kể gì về tôi hồi tám năm trước đó?”

            Ngày hôm ấy, Tony không chỉ làm việc chăm chỉ hơn thường lệ mà thỉnh thoảng lại còn mỉm cười với mọi người! Sau đó anh nói với Rogers: “Tôi có kể cho Maria nghe rằng anh đã khen tôi làm việc giỏi và chăm chỉ, anh biết không, nghe xong cô ấy vui như Tết”.

            Hết hè, Rogers quay về trường, và phải 20 năm sau ông mới có dịp gặp lại Tony. Lúc này anh ấy đã làm tới chức quản đốc trong một xưởng xây dựng đường ray xe lửa của một trong những công ty cưa xẻ gỗ lớn nhất miền Tây. Khi hỏi về nguyên nhân dẫn đến thành công ngày hôm nay, Tony đã đáp rằng: “nếu hôm đó ở Idaho mà không nhận được lời khen tặng của anh thì có lẽ tôi đã hành động điên rồ, có thể đã giết một ai đó rồi. Chỉ một giây phút ấy thôi đã làm thay đổi cuộc đời tôi”.

            Dòng đời nhiều biến đổi. Lòng người càng thay đổi khôn lường. Ai người hãm hại ta, ai người tìm cách loại trừ ta; ai người nâng đỡ ta, ai người bảo vệ ta, nhiều khi không ngờ được. 

            “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng bổng trái đất lên”. (Archimedes. 287-212 bc).

            Điểm tựa nào cho đời ta ngoài Chúa Giê-su, Đấng có thể giải thoát chúng ta khỏi tù hãm tội lỗi và kẻ thù đầy ma lực. Những xích xiềng của quyền lực tối tăm, tạp quán, của ảnh hưởng môi trường sống, của giới hạn và bất công của xã hội. “Còn bà này, là con cháu ông Abraham, bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày Sa-bát sao?”(Lc.13,16).

            Chỉ một cái nhìn thôi, Ngài giúp ta nhìn lại xuyên suốt đời mình. Chỉ một cái nhìn thôi, ta biết mình phải làm gì và can đảm đứng lên đi về vùng ánh sáng.

            Chỉ một lời thôi, ta biết Ngài luôn quan tâm đến ta. Chỉ một lời thôi, ta biết Ngài hằng đồng hành chia sẻ.

            “Chỉ một giây phút ấy thôi đã làm thay đổi cuộc đời ta”.

            Như có người đã nói: “Đối với một tên nô lệ, được ông chủ nhìn và trao cho một nụ cười, thì đó là niềm hạnh phúc lớn lao lắm rồi”.

            Còn hơn thế, Gia-kêu được Chúa nhìn và đến ngụ ở nhà ông. Ông quá đổi vui mừng. Chứng tỏ trước đó ông đã sống trong những tháng năm dài sầu muộn… Và con tim đã vui trở lại khi được Chúa đoái nhìn với ánh mắt yêu thương.

            Chúng ta được Chúa nhìn và đưa chúng ta về Nước Thiên Chúa. Đó không phải là niềm hạnh phúc vô bờ bến sao?

            Một kiếp người trong bể khổ, Chúa Giê-su đã đến, cho ta hiểu thế nào là hy vọng và dẫn ta về bến bờ hạnh phúc viên mãn… Và con tim đã vui trở lại… và cuộc đời ý nghĩa biết bao!

            Lạy Chúa,

            Cuộc đời có thể không nhìn thấy con,
            nhưng Chúa nhìn thấy.
            Và, vì thế, con trở nên quan trọng,
            vì được Chúa yêu thương.
            và chỉ cần có thế. Amen.

                                                                               Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

______________

BÀI ĐỌC THÊM

Bài viết : Tìm và Cứu

Xem vidéo:

Bài liên quan

Back to top button