Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

CN.30-TN.A. Chỉ Một Điều Quan Trọng là Tình Yêu | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN A
(Mt.22,34-40)

****

CHỈ MỘT ĐIỀU QUAN TRỌNG LÀ TÌNH YÊU

34 Khi nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. – 35 Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: 36 “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” 37 Đức Giê-su đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. 38 Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. 39 Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. 40 Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy.”

_____________

SUY NIỆM

CHỈ MỘT ĐIỀU QUAN TRỌNG LÀ TÌNH YÊU

+ 1. Yêu Chúa

Trong một lần dừng chân ở nhà Mác-ta trên bước đường rao giảng Tin Mừng, Mác-ta ta bận rộn việc dọn bữa cho Chúa Giêsu và các môn đệ, cô em Mác-ta là Maria cứ mãi mê ngồi bên Chúa nghe Chúa giảng dạy, Mácta bực mình xin Chúa bảo Maria tiếp tay với mình, nhưng Chúa Giê-su bảo:

“Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”. (Lc 10:38-42).

Chúa Giêsu hỏi Phêrô 3 lần: “Con có mến thầy không”, trước khi trao cho Phêrô quyền cai quản Giáo Hội.

Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?” Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy”. Ðức Giêsu bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. (Ga 21,15-17).

Tâm tình yêu Chúa là cội nguồn, là sức mạnh cho mọi suy nghĩ và hành động của con người.

Hết lòng yêu mến Chúa là điều tốt nhất “cần và đủ” để cuộc đời vươn lên và thăng tiến.

+ 2. Yêu tha nhân

Câu chuyện “Chiếc giầy đánh rơi” của Gandhi.

Có lần trong lúc vội bước lên xe lửa, Mahatma Gandhi đánh rơi một chiếc giầy xuống đường ray và không thể nào lấy lên được, vì xe lửa đã lăn bánh.

Ông Gandhi bèn cởi ngay chiếc giầy còn lại và ném xuống đường ray gần nơi chỗ chiếc giầy đã rớt, trước sự ngạc nhiên của những hành khách trên xe.

Một hành khách không kiềm được thắc mắc đã lên tiếng hỏi ông: – Tại sao lại làm như vậy?

Gandhi đáp: – Một người nghèo nào đó tìm thấy một chiếc giầy trên đường ray thì họ sẽ tìm thấy chiếc thứ hai và như vậy họ sẽ có đủ cả đôi để dùng.

Không phải bất chợt Gandhi nghĩ ra điều đó, nhưng ý tưởng ấy xuất phát từ trái tim luôn âm ỉ tình yêu con người, tình yêu thương đồng loại – một tấm lòng cao cả.

Đó là một tình yêu chân thật, với “tất cả tấm lòng”, luôn quan tâm và nghĩ về người mình yêu.

Ta nhận ra  hình ảnh Chúa nơi tha nhân. Vì yêu Chúa ta yêu tha nhân – đặc biệt những người cùng khốn, bất hạnh… – là hiện thân của Chúa Ki-tô.

“Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã dọn sẵn cho các ngươi ngay từ tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các con đã tiếp rước… Ta đau yếu, các con đã viếng thăm..” (Mt 25:34-36).

Từ chối tha nhân, cũng là chối bỏ Thiên Chúa. Yêu Chúa, yêu tha nhân, một tình yêu gắn bó không thể tách rời.

Nếu ngươi muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải ngươi có và bố thí cho người nghèo khó, thì ngươi sẽ được kho tàng trên trời, rồi đến mà theo Ta”. Khi người thanh niên nghe lời đó thì buồn rầu bỏ đi, vì anh có nhiều sản nghiệp. (Mt.19,16-22).

+ 3. Chỉ một điều quan trọng là tình yêu

“Yêu Chúa hết lòng hết linh hồn hết trí khôn và yêu tha nhân như chính mình”.(Mt.22,38-39).

Khi yêu, trong tâm trí con người luôn nghĩ đến điều tốt đẹp cho người mình yêu.

Khi yêu Chúa, ta luôn nghĩ đến việc làm vinh danh Chúa – “danh Cha cả sáng” – vì đó là điều đẹp lòng Chúa.

Khi yêu anh em, tha nhân, “người thân cận”, lúc nào ta cũng muốn đóng góp một điều gì đó ngay khi có thể để đem lại niềm vui cho họ, dù chỉ là một việc bé nhỏ. Ta muốn họ hạnh phúc.

“Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” (Mt.10,42).

Khi yêu Chúa, ta có niềm vui và sức mạnh đế yêu tha nhân; khi yêu tha nhân, ta có hoa trái bác ái làm lễ vật dâng lên Thiên Chúa. Ta tin rằng đó là lễ vật đẹp lòng Ngài nhất vì Ngài muốn thế : Ngài muốn ta thực thị Giới Luật Yêu Thương.

“Ðây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. (Ga.15,12).

Thế nên, điều gì làm tổn thương tình yêu điều đó cần phải bị loại trừ – đó chính là bất hòa, chia rẽ, thù hận.

Chính vì con người yếu đuối, bất toàn, khác biệt nhau, đầy tham vọng, kiêu căng, ích kỷ… con người dễ có những suy nghĩ và hành động mất lòng nhau, đẩy đưa con người đến tranh chấp, thù hận, nên con người cần phải tha thứ nhau.

Tha thứ là hồng ân Thiên Chúa ban cho con người, và là món quà quý báu mà con người hoàn toàn có thể trao cho nhau vì đã nhận hồng ân Thiên Chúa, và đó cũng là cách tạ ơn và làm vinh danh Chúa, vì hồng ân ấy cũng chính là của Thiên Chúa ban cho “kẻ thiếu nợ” ta qua sự chuyển giao của ta.

Trong cuộc đời này, con người không thể có tình yêu mà không cần tha thứ, đảo ngược lại, có tha thứ, thì đã nói lên sự hiện diện của tình yêu rồi.

Câu chuyện dụ ngôn về ông vua tha cho người thiếu nợ một vạn đồng vàng, nhưng người được tha nợ ấy đã hành tội người bạn thiếu nợ mình chỉ có trăm nén bạc, cho thấy cái chết của tình yêu trong lòng người hẹp hòi  ích kỷ như thế nào. 

Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. 24 Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn nén vàng. 25 Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con tài sản mà trả nợ. 26 Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết”. 27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. 28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao!” 29 Bấy giờ người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh”. 30 Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. 31 Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. 32 Bấy giờ tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, 33 thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” 34 Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. 35 Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”. (Mt.28,31-35).

Chúng ta có thể tạm dừng lại ở đây, để suy nghĩ thêm về hai điều răn quan trọng này nằm ở trong kinh nguyện – kinh duy nhất – Kinh Lạy Cha  mà chính Chúa Giê-su dạy chúng ta.

“Chúng con nguyện danh Cha cả sáng…”
“Và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con

Đó chính là tình yêu dâng lên Thiên Chúa và tình yêu chia sẻ với tha nhân vậy. Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

_______________

Mời bạn xem 1 bản nhạc của Mai Nhật Thi :
TÌNH THƯƠNG LỄ VẬT

 

 

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button