Hai lời cầu, hai ý nghĩa | NVT
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN C
(Lc.18,9-14)
***
HAI LỜI CẦU, HAI Ý NGHĨA
9 Khi ấy Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: 10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. 11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. 12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. 13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. 14 Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
______________
SUY NIỆM
HAI LỜI CẦU, HAI Ý NGHĨA
1. Làm ra vẻ đạo đức
Một thầy tu nọ có quyền cao chức trọng. Ngày nào ông cũng thường vào đền thờ cầu nguyện, buổi cầu nguyện của ông có khi kéo dài hàng giờ đồng hồ. Có điều, ông luôn cầu nguyện vào giờ… “hành chánh”. Vì ông là nhân vật quan trọng, nên rất nhiều người cần gặp ông. Nhưng, hễ ai đến tìm gặp ông, cũng thường nghe người giúp việc bảo: “ngài đang cầu nguyện ở đền thờ !”. Và như thế, tiếng “lành” đồn xa. Nhiều người gặp không ít khó khăn khi cần tiếp xúc với vị thầy tu đạo mạo này.
Một hôm, một anh ở xa, nhận nhiệm vụ của cấp trên, vượt hàng trăm cây số đến gặp thầy tu đạo đức nọ. Ông Thầy tu lúc ấy đang quỳ mọp trong đền thờ, và người giúp việc không dám vào báo ông. Vì chờ quá lâu, anh chàng ở xa phải quay về. Trước khi về, ông nói với người giúp việc: “Ngài chỉ cầu nguyện mà không kể gì đến người khác, e rằng thất đức chăng ? Chi bằng ngài cầu nguyện nửa đêm, vừa không ai biết, vừa có thời gian phục vụ người khác, có ý nghĩa hơn không !”.
Cách làm của vị thầy tu khôn khéo này tuy không ra ngã ba đường cầu nguyện cho mọi người thấy, nhưng cũng tạo được sự phổ biến không thua kém. Ai cũng biết “thầy” đang cầu nguyện, thầy cầu nguyện sốt sắng, thầy cầu nguyện lâu giờ, thầy rất thánh thiện…
“Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Ðấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh. (Mt.6,5-6).
Tạo một “bề trong” cho ra vẻ “tâm hồn thánh thiện”, còn phải tạo một “bề ngoài” cho ra vẻ con “nhà quan” để ngang tầm với giới thượng lưu, có thần sắc con “nhà tu” chu chu chăm chắm, đạo mạo khác thường mới là người của cõi trên, để người ta tôn kính.
Chân lý thì chỉ có một, còn cái gì giống giống như chân lý thì có rất nhiều. Nên sự “giả hình” tạo nên những “hình giả” rất là đa dạng.
Một họa sĩ vẽ lại chân dung của một nhân vật nổi tiếng. Bức chân dung vẽ lại khuôn mặt nổi tiếng này thật tuyệt hảo và đẹp hơn sự thật. Nhưng thực ra ông là một cựu chiến binh, khuôn mặt đã bị mang thương tích ngoài chiến trận với những vết thẹo, và có một cái mụn cóc khá lớn trên má. Khi nhìn thấy bức chân dung của mình, ông đã nổi giận và yêu cầu phải có những vết thẹo trên mặt cùng với cái mụm cóc trên má. Ông muốn chính mình và những ngưới khác nhìn thấy con người thực sự của ông.
“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Phrisêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác! (Mt.2,27-28).
2. Tự xưng người công chính…
Sau khi cố gắng trau chuốt cho mình một hình ảnh như mong muốn, bước tiếp theo là tự xưng mình là người công chính, một cách nào đó, họ tự phong thánh cho chính mình, vì họ thấy mình thật sự tuân giữ lề luật chín chắn, không chê vào đâu được, nếu không muốn nói là hoàn hảo.
Cũng tương tự cách quảng cáo thời nay, nếu sợ đụng chạm, người ta nói chung chung về nhược điểm của cái gọi là những “sản phẩm thông thường”, rồi đưa ra những cái mà họ cho rằng đó là tính ưu việt của sản phẩm họ. “Không giống như sản phẩm thông thường, sản phẩm của chúng tôi vượt trội về… bền vững về… an toàn về… Quí vị chắc chắn không thể không hài lòng vì chất lượng sản phẩm của chúng tôi !”. Cung cách cầu nguyện của người Pha-ri-sêu này không khác gì một cách quảng cáo. Ông đã đưa vào lời cầu nguyện của mình cách tiếp thị tương tự như thế, và còn hơn như thế nữa, ông chỉ rõ người mà ông muốn so sánh: “tên thu thuế kia”.
“Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. (Lc.18,1-8).
Người Pha-ri-sêu tự thấy mình quá hoàn hảo rồi, nên chắc đâu cần Lòng Chúa Thương Xót nữa. Vì họ tốt quá rồi, Chúa phải nhìn nhận họ là người công chính thôi. Và như thế, họ nên thánh là do công trận của họ. Đó là cách nghĩ của hạng Pha-ri-sêu này.
Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào.(Mt.2,13).
3. Hai lời cầu, hai ý nghĩa.
Chúng ta thường nghe trong dân gian có những câu, như : “Bảy mươi chưa gọi mình lành”. “Nhân vô thập toàn”…
Dù là “thánh sống” cũng không đi ngược lại được thân phận yếu hèn của kiếp người. Chính vì thế, người có Đức Tin là người tin rằng mình nên “người công chính” nhờ vào Lòng Thương Xót của Chúa chứ không phải nhờ vào việc tuân giữ lề luật theo ý của riêng mình !
Tôi không làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô hiệu, vì nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hóa ra Ðức Kitô đã chết vô ích. (Gl.1,21).
Tin vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, con người biết khiêm nhường và biết cảm thông yêu mến đồng loại.
Tin vào sự đức độ của mình, con người sinh ra kiêu căng và khinh khi, xa cách anh em.
Thế nên, lời nguyện cầu dâng lên Thiên Chúa thay vì là lời Cảm Tạ, Tri Ân, người Pha-ri-sêu lại đưa ra lời tố cáo anh em. Làm sao có thể thực hiện Giới Luật Yêu Thương với cái nhìn bới móc, khinh khi đồng loại như vậy được.
“Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. (Lc.18,1-8).
Lời cầu ấy tất nhiên không được chấp nhận.
Còn người thu thuế biết hướng về nội tâm, nhận ra những thiếu sót của mình, trước khi cầu nguyện
Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” {Lc.18,13).
Nhìn lại chính mình với lòng khiêm hạ, là điều không thể thiếu trước khi cầu nguyện. Không thấy được những thiếu sót của mình, thì làm sao biết thành tâm sám hối.
Ta suy ngẫm thêm về câu chuyện này:
Nước Ngu và nước Nhuế tranh giành ruộng đất với nhau, luôn trong mấy năm không giải quyết xong. Sau cùng hai bên bảo nhau:
– Tây Bá (tên vua Văn Vương nhà Châu) là bậc nhân đức, chúng ta nên tới nhờ phân xử giúp cho.
Khi vua hai nước đi sang tới địa hạt nhà Châu, thì thấy kẻ đi cày nhường bờ ruộng cho nhau, kẻ đi đường nhường bước đi cho nhau, rồi khi vào tới trong triều, thì thấy kẻ sĩ nhường cho nhau chức đại phu, còn bậc đại phu thì nhường cho nhau chức quan khanh. Hai vua liền bảo nhau:
– Than ôi, lũ chúng ta là lũ tiểu nhân, không nên bước chân vào triều đình của bậc quân tử.
Nói đoạn cùng kéo nhau về, rồi trả lại ruộng đất cho nhau. (Khổng Tử Gia Ngữ).
Ta nhận ra rất rõ ràng, hai lời cầu nguyện, một của người Pha-ri-sêu, một của người thu thuế, mang hai ý nghĩa hoàn toàn khác biệt nhau, và kết quả cũng hoàn toàn trái ngược nhau.
Lời cầu nguyện của người Pha-ri-sêu nhằm làm vinh danh chính mình. Tôn vinh mình và hạ bệ anh em. “ tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác” (Lc.18,9).
Lời cầu nguyện của người thu thuế là lời tuyên xưng Tình Yêu Thiên Chúa. Ông nhận ra mình tội lỗi, sám hối ăn năn, và cậy trông vào Lòng Chúa Thương Xót. “xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” {Lc.18,13).
Kết quả, lời cầu kẻ hạ mình được đoái nhận, còn lời cầu kẻ tự tôn thì không.
Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên. (Lc.18,14).
Lạy Chúa,
Có những lúc con thấy mình vui quá !
Bao việc làm thành đạt đáng tự hào.
Đêm nguyện cầu giữa muôn triệu vì sao…
Con tự thấy mình là “sao” rực sáng…
Rồi có lúc nắng mưa đời phiêu lãng
Cơn bão lòng dập tắt mọi ước mơ.
Đêm bơ vơ lạc lõng phút thẩn thờ…
Con tự hỏi : đời đâu là bến mộng ?
Ôi, đáng sợ, một cõi lòng trống rỗng !
Rồi cũng qua, mọi thứ cũng nhạt nhòa…
Trong tầm tay danh vọng cõi phù hoa…
Chỉ có nghĩa khi vì Vinh Danh Chúa !
Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
________________
Bạn có thể xem thêm Bài Suy Niệm này dạng video slide trước đây: