Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Thiên Chúa của kẻ sống | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN C
(Lc.20,27-38)
***

 THIÊN CHÚA CỦA KẺ SỐNG

27 Khi ấy, có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. 28 Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su:  “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. 29 Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. 30 Người thứ hai, 31 rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. 32 Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. 33 Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ? ”

34 Đức Giê-su đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, 35 chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. 36 Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. 37 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham,Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. 38 Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.
_______________

SUY NIỆM

THIÊN CHÚA CỦA KẺ SỐNG

+ 1. Khát vọng trường sinh

Trong lòng mỗi người, ai cũng có khát vọng trường sinh. Ai cũng muốn mãi mãi được sống. Khát vọng ấy được thể hiện ở cách sống riêng tư và qua sinh hoạt cộng đồng nhân loại.

Ngay cả những người tự xưng là vô thần, và cổ võ cho những tư tưởng thuộc về cái có thể coi như là “vô thần học”, cũng không thể thoát đượcche dấu được khát vọng trường sinh và niềm tin về thế giới linh thiêng ở trong lòng họ.

Chính niềm tin vào thế giới vĩnh hằng, làm cho người ta biết quý trọng nhân vị con người, ngay khi con người chỉ còn là vài nắm bụi tro.

Nhiều cuộc lễ tiễn đưa những nhân vật quan trọng về lòng đất lạnh – VIP – không thể thiếu nghi lễ thiêng liêng, mà những nghi lễ đó, nói lên khát vọng sống khôn cùng của con người và niềm tin đưa con người vào thế giới của sự sống vĩnh hằng.

Nếu không có niềm tin đó, người ta chỉ cúi lạy, tôn thờ một nắm cát bụi, dù có bao nhiêu thứ nghi lễ được công phu chế biến dàn dựng.

Thật là khó hiểu, khi đọc di chúc, hay nghe điếu văn của một số nhân vật vô thần nổi tiếng, có câu: “(Tôi…hay…) Ngài A, ngài B, cụ C, cụ D… hôm nay về gặp (về với…)ngài X, ngài I, cụ Z, cụ Y….”. Về ở đâu? Về thế giới nào? Hay đó chỉ là những lời nói kiểu “điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa ?”. Đó không phải là giả tạo lắm sao ? Điều gì giả tạo, có còn là trang trọng, linh thiêng không ? Đó chính là thứ giảm giá ý nghĩa đời sống linh thiêng của con người xuống mức chỉ còn là sự tồn tại của “danh thơm tiếng tốt” (nếu đúng đó là “danh thơm tiếng tốt”, chứ đa phần chỉ là phóng đại, thần thánh hóa một con người có khi đầy tham vọng riêng tư và vương mang vô số tội ác) chứ không phải là sự sống vĩnh hằng thật sự !

+ 2. Cuộc sống trần gian…

Ai là những kẻ sống?

Có những người sống mà như đã chết.

Sống trong đau khổ tận cùng. Nghèo nàn đói kém vật chất, nghèo nàn đói kém tinh thần. 

Sống trong thù hận dai dẳng, miên man. Sống trong tội ác, bạo tàn…

Sống trong thụ hưởng, ích kỷ, lạnh lùng với đồng loại…

Cuộc sống trần gian rõ ràng không phải là cuộc sống như mơ ước. Những thứ được cho là hạnh phúc không thể đáp ứng khát vọng đạt được viên mãn của con người. Người được cho là đang hạnh phúc nhất cũng vẫn là người đang chìm đắm trong bao ước mơ xa xăm.

Đã từng có những học thuyết, những con người muốn xây dựng một thiên đàng tại thế. Thiên đàng tại thế thì chưa thấy, nhưng xuất hiện đó đây, ngay trên thế giới này, đầy dẫy những hỏa ngục trần gian, – những ngục tù bao la, những cuộc thanh trừng, khủng bố, những cuộc chiến đẫm máu…

Khi mà người ta còn hình dung và mộng tưởng thứ thiên đàng theo kiểu con người, thứ thiên đàng như cuộc lữ hành trên chuyến tàu dục vọng trần tục, thì trần gian không thể nào hóa thành thiên đàng như mơ ước được.

Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. (Lc.20,36).

+ 3. Thiên Chúa của kẻ sống

“Họ là con cái Thiên Chúa”. Thiên Chúa là sự sống thì con cái Thiên Chúa không thể là những kẻ chết được.

Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên. Nếu như Ngài không muốn, làm sao một vật tồn tại nổi? Nếu như Ngài không cho hiện hữu, làm sao nó có thể được duy trì? Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống, Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa. (Kh.11,24-26).

Chính vì thế, Thiên Chúa đã ban cho nhân loại Đấng Cứu Thế. Và, Thiên Chúa muốn chân lý tình yêu bao trùm cả và thiên hạ. Để con người biết yêu thương nhau như anh em cùng một Thiên Chúa là Cha trên trời. Yêu như tình yêu mẫu mực của Đấng Ki-tô yêu thương con người.

Chỉ có Tình Yêu mới làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Thiên Đàng bắt đầu từ một thế giới tốt đẹp sống theo Giới Luật Yêu Thương của Thiên Chúa. Và, con người bước vào thế giới vĩnh hằng là trở về với Thiên Chúa với con tim tràn đầy tình yêu như Thiên Chúa đã yêu.

Ai sống trong cuộc đời cũng muốn hạnh phúc, và không ai muốn hạnh phúc kết thúc một cách hụt hẫng đầy tiếc nuối…

Không gì bền vững và tròn đầy trong trần gian hữu hạn này. Nếu đời người hoàn toàn chấm hết trong giới hạn trần gian thì  tất cả chỉ là giấc mơ vô nghĩa và lời cầu dâng lên Thiên Chúa chỉ là tiếng thở dài than thân trách phận của một kiếp người buồn thảm.

Trong mồ mả, ai nói về tình thương của Chúa,
cõi âm ty, ai kể lại lòng thành tín của Ngài?
Những kỳ công Chúa, nơi tối tăm ai rõ,
đức công chính Ngài, chốn quên lãng ai hay? (Tv.87/88)

Thiên Chúa là Đấng vinh quang. “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Ngài là sự sống, Ngài là Đấng hằng sống. Tất cả những người được Thiên Chúa yêu thương đều được sống và được chia sẻ vinh quang của Thiên Chúa đến vô cùng vô tận. Đó mới là ý nghĩa và là niềm hy vọng đích thực của đời người.

Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống. (Lc.20,38).

LỜI NGUYỆN

Người dừng bước ở rừng vàng bạc biển,
Suối ái ân và đồi núi công danh…
Hương hạnh phúc mùa xuân người tận hưởng,
Người no say thiên đường của ngày xanh.

Người từ chối nhìn dấu chân trên cát…
Ngọn sóng nào xóa dấu vết đường đời ?
Xuân tươi thắm rồi một ngày phai nhạt
Người nhận ra tất cả chỉ một thời…

Người nhắm mắt mới thấy đời vĩnh cửu
Thập Giá nào phủ bóng mộ phần ta ?
Đâu giọt lệ khóc thương người thiên cổ…
Cõi vĩnh hằng tình Chúa sáng đời ta…

Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

 

 

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button