Tận cùng trọng tâm chú ý của chúng ta hướng về gì?
by Phanxico.vn
Ronald Rolheiser, 2021-09-27
Trong quyển tiểu thuyết Tình yêu giữa Hoang phế (Love Among the Ruins) xuất bản năm 1971 của Walker Percy, nhân vật chính của truyện là bác sĩ tâm lý Tom More. More là người công giáo la mã không còn giữ đạo nhưng ông vẫn tin. Ông mô tả tình trạng của mình như sau: “Tôi tin vào Thiên Chúa và toàn bộ đức tin, nhưng tôi yêu phụ nữ nhất, yêu âm nhạc và khoa học nhì, rượu whisky thứ ba, Thiên Chúa thứ tư, còn những người đồng loại thì chắc là khỏi… Nhưng mà, tôi vẫn tin”.
Oái oăm thấy, một nhân vật như ông Tom More, một kẻ có tội nhưng vẫn giữ đức tin lại là những người được lôi cuốn đến gần Chúa Giêsu nhất trong các sách Tin mừng.
Đọc danh sách những gì ông More yêu, tôi nhớ đến một hội nghị tôi từng tham dự về chủ đề Thế tục và Tin mừng. Một diễn giả chính, một nhà hoạt động xã hội lừng danh đã nhận định thế này: Tôi làm việc trên đường phố với người nghèo, và tôi làm thế vì tôi là tín hữu kitô. Nhưng tôi có thể làm việc trên đường phố nhiều năm mà không nhắc đến danh Chúa Kitô vì tôi nghĩ Chúa đủ trưởng thành để không đòi hỏi phải luôn là trọng tâm chú ý của chúng ta.
Như độc giả có thể đoán được, lời của bà đã khơi lên một số tranh luận. Phải thế. Thiên Chúa có đòi hỏi luôn là trọng tâm chú ý trong nhận thức của chúng ta hay không? Chúng ta có thói quen tập trung đến chuyện khác thì có được không? Nếu chúng ta thật sự yêu nhiều người và yêu nhiều thứ hơn Chúa thì có phản bội đức tin không?
Không có câu trả lời đơn giản nào cho những câu hỏi này, vì chúng cần có sự cân bằng tinh tế giữa những yêu cầu của Điều răn thứ nhất và một thần học tổng thể về Thiên Chúa. Như Điều răn thứ nhất dạy, Thiên Chúa là trên hết, luôn là thế. Chúng ta không bao giờ được làm ngơ điều này, nhưng chúng ta cũng biết Thiên Chúa khôn ngoan và khả tín. Do đó, chúng ta có thể yên tâm suy luận, Thiên Chúa không tạo nên chúng ta theo kiểu này rồi lại đòi hỏi chúng ta sống theo một kiểu hoàn toàn khác biệt, cụ thể, Thiên Chúa không tạo nên chúng ta với những khuỵnh hướng mạnh mẽ vốn theo bản năng và thường xuyên hướng chúng ta vào những chuyện ở đời này, rồi lại đòi hỏi chúng ta phải luôn đặt Ngài vào trọng tâm chú ý. Như thế Ngài là cha mẹ xấu rồi.
Cha mẹ tốt thương con mình, cố dạy bảo con mình đầy đủ, rồi để con cái tự do tập trung vào cuộc đời của nó. Cha mẹ tốt không đòi hỏi họ là trọng tâm đời sống của con cái, họ chỉ xin con cái trung thành với đạo đức và các giá trị của gia đình, dù họ vẫn muốn con cái về thăm nhà đều đặn và không quên gia đình.
Trong hôn nhân, động năng này còn phức tạp hơn. Các cặp vợ chồng với tình yêu chín chắn dành cho nhau không còn đòi hỏi mình là trọng tâm chú ý của người kia. Hầu như chuyện này không thành vấn đề. Vấn đề nảy sinh là lúc một người bạn đời không còn là trọng tâm thực sự của người kia, khi sự tập trung và lôi cuốn về tình cảm dành cho người khác, đã chiếm mất vị trí của người đó trong lòng người kia rồi. Chuyện này có thể đau đớn về mặt tình cảm, nhưng trong một tình yêu chín chắn, nó không đe dọa hôn nhân. Cảm xúc của chúng ta như con thú hoang, chồm lên khi nào nó muốn, nhưng chúng đâu phải là dấu chỉ thực sự của tình yêu và sự chung thủy. Tôi biết một nhà văn đã yêu thương chung thủy và chăm sóc vợ mình trong hơn 40 năm, ông thú nhận với tôi, một ngày ông cảm thấy mình phải lòng một người khác. Chuyện này đã không đe dọa hôn nhân của ông. Nhưng phải thừa nhận, nó có thể đe dọa mạnh mẽ cho đời sống tâm linh và luân lý.
Nguyên tắc này cũng đúng với mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Trước hết, Thiên Chúa cho chúng ta một bản tính hoang dại và bừa bãi. Thiên Chúa kỳ vọng chúng ta có trách nhiệm về cách chúng ta hành động trong bản tính đó, nhưng căn cứ vào cách chúng ta được tạo thành, thì không diễn giải được Điều răn thứ nhất theo kiểu, chúng ta cảm thấy mình có tội mỗi khi Thiên Chúa không còn là số một trong đời chúng ta cách có ý thức và hiệu lực.
Thứ hai, như một bậc cha mẹ tốt, Thiên Chúa không đòi hỏi phải luôn là trọng tâm chú tâm có ý thức của chúng ta. Thiên Chúa không buồn khi chúng ta tập trung vào cuộc sống mình, miễn là chúng ta vẫn trung thành và không thờ ơ quá đáng, không chịu tập trung vào Thiên Chúa khi cần phải thế.
Và Thiên Chúa còn như một người vợ người chồng tốt, biết rằng đôi lúc, do tính bừa bãi bẩm tại của chúng ta mà tình cảm chúng ta sẽ chạy theo một trọng tâm khác. Như một người vợ chồng tốt, điều Thiên Chúa muốn là sự chung thủy.
Cuối cùng, sâu sắc hơn nữa, là câu hỏi chúng ta mê đắm và khao khát điều gì khi tập trung vào những chuyện khác không phải Thiên Chúa. Kể cả những lúc như thế, điều chúng ta đi tìm vẫn chính là Thiên Chúa.
Có nhiều lúc, chúng ta được kêu gọi tập trung chú ý vào Thiên Chúa, nếu yêu và tin, thì phải thế. Tuy nhiên, sẽ có nhiều lúc, một cách chủ ý và thực sự, Thiên Chúa đứng vị trí thứ tư trong đời chúng ta, và Thiên Chúa đủ chín chắn và thông hiểu để không chấp nhặt chuyện đó.
J.B. Thái Hòa dịch