Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Vì họ không thể thay đổi | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN A
(Mt.21,33-43)
****

VÌ HỌ KHÔNG THỂ THAY ĐỔI

33 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng: “Các ông hãy nghe một dụ ngôn sau đây: Có chủ nhà kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. 34 Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. 35 Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. 36 Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. 37 Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: “Chúng sẽ nể con ta.” 38 Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!” 39 Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi. 40 Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?” 41Họ đáp: “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông.” 42 Đức Giê-su bảo họ: “Kinh Thánh có câu: “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.” Các ông chưa bao giờ đọc câu này sao?
 43 Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.”

SUY NIỆM

VÌ HỌ KHÔNG THỂ THAY ĐỔI

Con người cũ.

“Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa” (Mt.21,43).

“Vườn nho của Thiên Chúa” đã được Thiên Chúa giao cho giới lãnh đạo tôn giáo, những thượng tế, kỳ mục Do Thái điều hành chăm sóc. Nhưng vườn nho ấy đã không phát triển tươi tốt, vì sao ?

Thưa, vì:

Họ chạy theo sức mạnh của tiền của và quyền lợi riêng tư. Danh vọng bạc tiền làm họ đắm đuối và trở nên mù lòa. Họ không còn thấy đâu là thật, giả. Đâu là thế gian đâu là thần thánh.

Họ từ chối lắng nghe lời chân lý nếu lời đó làm tổn hại danh dự và quyền lợi riêng họ. Và, vì thế, họ cắt nghĩa Lời Chúa sao cho phù hợp ý đồ của họ. Đúng hơn, họ không phục vụ Lời Chúa, mà dùng Lời Chúa để phục vụ họ.

Không ai có thể tự do đến với Thiên Chúa nếu không qua “trạm thu phí” được bủa vây khắp nơi như mạng lưới khó mà thoát được. Nhưng “trạm thu phí” của họ không mang ý nghĩa như sự đóng góp xây dựng mà như một thứ thuế nô lệ đè nặng trên người dân cùng khổ.

“Ai chỉ Đền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không; còn ai chỉ vàng trong Đền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc”. (Mt.23,16).

Họ dẫn đưa dân họ đến chỗ vong thân, làm lý trí và con tim của con người cạn kiệt dần những giá trị thiêng liêng cao quý.

“Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công bình, lòng nhânthành tín” (Mt.23,23).

Vì thế, thay vì dẫn đưa dân đến bến bờ hạnh phúc của Thiên Chúa, họ dẫn đưa dân đến bến bờ bất hạnh của Sa-tan.

“Các ngươi khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào ! Các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng không để họ vào !”

“Các ngươi rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo, nhưng khi họ theo rồi, các ngươi lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục gấp đôi các người” (Mt.23,13-15).

Những thượng tế và kỳ mục Do Thái cứ thế mà đi trên con đường của riêng họ, trong não trạng hẹp hòi và lối sống giả hình của họ.

Không có ai có thể “đánh thức” họ được, không có ai có thể làm sáng mắt họ ra, vì họ cho rằng mình đang thức tỉnh, đang sáng mắt.

“Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng : ‘Chúng tôi thấy’, nên tội các ông vẫn còn đó !”(Ga.9,40).

Nên, họ dập tắt những tiếng nói sự thật, loại trừ những ai đi ngược lại suy nghĩ và hành động của họ. Bất luận tiếng nói đó từ đâu đến.

“Vì thế, này tôi sai ngôn sứ, hiền nhân và kinh sư đến cùng các người: các người sẽ giết và đóng đinh người này vào thập giá, đánh đòn người kia trong hội đường và lùng bắt họ từ thành này đến thành khác” (Mt.23,34).

Họ chính là những tá điền độc ác và sát nhân, đã cướp của giết người một cách công khai và có tổ chức.

Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: “Chúng sẽ nể con ta.” 38 Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!”. Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi (Mt.21,35-39).

Họ – những người chóp bu Do Thái – có nhận ra đó là tội ác không ?

– Có ! Và họ cũng đã lên án điều đó.

Họ đáp: “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông.” (Mt.21,41).

Nói đến đây, chúng ta lại nhớ câu chuyện dụ ngôn, cũng nói về tội ác giết người, mà ngôn sứ Na-than đã kể cho Đa vít nghe:

“Có hai người ở trong cùng một thành, một người giàu và một người nghèo. Người giàu thì có chiên dê và bò nhiều lắm. Còn người nghèo chẳng có gì cả, ngoài con chiên cái nhỏ nhất ông đã mua …. Có khách đến thăm người giàu, ông này tiếc của, không bắt chiên dê hay bò của mình mà làm thịt đãi người lữ khách đến thăm ông. Ông bắt con chiên cái của người nghèo mà làm thịt đãi người đến thăm ông.”(2Sm.12,1-4).

Và vua Đa-vít cũng đã lên án điều đó.

– “Có Đức Chúa hằng sống ! Kẻ nào làm điều ấy, thật đáng chết …!” (2Sm.12,5).
– “Kẻ  đó chính là Ngài !”.

Nhưng, vua Đa-vít đã thay đổi cách sống. Ông đã ăn năn sám hối !

“Tôi đắc tội với Đức Chúa.” (2Sm.12,13).

Còn các thượng tế và kỳ mục Do Thái thì không ! Cuối cùng, họ đã giết Chúa Giê-su.

“Hắn nói phạm thượng ! Chúng ta cần gì nhân chứng nữa ? Đấy quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, quý vị nghĩ sao ?”. Họ liền đáp: “Hắn đáng chết !” (Mt.26,65).

Đúng như dụ ngôn Chúa Giê-su nói hôm nay.

Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: “Chúng sẽ nể con ta.”Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!”. Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi (Mt.21,37-39).

Lòng họ đã ra chai đá, và, vì họ không thể thay đổi, “Vườn nho của Thiên Chúa” không thể nào tiếp tục giao phó cho họ.

Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.” (Mt.21,43).

Con người mới

Sự thay đổi ở đây, không phải là sự thay đổi nhân sự, mà là sự thay đổi con tim. Một con tim bằng thịt, chứ không phải con tim chai đá. Một con tim không hẹp hòi ích kỷ, mà là một con tim biết yêu thương.

“Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới. Đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi, và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt”. (Ed 36, 26).

Quả tim của những con người “biết cai trị” bằng tình yêu.

“Vua chúa các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Anh em thì không thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải trở nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lc.22,24-26).

Biết chết sống vì sứ mạng tình yêu.

Phúc thay cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bạch hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng anh em trên trời thật lớn lao.  (Mt.5,11).

Biết phục vụ với tấm lòng thương yêu.

“Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Thầy là Chúa, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”. (Ga.13,13).

Có con tim luôn bao dung tha thứ.

“Xin tha tội cho chúng con vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con” (Lc.11,4).

Giáo Hội: Dân Chúa.

“Vườn nho của Thiên Chúa” được giao cho Giáo Hội Chúa Ki-tô – Dân Chúa.

Thầy bảo cho anh biết : anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.(Mt.16,13-20).

Thời đại mới được khai mở, với một não trạng mới, cách sống mới, dưới ánh sáng Tin Mừng của Chúa Giê-su.

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5:17).

Tất cả được bừng sáng và rực rỡ trong tin yêu và hy vọng. Thế nên, nó đòi hỏi một sự thay đổi dứt khoát để tâm hồn được vươn cao và vươn xa trong ánh sáng Lời Chúa.

“Chẳng ai lấy vải mới mà vá vào áo cũ, vì miếng vá mới sẽ co lại, khiến áo rách lại càng rách thêm. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả hai”. (Mt.9,16-17).

Sám hối là một điều kiện tiên quyết trong sự thay đổi. Các thượng tế và kỳ mục Do Thái không thể thay đổi vì họ không biết sám hối. Sự sám hối đem lại sự đổi mới tâm hồn. Trong sự bất toàn của con người, ai không muốn sám hối, tâm hồn không thể đổi mới và sinh hoa trái.

ÐTC Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng đầu tiên cử hành lễ nghi thống hối “xin lỗi” hôm chúa nhật I Mùa Chay năm thánh 2000, vì những lỗi lầm của Giáo Hội trong quá khứ.

Vườn nho Thiên Chúa – Nước Thiên Chúa – sẽ sinh hoa lợi không ? Dân Chúa – mọi Ki-tô hữu – cần phải luôn tự hỏi, phải luôn nhìn lại chính mình, và từ đó, biết thay đổi chính mình trong ánh sáng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô.

“Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.” (Mt.21,43).

Lạy Chúa,

Chúa biết con đây yếu đuối,
xin tha thứ, nâng đỡ đời con,
để đời con sinh hoa lợi,
nhỏ bé thôi, nhưng với trọn tình yêu. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng

 

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button