Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Như Đàn Chiên Không Người Chăn Dắt | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN B
(Mc.6,30-34)
****
NHƯ ĐÀN CHIÊN KHÔNG NGƯỜI CHĂN DẮT

30 Khi ấy các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. 31 Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa.
32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. 33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. 34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn dắt.Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

________________

SUY NIỆM

NHƯ ĐÀN CHIÊN KHÔNG NGƯỜI CHĂN ĐẮT

1. Chúa chạnh lòng thương

“Chúa chạnh lòng thương” vì sao ? – Không phải chỉ vì họ nghèo đói, vì họ phải đi kiếm ăn, không phải chỉ vì họ đang sống vô gia cư, sống chui rút trong những căn nhà ổ chuột, thất học, thiếu thốn… Nếu Chúa Giê-su chứng kiến thực tế cuộc sống như vậy, tất nhiên, Ngài rất tội nghiệp họ. Ngài sẽ chăm sóc lo lắng cho họ, như biết bao người đã nghe theo Giáo Huấn của Ngài để bỏ cả đời lo cho những người bất hạnh như vậy, Mẹ Tê-rê-sa Calcutta là một thí dụ sống động, nhưng ở đây, Chúa Giê-su chạnh lòng thương, là vì họ như bầy chiên không người chăn dắt”.

Hình ảnh “đàn chiên không người dăn dắt” cho chúng ta thấy những gì ?

– Sự rối loạn, vô trật tự.
– Không biết tìm đến nơi đâu có đồng cỏ non, có dòng suối mát.
– Không có ai bảo vệ chống lại những sói dữ địch thù.
– Không ai dẫn về chuồng chiên để được chăm sóc ấm áp an toàn qua đêm tối.

Con người “không người hướng đạo” sẽ ra sao ?

Chúa Giê-su là “đường, là sự thật. là sự sống”.

Còn ai là người lãnh đạo dẫn ta đến bến bờ hạnh phúc trọn vẹn như Ngài ?

– Đời là một con đường. Người ta thường nói “đường đời”. Chúa Giê-su là đường để ta tiến bước.
– Đời chỉ an vui khi người ta sống chân thật, sống theo Chân lý. Chúa Giê-su là Chân lý.
– Đời là một chuyến đi tìm lẽ sống, trong sâu thẳm lòng người ai cũng nuôi khát vọng sống.
Chúa Giê-su chính là sự sống.

Nên, con người nếu không được Ngài dìu dắt, con người thật bơ vơ, lạc lỏng, đời người thật đen tối và vô vọng. Giữa Đại Dương đời người, thuyền đời ta thật vô bờ bến ! Không Lời Ngài dạy dỗ, chẳng có hải đăng nào định hướng đời ta.

Kìa xem, thế giới hôm nay…

Khi một số thế lực từ chối Thiên Chúa đang mạnh dần và chiếm ưu thế… Thế giới đang đi về đâu ?

Sự lạc lỏng, rối loạn, vô phương hướng, sống không còn lý tưởng, không còn tiêu chuẩn đạo đức… là bóng tối đáng sợ.

Nó là nguyên nhân của nghèo đói, bạo lực, bất công, hận thù, chiến tranh…

Là nguyên nhân của lối sống thác loạn, tìm vui và buông xuôi theo bản năng…

Kìa xem, thế giới hôm nay…

Khi “Ma đưa lối Quỷ dẫn đường” ! Thế giới đang đi về đâu ?

– Người ta reo hò vì bom đạn đầy kho. Người ta hải hùng vì cá lớn nuốt cá bé.
– Chìm đắm trong tội lỗi mà người ta cho đó là lối sống tự do. Tìm về thánh thiện mà người ta cho rằng đó là ách nô lệ. Những điều bất chính được coi như là chuyện thường tình.  Còn những việc đạo đức được coi là chuyện khó hiểu !
– Người ta không còn biết thẹn thùng gì về tội lỗi. Nữ sinh tuổi ngây thơ đi phá thai là chuyện bình thường. Học sinh đánh đập chém giết nhau là tin vặt ngày nào cũng nghe thấy có gì đáng quan tâm !?
– Nạn buôn bán người như bán đồ vật.
– Những giá trị ngàn đời được thay vào những thứ giả tạo chóng qua…

Kìa xem, thế giới hôm nay…

– Còn rất nhiều sáng tác mới làm rối nùi cuộc sống từ những con người không biết mình sống để làm gì và đang đi về đâu !

– Tất cả điều đó nghĩa là gì ? Như cừu non trong móng vuốt sói rừng ! Là sự chết ngay khi đang sống.

2. Người bắt đầu dạy dỗ…

(24) Vậy khi dân chúng thấy Ðức Giêsu cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Caphácnaum tìm kiếm Người. (25) Khi đã gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” (26) Ðức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.

(27) Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Ðấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận”. (Ga.6,24-35).         

Chúa Giê-su xuất phát từ tình  thương mà Ngài dạy dỗ. Ngài “chạnh lòng thương”.

Chúa Giê-su là Mục Tử dẫn ta đi đến bến bờ của phúc trường sinh”.

Ngài chỉ rõ cho chúng ta mục đích của đời người không phải chỉ làđược ăn bánh no nê”. Nên, để được ăn bánh no nê, không phải để tranh giành, cấu xé, xăm lăng, bành trướng… mà là được ăn bánh no nê từ sự chia sẻ. Biết cho đi và biết nhận.

Đó là chân lý Tình Thương. Thiên Chúa cho đi sự sống cho con người và Ngài nhận sự yếu đuối mỏng giòn nơi thân phận cát bụi của con người.

Lời dạy dỗ của Ngài là Ánh Sáng Tin Mừng. Lời Ngài là Lời Hằng Sống.

“Bỏ Thầy con biết theo ai ? Vì Thầy có Lời ban sự sống (Ga,6.68)

Chúa Giê-su vẫn tiếp tục dạy dỗ chúng ta qua Giáo Hội. Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong Giáo Hội.

Ngài dạy dỗ cho chúng ta nhận ra đâu là những giá trị đích thực của đời người.

Lời Ngài dẫn dắt Thế Giới luôn vươn lên Chân Thiện Mỹ. Tìm về cội nguồn Thiên Chúa.

Chúng ta tiếp tục mang lời dạy dỗ của Chúa Giê-su đến tận cùng trái đất. Lời dạy dỗ của Ngài chính là Tin Mừng.

Để mang tình thương Giê-su đến cho mọi người, để thế giới ấm áp tình đệ huynh yêu thương nhau với Tình Yêu Giê-su. Để không ai lạc lỏng như “đàn chiên không người chăn dắt”, vì con người biết “chạnh lòng thương nhau” như Chúa Giê-su – Con Thiên Chúa – “chạnh lòng thương” con người”.

Lạy Chúa,

Xin soi sáng lòng trí con
Hiểu được mọi biến cố trong đời
Đều là lời dạy dỗ của Ngài

Là Ngài “chạnh lòng thương”
Khi con còn đang chơ vơ lạc lỏng
Giữa khoảng trống cõi lòng

Đừng một phút rời tay con, lạy Chúa !
Để không ai có thể xen vào dẫn dắt con đi…
Đường đời đầy những bước gian nguy. Amen.

Lm. Antôn  NGUYỄN VĂN TIẾNG

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button