Nhiều tác giảSuy niệm

Những Bài Giảng trong Tuần Thánh 2008 của ĐTC Benedictô XVI

Những Bài Giảng trong Tuần Thánh 2008 của ĐTC Benedictô XVI

Có tất cả sáu bài giảng đã được Đức Thánh Cha trình bày trong các buổi cử hành dịp Tuần Thánh vừa qua. Chúng tôi thu tập chung lại và sắp đặt theo trình tự thời gian để bạn đọc có dịp tìm hiểu những tư tưởng sâu sắc của Đức Thánh Cha, thể hiện những nét đặc thù trong triều Giáo Hoàng Joseph Ratzinger. Chắc chắn chính ngài đã dọn những bài giảng này cho mỗi buổi cử hành phụng vụ. Nội dung của những bài giảng này là đỉnh cao những bài giáo huấn của vị Giáo hoàng, vừa là mục tử của Giáo Hội toàn cầu, vừa là nhà thần học danh tiếng. Trong kho tàng những bài giảng của ngài, nhiều người coi đây là những kiệt tác, được so sánh với những bài giảng nổi tiếng của các Giáo Phụ lừng danh trong Giáo Hội, Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả, Thánh Ambrôsiô, Thánh Augustinô.

Sau đây là nội dung những bài giảng ấy.

CHÚA NHẬT LỄ LÁ

16 tháng Ba, 2008

Anh chị em thân mến, mỗi năm đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật Lễ Lá thuật lại cuộc tiến vào thành Giêrusalem của Chúa Giêsu. Cùng với các môn đệ của Người và một đám đông những người hành hương cứ mỗi lúc tăng theo, Người xuất phát từ đồng bằng miền Ga-li-lê về Thành Thánh. Các tác giả Tin Mừng đã thuật lại cho chúng ta ba tuyên bố của Chúa Giêsu liên quan đến Cuộc Khổ Nạn, như những bước tiến lên của Người, và qua đó cũng nói đến sự thăng tiến nội tâm mà Người đã thực hiện trong cuộc hành hương này. Chúa Giêsu tiến về đền thờ- về nơi mà Thiên Chúa, như sách Đệ Nhị Luật nói, đã chọn cho “danh Ngài ngự” (x. 12: 11; 14, 23). Thiên Chúa, Đấng tạo dựng trời đất, đã tự cho mình một tên gọi, đã tự làm cho mình được khẩn cầu; qủa thật, Người đã tự làm cho mình như được tiếp xúc với con người. Không chỗ nào có thể chứa nổi Người, nhưng chính vì lí do này mà Người đã tự cho mình một nơi chốn và một danh xưng để Người, là Thiên Chúa thật, được kính tôn như một Thiên Chúa bản vị ở giữa chúng ta. Chúng ta biết rõ từ bản tường thuật Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, Người đã yêu mến đền thờ như là nhà Cha của Người. Giờ đây Người lại thăm đền thờ này một lần nữa nhưng cuộc hành trình của Người vượt qua đền thờ ấy: đích điểm của những bước đi lên là Thánh Giá. Đó là cuộc đi lên đã được mô tả trong thư Do Thái như là cuộc tiến về căn lều không do người phàm dựng lên, nhưng do bởi Chúa, căn lều dẫn đến sự hiện diện của Thiên Chúa. Cuộc đi lên cuối cùng để gặp Chúa đi qua Thánh Giá. Đó là cuộc đi lên hướng về “tình yêu cho đến cùng” (Ga 13, 1), là ngọn núi đích thật của Thiên Chúa, là nơi xác định cho sự tiếp xúc giữa Thiên Chúa và con người.

Trong khi Người vào Giêrusalem, dân chúng tôn vinh Chúa Giêsu như là Con Vua Đavít, với những lời của những người hành hương trong Thánh vịnh 118: “Hoan hô Con Vua Đavít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời!” (Mt 21, 9). Và rồi Người tiến vào đền thờ. Tuy nhiên ở đó, ở nơi đáng lẽ đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người thì Người lại thấy những kẻ buôn bán súc vật và những người đổi tiền chiếm dụng nơi cầu nguyện này cho việc kinh doanh của họ. Chắc chắn những con vật để bán sẽ được thiêu đốt làm của lễ trong đền thơ; và cũng bởi vì ở trong đền thờ nên người ta không thể sử dụng những đồng tiền mang hình các hoàng đế Rôma, là những người chống lại Thiên Chúa đích thực, nên họ đã phải đổi những đồng tiền không mang hình ảnh ngẫu tượng. Tuy nhiên, tất cả những điều này đáng lẽ đã phải diễn ra ở một nơi khác: nơi đang xảy ra đây, theo mục đích đã được ấn định cho nó là lối vào các dân ngoại. Quả thật, Thiên Chúa của Israel đích thực là một Thiên Chúa của mọi dân tộc. Và mặc dù có thể nói các dân ngoại đã không tin vào Mặc Khải, nhưng họ vẫn có thể liên kết trong lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa qua cửa ngõ của niềm tin. Thiên Chúa Israel, vị Thiên Chúa của mọi dân tộc cũng luôn luôn chờ đợi lời cầu nguyện của họ, sự tìm kiếm của họ, lời khẩn nài của họ. Thay vào đó, việc buôn bán lại chiếm ưu thế – những việc trao đổi đã được hợp phép hoá bởi giới chức có thẩm quyền, mà chính nó đã lợi dụng từ việc kiếm chác của các những người buôn bán này. Những người buôn bán đã hành động một cách hợp pháp, tuân theo luật pháp hiện hành, nhưng chính luật pháp lại thối nát. “Sự tham lam…là ngẫu tượng”, thư gửi tín hữu Cô-lô-xê nói thế (3, 5). Đây là ngẫu tượng mà Chúa Giêsu đến để công kích và Người trưng dẫn I-sai-a: “Nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện” (Mt 21, 13; x. Is 56, 7), và Giê-rê-mi-a: “Nhưng các ngươi biến thành hang trộm cướp” (Mt 21, 13; x. Gr 7, 11). Chống lại mệnh lệnh được cắt nghĩa sai trái, Chúa Giêsu với hành động mang tính ngôn sứ, bảo vệ trật tự đích thực đã ghi trong Lề Luật và Các Tiên Tri.

Hôm nay, tất cả những điều trên phải đem đến cho chúng ta là các Kitô hữu, lương thực để suy nghĩ. Đức tin của chúng ta có đủ tinh tuyền và mở rộng để thoát bỏ khỏi nó chất “dân ngoại”? Dân chúng hôm nay đang đi tìm kiếm và đặt ra những vấn nạn, họ có thể trực giác được ánh sáng của vị Thiên Chúa duy nhất, có thể kết hợp lại trong những nẻo đường niềm tin, với lời cầu nguyện của chúng ta và với những vấn nạn nêu ra đó, cũng có thể trở thành những người tôn thờ Thiên Chúa? Việc nhận thức rằng lòng tham là ngẫu tượng có đi vào tâm hồn chúng ta và đi vào việc thực hành đời sống của chúng ta không? Có lẽ chúng ta lại không để cho các ngẫu tượng, bằng cách này hay cách khác, len lỏi cả vào sinh hoạt đức tin của chúng ta? Chúng ta có sẵn sàng để cho mình không ngừng được Chúa thanh tẩy, và để cho Người xua đuổi khỏi chúng ta và Giáo Hội tất cả những gì trái nghịch với Người?

Tuy nhiên trong việc thanh tẩy đền thờ, một vấn đề khác còn quan trọng hơn là việc chống lại những lạm dụng. Một thời gian mới trong lịch sử đã được báo trước. Điều Chúa Giêsu đã giảng giải cho người phụ nữ Samarianô liên quan đến câu hỏi của bà về sự thờ phượng đích thực, giờ đây đang bắt đầu: “Giờ đang đến, và lúc này đây, những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, vì Chúa Cha tìm kiếm những người thờ phượng như thế” (Ga 4, 23). Giờ mà các con vật được sát tế cho Thiên Chúa đã chấm dứt. Hy tế bằng các con vật chỉ là một sự thay thế, một hành vi quá khứ tìm tòi con đường đích thực để thờ phượng Thiên Chúa. Thư gửi tín hữu Do thái nói về đời sống và công việc của Chúa Giêsu, đãả­ dụng một câu trong Thánh vịnh 40: “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế nhưng đã chuẩn bị cho con một thân thể” (Dt 10, 5). Thân thể Chúa Kitô, là chính Chúa Kitô đến để thay thế các hy tế bằng máu và các lễ vật bằng lương phẩm. Chỉ có“tình yêu cho đến cùng”, chỉ tình thương dành cho nhân loại được hiến trọn cho Thiên Chúa mới là sự thờ phượng đích thực, hy tế đích thực. Thờ phượng trong tinh thần và chân lý nghĩa là thờ phượng với Đấng là Sự Thật, thờ phượng hiệp thông với Thân Mình Người, trong đó Chúa Thánh Thần hợp nhất chúng ta.

Các tác giả tin mừng thuật lại rằng những chứng gian đưa ra chống lại Chúa Giêsu đã qủa quyết Chúa nói: “Tôi có thể phá huỷ đền thờ Thiên Chúa, và sẽ xây dựng lại trong ba ngày” (Mt 26, 11). Đứng trước Chúa Kitô đang bị treo trên thập giá, một số kẻ thách thức Người cũng nhắc đến những lời đó: “Mi là kẻ có thể phá huỷ đền thờ và xây dựng lại trong ba ngày, hãy tự cứu mình đi!” (Mt 27, 40). Bản văn chính xác về những lời Chúa Giêsu nói đã được thánh Gioan truyền lại cho chúng ta trong trình thuật về việc thanh tẩy đền thờ. Đáp lại đòi hỏi bằng một dấu chỉ để Chúa Giêsu có thể biện minh cho một hành động như thế, Người đáp lại: “Hãy phá huỷ đền thờ này đi, và trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2, 18 tt). Thánh Gioan thêm rằng khi suy nghĩ lại biến cố Phục sinh, các môn đệ mới hiểu rằng Chúa Giêsu đã ám chỉ Đền Thờ là Thân Mình của Người (x. 2, 21 tt). Không phải Chúa Giêsu phá huỷ đền thờ; nó bị để cho tàn phá bởi thái độ của những người biến nó, từ một nơi để gặp gỡ giữa các dân tộc với Thiên Chúa thành một “hang trộm cướp”, một nơi buôn bán. Vẫn luôn như vậy, bắt đầu với sự sa ngã của A-đam, sự sa ngã của nhân loại trở thành một cơ hội cho chúng ta phó thác hơn vào tình yêu Thiên Chúa. Giờ của đền thờ được xây bằng đá, giờ hiến tế các súc vật giờ đây đã qua đi: sự việc Chúa đuổi những người buôn không chỉ loại bỏ được sự lạm dụng mà còn hướng tới Thiên Chúa một cách thức thờ phượng mới: đền thờ mới được hoàn thành: chính Chúa Giêsu Kitô, nơi Người tình yêu của Thiên Chúa đổ tràn trên nhân loại. Bằng sự sống của Người, Người là đền thờ mới và sống động. Người đã đi qua Thánh Giá và đã phục sinh là không gian sống động cho tinh thần và sự sống nơi đó hình thái thờ phượng đích thực được thực hiện. Như thế, việc thanh tẩy đền thờ, như đỉnh cao của cuộc tiến vào thành Giêrusalem của Chúa Giêsu cũng đồng thời là một dấu chỉ về sự tiêu vong tiềm ẩn một công trình và lời hứa về Đền Thờ mới, một lời hứa về vương quốc của sự hoà giải và tình yêu mà khi hiệp thông với Chúa Kitô sẽ được thiết lập vượt qua mọi biên giới.

Thánh Mát-thêu mà Tin Mừng chúng ta sẽ nghe trong năm nay, đề cập vào cuối bản trình thuật về Chúa Nhật Lễ Lá, sau việc thanh tẩy đền thờ hai chi tiết nhỏ khác mà một lần nữa lại mang một đặc tính tiên tri và đồng thời soi sáng cho chúng ta biết ý định thực sự của Chúa Giêsu. Ngay sau những lời của Chúa Giêsu về ngôi nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc, tác giả Tin Mừng tiếp tục: “Có những kẻ mù loà và què quặt đến với Người trong đền thờ, và Người đã chữa họ lành”. Thêm nữa, Mát-thêu còn nói với chúng ta rằng các trẻ em reo hò trong đền thờ cùng với những lời tung hô của những người hành hương tại các cổng thành: “Hoan hô Con Vua Đavít” (Mt 21, 14 tt). Chúa Giêsu xua trừ việc mua bán thú vật và đổi tiền bằng thiện tâm chữa lành. Đây là việc thanh tẩy đền thờ đích thực. Người không đến như là một kẻ phá hoại, Người không đến với lưỡi gươm của một kẻ làm cách mạng. Người đến với ân huệ chữa lành. Người hiến thân cho những ai vì những đau đớn bệnh tật phải lê lết cho đến hết cuộc đời, và cho những ai bị gạt ra ngoài lề xã hội. Chúa Giêsu tỏ bày Thiên Chúa như là một Đấng yêu thương, và quyền năng của Người như là quyền năng tình yêu. Như thế, Người dạy chúng ta điều luôn luôn đúng về sự thờ phượng Thiên Chúa đích thực: chữa lành, phục vụ và thiện tâm săn sóc.

Và lại có nhiều trẻ em tung hô Chúa Giêsu là con Vua Đavít và reo hò chúc tụng Người. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Người rằng để vào Nước Thiên Chúa điều cốt yếu là phải trở nên như trẻ nhỏ. Chính Người, Đấng ôm lấy trọn vẹn thế giới, đã làm cho mình trở nên bé nhỏ để đến giúp đỡ chúng ta, lôi kéo chúng ta về với Thiên Chúa. Để nhận biết Thiên Chúa, chúng ta phải từ bỏ sự kiêu hãnh làm chúng ta choá mắt, nó muốn lôi kéo chúng ta khỏi Thiên Chúa như thể Thiên Chúa là đối thủ của chúng ta. Để gặp Thiên Chúa cần phải có thể nhìn bằng con tim. Chúng ta phải học để nhìn với một tâm hồn trẻ thơ, với một tâm hồn tươi trẻ không bị che khuất bởi những thành kiến hoặc bị đui mù vì những lợi lộc. Như thế, chính trong những người bé mọn, những người có được tâm hồn tự do và rộng mở để nhận biết Chúa Giêsu, mà Giáo Hội nhận ra hình ảnh của mình, hình ảnh của những người tin thuộc mọi thời đại.

Các bạn thân mến, giờ phút này chúng ta hãy kết nhập vào đoàn rước của những người trẻ thời đó – một cuộc rước lượn vòng đi qua toàn bộ lịch sử. Cùng với các bạn trẻ trên toàn thế giới chúng ta hãy đi đến gặp Chúa Giêsu. Chúng ta hãy tự để cho mình được Người hướng dẫn để đến với Thiên Chúa, để học hỏi từ chính Thiên Chúa con đường đích thật để là con người. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa cùng với Người, bởi vì nhờ Chúa Giêsu con Vua Đavít, Người đã ban cho chúng ta một không gian bình an và sự hoà giải ôm trọn lấy thế giới với Bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy cầu nguyện với Người, để chính chúng ta cũng trở nên cùng với Người và bắt đầu từ Người, những sứ giả xây dựng hoà bình, những người thờ phượng trong tinh thần và sự thật, để nước Người được tăng triển trong chúng ta và chung quanh chúng ta. Amen.

THỨ NĂM TUẦN THÁNH: THÁNH LỄ TRUYỀN DẦU

20 tháng Ba, 2008

Anh chị em thân mến, mỗi năm Thánh lễ Truyền Dầu thúc giục chúng ta trở về với tiếng “vâng” đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, tiếng vâng mà chúng ta đã thưa trong ngày lãnh chức linh mục. “Adsum- con đây!”, như tiên tri I-sai-a nói khi ông nghe tiếng Chúa gọi: “Ta sẽ sai ai? Ai sẽ đi cho Ta?”, I-sai đáp lại: “Con đây, xin hãy sai con” (Is 6, 8). Và chính Chúa, qua bàn tay của Đức Giám Mục, đặt tay của Người trên chúng ta để chúng ta hiến thân cho sứ mệnh của Người. Từ đó, chúng ta vượt qua muôn nẻo đường bước theo tiếng gọi của Người. Chúng ta có được như ông Phaolô, người mà sau nhiều năm vất vả phục vụ Tin Mừng, chịu nhiều đau khổ đủ loại, đã viết cho tín hữu Cô-rin-tô: “Bởi thế, vì Thiên Chúa đoái thương giao cho chúng tôi công việc phục vụ, nên chúng tôi không sờn lòng nản chí” (2 Cr 4, 1)? “Chúng tôi không sờn lòng nản chí.” Hôm nay chúng ta cũng hãy cầu nguyện để lòng nhiệt thành của chúng ta luôn được đốt cháy, để nó luôn được nuôi dưỡng bởi ngọn lửa sống động của Tin Mừng.

Thứ Năm Tuần Thánh cũng còn là một dịp để một lần nữa chúng ta tự hỏi: chúng ta nói tiếng “vâng” đáp lại điều gì? “Là linh mục của Chúa Giêsu Kitô” nghĩa là gì? Kinh Nguyện Thánh Thể II, có lẽ được soạn thảo tại Rô-ma trước khi thế kỉ thứ hai kết thúc, diễn tả bản chất của sứ vụ linh mục với những lời mà sách Đệ Nhị Luật (18, 5, 7) cũng đã đề cập đến bản chất của chức tư tế trong Cựu Ước: astare coram te et tibi ministrare (ứng trực và phụng sự Chúa). Có hai chức năng xác định bản chất của chức linh mục thừa tác: trước hết là “đứng trước Chúa.” Theo sách Đệ Nhị Luật, điều này phải được giải thích trong bối cảnh của của sự phân phối của cải thời trước, theo đó, các tư tế không nhận bổng lợi nào của Đất Thánh- họ sống bởi Chúa và cho Chúa. Họ không tham gia vào những công việc độ nhật thường ngày. Công vụ của họ là “ứng trực trước nhan Chúa”- nghĩa là chăm chú nhìn lên Chúa, sống cho Chúa. Tóm lại, cách dụng ngữ trên chỉ định một đời sống đắm chìm trong sự hiện diện của Chúa cùng với một sứ vụ là đại diện cho tha nhân. Cũng như những người canh tác đất đai để nhờ đó tư tế có thể sống còn, thì tư tế phải giữ cho giữ cho thế giới này luôn hướng về Thiên Chúa, chính họ phải hướng lòng lên Người. Nếu những lời này hôm nay được đặt trong Kinh Nguyện Thánh Thể ngay sau phần thánh hiến các lễ vật, nối tiếp đoạn Chúa hiện diện giữa cộng đoàn đang quy tụ để cầu nguyện, thì nó chỉ cho chúng ta thấy việc đứng đó là đứng trước Chúa đang hiện diện, nghĩa là, trước Thánh Thể, trọng tâm của đời sống linh mục. Nhưng dẫu vậy, ý nghĩa này còn mở rộng hơn nữa. Trong bài thánh thi của các giờ kinh Phụng vụ về Mùa Chay dẫn nhập vào giờ kinh sách- giờ kinh mà các đan sĩ thường cầu nguyện với Chúa vào ban đêm, thay cho mọi người- một trong các việc thực hành của Mùa Chay được đưa ra theo cách truyền lệnh: arctius perstemus in custodia- chúng ta hãy nhiệt tâm canh thức. Theo truyền thống đan viện Sy-ri-a, các đan sĩ được mô tả như “những người đứng trên đôi chân của mình”; đứng thẳng chân là cách thể hiện sự canh thức. Điều được coi như là phận vụ riêng của các đan sĩ thì cũng được nhìn nhận một cách hợp lí khi áp dụng cho sứ vụ linh mục, đúng như những lời trong sách Đệ Nhị Luật: linh mục phải là người canh thức. Ngài phải đứng để bảo vệ chống lại những thế lực mạnh mẽ của sự ác. Ngài phải canh giữ cho thế giới này luôn thức tỉnh hướng về Chúa. Ngài phải là người đứng thẳng trên chân mình: cương trực trước mọi dòng thời gian. Chính trực trong sự thật. Trung trực trong lời kết ước thực thi điều thiện. Ứng trực trước nhan Chúa, tự sâu thẳm của tư thế này cũng có nghĩa là nâng mọi người về với Chúa, là Đấng sẽ nâng tất cả mọi người chúng ta lên với Chúa Cha. Đó phải là sự nâng cao chính Người, chính Chúa Kitô, Lời Người, sự thật của Người, tình yêu của Người. Linh mục phải cương trực, không bị dao động, phải sẵn sàng chịu cả những sự xúc phạm vì Chúa, như được thuật lại trong sách Công Vụ Tông Đồ: họ “hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu” (5, 41).

Giờ đây chúng ta tiếp tục tìm hiểu ý nghĩa thứ hai mà Kinh Nguyện Thánh Thể II lấy từ Cựu Ước- “Ứng trực trước nhan Chúa và phụng sự Chúa.” Linh mục phải là một người chính trực và tỉnh thức, một người đứng thẳng. Cộng thêm vào những đức tính này nữa là sự phục vụ. Theo bản văn của Cựu ước, từ ngữ này có một ý nghĩa chủ yếu theo nghi thức: vị tư tế phải chịu trách nhiệm về tất cả hành vi thờ phượng đã được Lề Luật quy định. Nhưng việc hành động theo nghi thức này dần dần được xếp loại như việc phục vụ, như một phận vụ phải thi hành, và điều này dẫn giải cho những công việc trên phải được thực hiện tinh thần nào này. Với việc đưa vào cách diễn tả “phục vụ” trong Kinh Nguyện Thánh Thể, ý nghĩa phụng vụ của từ ngữ được thích ứng một cách thức nào đó- để phù hợp với sự mới mẻ của phụng vụ Kitô giáo. Công việc vị linh mục làm trong khi cử hành Thánh Thể là phục vụ, và là việc phục vụ Thiên Chúa và phục vụ con người. Sự thờ phượng mà Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha là hiến dâng mình cho đến cùng, vì phần rỗi con người. Linh mục phải tự đặt mình vào trong việc thờ phượng này, trong việc phục vụ này. Như thế, cách diễn tả “phục vụ” bao hàm nhiều chiều kích. Chắc chắn điều đầu tiên trong những chiều kích này là việc cử hành đúng đắn phụng vụ và các Bí tích nói chung, được thực hiện với sự tham dự nội tâm. Chúng ta phải học để mỗi ngày hiểu hơn phụng vụ thánh trong tất cả bản chất của nó, học để phát triển sự quen thân sống động với nó, để nó trở thành linh hồn của đời sống thường ngày. Chỉ khi đó chúng ta mới cử hành một cách đúng nghĩa, chính lúc đó mới tỏ hiện tất cả ars celebrandi, nghi thức cử hành. Không được có gì là giả tạo trong nghệ thuật này. Nếu Phụng Vụ là một trách nhiệm chính yếu của linh mục thì điều này cũng có nghĩa là cần phải đặt ra sự ưu tiên dành để học hỏi liên tục, tiếp cận mới và sâu xa hơn cách thế cầu nguyện, trong trường học của Chúa Giêsu Kitô và của các thánh trong mọi thời đại. Bởi vì phụng vụ Kitô giáo, tự bản chất vẫn luôn luôn là một lời loan báo, chúng ta phải là những con người thiết thân với lời Chúa, yêu mến lời Chúa và sống lời Chúa: chỉ khi đó chúng ta mới có thể cắt nghĩa lời Chúa một cách xứng hợp. “Phụng sự Chúa”- việc phục vụ của linh mục cũng có nghĩa là học biết Chúa trong lời của Người, và làm cho tất cả những ai Người đã uỷ thác cho ta được nhận biết Người.

Cuối cùng, có hai khía cạnh khác liên quan đến việc phục vụ. Không ai gần cận người chủ của mình hơn người tôi tớ, là kẻ có thể đi vào không gian riêng tư nhất trong đời sống của ông. Theo nghĩa này, “phục vụ” nghĩa là sự gần gũi, nó đòi hỏi sự thân tình. Nhưng sự thân tình này cũng có thể đưa đến một mối nguy: đó là sự tiếp xúc thường xuyên của chúng ta với điều thánh thiêng có thể gây cho chúng ta nhàm chán. Sự kính sợ biến mất. Với ảnh hưởng của thói quen, chúng ta không còn cảm nhận một biến cố cao trọng, mới mẻ, lạ lùng, là chính Người đang hiện diện, chính Người nói với chúng ta, chính Người tự hiến cho chúng ta. Chúng ta phải không ngừng chống lại sự hoá nhàm đối với thực tại ngoại thường này, chống lại sự dửng dưng của con tim, để luôn nhìn lại sự bất xứng của chúng ta và ân huệ đang diễn ra trong việc Người tự giao nộp vào bàn tay của chúng ta theo thể thức này. Phụng sự có nghĩa là gần gũi, nhưng trên hết là sự tuân phục. Người tôi tớ làm theo các mệnh lệnh: “Không phải theo ý con nhưng theo ý Cha” (Lc 22, 42). Với những lời này trên núi Ôliu, Chúa Giêsu dứt khoát đối đầu với tội lỗi, chống lại sự phản loạn của con tim hư hỏng. Tội của Ađam chủ yếu hệ tại việc ông ta đã muốn làm theo ý mình, chứ không theo ý Thiên Chúa. Cám dỗ của nhân loại luôn là muốn hoàn toàn tự lập, muốn chỉ theo ý riêng mình và muốn mãi như thế để được hoàn toàn tự do; chỉ theo sự tự do vô giới hạn như thế con người mới trọn vẹn là mình. Nhưng như vậy, chúng ta đã đặt mình chống lại sự thật. Bởi vì sự thật là chúng ta phải chia sẻ sự tự do của chúng ta với người khác và chúng ta chỉ tự do khi hiệp thông với người khác. Sự tự do được chia sẻ này chỉ có thể trở nên sự tự do đích thực nếu qua việc này chúng ta đi vào ý muốn của Thiên Chúa, chấp nhận những gì cấu thành mức độ của tự do. Sự tự do nền tảng này là một phần của hiện hữu con người, một sự hiện hữu không chỉ thuộc về nó và cho chính nó, càng ngày càng trở nên cụ thể trong linh mục: chúng ta không rao truyền chính chúng ta, nhưng chính Chúa và lời của Người, những gì chúng ta không thể tự ý tưởng tượng ra. Chúng ta chỉ loan truyền lời Chúa Kitô một cách đúng đắn khi thông hiệp với Thân Mình của Người. Sự tuân phục của chúng ta là tin cùng với Giáo Hội, suy nghĩ và nói năng cùng với Giáo Hội, phục vụ cùng với Giáo Hội. Điều này luôn bao hàm lời Chúa Giêsu đã nói với ông Phêrô: ‘Một người khác sẽ dẫn con đến nơi con chẳng muốn’. Được dẫn đến nơi chúng ta chẳng muốn đến là một khía cạnh căn bản của sự phục vụ, và chính điều này làm cho chúng ta được tự do. Được dẫn đi theo cách thế đó, có thể trái với chính tư tưởng và kế hoạch của chúng ta, nhưng chúng ta cảm nhận điều mới mẻ- sự phong phú của tình yêu Thiên Chúa.

“Ứng trực trước nhan Chúa và phụng sự Chúa”: Chúa Giêsu Kitô, vị Linh Tục Tối Cao thật sự của trần gian đã đem đến cho những lời này tính sâu thẳm mà trước đó người ta không thể hình dung được. Người vừa là Con vừa là Chúa, đã muốn trở thành người tôi tớ Thiên Chúa theo lối nhìn của sách tiên tri Isaia đã phác hoạ. Người đã muốn trở thành tôi tớ của tất cả mọi người. Người đã diễn tả tính toàn diện của chức linh mục tối cao trong cử chỉ rửa chân. Với hành vi yêu thương cho đến cùng, Người rửa sạch các bàn chân dơ bẩn; với sự khiêm hạ trong việc phục vụ, Người thanh tẩy chúng ta khỏi căn bệnh tự phụ. Như thế Người làm cho chúng ta có thể trở nên bạn hữu củaThiên Chúa. Người đã bước xuống, và sự đi lên đích thực của con người giờ đây được thực hiện trong việc chúng ta đi lên cùng với Người và tiến đến với Người. Sự nâng lên của Người là Thánh Giá. Đây là sự tự hạ sâu thẳm nhất, và, cũng như tình yêu được đẩy đến cực độ, thì đồng thời đó cũng là đỉnh cao của sự đi lên, của việc “nâng cao” con người. “Ứng trực trước nhan Chúa và phụng sự Chúa”- điều này giờ đây có nghĩa là bước vào lời mời gọi của Người như người tôi tớ của Thiên Chúa. Như vậy, Bí tích Thánh Thể như là sự hiện thực của việc bước xuống và nâng lên của Chúa Kitô, sẽ vượt ra ngoài chính nó để quy về nhiều cách thức phục vụ bằng tình yêu thương người đồng loại. Ngày hôm nay chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn để có thể một lần nữa thốt lên tiếng “vâng” theo nghĩa đó để đáp lại lời mời gọi của Người: “Con đây. Lạy Chúa xin hãy sai con” (x. Is 6, 8). Amen.

THỨ NĂM TUẦN THÁNH: THÁNH LỄ TIỆC LI

20 tháng Ba, 2008

Anh chị em thân mến, Thánh Gioan bắt đầu bản tường thuật về cách Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ của Người, với ngôn ngữ thật long trọng và mang đặc tính phụng vụ: “Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (13, 1). “Giờ” của Chúa Giêsu đã đến, giờ mà tất cả hoạt động của Người hướng đến từ ban đầu. Thánh Gioan diễn tả những gì làm nên nội dung của giờ này bằng hai từ ngữ: “cởi bỏ” (metabainein, metabasis) và “agape”- tình yêu. Hai từ này giải thích cho nhau; cả hai cùng diễn tả cuộc Vượt qua của Chúa Giêsu: thập giá và sự phục sinh, nhục hình chịu đóng đinh như là sự dương lên cao, như “cuộc vượt qua” cho vinh quang của Thiên Chúa, như một sự “thoát bỏ” khỏi thế gian để về với Chúa Cha. Không phải Chúa Giêsu chỉ ra đi và trở lại với Chúa Cha như sau một chuyến viếng thăm ngắn ngủi ở trần gian. Sự vượt qua này là một cuộc biến đổi. Người mang theo thân xác của Người, hiện hữu nhân tính của Người. Khi tự hiến trên Thánh Giá, Người được tan hoà và biến đổi theo một cách thế hiện diện mới, để Người ở mãi với Chúa Cha và đồng thời ở với loài người. Người biến đổi Thánh Giá, là hành động giết chóc, thành một hành vi tự hiến, hành vi yêu thương cho đến cùng. Với cách diễn đạt này, “cho đến cùng,” Thánh Gioan gợi ý trước cho những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên Thánh Giá: tất cả đi đến câu kết thúc, “Thế là đã hoàn tất” (19, 30). Qua tình yêu của người, Thánh Giá trở nên “metabasis,” biến đổi con người thành con người dự phần vào vinh quang của Thiên Chúa. Trong cuộc biến đổi này, Người ôm trọn tất cả chúng ta, đưa dẫn chúng ta đi vào quyền năng biến đổi của tình yêu Người, tới một mức độ là hiện hữu của chúng ta kết hợp với người, cuộc đời chúng ta trở nên một “cuộc vượt qua,” một cuộc biến đổi. Chúng ta đón nhận ơn cứu chuộc là như thế- trở nên những người dự phần vào tình yêu vĩnh cửu, một điều kiện mà tất cả cuộc đời chúng ta nỗ lực hướng tới.

Tiến trình cốt yếu trong giờ của Chúa Giêsu được thể hiện trong việc rửa chân, một hành vi tiên tri mang tính biểu tượng. Trong đó, Chúa Giêsu diễn tả thành một hành động cụ thể, điều mà bài ca giàu tính Kitô học của thư gửi tín hữu Phi-lip-phê trình bày như nội dung mầu nhiệm Chúa Kitô. Chúa Giêsu cởi bỏ áo ngoài của vinh quang, Người thắt vào chính Người “tấm khăn” của nhân loại, và trở nên một nô lệ. Người rửa những bàn chân dơ bẩn của các môn đệ và như vậy Người ban cho họ được thông phần vào bữa tiệc thần linh mà người mời họ đến dự. Tắm rửa bên ngoài để thờ phượng chỉ tẩy rửa con người theo nghi lễ, nhưng vẫn để con người nguyên như cũ, đã được thay thế bằng phép tẩy rửa mới: Người làm cho chúng ta nên thanh sạch qua lời và tình yêu của Người, qua ân sủng là chính Người. “Các con đã đựơc cắt tỉa nhờ lời Thầy nói với các con,” Người nói với các môn đệ trong diễn từ về cây nho (Ga 15, 3). Người lại tiếp tục rửa chân cho chúng ta bằng chính lời của Người. Vâng, nếu chúng ta đón nhận lời Chúa Giêsu bằng thái độ suy niệm, cầu nguyện và đức tin, những lời đó sẽ phát tỏa năng lực thanh tẩy trong chúng ta. Ngày nối tiếp ngày, chúng ta như bị phủ lấp bởi nhiều loại ô uế khác nhau, những lời nói rỗng tuếch, những thành kiến, những kiểu khôn ngoan vụn vặt, trí trá; nhiều hình thức giả dối che đậy hoặc công khai tiếp tục thấm sâu vào nội tâm của chúng ta. Tất cả những điều này làm mờ tối và ô uế tâm hồn chúng ta, gây nguy cơ làm cho chúng ta không thể đón nhận sự thật và sự thiện. Nếu chúng ta đón nhận những lời của Chúa Giêsu với một tâm hồn chăm chú thì những lời này tỏ rõ như là những cuộc tẩy rửa đích thực, thanh tẩy tâm hồn, thanh tẩy con người bên trong. Đây chính là điều mà Tin Mừng về việc rửa chân mời gọi chúng ta: hãy để cho mình luôn được rửa lại bằng nguồn nước tinh tuyền này, hãy để cho mình được biến thành mối hiệp thông thân tình với Chúa và anh em của chúng ta. Tuy nhiên, từ cạnh sườn của Chúa Giêsu, sau khi bị người lính đâm thâu, trào vọt ra không chỉ có nước mà còn cả máu nữa (Ga 19, 34; x.1 Ga 5, 6, 8). Chúa Giêsu không chỉ nói, Người không chỉ để lại cho chúng ta lời nói. Người tận hiến. Người rửa sạch chúng ta bằng sức mạnh chí thánh là máu Người, nghĩa là trao hiến “cho đến cùng,” cho đến đón nhận Thánh Giá. Lời của Người còn hơn là văn tự đơn thuần; đó là thịt và máu “cho sự sống trần gian” (Ga 6, 51). Trong bí tích Thánh Thể, Chúa lại quỳ gối trước đôi bàn chân của chúng ta và rửa sạch chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Người để sự tẩy sạch thánh thiện bằng tình yêu của Người được thấm sâu vào trong chúng ta hơn nữa, hầu chúng ta được thanh tẩy thực sự.

Nếu chúng ta chăm chú lắng nghe Tin Mừng, chúng ta có thể khám phá hai khía cạnh trong đoạn nói về rửa chân. Việc rửa chân mà Chúa Giêsu thực hiện cho các môn đệ Người trước hết chính là hành động của Người- ơn thanh tẩy, để “có thể đón nhận Chúa” được ban cho họ. Nhưng ơn huệ đó còn trở nên một kiểu mẫu, một phận vụ để cũng làm như vậy đối với nhau. Các Giáo phụ giải thích khía cạnh hai mặt của việc rửa chân bằng những từ ngữ “sacramentum” (bí tích) và “exemplum” (gương mẫu). Trong bối cảnh này, “sacramentum” không chỉ về một trong bảy bí tích, nhưng chỉ về mầu nhiệm Chúa Kitô trong toàn thể, từ nhập thể đến thập giá và sống lại: tính toàn thể này trở thành quyền năng chữa lành và thánh hoá, quyền năng biến đổi cho con người, nó trở nên “metabasis” của chúng ta, sự biến đổi giúp chúng ta bước vào một hình thức hiện hữu mới, hướng mở về Thiên Chúa và hiệp thông với Người. Nhưng cách hiện hữu mới này, không do công trạng của chúng ta, Người chỉ ban cho chúng ta để nó được biến thành động năng cho một đời sống mới trong chúng ta. Tính toàn thể của ơn ban và gương mẫu mà chúng ta tìm thấy trong đoạn nói về việc rửa chân là đặc trưng cho bản chất của Kitô giáo nói chung. So với chủ thuyết luân lí, Kitô giáo còn vượt xa hơn và khác biệt hơn. Hoạt động của chúng ta, nội dung luân lí của chúng ta không được đặt ra từ buổi đầu. Kitô giáo trước hết là một ơn ban: Thiên Chúa hiến thân cho chúng ta- Người không ban cho chúng ta một điều gì đó, nhưng ban chính mình Người. Và điều này không chỉ xảy ra vào lúc đầu, vào lúc chúng ta hoán cải mà thôi. Người vẫn còn là Đấng trao ban. Người luôn ban cho chúng ta những ân huệ mới. Người luôn đi trước chúng ta. Vì lí do đó mà việc cử hành trung tâm của Kitô hữu là Bí tích Thánh Thể: biết ơn vì đã được thoả mãn, hân hoan vì sự sống mới mà Người trao ban.

Mặc dù là như thế, chúng ta không thể mãi là những người đón nhận thụ động những điều thiện hảo của Thiên Chúa. Thiên Chúa ban ơn cho chúng ta như những đối tác cá nhân và sống động. Tình yêu được trao ban là động năng của việc “yêu thương nhau,” nhằm hướng đến một sự sống mới trong chúng ta, xuất phát từ Thiên Chúa. Như thế chúng ta hiểu những lời mà ở phần cuối trình thuật rửa chân, Chúa Giêsu nói với các môn đệ Người và với tất cả chúng ta: “Thầy ban cho các con một giới răn mới: Hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, các con cũng phải yêu thương nhau” (Ga 13, 34). “Giới răn mới” không hệ tại một tiêu chuẩn mới và khó khăn, một điều đã không hiện hữu trước đó. Giới răn mới hệ tại việc yêu thương nhau với Người, Đấng đã yêu chúng ta trước. Đây cũng là cách chúng ta phải hiểu Bài Giảng Trên Núi. Điều này không có nghĩa là vào thời đó Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta những nguyên tắc mới, tượng trưng cho những đòi hỏi của một thuyết nhân bản cao hơn với thuyết trước đây. Bài Giảng Trên Núi là một hành trình rèn luyện để nên đồng hình đồng dạng với những tâm tình của Chúa Kitô (x. Pl 2, 5), một hành trình thanh tẩy nội tâm hướng chúng ta đến việc cùng với Người sống chung với nhau. Thực tại mới là ân huệ dẫn chúng ta đi vào tâm thức của Chúa Kitô. Nếu nhìn nhận điều này chúng ta sẽ nhận ra đời sống chúng ta còn cách xa biết bao với thực tại mới này của Tân Ước; việc làm gương sống yêu thương, hiệp thông với tình yêu của Người mà chúng ta gửi đến cho nhân loại còn nhỏ bé biết bao. Như vậy chúng ta mắc nợ nhân loại một bằng chứng về tính khả tín của sự thật Kitô giáo, được thể hiện trong tình yêu. Chính vì lý do này chúng ta ước muốn cầu nguyện với Chúa nhiều hơn để làm cho chúng ta qua sự thanh tẩy của Người, được thành tín hơn trong giới răn mới.

Trong Tin Mừng về việc rửa chân, cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Phêrô lại trình bày một chi tiết khác nữa về việc thực hành đời sống Kitô giáo, mà kết cuộc chúng ta cần phải chú tâm. Vào lúc trước đó, ông Phêrô đã không muốn cho Chúa rửa chân cho mình: việc đảo lộn trật tự này, nghĩa là vị Thầy, Chúa Giêsu phải rửa chân, nghĩa là vị Thầy phải thực hiện việc phục vụ của một kẻ nô lệ, lại hoàn toàn tương phản với việc tôn kính của ông dành cho Chúa Giêsu, theo quan niệm của ông về mối tương quan giữa Thầy và môn đệ. “Thầy sẽ chẳng bao giờ rửa chân cho con,” ông nói với Chúa Giêsu một cách bộc trực thông thường (Ga 13, 8). Đây cũng là chính tâm thức mà sau lần tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa ở Xê-da-rê-a Phi-lip-phê, đã thúc đẩy Phêrô chống lại Chúa Giêsu khi Người báo trước sự thương khó và thập giá của Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy,” ông Phêrô tuyên bố một cách rõ ràng, dứt khoát (Mt 16, 22). Quan niệm của ông về Đấng Mêsia bao gồm một hình ảnh uy nghiêm, một vẻ cao trọng thần linh. Ông cần phải luôn luôn học biết rằng sự cao trọng của Thiên Chúa khác với quan niệm của chúng ta về sự cao cả; điều này hệ tại sự đi xuống, trong sự khiêm tốn phục vụ, trong sự triệt để của tình yêu đến mức hoàn toàn tự hiến. Và cả chúng ta cũng phải luôn học lại điều này, bởi vì chúng ta ước muốn một cách hệ thống vị Thiên Chúa của thành công, chứ không phải của Khổ Nạn; bởi vì chúng ta không thể hiểu được rằng vị Mục Tử đến như một Con Chiên tự hiến, và chính nhờ vậy dẫn chúng ta đến đồng cỏ đích thực.

Khi Chúa nói với ông Phêrô rằng nếu không rửa chân ông sẽ chẳng bao giờ được dự phần với Người, ông Phêrô mau mắn và mạnh mẽ yêu cầu được rửa đầu và tay nữa. Điều này được nối tiếp theo những lời sâu nhiệm của Chúa Giêsu: “Ai đã tắm rồi thì không cần phải rửa chân nữa” (Ga 13, 10). Chúa Giêsu ám chỉ một sự tắm rửa mà các môn đệ, theo chỉ thị của nghi thức, đã phải thực hiện; để có thể dự một bữa ăn, họ chỉ cần rửa chân. Nhưng dĩ nhiên, một ý nghĩa sâu xa hơn được giữ kín ở đây. Nó ám chỉ điều gì? Chúng ta không biết chắc chắn. Dù sao, chúng ta phải ghi nhớ rằng việc rửa chân, theo ý nghĩa của toàn chương, không chỉ thị một bí tích đặc biệt, nhưng là “sacramentum Christi” (Bí tích của Chúa Kitô) trong toàn thể của nó – sự phục vụ ơn cứu độ của Người, sự hạ mình đến chấp nhận thập giá, tình yêu của Người cho đến cùng, thanh tẩy chúng ta và làm cho chúng ta có thể đón nhận Thiên Chúa. Ở đây, sự phân biệt giữa tắm và rửa chân cũng thể hiện một sự ám chỉ cho đời sống trong cộng đoàn của các môn đệ, cho đời sống trong cộng đoàn Giáo Hội – một sự ám chỉ mà thánh Gioan có lẽ đã chủ ý truyền đạt cho cộng đoàn trong thời của ngài. Vì vậy, dường như điều rõ ràng là việc tắm rửa thanh tẩy chúng ta một cách dứt khoát và không cần phải lặp lại, đó là Bí tích Thánh Tẩy – sự nhận chìm trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, một sự kiện biến đổi đời sống chúng ta một cách sâu xa, ban cho chúng ta một điều gì đó như là một căn tính mới mẻ kéo dài, nếu chúng ta không quẳng ném nó đi như Giuđa đã làm. Nhưng dù duy trì lâu dài trong căn tính mới này, chúng ta cần phải “rửa chân” để sống hiệp thông với Chúa Giêsu. Điều này có nghĩa là gì? Theo tôi dường như Thư thứ nhất của thánh Gioan cho chúng ta chìa khoá để hiểu điều này. Trong đó chúng ta đọc thấy: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1, 8tt). Chúng ta cần “rửa chân,” rửa mọi tội lỗi hằng ngày, và do đó chúng ta cần thú nhận tội lỗi. Chúng ta không biết chắc điều này đã được thực hiện trong cộng đoàn của thánh Gioan như thế nào. Nhưng sự hướng dẫn qua lời Chúa Giêsu chỉ cho Phêrô thật rõ ràng: để có thể dự phần vào cộng đoàn thân tình với Chúa Giêsu Kitô, chúng ta phải thành tâm. Chúng ta phải nhìn nhận rằng dầu với căn tính là những người đã được chịu phép rửa tội, chúng ta vẫn phạm tội. Chúng ta cần sự thú nhận như điều đã được thực hiện trong Bí tích Hoà Giải. Trong đó, Chúa tiếp tục lại rửa những bàn chân dơ bẩn của chúng ta, và chúng ta có thể đồng bàn với Người.

Nhưng hiểu theo cách đó, từ ngữ lại mang một ý nghĩa khác nữa, trong đó Chúa mở rộng từ “sacramentum” (bí tích) bằng việc làm cho nó trở thành “exemplum” (gương mẫu), một ân huệ, một sự phục vụ anh chị em chúng ta: “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14). Chúng ta phải rửa chân cho nhau trong sự phục vụ yêu thương đối với nhau hằng ngày. Nhưng chúng ta cũng phải rửa chân của chúng ta theo nghĩa là phải luôn tha thứ cho nhau. Món nợ mà Chúa đã tha cho chúng ta luôn quá sức lớn so với tất cả những món nợ mà những người khác có thể nợ chúng ta (x. Mt 18, 21-35). Chính vì điều này mà ngày Thứ Năm Tuần Thánh thúc đẩy chúng ta: đừng để cho hận thù sâu kín trong lòng chúng ta đối với người khác trở nên chất đầu độc tâm hồn chúng ta. Nó cũng thúc đẩy chúng ta thường xuyên thanh tẩy ký ức của chúng ta, bằng việc hết lòng tha thứ cho nhau, bằng việc rửa chân cho nhau, như thế chúng ta có thể cùng đồng bàn trong bữa tiệc của Thiên Chúa.

Ngày Thứ Năm Tuần Thánh là một ngày biết ơn và hân hoan vì hồng ân trọng đại của tình yêu triệt để mà Chúa đã ban cho chúng ta. Giờ phút này chúng ta muốn cầu nguyện để lòng biết ơn và sự hân hoan này, với tình yêu của Người có thể trở nên trong chúng ta sức mạnh để yêu thương nhau. Amen.

THỨ SÁU TUẦN THÁNH: ĐƯỜNG THÁNH GIÁ

21-3-2008

Anh chị em thân mến, năm nay chúng ta lại đi theo đường thánh giá, Via Crucis, lại gợi lên trong niềm tin chúng ta những chặng đường khổ nạn của Chúa Kitô. Mắt chúng ta cùng hướng lên để chiêm ngắm những sự đau khổ và sự đau buồn mà Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã mang vào giờ khắc đau thương nhất, đưa đến đỉnh cao trong sứ mệnh trần gian của Người. Chúa Giêsu chết trên thập giá và nằm trong mồ. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, nhuốm đầy vẻ u buồn và sự thinh lặng thiêng liêng, khép lại trong sự thinh lặng của việc suy niệm và cầu nguyện. Trong khi trở về nhà, cả chúng ta cũng như những người đã có mặt vào lúc Chúa Giêsu chịu hi sinh, hãy đấm ngực mà nhớ lại những gì đã xảy ra. Có thể nào lại vẫn cứ dửng dưng trước cái chết của Chúa, của Con Thiên Chúa? Vì chúng ta, vì ơn cứu chuộc chúng ta, Người đã trở nên phàm nhân, đã chịu đau khổ và chịu chết.

Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta hãy nhìn thẳng lên Chúa Kitô, cái nhìn của chúng ta thường bị phân tán vì những lợi thú trần gian rời rạc và chóng qua. Chúng ta hãy dừng lại để chiêm ngắm thập giá của Người. Thập giá nguồn mạch sự sống và trường học của công lý và hoà bình, là gia sản chung của ơn tha thứ và lòng thương xót. Thập giá là bằng chứng trường tồn về một tình yêu tự huỷ và vô biên mà Thiên Chúa mang đến, Người trở nên người phàm, chịu thương tổn như chúng ta, và chịu đóng đinh tử hình.

Qua đường thánh giá đau buồn, con người của mọi thời đại, được hoà giải và được cứu chuộc nhờ máu Chúa Kitô, đã trở nên bạn hữu của Thiên Chúa, Con của Cha trên trời. “Bạn,” là tiếng Chúa Giêsu gọi Giuđa và trao cho hắn lời kêu gọi hoán cải cuối cùng và xúc động. “Bạn,” Người gọi mỗi người chúng ta, bởi vì Người là bạn thật sự của mỗi người. Tiếc rằng chúng ta không luôn luôn cảm nhận được chiều sâu của tình yêu vô biên mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Đối với Người không có sự phân biệt về chủng tộc hay văn hoá. Chúa Giêsu Kitô đã chết để giải phóng nhân loại khỏi sự vô tâm cố hữu của họ về Thiên Chúa, khỏi vòng xoay hận thù và bạo lực, khỏi nô lệ tội lỗi. Thập giá làm cho chúng ta trở thành anh chị em với nhau.

Nhưng trong giờ phút này đây chúng ta tự hỏi chúng ta đã làm gì với ân huệ này, chúng ta đã thực hiện được điều gì với sự mặc khải về dung mạo của Chúa Giêsu Kitô, với sự mặc khải về tình yêu của Thiên Chúa chiến thắng hận thù. Còn có nhiều người trong thời đại chúng ta không nhìn biết Thiên Chúa và không gặp Người trong Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Nhiều người đi tìm một tình yêu hoặc sự tự do loại trừ Thiên Chúa. Nhiều người tin rằng họ không cần Thiên Chúa.

Các bạn thân mến: sau khi đã cùng sống cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu thì trong đêm nay chúng ta hãy để cho sự hi sinh của Người trên thập giá chất vấn chúng ta. Chúng ta hãy cho phép Người thách thức những xác tín nhân loại của chúng ta. Chúng ta hãy mở rộng con tim của chúng ta. Chúa Giêsu là sự thật giải phóng chúng ta đến với tình yêu. Chúng ta đừng sợ: khi chịu chết, Chúa Giêsu đã diệt trừ tội lỗi và đã cứu chuộc các tội nhân, nghĩa là tất cả chúng ta. Tông đồ Phaolô viết: “Chính Người đã mang vào thân thể của Người trên thập giá tội lỗi của chúng ta để một khi đã chết với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính” (1 Pr 2, 24). Đây là sự thật về ngày Thứ Sáu Tuần Thánh: trên thập giá, Đấng Cứu Chuộc đã làm cho chúng ta trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng chúng ta nên giống hình ảnh Người. Vậy chúng ta cùng thờ lạy Thánh Giá.

Lạy Chúa Kitô, xin ban cho chúng con sự bình an chúng con đang tìm kiếm, hạnh phúc mà chúng con ao ước, tình yêu đổ đầy tâm hồn chúng con, tâm hồn khao khát sự vô biên. Đây là những lời cầu nguyện của chúng con trong đêm nay, lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng đã chết cho chúng con trên thập giá và đã sống lại vào ngày thứ ba. Amen.

BÀI GIẢNG LỄ VỌNG PHỤC SINH

Tại Đền Thờ Thánh Phêrô
Thứ Bảy Tuần Thánh, 22 tháng Ba 2008

Anh chị em thân mến,

Trong diễn từ li biệt của Người, Chúa Giêsu đã báo trước cái chết sắp tới và sự phục sinh của Người cho các môn đệ với những lời lẽ sâu nhiệm này: “Thầy ra đi và sẽ đến cùng anh em” (Ga 14, 28). Chết là “ra đi”. Xác của người chết dẫu còn ở lại, thì chính họ đã đi vào cõi vô định, và chúng ta không thể theo họ (x. Ga 13, 36). Nhưng trong trường hợp của Chúa Giêsu, có một điều hoàn toàn mới, làm thay đổi thế giới. Trong trường hợp cái chết của chính chúng ta, sự “ra đi” là dứt khoát, không có sự trở lại. Chúa Giêsu thì khác, Người nói về cái chết của Người: “Thầy ra đi và sẽ đến cùng anh em”. Chính qua việc ra đi mà Người trở lại. Sự ra đi của Người báo hiệu một cách thế hiện diện hoàn toàn mới và hoàn hảo hơn. Khi chết, Người đi vào tình yêu của Chúa Cha. Cái chết của Người là hành vi của tình yêu. Và tình yêu thì bất tử. Do đó, sự ra đi của Người được biến thành sự trở lại mới, theo một hình thức hiện diện đạt đến mức độ sâu xa hơn và không đi đến một kết thúc. Trong cuộc đời dương thế của Người, Chúa Giêsu cũng như tất cả chúng ta, bị trói buộc vào những điều kiện bên ngoài của sự hiện hữu thể lý: được xác định trong một nơi chốn và một thời gian. Tính xác thể đ?t ra những giới hạn cho cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không thể đồng thời ở hai nơi khác nhau. Thời gian của chúng ta được định đoạt để đi đến một đích điểm. Và giữa cái “tôi” và cái “anh” có một bức tường của tha tính. Chắc chắn rằng qua tình yêu một cách nào đó chúng ta có thể đi vào hiện hữu của tha nhân. Tuy nhiên, vật trở ngại không thể vượt qua của hiện hữu khác biệt vẫn còn tại chỗ. Còn Chúa Giêsu giờ đây được hoàn toàn biến đổi qua hành vi của tình yêu thì thoát khỏi những trở ngại và những giới hạn đó. Người không chỉ đi xuyên qua các cửa đóng kín trong thế giới ngoại tai, như các sách Tin Mừng tường thuật (x Ga 20, 19). Người có thể đi qua cửa nội tâm ngăn cách cái “tôi” khỏi cái “anh”, cửa đóng kín giữa hôm qua và hôm nay, giữa quá khứ và tương lai. Vào ngày Người long trọng tiến vào thành Giêrusalem, khi một số người Hi Lạp yêu cầu được gặp Người, Chúa Giêsu đáp lại bằng dụ ngôn hạt lúa mì phải đi qua cái chết để sinh nhiều hoa trái. Như vậy Người đã báo trước số mệnh của chính Người: những lời này không chỉ được nói với một hai người Hi Lạp trong khoảng thời gian của một ít phút. Qua Thánh Giá của Người, qua sự ra đi của Người, qua cái chết của Người như hạt lúa mì, Người đã thực sự đến giữa những người Hi Lạp, theo một cách thức mà họ có thể thấy Người và tiếp xúc với Người qua đức tin. Sự ra đi của Người được biến thành sự trở lại, bằng cách thức hiện diện phổ quát của Chúa Phục Sinh, trong đó Người là hôm qua, hôm nay và mãi mãi, trong đó Người ôm trọn tất cả thời gian và tất cả không gian. Giờ đây Người có thể vượt cả bức tường tha tính ngăn cách cái “tôi” khỏi cái “anh”. Điều này đã xảy ra với Phaolô, ông bày tỏ tiến trình hoán cải và Phép Thánh Tẩy của mình bằng những lời: “Không còn phải là tôi sống, nhưng Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Qua sự trở lại của Đấng Phục Sinh, Phaolô đạt được một căn tính mới. Cái “tôi” đóng kín của ông được mở toang. Giờ đây ông sống hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô, trong cái “tôi” rộng lớn của những người tin đã trở thành duy nhất trong “Chúa Kitô”, như ông diễn tả (Gl 3, 28).

Các bạn thân mến, rõ ràng là qua Bí tích Thánh Tẩy, những lời kín nhiệm Chúa Giêsu nói tại bữa Tiệc Li một lần nữa lại trở thành hiện thực cho các bạn. Trong Bí Tích Thánh tẩy, Chúa đi vào cuộc đời của các bạn qua cửa ngõ của tâm hồn. Chúng ta không còn đứng ngoài lề hay đối lập với nhau nữa. Người đi qua tất cả những cánh cửa này. Đây là thực tại của Bí Tích Thánh Tẩy: Người, Đấng Phục Sinh đến; Người đến với các bạn và nối kết cuộc đời của Người với cuộc đời của các bạn, khi đưa các bạn vào ngọn lửa bùng cháy trong tình yêu của Người. Các bạn trở nên một, hợp nhất với Người, và như vậy nên một giữa chính các bạn. Trước tiên điều này xem ra khá trừu tượng và không hiện thực. Nhưng các bạn càng sống đời sống của những người chịu phép rửa các bạn càng cảm nghiệm được sự thật của những lời này. Những tín hữu- những người đã chịu phép rửa-thực sự không bao giờ bị cách biệt khỏi nhau. Các lục địa, các nền văn hoá, các cơ cấu xã hội hoặc ngay cả khoảng cách lịch sử có thể ngăn cách chúng ta. Nhưng khi gặp nhau, chúng ta biết nhau trên căn bản của cùng một Chúa, cùng một đức tin, cùng một niềm hi vọng cùng một tình yêu hợp nhất chúng ta. Và rồi chúng ta nhận ra rằng nền tảng của đời sống chúng ta là duy nhất. Chúng ta cảm nghiệm rằng trong sâu thẳm tâm hồn mình, chúng ta được cắm chắc trong cùng một căn tính, trên căn bản mà dù tất cả những khác biệt bên ngoài có thể to lớn, vẫn chỉ là phụ thuộc. Các tín hữu không bao giờ bị cách biệt khỏi nhau. Chúng ta sống trong hiệp thông với nhau bởi vì căn tính sâu xa nhất của chúng ta đó là Chúa Kitô ở trong chúng ta. Như thế đức tin là một sức mạnh để kiến tạo hoà bình và hoà giải trong thế giới: những khoảng cách giữa các dân tộc được vượt qua, trong Chúa chúng ta đã trở nên gần gũi nhau (x. Ep 2, 13).

Giáo Hội diễn tả thực tại sâu xa của Bí Tích Thánh Tẩy như là hồng ân đón nhận một căn tính mới qua những yếu tố khả giác được sử dụng trong việc cử hành Bí Tích. Yếu tố căn bản trong Bí Tích Thánh tẩy là nước; tiếp theo, yếu tố thứ hai là ánh sáng, được sử dụng một cách phong phú trong phụng vụ lễ Vọng Phục Sinh. Chúng ta hãy nhìn sơ lược vào hai yếu tố này. Trong chương cuối cùng của Thư gửi tín hữu Do Thái, có một lời phát biểu về Chúa Kitô, không trực tiếp nói đến nước, nhưng những ám chỉ trong Cựu Ước lại chỉ rõ mầu nhiệm của nước và ý nghĩa biểu tượng của nó. Ở đây chúng ta đọc: “Thiên Chúa là nguồn mạch bình an đã đưa Đức Giêsu, Chúa chúng ta ra khỏi cái chết. Người là vị mục tử cao cả của đoàn chiên, là Đấng đã đổ máu mình ra để thiết lập giao ước vĩnh cửu” (13, 20). Trong câu này có tiếng vọng lại lời tiên tri Isaia, trong đó Môsê được diễn tả như mục tử mà Chúa đã mang lên khỏi nước, khỏi biển (x. 63, 11). Chúa Giêsu xuất hiện như Mục Tử mới và cuối cùng đem lại sự viên mãn cho những gì ông Môsê đã thực hiện: Người dẫn chúng ta ra khỏi dòng nước chết chóc của biển cả, khỏi nước của tử thần. Trong bối cảnh này, chúng ta hẳn nhớ lại rằng mẹ của ông Môsê đã đặt ông vào một cái thúng trong dòng sông Nin. Rồi nhờ sự quan phòng của Thiên Chúa ông được mang ra khỏi nước, được dẫn đưa từ sự chết đến sự sống, và như thế- đã được cứu khỏi dòng nước của sự chết- ông có thể dẫn đưa người khác đi qua biển cả của sự chết. Chúa Giêsu đã xuống với chúng ta trong dòng nước đen tối của tử thần. Nhưng nhờ máu Người, như thư gửi tín hữu Do Thái nói với chúng ta, Người được cất khỏi sự chết: tình yêu của Người nối kết với tình yêu của Chúa Cha, và như vậy từ vực thẳm của sự chết Người có thể vươn tới sự sống. Giờ đây Người nâng chúng ta từ sự chết đến sự sống đích thực. Đây là chính điều xảy ra trong Bí Tích Thánh Tẩy: Người lôi kéo chúng ta đến với Người, Người hướng chúng ta đi vào sự sống đích thực. Người dẫn chúng ta đi qua biển lịch sử vẫn luôn tối tăm, nơi chúng ta luôn bị đe doạ chìm nghỉm giữa tất cả những hỗn độn và nguy hiểm. Trong Bí Tích Thánh Tẩy, như vẫn vậy, Người cầm lấy tay chúng ta, Người dẫn chúng ta đi qua con đường xuyên qua Biển Đỏ của cuộc đời này và dẫn chúng ta đi vào sự sống vĩnh cửu, sự sống đích thực và công chính. Chúng ta hãy bám chắc tay của Người! Bất cứ điều gì có thể diễn ra, bất cứ điều gì có thể xảy đến, chúng ta đừng rời khỏi tay Người; chúng ta hãy bước theo con đường dẫn đến sự sống.

Thứ hai, có một biểu tượng về ánh sáng và lửa. Thánh Grêgôri thành Tua thuật lại một việc cử hành đã được duy trì tại một số nơi trong một thời gian dài, đó là dùng một kính pha lê để thắp lửa mới trực tiếp từ mặt trời cho việc cử hành lễ Phục Sinh. Có thể nói ánh sáng và lửa được nhận lại mới từ trời để từ nó tất cả ánh sáng và lửa trong năm được thắp lên. Đây là ý nghĩa biểu tượng mà chúng ta đang cử hành trong lễ Vọng Phục Sinh. Qua tình yêu triệt để của Người dành cho chúng ta, tình yêu mà trái tim của Thiên Chúa và trái tim của con người tiếp chạm với nhau, Chúa Giêsu Kitô đã thật sự lấy ánh sáng từ trời cao và đem đến trái đất- ánh sáng của sự thật và ánh sáng của tình yêu biến đổi sự sống con người. Người đã mang lại ánh sáng và giờ đây chúng ta nhận biết Thiên Chúa là ai và Người như thế nào. Và chúng ta cũng biết hoàn cảnh của chúng ta: Chúng ta là gì, và chúng ta hiện hữu cho mục đích gì. Khi chúng ta được rửa tội, ngọn lửa của ánh sáng này được thắp sâu vào tận đáy lòng chúng ta. Vì vậy vào thời Giáo Hội sơ khai, Bí Tích Thánh Tẩy cũng được gọi là Bí Tích của sự Khai Minh: ánh sáng của Thiên Chúa đi vào chúng ta; như thế chính chúng ta trở thành con cái sự sáng. Chúng ta không được để cho ánh sáng sự thật này, ánh sáng chỉ đường cho chúng ta bị tắt đi. Chúng ta phải bảo vệ nó khỏi tất cả những thế lực đang tìm cách tiêu diệt nó để xô đẩy chúng ta trở lại bóng tối ngăn cách về Thiên Chúa và về chính chúng ta. Đôi khi bóng tối dường như dễ chịu. Tôi có thể trốn tránh và dùng đời tôi để ngủ mê. Tuy nhiên chúng ta không được kêu gọi đi vào bóng tối, nhưng đi vào ánh sáng. Tuyên xưng những lời hứa của Bí Tích Thánh Tẩy mỗi năm, chúng ta lại thắp lên ánh sáng này. Vâng, tôi tin rằng thế giới và cuộc đời của tôi không phải là sản phẩm của sự may rủi, nhưng là của Lí Trí vĩnh cửu và Tình Yêu vĩnh cửu, được Thiên Chúa Toàn Năng tạo dựng. Vâng, tôi tin rằng trong Chúa Giêsu Kitô, trong mầu nhiệm nhập thể của Người, trong Thánh Giá và sự Phục Sinh của Người, dung mạo của Thiên Chúa đã được măc khải; rằng nơi Người Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta, Người nối kết chúng ta lại và dẫn chúng ta về cùng đích của chúng ta, về Tình Yêu vĩnh cửu. Vâng, tôi tin rằng Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta lời sự thật và soi sáng tâm hồn chúng ta; Tôi tin rằng trong sự hiệp thông Giáo Hội tất cả chúng ta trở nên một Thân Thể với Chúa, và như thế chúng ta gặp thấy sự phục sinh và sự sống vĩnh cửu của Người. Chúa đã ban cho chúng ta ánh sáng sự thật. Anh sáng này cũng là ngọn lửa, một sức mạnh phát xuất từ Thiên Chúa, sức mạnh không huỷ diệt, nhưng tìm cách biến cải tâm hồn chúng ta, để chúng ta thật sự trở nên những người thuộc về Thiên Chúa, và để sự bình an của Người có thể trở thành hữu hiệu trong thế giới này.

Thời Giáo Hội sơ khai có một tục lệ là khi Đức Giám mục hay vị linh mục giảng xong thì hô to lên cho các tín hữu: “Conversi ad Dominum”- giờ đây hãy quay trở về với Chúa. Điều này có nghĩa trước hết là họ hãy quay về hướng Đông, về phía mặt trời mọc, là dấu chỉ Chúa Kitô đang trở lại, Đấng mà chúng ta đến gặp khi chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể. Ở nơi nào mà điều này không thực hiện được vì lí do nào đó thì ít nhất họ phải hướng về hình tượng Chúa Kitô tại cung thánh, hoặc hướng về Thánh Giá để nâng lòng lên Chúa. Điều này cốt yếu bao hàm một hành vi nội tâm: hướng tâm hồn lên Chúa Giêsu Kitô để hướng về Thiên Chúa hằng sống, về ánh sáng đích thực. Và liên quan tới điều này là lời xướng vẫn còn tới ngày nay, trước Kinh Nguyện Thánh Thể, được ngỏ tới cộng đoàn tín hữu: “Sursum corda”- “Hãy nâng tâm hồn lên”, vượt lên trên mối ngổn ngang của bận tâm, của ước muốn, băn khoăn và lơ đãng- “Hãy nâng tâm hồn lên, nâng bản thân sâu kín lên!” Trong cả hai lời xướng này chúng ta được mời gọi, như vẫn vậy, để đổi mới Bí tích Thánh Tẩy của chúng ta: Conversi ad Dominum- chúng ta một lần nữa phải tránh đi theo con đường lầm lạc, thường làm chúng ta phân tán trong tư tưởng và hành động. Chúng ta lại phải trở về với Đấng là Con đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chúng ta lại phải hướng về, phải chuyển hướng toàn bộ cuộc đời chúng ta về với Chúa. Rồi chúng ta lại phải để cho tâm hồn mình thoát khỏi lực hút ghì kéo tâm hồn chúng ta xuống, để hướng lên cao: trong sự thật và tình yêu. Vào giờ phút này, chúng ta hãy cảm tạ Chúa, bởi vì qua quyền năng lời Người và các Bí tích, Người chỉ cho chúng ta hướng đi đúng và nâng tâm hồn chúng ta lên cao. Chúng ta hãy cầu xin Ngừơi bằng những lời này: Vâng, lạy Chúa, xin tạo cho chúng con thành dân Phục Sinh, thành những người con ánh sáng, tràn đầy ngọn lửa mến yêu Ngài. Amen.

THÔNG ĐIỆP URBI ET ORBI

CHÚA NHẬT PHỤC SINH

23 tháng Ba, 2008

Resurrexi et adhuc tecum sum. Alleluia! – Con đã sống lại, Con vẫn hằng ở bên Cha. Allêluia! Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh và đã sống lại, lặp lại những lời công bố hân hoan này với chúng ta hôm nay: lời công bố Phục Sinh. Chúng ta hãy chào đón lời công bố này với sự ngạc nhiên và lòng biết ơn sâu xa!

Resurrexi et adhuc tecum sum – Con đã sống lại, Con vẫn hằng ở bên Cha. Những lời này, trích từ một văn bản cổ xưa của Thánh Vịnh 138 (c. 18b), được hát lên trong phần đầu của Thánh Lễ hôm nay. Trong đó, vào lúc ánh mặt trời của ngày lễ Phục Sinh đang vươn lên, Giáo Hội nhận ra giọng nói của chính Chúa Giêsu, Đấng mà khi sống lại hướng về Chúa Cha với tất cả niềm hân hoan và mến yêu, đã thưa lên: Cha ơi, này con đây! Con đã sống lại, Con vẫn hằng ở bên Cha, và Con sẽ ở bên Cha mãi mãi; Thần Khí của Cha đã không bao giờ bỏ rơi Con. Qua đó, chúng ta có thể đi đến một nhận thức mới về những đoạn khác trong Thánh Vịnh này: “Con có lên trời, Chúa đang ngự đó, nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài… cả tối tăm cũng chẳng có chi mù mịt, và đêm đen sáng tỏ như ban ngày, bóng tối và ánh sáng cũng như nhau.” (Tv 138: 8, 12). Thật thế: trong đêm canh thức Phục Sinh long trọng này, bóng tối trở thành ánh sáng, đêm đen nhường chỗ cho ngày sáng không có chiều tàn. Cái chết và sự phục sinh của Ngôi Lời nhập thể là một biến cố của tình yêu bất khả chiến bại, đó là chiến thắng của Tình Yêu giải thoát chúng ta khỏi nô lệ tội lỗi và sự chết. Chiến thắng ấy đã thay đổi dòng lịch sử, ban cho sự sống nhân loại một ý nghĩa, một giá trị vĩnh cửu và mới mẻ.

“Con đã sống lại, Con vẫn ở gần bên Cha đến muôn đời.” Những lời này mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Kitô Phục Sinh, trong khi để cho tiếng nói của Người vang vọng trong tim ta. Với hiến tế cứu độ của Người, Chúa Giêsu thành Na-da-rét đã làm cho chúng ta trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa, để cả chúng ta cũng được dự phần trong cuộc đối thoại mầu nhiệm giữa Người và Chúa Cha. Chúng ta được nhắc nhớ về những lời Người đã từng nói với những ai lắng nghe: “Mọi sự đã được Cha Ta giao phó cho Ta. Và không ai biết rõ Cha trừ ra Con và kẻ mà Con muốn mặc khải cho” (Mt 11, 27). Trong hướng nhìn này, chúng ta ghi nhận rằng những lời Chúa Giêsu Phục Sinh nói với Chúa Cha hôm nay – “Con vẫn hằng ở bên Cha” – cũng áp dụng gián tiếp cho cả chúng ta, “những con cái của Thiên Chúa và là những người đồng thừa tự với Chúa Kitô, miễn là chúng ta cùng chịu đau khổ với Người ngõ hầu chúng ta có thể cùng được hưởng vinh quang với Người” (x. Rm 8, 17). Qua sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô, hôm nay chúng ta cũng vươn đến một cuộc sống mới, và khi liên kết tiếng nói của chúng ta với tiếng nói của Người, chúng ta công bố rằng chúng ta muốn lưu lại muôn đời bên Thiên Chúa, người Cha tốt lành và nhân hậu vô biên.

Bằng cách này, chúng ta tiến vào những chiều sâu của mầu nhiệm Vượt Qua. Biến cố đầy kinh ngạc về sự phục sinh của Chúa Giêsu bản chất là một biến cố của tình yêu: tình yêu của Chúa Cha khi trao ban Con của Người để cứu chuộc trần gian; tình yêu của Chúa Con trong sự vâng phục Chúa Cha vì tất cả chúng ta; tình yêu của Chúa Thánh Thần khi nâng Chúa Giêsu từ kẻ chết lên thân thể được biến đổi sáng láng của Người. Và còn nữa: tình yêu đáp trả của Chúa Cha “ôm ấp” Chúa Con “cách mới mẻ”, bao bọc Người trong vinh quang; tình yêu đáp trả của Chúa Con đối với Chúa Cha trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, được trang hoàng bằng nhân loại đã được biến đổi. Từ nghi thức hôm nay, chúng ta sống lại cảm nghiệm tuyệt đối, một lần cho tất cả về sự phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta nhận được lời mời gọi hoán cải cho Tình Yêu; chúng ta nhận được lời mời gọi loại trừ thù hận và ích kỷ, và bước theo trong vâng phục những bước chân của Chiên Con bị sát tế vì ơn cứu độ chúng ta, để bắt chước Đấng Cứu Chuộc là Đấng “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”, Đấng là “nơi yên nghỉ cho linh hồn chúng ta” (x. Mt 11, 29).

Anh chị em Kitô hữu mọi nơi trên thế giới thân mến, anh chị em là những người nam nữ có tinh thần chân thành mở rộng cho sự thật, xin đừng để con tim nào đóng lại trước quyền năng của tình yêu cứu độ này! Chúa Giêsu Kitô đã chết và đã sống lại cho tất cả mọi người; Người là niềm hi vọng của chúng ta – là niềm hi vọng đích thực cho mỗi người. Hôm nay, như Người đã làm với các môn đệ tại Galilê trước khi về với Chúa Cha, Chúa Giêsu phục sinh cũng sai chúng ta đến mọi nơi như những chứng nhân hi vọng, và Người bảo đảm với chúng ta: Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28, 20). Khi hướng lòng trí chúng ta vào những vết thương nơi thân thể biến đổi của Người, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa và giá trị của đau khổ, chúng ta có thể chăm sóc cho nhiều vết thương đang tiếp tục làm biến dạng nhân loại trong chính thời đại chúng ta. Nơi những thương tích vinh quang của Người, chúng ta nhận ra những dấu chỉ không thể tàn phai của tình yêu vô biên của Thiên Chúa, Đấng mà các tiên tri loan báo: chính Người băng bó những tấm lòng tan nát, bảo vệ kẻ cô thế, công bố tự do cho kẻ bị giam cầm, an ủi mọi kẻ khóc than, ban cho họ dầu thơm hoan lạc thay tang chế, và bài tụng ca thay tâm hồn sầu não (x. Is 61, 1, 2, 3). Nếu chúng ta tiến lại gần Người với một lòng tín thác khiêm cung, chúng ta sẽ gặp thấy trong ánh mắt Người lời đáp trả cho những khát vọng sâu xa nhất trong tâm hồn chúng ta: đó là được biết Chúa và được thiết lập một tương quan sống động trong sự hiệp thông thực sự của tình yêu, một sự hiệp thông lấp đầy cuộc đời ta, và những quan hệ giữa con người và xã hội với cùng một tình yêu như thế. Vì lí do này, nhân loại cần Chúa Kitô: trong Người chúng ta có niềm hi vọng, “chúng ta được cứu rỗi” (x. Rm 8: 24).

Rất thường là những quan hệ giữa các cá nhân, giữa các nhóm và giữa các dân tộc đã không được đánh dấu bởi tình yêu mà bởi sự ích kỷ, bất công, thù hận và bạo lực! Đó là những tai ương của nhân loại, công khai và âm ỉ ở khắp chân trời góc biển, dù thường khi chúng bị lờ đi và đôi khi được cố ý che dấu; đó là những vết thương tra tấn những linh hồn và thân xác của biết bao người anh chị em chúng ta. Những vết thương đó đang chờ được chăm sóc và chữa lành bởi những vết thương vinh quang của Chúa Phục Sinh (x. Pr 2, 24-25) và bởi tình liên đới của những ai đang bước theo bước chân Người, thực thi những việc bác ái nhân danh Người, dấn thân tích cực cho công lí và loan truyền những dấu chỉ hi vọng rực sáng trong những miền đẫm máu bởi xung đột cũng như ở bất cứ nơi đâu mà phẩm giá con người tiếp tục bị sỉ nhục và chà đạp. Chúng ta hi vọng rằng đây chính là những nơi mà những hành động tự chế và tha thứ sẽ được gia tăng!

Anh chị em thân mến! Chúng ta hãy để cho ánh sáng toả chiếu từ ngày long trọng này thắp sáng chúng ta; chúng ta hãy mở rộng con người chúng ta với lòng phó thác chân thành nơi Chúa Kitô phục sinh để cho vinh quang của Người trên tội lỗi và sự chết có thể chiến thắng khải hoàn nơi mỗi người chúng ta, trong gia đình chúng ta, trong các thành phố và trong các quốc gia chúng ta. Hãy để ánh sáng này chiếu soi mọi miền thế giới. Cách riêng, làm sao chúng ta lại có thể quên một số nơi ở Châu Phi, như Dafur và Sô-ma-li-a, miền Trung Đông bị xâu xé, đặc biệt Thánh Địa, I-rắc, Li-Băng, và cuối cùng là Tây Tạng, tôi khích lệ tất cả mọi người hãy tìm ra những giải pháp bảo vệ hoà bình và thiện ích chung! Chúng ta hãy khấn xin sự viên mãn của hồng ân Vượt Qua của Người, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Đấng sau khi đã thông phần những đau khổ trong cuộc thương khó và khổ hình thập giá của người Con vô tội của Mẹ, cũng được hưởng niềm hân hoan khôn tả của sự phục sinh của Người. Được chia sẻ vinh quang của Chúa Kitô, xin Mẹ là người bảo vệ và hướng dẫn chúng ta trên nẻo đường đi đến tình liên đới huynh đệ và hoà bình. Đó là những lời chúc Phục Sinh của tôi gửi đến những ai hiện diện nơi đây, cũng như những người nam nữ của mọi quốc gia và lục địa đang hiệp nhất với chúng ta qua truyền thanh và truyền hình. Xin chúc mừng Phục Sinh!

BENEDICTUS PP. XVI

Lm. Giuse Ngô Quang Trung dịch

(Canhdongtruyengiao.net sưu tầm)

 

Bài liên quan

Back to top button