Tin Giáo Hội hoàn vũTin tức

Chuyến đi đầy sóng gió của Đức Thánh Cha tại Ai Cập | Thế Giới nhìn từ Vatican 20-26.04.2017.

VietCatholicNews

• Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Phụng Vụ kính nhớ các vị tử đạo thời hiện đại
• Ðức Thánh Cha sẽ chủ sự lễ phong hiển thánh cho hai chân phước Phanxicô và Giacinta tại Fatima.
• Đón rước lửa thiêng tại đền thờ Mộ Chúa ở Giêrusalem
• Đức Hồng y Robert Sarah cảnh giác về nguy cơ mất đi sự hiệp nhất trong Giáo Hội
• Vợ góa của một Kitô hữu Ai Cập tha thứ cho tên khủng bố IS đã giết chồng bà
• Đại học Al Azhar bác bỏ cáo buộc dung túng cho chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo
• Đại diện của Vatican tại Liên Hiệp Quốc bày tỏ âu lo về sự gia tăng các hình thái dã man mới trên thế giới
• Cuộc lạc quyên trợ giúp Thánh Ðịa vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2017
• Hội Đồng Giám Mục Venezuela khẳng định: Bất tuân dân sự là cần thiết để lật đổ chế độ độc tài.

1. Toàn văn sứ điệp video của Đức Thánh Cha gởi nhân dân Ai Cập trước chuyến tông du

Hôm thứ Ba 25 tháng Tư, Tòa Thánh đã công bố sứ điệp video của Đức Thánh Cha gởi nhân dân Ai Cập trước chuyến tông du. Dưới đây là toàn văn sứ điệp này:

Nhân dân Ai cập thân mến! Al Salamò Alaikum! Cầu chúc bình an cho các bạn!

Với một lòng hân hoan và biết ơn, tôi sẽ đến thăm quê hương yêu dấu của các bạn: cái nôi của nền văn minh, món quà của sông Nile, vùng đất của ánh mặt trời và sự hiếu khách, nơi các Tổ phụ và Tiên tri đã sống và là nơi đã vang vọng tiếng nói của Thiên Chúa, Đấng Hiền lành và Giàu Lòng Thương Xót, Đấng Duy Nhất và Toàn Năng.

Tôi thật sự vui khi đến với tư cách là một người bạn, với tư cách là một sứ giả hòa bình và là một người hành hương đến đất nước, cách đây hơn hai ngàn năm, với lòng hiếu khách đã cho Thánh Gia nương náu để tránh những đe dọa của vua Hêrôđê (Mt. 2: 1-26). Tôi rất vinh dự được thăm viếng mảnh đất mà Thánh Gia đã từng viếng thăm!

Tôi thân ái chào các bạn và cảm ơn vì đã mời tôi đến thăm Ai Cập, là đất nước mà các bạn gọi là “Umm il Dugna” nghĩa là “Mẹ của Vũ trụ!”

Tôi chân thành cảm ơn ngài tổng thống nước Cộng hòa, Đức Thượng Phụ Tawadros II, Đại Imam của Đại Học Al-Azhar và Đức Thượng Phụ Công Giáo Coptic đã mời tôi; và tôi cảm ơn mỗi người trong số các bạn, là những người dành chỗ cho tôi trong trái tim của mình. Tôi cũng cảm ơn tất cả những người đã làm việc, và đang làm việc, để làm cho chuyến đi này có thể thực hiện được.

Tôi hy vọng rằng cuộc viếng thăm này sẽ là một vòng tay ôm nhằm an ủi và khích lệ cho tất cả các Kitô hữu ở Trung Đông; một thông điệp về tình bạn và lòng biết ơn đối với tất cả cư dân Ai Cập và khu vực; một sứ điệp về tình huynh đệ và hòa giải với tất cả con cháu của Abraham, đặc biệt trong thế giới Hồi giáo, trong đó Ai Cập chiếm một vị trí chính yếu. Tôi hy vọng rằng chuyến viếng thăm này cũng có thể đóng góp vào cuộc đối thoại liên tôn với thế giới Hồi giáo, và cuộc đối thoại đại kết với Giáo Hội Chính thống Coptic tôn kính và yêu dấu.

Thế giới của chúng ta – bị tàn phá bởi một thứ bạo lực mù quáng, đã từng gây đau khổ cho trái tim đất nước thân yêu của các bạn – cần đến hòa bình, tình yêu và lòng thương xót; thế giới này cần những người kiến tạo hòa bình, những người tự do và được giải phóng, những người can đảm học hỏi từ quá khứ để xây dựng một tương lai và không đóng kín chính mình trong những thành kiến; thế giới này cần những người xây dựng các nhịp cầu hoà bình, đối thoại, tình huynh đệ, công lý và nhân bản.

Anh chị em người Ai cập thân mến, nam phụ lão ấu, người Hồi giáo và Kitô hữu, người giàu và người nghèo nàn … Tôi nồng nhiệt ôm ấp các bạn và cầu xin Thượng Đế Toàn Năng ban phép lành cho các bạn và bảo vệ đất nước của bạn khỏi mọi sự dữ.

Xin hãy cầu nguyện cho tôi! Shukran wa Tahiaì Misr! / Cảm ơn các bạn, và Ai Cập muôn năm!

2. Ðức Bênêđictô XVI nói rằng “Tôi đã gặp thử thách, nhưng Chúa luôn hướng dẫn tôi”.

Ðức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI đã mừng sinh nhật 90 tuổi cùng với bào huynh là Ðức ông Georg Ratzinger và một số cư dân miền Bavaria.

Tụ họp trước Ðan viện Mater Ecclesiae, ở trung tâm khu vườn Vatican, nơi Ðức nguyên giáo hoàng nghỉ ngơi từ bốn năm nay sau khi rời khỏi sứ vụ giáo hoàng, các khách mời của Ðức Bênêđictô đã mừng sinh nhật của ngài theo đúng phong cách Bavaria: uống bia và ca hát. Như thường lệ, bào huynh của Ðức Bênêđictô là Ðức ông Georg Ratzinger, năm nay 93 tuổi, thường trú ở Regensburg cũng đến Vatican và lưu lại mấy ngày để chung vui với ngài.

Hôm thứ Sáu Tuần Thánh 14 tháng 04 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã đến thăm và chúc mừng sinh nhật Ðức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI.

Ðức Bênêđictô XVI nói với những người đồng bào của ngài: “Tôi rất vui vì chúng ta đang đứng dưới bầu trời Roma xanh tuyệt đẹp này, cùng với những đám mây trắng, hình ảnh ấy gợi cho chúng ta về màu cờ xanh trắng của Bavaria”.

Trong bài phát biểu ngắn, Ðức Bênêđictô XVI nói:

“Trong tôi tràn ngập lòng biết ơn vì 90 năm cuộc đời mà Thiên Chúa nhân lành đã ban cho tôi. Tôi đã gặp nhiều thử thách và nhiều lúc khó khăn, nhưng Người luôn hướng dẫn tôi và cứu giúp tôi, để tôi có thể tiếp tục con đường của mình. Bavaria xinh đẹp vì ở đó người ta nhận biết Thiên Chúa và biết rằng chính Người dựng nên thế giới này; thật là tốt đẹp khi chúng ta cùng với Người dựng xây thế giới ấy. Tôi cảm ơn anh chị em đã đem Bavaria đến đây, Bavaria mở ra với thế giới, Bavaria sống động và hạnh phúc, Bavaria được như vậy vì Bavaria đâm rễ trong đức tin”.

3. Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Phụng Vụ kính nhớ các vị tử đạo thời hiện đại

Chiều ngày thứ Bẩy 22 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi cử hành Phụng Vụ Lời Chúa tưởng niệm những vị tử đạo của thế kỷ 20 và 21.

Buổi lễ đã diễn ra tại nhà thờ Thánh Bácthôlômêô cùng với các thành viên của cộng đoàn Thánh Egidio, là những người chăm sóc ngôi đền thờ này để tưởng niệm những vị tử đạo hiện đại.

Trong một tuyên bố vào đầu tuần này, cộng đoàn Thánh Egidio nhận xét rằng sự kiện này mang một ý nghĩa rất đặc biệt trong thời điểm được đánh dấu bởi sự đau khổ của cơ man các Kitô hữu trên thế giới, và buổi cử hành này diễn ra trong ánh sáng của Lễ Phục Sinh.

Theo Open Doors, hơn 7,000 Kitô hữu đã bị giết vì đức tin trong năm ngoái, 2016. Đây là sự gia tăng rất mạnh từ con số 4,344 vào năm 2014 và 2,123 vào năm 2013. Ngoài ra, 2,400 nhà thờ đã bị hư hỏng hoặc bị tấn công trên toàn thế giới, gấp hai lần so với con số vào năm 2014.

Những con số này không bao gồm Bắc Triều Tiên, Iraq và Syria, nơi những con số chính xác khó có thể có được.

Bên cạnh đó, hàng triệu Kitô hữu trên thế giới bị cướp mất nhà cửa, đất đai và nhiều người vẫn còn đang phải tạm trú trong các trại tị nạn sau khi đã phải bỏ nhà cửa lánh nạn với hai bàn tay trắng.

4. Ðức Thánh Cha sẽ chủ sự lễ phong hiển thánh cho hai chân phước Phanxicô và Giacinta tại Fatima.

Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự lễ phong hiển thánh cho hai chân phước thiếu nhi Phanxicô và Giacinta Marto vào ngày 13 tháng 5 năm 2017 tại Fatima, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ðức Mẹ hiện ra tại đây với 3 mục đồng.

Ðức Thánh Cha đã thông báo như trên trong công nghị Hồng Y sáng ngày 20 tháng 4 vừa qua tại Vatican.

Chân phước Phanxicô qua đời năm 1919 lúc mới được 11 tuổi và em ruột là Giacinta qua đời năm 1020 khi được 10 tuổi. Cả hai đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị phong chân phước ngày 13 tháng 5 năm 2000 tại Fatima. Với Phanxicô và Giacinta Marto, đây là lần đầu tiên trong lịch sử hai trẻ em không phải là tử đạo, được phong hiển thánh.

Trước đó, Bộ Phong thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của hai chân phước thiếu nhi: một em bé 6 tuổi ở Brazil, năm 2013, bị té từ lầu 3 xuống vệ đường và bị thương ở đầu và não bộ. Thân nhân em đã cầu xin hai chân phước cứu chữa và em bé đã được lành bệnh hoàn toàn.

Trong công nghị, Ðức Thánh Cha cũng quyết định phong hiển thánh cho 35 vị chân phước. Trước khi đọc bản giới thiệu các vị chân phước, Ðức Hồng Y Angelo Amato cũng nhắc đến các trẻ em trên thế giới ngày nay, nạn nhân của bạo hành và lạm dụng.

Ðứng đầu danh sách được trình bày là Cha Andrea de Soveral, Cha Ambrogio Francesco Ferro, Linh Mục giáo phận, và giáo dân Matteo Moreira cùng với 27 vị tử đạo tại Brazil. 30 chân phước này tử đạo ngày 16 tháng 7 năm 1645 và 3 tháng 10 năm 1645, vì bị những người Tin Lành Calvin Hòa Lan giết trong cuộc xung đột với các tín hữu Công Giáo Bồ đào nha.

Tiếp đến là 3 chân phước thiếu niên tử đạo người Mễ Tây Cơ là Cristoforo, Antonio và Giovanni, bị giết vì đức tin ở Mễ Tây Cơ năm 1529. 3 vị này quen được gọi là “Các trẻ tử đạo ở Tlaxcala”, là những thổ dân đầu tiên trở lại Công Giáo ở Mễ Tây Cơ, bị giết vì đã nhân danh đức tin Kitô từ chối sự tôn thờ thần tượng và tục đa thê.

Thứ ba là Cha Faustino Miguez, thuộc dòng Scolopi, sáng lập Hội dòng Calasanziano của các Nữ tử Chúa là Mục Tử.

Thứ tư là chân phước Linh Mục Angelo da Acri, tục danh là Luca Antonio Falcone, thuộc dòng Capucino, qua đời năm 1739, thọ 70 tuổi.

35 chân phước sẽ được phong hiển thánh ngày 15 tháng 10 năm 2017.

5. Đức Hồng Y Robert Sarah cảnh giác về nguy cơ mất đi sự hiệp nhất trong Giáo Hội

Đức Hồng Y Robert Sarah đã nói về “nguy cơ nghiêm trọng của việc chia rẽ trong Giáo Hội” trong một cuộc phỏng vấn với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ.

Ngài nhận xét rằng sự hiệp nhất của Giáo Hội “đang bị đe doạ bởi những ngộ nhận”, và nếu không có một sự hiểu biết rõ ràng về đức tin chung, chúng ta “có thể rơi vào tình trạng lạc giáo và ly giáo”.

Đức Hồng Y, một người xứ Guinea, cảm thấy buồn trước việc nhiều người cổ vũ cho việc sử dụng cụm từ “Giáo Hội Phi châu”. Theo Đức Hồng Y, “không có ‘Giáo Hội Phi châu’, theo nghĩa tách biệt với ‘Giáo Hội phổ quát’.” Đức Hồng Y nói rằng việc nhấn mạnh quá đáng vào các “tính chất đặc thù của một quốc gia” dẫn dắt một số người Công Giáo đến giả định rằng họ có thể tự quyết định trong những vấn đề quan trọng của tín lý và luân lý.

Được hỏi về những thách thức cụ thể mà Giáo Hội phải đối mặt ở Châu Phi, Đức Hồng Y Sarah đã đề cập đến bệnh tật, chiến tranh và đói khát. Nhưng ngài cũng nói về “những cám dỗ độc hại của các ý thức hệ phát sinh từ phương Tây” và than thở rằng “Châu Phi đã trở thành một địa bàn để người ta bán phá giá các sản phẩm tránh thai, các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Và Phi Châu cũng là nơi xảy ra các vụ trộm cướp có tổ chức các nguồn tài nguyên khoáng sản.”

6. Đức Thánh Cha gởi thông điệp Phục sinh đến nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo Coptic

Trong thông điệp chúc mừng Phục Sinh gởi đến Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Coptic Tawadros II, Đức Thánh Cha Phanxicô viết rằng “Các Kitô hữu được mời gọi để loan báo về Đấng Phục Sinh cùng với nhau.”

Thông điệp của Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến niềm hy vọng xuất phát từ đức tin Kitô giáo “cho phép mọi người nam nữ nhìn vào cuộc sống của họ với đôi mắt mới và trái tim mới, ngay cả trong những hoàn cảnh bi đát với đầy những nỗi buồn và những khó khăn.”

Kitô hữu Ai Cập đã là nạn nhân của bạo lực, và chính Đức Thượng Phụ Tawadros cũng đã là mục tiêu của một kẻ đánh bom tự sát hôm Chúa Nhật Lễ Lá.

Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha viết:

“Xin cho Lễ Phục Sinh mà các Kitô hữu chúng ta cử hành vào cùng một ngày trong năm nay – thắp lên trong các Giáo Hội của chúng ta một khao khát ngày càng lớn dần cho một sự liên đới hơn nữa trong việc công bố Tin Mừng và phục vụ những người nghèo”, Đức Giáo Hoàng viết trong thông điệp được chuyển đến Đức Thượng Phụ thông qua sứ thần Tòa Thánh tại Ai Cập là Đức Tổng Giám mục Bruno Musaro.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp Đức Thượng Phụ Tawadros ở Cairo vào cuối tháng này, khi cả hai vị cùng xuất hiện trong một hội nghị hòa bình do Đại học Al Azhar tổ chức.

7. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc giải thích tại sao các thiếu nữ Mễ Tây Cơ yêu đời?

Báo cáo được công bố hôm 18 tháng Tư của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên Hiệp Quốc, gọi tắt là OECD, khẳng định “đạo đức Công Giáo” giúp giải thích tại sao thanh thiếu niên ở Mễ Tây Cơ lại hạnh phúc hơn thanh thiếu niên ở Anh.

Giám đốc của OECD là Gabriela Ramos nói rằng các nước như Mễ Tây Cơ và Ba Lan được hưởng lợi từ niềm tin tôn giáo của họ. Trong khi ở các nước giàu như Anh, người ta phụ thuộc một cách bấp bênh vào phúc lợi từ hệ thống an sinh xã hội của nhà nước, tại Mễ Tây Cơ và Ba Lan, người ta trông cậy vào gia đình và cộng đồng, là những thể chế đáng tin cậy, được xây dựng vững mạnh trên niềm tin tôn giáo.

Bà đã được nhiều cơ quan truyền thông của Anh phỏng vấn sau khi báo cáo này được công bố vì nghiên cứu của OECD cho thấy những thiếu nữ người Anh nằm trong số những người đau khổ nhất trên thế giới.

Ở Mễ Tây Cơ, thanh thiếu niên đánh giá mức độ hài lòng với cuộc sống của họ với điểm trung bình 8.27 trên thang điểm từ 1 đến 10, trong khi tại Anh, mức độ hài lòng thấp hơn đáng kể, chỉ ở mức 6.98.

Khi được hỏi về sự khác biệt, bà Ramos, là người Mễ Tây Cơ, nói với tờ Daily Mail rằng “Các mối quan hệ xã hội rất tốt ở Mễ Tây Cơ. Có thể là vì ở Mễ Tây Cơ không có các hệ thống an sinh xã hội để chăm sóc những người thất nghiệp như trong các xã hội có nền kinh tế tiên tiến. Người ta luôn trông cậy vào gia đình và gia đình luôn ở đó để giúp đỡ nhau. Các cộng đồng vẫn nâng đỡ lẫn nhau, bởi vì họ biết rằng nếu ai đó thất bại, không có ai giúp họ.”

Bà nói rằng người dân ở các nước kém phát triển có khuynh hướng “lạc quan hơn” vì xã hội “vẫn đang được xây dựng” và có “tiềm năng còn làm được nhiều việc hơn nữa”.

Nghiên cứu cho thấy 19.4% trẻ em gái ở Anh báo cáo “cảm thấy không hài lòng” với cuộc sống so với 11.9% trẻ em trai.

Tỷ lệ trung bình các cô gái không hài lòng ở tất cả các nước OECD khảo sát là 14.3%.

Anh đứng thứ tư trong số 49 nước được xếp hạng theo số lượng các thiếu nữ cảm thấy thất vọng với cuộc sống.

8. Đại học Al Azhar bác bỏ cáo buộc dung túng cho chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo

Đại học Al Azhar, nơi sẽ đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô vào cuối tháng này, đã bác bỏ cáo buộc của các chính trị gia Ai Cập cho rằng nhà trường dung túng cho chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo.

Hội đồng Tối cao Al Azhar – được coi là tổ chức hàng đầu của thế giới Hồi giáo Sunni về tư tưởng Hồi Giáo – đã đưa ra một tuyên bố phủ nhận rằng nhà trường dung túng cho việc quảng bá tư tưởng thánh chiến Hồi giáo và nói rằng bạo lực là trái với tinh thần Hồi giáo. Hội đồng đã tuyên bố rằng “Luật Sharia cấm tất cả mọi hình thức tấn công chống lại con người, bất kể tôn giáo và niềm tin của họ.”

Al Azhar sẽ tổ chức Hội nghị Hoà bình Quốc tế vào cuối tháng 4, trong đó Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Bácthôlômêô của Tòa Thượng Phụ Constantinople, và Đức Thượng Phụ Tawaros II sẽ có những bài nói chuyện.

9. Vợ góa của một Kitô hữu Ai Cập tha thứ cho tên khủng bố IS đã giết chồng bà

Người vợ góa của một Kitô hữu bị giết trong vụ đánh bom tại nhà thờ Thánh Máccô ở Alexandria bên Ai Cập hôm Chúa Nhật Lễ Lá 9 tháng 4 vừa qua nói bà tha thứ cho kẻ khủng bố.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Ai cập, và được đăng lại trên bolg của phó tế Greg Kandra, người phụ nữ góa nói với các phóng viên: “Tôi không oán giận kẻ khủng bố. Tôi đang nói với anh ta, cầu xin Chúa tha cho bạn.”

Chồng của bà bị chết khi ngăn chặn một kẻ đánh bom tự sát đi vào nhà thờ chánh tòa thánh Máccô ở thành phố Alexandria. 17 người – kể cả dân thường và cảnh sát – đã bị giết và 47 người khác bị thương trong vụ khủng bố này. Trước đó, tại nhà thờ Thánh Georges ở thành phố Tanta, một quả bom phát nổ làm cho 28 người thiệt mạng và 78 người bị thương.

Hai nhà thờ của Giáo Hội Coptic ở Ai cập cũng bị tấn công bằng bom vào tháng 12 năm 2016.

Sau khi lắng nghe cuộc phỏng vấn, phóng viên đài truyền hình nói với các khán giả: “Kitô hữu Ai cập vô cùng yêu quý đất nước họ. Nếu kẻ thù của các bạn biết được các bạn quảng đại tha thứ cho anh ta như thế, anh ta sẽ không tin nổi.”

10. Imam el-Tayyib nói về hội nghị hòa bình thế giới tại Đại Học al-Azhar

Hội nghị hòa bình thế giới tại Cairo sẽ được tổ chức trong hai ngày 27 và 28 tháng Tư. Imam của Đại Học al-Azhar là Ahmed el-Tayyib cho biết với hội nghị này, ông muốn khẳng định rằng thế giới nên “loại trừ những nguyên nhân xung đột, bạo lực và hận thù” hơn là chữa trị những “triệu chứng” của “căn bệnh” ấy bằng những phương thế quá thường khi là bạo lực mà theo ông có thể dẫn đến một vòng xoáy trôn ốc hết bạo lực này đến bạo lực khác.

Theo một thông báo của Đại Học al-Azhar, 300 nhân vật đã được mời, trong đó có Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô của Chính Thống Giáo Hy Lạp và Đức Thượng Phụ Tawaros II của Chính Thống Giáo Coptic.

Iman Ahmed el-Tayyib hy vọng hội nghị này sẽ “gửi đến thế giới một thông điệp chung kêu gọi hoà bình của các nhà lãnh đạo tôn giáo, và xã hội”.

Ý tưởng về hội nghị này đã được manh nha từ tháng Năm 2016 trong chuyến thăm Vatican của Imam el-Tayyib, và được phát triển thành chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Ai Cập. Và hoa trái cuối cùng là hội nghị hòa bình thế giới được ấn định sẽ diễn ra trong hai ngày 27 và ngày 28 tháng 4 tại Cairo.

Theo Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, dưới ánh sáng của những gì đã diễn ra trong những năm gần đây, ta có thể thấy rằng nhận xét của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 về Hồi Giáo trong diễn từ tại Đại Học Regensburg vào năm 2006 thực sự có tính “tiên tri”. Phát biểu của Đức Bênêđíctô thứ 16 về Hồi Giáo là một lời mời gọi thế giới Hồi Giáo nhìn thẳng vào “những nguyên nhân xung đột, bạo lực và hận thù”. Tuy nhiên, thiện chí và lời mời gọi của Đức Bênêđíctô thứ 16 đã không được đáp trả.

Hội nghị hòa bình thế giới tại Cairo diễn ra quá muộn nhưng có vẫn còn hơn không.

11. Tổng thống Do Thái chúc mừng Phục sinh

Trong một diễn biến rất đáng lạc quan, tổng thống Israel là ông Reuven Rivlin đã thăm viếng Tòa Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ La tinh tại Giêrusalem hôm 19 tháng 4, để chúc mừng lễ Phục Sinh đến các Kitô hữu tại Do Thái.

Trong một cử chỉ đại kết, Đức Tổng Giám mục Pierbattista Pizzabella, là Giám Quản Tông Tòa của Tòa Thượng Phụ Giêrusalem đã mời Đức Thượng Phụ Chính thống Hy Lạp Theophilos III cùng dự cuộc gặp gỡ này với ngài.

Đức Tổng Giám mục lưu ý rằng trong năm nay, tất cả các Kitô hữu của mọi hệ phái Kitô cùng mừng lễ Phục Sinh vào cùng một ngày, đồng thời với việc người Do Thái mừng lễ Vượt Qua.

Tất cả các cử hành Phục sinh của Công Giáo, Chính Thống Giáo Hy Lạp và Giáo Hội Armenia Tông Truyền đều diễn ra tại nhà thờ Mộ Chúa khiến nhiều Kitô hữu bỡ ngỡ khi không đến tham dự lễ đúng giờ.

Đức Tổng Giám Mục nhận xét hóm hỉnh rằng “sự nhầm lẫn vui vẻ” về các buổi lễ khác nhau này là một mô hình cho sự hòa hợp liên tôn.

Tổng thống Rivlin, trong nhận xét của mình, nói: “Tất cả chúng ta đều là người Giêrusalem.”

12. Hội Đồng Giám Mục Venezuela khẳng định: Bất tuân dân sự là cần thiết để lật đổ chế độ độc tài

“Các cuộc phản kháng dân sự và ôn hòa không phải là một tội ác; đó là một quyền!”. Các giám mục Venezuela đã khẳng định như trên trong một tuyên bố đưa ra hôm 20 tháng Tư trong bối cảnh những cuộc biểu tình phản đối chính quyền đang lan rộng khắp đất nước.

Các giám mục nhấn mạnh rằng chính phủ “mất đi tính hợp pháp” khi không tôn trọng các quyền công dân. Các ngài nhận xét rằng:

“Có nhiều yếu tố khác cho thấy không có dân chủ tại quốc gia này, chẳng hạn như việc tập trung quyền lực vào tay một thế lực duy nhất. Đây là tình hình hiện tại ở Venezuela. Việc bất tuân dân sự, do đó, là cần thiết để lật đổ một chế độ độc tài.”

Khoảng 6 triệu đã người tham gia các cuộc biểu tình ở Venezuela vào ngày 20 tháng 4, cho thấy sự sụp đổ hoàn toàn niềm tin vào chính phủ. Chính phủ đã đàn áp một vài cuộc biểu tình gây ra những cảnh bạo lực giữa đôi bên, khiến ít nhất ba người đã bị giết.

Trong một diễn biến bi đát, một linh mục 35 tuổi, là cha José Luis Arismendi, đã qua đời vào ngày thứ Bảy Tuần Thánh vì viêm màng não. Các bác sĩ tố cáo họ không thể có được các loại thuốc cần thiết để điều cho ngài.

Tình trạng thiếu thuốc men, cũng như thực phẩm, đã đưa Venezuela đến cuộc khủng hoảng hiện nay.

13. Đại diện của Vatican tại Liên Hiệp Quốc bày tỏ âu lo về sự gia tăng các hình thái dã man mới trên thế giới

Đại diện thường trực của Vatican tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York đã lặp lại lời kêu gọi “các nhà lãnh đạo các tôn giáo lên tiếng mạnh mẽ” chống lại việc sử dụng tôn giáo như là một động cơ gây bạo lực.

Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza nói rằng các sự kiện gần đây đã “nhận chìm một số vùng tại Trung Đông hơn nữa trong những hỗn loạn và bạo động và trong những hình thái tàn bạo mới của sự man rợ.” Ngài đã đề cập cụ thể đến việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria và Iraq, cũng như các vụ đánh bom hôm Chúa Nhật Lễ Lá ở Ai Cập. Đức Tổng Giám Mục đã mạnh mẽ kêu gọi chấm dứt việc sử dụng tôn giáo để kích động các hình thức bạo lực như thế.

Trong bài diễn văn được đọc trong cuộc thảo luận của Liên Hiệp Quốc về Trung Đông, Đức Tổng Giám Mục đã vinh danh Li Băng, và lưu ý rằng đất nước “anh hùng” này đang mang gánh nặng giúp đỡ hàng triệu người tị nạn từ các nước láng giềng và các vùng lãnh thổ chìm trong các cuộc xung đột.

Ngài lặp lại quan điểm của Tòa Thánh là ủng hộ “các cuộc đàm phán trong sự tin cậy lẫn nhau” để chấm dứt cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, và tái khẳng định việc ủng hộ của Tòa Thánh cho giải pháp hai quốc gia.

14. Dự án “làng Ðức Giáo hoàng Phanxicô” ở Cộng Hòa Trung phi.

Một ngôi làng mang tên “Ðức Giáo hoàng Phanxicô” sẽ là nơi gặp gỡ của các cộng đồng tôn giáo khác nhau ở Cộng hòa Trung Phi. Dự án đang được phái đoàn các chuyên viên về Trung phi của Vatican nghiên cùng với chương trình các tôn giáo của chính phủ Trung phi nghiên cứu.

Martin Nkafo Nkamitia, giám đốc phân bộ nghiên cứu cỗ võ văn hóa Trung phi và chủ tịch phái đoàn các chuyên viên Vatican về Trung phi nhắc lại: “Ðức Giáo hoàng Phanxicô đã khẳng định Bangui là thủ đô tinh thần của nhân loại. Ngài đã mở cửa Năm Thánh ở Bangui. Lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội Cửa Thánh được mở bên ngoài Vatican. Ðó là những cảm thức không thể bỏ qua. Bởi thế chúng tôi đã nghĩ đén việc thành lập một ngôi làng, nơi có thể là điểm gặp gỡ của các cộng đồng tôn giáo ở Trung Phi, để ghi nhớ cuộc viếng thăm Trung phi của Ðức Thánh Cha.”

Dự án làng “Ðức Giáo hoàng Phanxicô” đã được trình lên tổng thống Trung phi và thị trưởng Bangui trong dịp bổ nhiệm của Ðức Hồng Y Dieudonné Nzapalainga.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thăm Trung phi từ ngày 29 đến 30 tháng 11 năm 2015 và đã để lại một kỷ niệm tại quốc gia này, đặc biệt trên bình diện các mối tương giao liên tôn, trong cuộc viếng thăm đầy ấn tượng của ngài với những người di dân tụ họp trong đền thờ Hồi giáo chính của khu PK5.

15. Asia Bibi xin Đức Thánh Cha cầu nguyện cho cô.

Trước các cuộc biểu tình rầm rộ của những tín hữu Hồi Giáo bị kích động bởi các thành phần cực đoan Hồi Giáo đòi xử tử Asia Bibi, số mạng của cô giờ đây như chỉ mành treo chuông. Trước viễn ảnh bi quan này, cô đã xin Đức Thánh Cha cầu nguyện cho mình.

Asia Bibi là một Kitô hữu người Pakistan. Cách đây 8 năm, cô đã bị kết án tử hình và bị giam giữ cho đến nay vì bị vu cáo nói phạm thượng đến tiên tri Mohamed của người Hồi giáo.

Hôm thứ Năm Tuần Thánh 13 tháng 4 vừa qua, chồng cô và ông Joseph Nadeem – luật sư của gia đình, đã đến thăm cô. Dịp này Asia đã viết lời thỉnh cầu của mình lên Đức Thánh Cha trên một mảnh giấy nhỏ.

Asia Bibi cầu mong ánh sáng Phục sinh sẽ xua tan những chướng ngại, xoa dịu muôn vàn đau khổ. Cô cầu nguyện cho các kẻ thù và tha thứ cho những người mang lại những điều không may cho mình. Cuối cùng Asia xin Đức Thánh Cha cầu nguyện cho cô.

Paul Bhatti, cựu bộ trưởng liên bang Pakistan về Hòa hợp Quốc gia và là anh của Shahbaz Bhatti, cũng là một bộ trưởng bộ Các Nhóm Tôn Giáo Thiểu Số, là người đã bị một tên khủng bố Hồi giáo giết chết năm 2011 chia sẻ rằng: “Đức Thánh Cha luôn làm điều này, không chỉ cho Asia Bibi nhưng cho tất cả Kitô hữu, cho cả các tín hữu Hồi giáo, những người là nạn nhân của bất công. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần nói rằng đức tin của chúng ta tôn vinh phẩm giá của con người. Khi một người đau khổ, chúng ta không xét xem người đó là Kitô hữu hay Hồi giáo; điều chúng ta quan tâm là công bình hay bất công đối với người đó và sự tự do của họ.”

16. Cuộc lạc quyên trợ giúp Thánh Ðịa vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2017

Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 14 tháng Tư vừa qua, đã có cuộc quyên góp trong mọi nhà thờ trên toàn thế giới để trợ giúp các Kitô hữu tại Thánh Ðịa. Ngày này đã do các vị Giáo Hoàng phát động nhằm mục đích “duy trì mối dây liên kết giữa tất cả mọi Kitô hữu trên toàn thế giới với các Nơi Thánh trên quê hương của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, trợ giúp Thánh Ðịa cũng có nghĩa là góp phần cụ thể để tái lập hoà bình, đẩy xa chủ trương cực đoan khủng bố và khiến cho các dân tộc xích lại gần nhau, chung sống với nhau trong tinh thần khoan nhượng.

Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã gọi Thánh Ðịa là “sách Phúc Âm thứ năm”. Ðối với chúng ta là các Kitô hữu tin nhưng không trông thấy, các Nơi Thánh là việc tiếp cận giúp gần gũi Chúa Giêsu trên bình diện thể lý.

Cuộc lạc quyên năm 2016 cho Thánh Ðịa đã thu được hơn 5 triệu 275 ngàn mỹ kim và hơn 1 triệu 833 ngàn Euros.

Số tiền quyên góp trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay chưa thống kê được. Tuy nhiên, Ðức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Ðông Phương, cho biết một vài chi tiết sau:

“Việc giữ gìn và bảo trì các Nơi Thánh cũng như việc trợ giúp và nâng đỡ các cộng đoàn Kitô nhỏ ở địa phương rất là quan trọng. Và chúng tôi làm điều đó qua các trợ giúp cho các trường học Công Giáo và các cơ sở giáo dục, cả trong nước Israel cũng như trên đất của người Palestines. Tôi nghĩ tới đại học Bếtlêhem, nơi có tới 70% sinh viên là tín hữu hồi, và họ được đối xử y như các sinh viên Kitô. Tôi cũng nghĩ tới các chủng viện, nơi đào tạo các linh mục tương lai, là động lực của cuộc sống mục vụ của Giáo Hội. Tôi cũng nghĩ tới các công tác trợ giúp bác ái xã hội, y tế, và tất cả các cơ cấu khác do các Kitô hữu Thánh Ðịa điều hành.”

Khi được hỏi về phân chia số tiền quyên góp, Ðức Hồng Y cho biết:

“65% số tiền lạc quyên hằng năm sẽ được dành cho quỹ Quản thủ Thánh Ðịa, và 35% dành cho Bộ các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương. Trong cả hai trường hợp chúng được sử dụng cho việc bảo quản các đền thánh, các nơi tiếp đón khách hành hương, và các việc cử hành cũng như trợ giúp các cộng đoàn Kitô tại Thánh Ðịa, là các viên đá sống động của Giáo Hội, với các nhu cầu cuộc sống, rao giảng Tin Mừng, thăng tiến xã hội, giáo dục, công lý và hoà bình. Thế rồi cũng để bảo đảm cho việc trợ giúp đào tạo và cho cuộc sống của các linh mục chủng sinh, cho các cơ cấu bác ái xã hội, đặc biệt là tài trợ cho các trường Công Giáo, trong đó có đại học Bếtlêhem là nơi gặp gỡ của các thế hệ trẻ với 70% là sinh viên hồi. Hàng năm đại học nhận đuợc 200,000 mỹ kim, và tiền quyên góp do các sư huynh La Salle phát động với sự trợ giúp của các tổ chức công tư khác. Tất cả nhằm thăng tiến con người toàn diện theo tinh thần của Thông điệp Tiến Bộ các dân tộc của Ðức Giáo Hoàng Phaolo VI, mà chúng ta mừng kỷ niệm 50 năm công bố trong các ngày này.”

Bài liên quan

Back to top button