Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Thiên Chúa Là Tình Yêu | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
LỄ CHÚA BA NGÔI
(Ga,16,12-15)
****

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

        Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói : Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em”.

______________

SUY NIỆM

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

         Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là tín điều căn bản của Giáo Hội Công Giáo và là một mầu nhiệm siêu nhiên trí khôn con người không thể nào hiểu thấu được.

         Nhiều người cố gắng khám phá mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi để có thể đưa ra những luận cứ thuyết phục về mầu nhiệm này, nhưng sự khôn ngoan của con người ngay cả vũ trụ vật chất, cái mà con người có thể mắt thấy tai nghe còn chưa hiểu thấu được huống gì điều siêu nhiên huyền nhiệm của Thiên Chúa muôn trùng cao cả.

         “Tôi chỉ biết mỗi một điều duy nhất là tôi không biết gì cả” (Socrate).
        “Cái điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước, cái điều chúng ta không biết là cả một đại dương” (Newton).

         Nếu người ta không có một căn bản vững chắc về thần học, mà cứ mải tìm cách khám phá và cắt nghĩa về Chúa Ba Ngôi, người ta rất dễ dàng sa vào những lạc thuyết  của những bè rối.

         Có nhiều người muốn trình bày về Chúa Ba Ngôi sao cho dễ hiểu, phổ quát, đã dùng những hình ảnh quá đổi đơn sơ để minh họa, làm cho mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trở nên quá sức đơn giản, nghèo nàn. Những hình ảnh đem ra để cắt nghĩa, so sánh với Chúa Ba Ngôi, đặc biệt cho các em thiếu nhi và tân tòng, nhiều khi rất ngây thơ, dễ gây ngộ nhận, và thường có tác dụng ngược lại, làm cho hình ảnh Thiên Chúa mất đi vẻ tôn nghiêm và trở nên xa lạ với con người.

         Mục đích chính không phải là làm sao tìm cách trình bày cho mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi dễ hiểu, mà là dễ cảm, dễ đi vào lòng người.

          Tình yêu là con đường ngắn nhất đi đến sự chinh phục.

CHÚA GIÊ-SU DẠY GÌ VỀ THIÊN CHÚA BA NGÔI  ?

         Chính nhờ Chúa Giê-su mạc khải, mà chúng ta nhận biết Thiên Chúa là Thiên Chúa Ba Ngôi, và là Thiên Chúa Tình Yêu. (1Ga.4,8).

         Thiên Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa Tình Yêu đã làm gì cho con người ?

         Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người.
         Thiên Chúa cứu chuộc con người
         Thiên Chúa thánh hóa con người

Thiên Chúa tạo dựng con người.

 Khi phi hành Amstrong đặt chân lên mặt trăng ngày 20.7.1969, đứng trước không gian bao la, xa lạ và kỳ bí, ông gởi về trái đất bức điện tín trích từ lời đầu tiên của Sách Sáng Thế: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời và đất (St.1,1).

        Chúa Giê-su đã dạy cho con người biết Thiên Chúa là người Cha giàu lòng thương xót, và dạy con người gọi Thiên Chúa là “Cha” một cách thật gần gủi và tràn đầy yêu thương. “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”. Ngôi Cha đã sáng tạo trời đất muôn vật và con người. Sự sáng tạo ấy để con người được hưởng vinh quang vĩnh hằng của Thiên Chúa và ca tụng tôn vinh Thiên Chúa. Thiên Chúa đã dựng nên tất cả cho con người, nhưng con người được dựng nên để nhận biết , phục vụ, và yêu mến Thiên Chúa, để ở trần gian, họ dâng lên Thiên Chúa mọi thụ tạo mà tạ ơn Ngài, và để họ được nâng lên sống với Thiên Chúa trên trời” (Toát yếu sách Giáo Lý 2009, câu 67).

Thiên Chúa cứu chuộc con người

Chúa Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa đã mạc khải chính mình là Thiên Chúa. Người là “Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt.16,16). Người vâng theo Thánh ý Chúa Cha xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Người “hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mt.20,28). Chúa Giê-su yêu thương nhân loại, “không có tình yêu nào lớn lao bằng hiến mạng sống vì bạn hữu”. Tình yêu ấy xuất phát từ tình yêu Chúa Cha, người Cha nhân từ đã rộng vòng tay đón đứa con lầm lạc quay về. (Lc.15,11-32). Chúa Cha yêu con người thế nào, Chúa Con cũng yêu con người như thế. “Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha  đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một” (Ga.17,22). Tình yêu trời bể của Thiên Chúa đối với con người thật cao vời khôn ví.

Thiên Chúa thánh hóa con người

Vũ trụ còn đó, nhân loại còn đây, Giáo hội còn lữ hành ở trần thế. Thiên Chúa vì quá yêu thương con người, Ngài vẫn luôn tiếp tục chăm sóc con người, thánh hóa con người, giúp con người được thăng hoa, “nâng họ lên sống với Thiên Chúa trên trời”, nên Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa, được sai đến trong lòng mọi người, để lòng mọi người được đổi mới, được sức mạnh vươn lên chân thiện, vươn lên Thiên Chúa. Con người chỉ có thể là con người hoàn thiện khi con người thật sự là con Thiên Chúa. “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ‘Áp-ba, Cha ơi !”. Vậy anh em không còn là những nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa” (Gl.4,7).

         Cuối cùng, ta nhận ra Tình Yêu Thiên Chúa, Ngài vui mừng vì ta là “Con” Ngài ! Ngài làm tất cả vì Ngài yêu ta. Hiểu được như vậy, ta mới có thể thốt lên: Chúa là nguồn vui của đời con ! (Tv.43,4).

Ba Ngôi là một – chung một tình yêu

        Trải dài dòng Lịch Sử Cứu Độ Thiên Chúa Ba Ngôi luôn luôn hiệp nhất. Tình yêu liên kết Ba Ngôi nên một. Thiên Chúa Ba Ngôi cùng hoạt động trong mọi công trình , nhưng mỗi Ngôi biểu lộ nét riêng biệt: Tạo Dựng, Cứu Chuộc, Thánh hóa. “Ba Ngôi vị thần linh không thể tách rời nhau trong cùng một bản thể duy nhất, thì cũng không thể tách rời trong các hoạt động của mình: Ba ngôi có cùng một hoạt động duy nhất. Tuy nhiên, trong hoạt động thần linh duy nhất này, mỗi ngôi vị hiện diện theo cách đặc thù của mình trong Ba Ngôi” (Toát yếu Giáo Lý 2009, câu 49).

        Chỉ có tình yêu như Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi mới làm cho con người hiệp nhất nên một được. Và, chỉ có một tình yêu như vậy trong lòng con người, con người mới có thể tìm VỀ NGUỒN thật sự, nguồn của sự sống và bình an. Suối nguồn đó chính là Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. “Cầu chúc tòan thể anh em được tràn đầy ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô. Đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần. Amen” (2Cr.13,13).

         Lạy Chúa,

         Xin cho chúng con, trong mọi quan hệ cuộc sống đời thường: ở gia đình, đoàn thể, thầy trò, láng giềng, bạn bè, cộng đoàn, đất nước, tình người … biết múc nguồn từ tình yêu cao cả của Chúa Ba Ngôi để đối xử với nhau. Tình Chúa cao vời quá, lòng chúng con hẹp hòi quá, xin nâng con lên cao trong Tình Yêu Thiên Chúa. A-men. 

                                                                               Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

Bài liên quan

Back to top button