Bản tin Phanxicô.vnTin tức

Ơn gọi kín đáo của các bà vợ của các thầy phó tế

famillechretienne.fr, Sophie le Pivain, 01-2017

Khi Giáo hội phong chức phó tế cho một người đàn ông đã lập gia đình, Giáo hội đòi hỏi sự đồng ý của người vợ. Vì thế chức phó tế đã làm thay đổi đời sống vợ chồng và gia đình.

Ở Pháp, 90% thầy phó tế vĩnh viễn là những người đã lập gia đình. Luật giáo hội buộc phải có mười năm đám cưới trước khi chịu chức phó tế. Nếu thầy phó tế góa vợ, ông không được tái hôn, trừ trường hợp đặc biệt (các con còn nhỏ tuổi), như thế phải có luật miễn của Vatican.

Bà Pascale có chồng chịu chức phó tế cách đây ba năm, bà cho biết, “Sau khi Jean chịu chức phó tế, tôi rất phẫn nộ”. Bà là mẹ của một gia đình hoạt động tích cực trong giáo xứ Poissy (Yvelines). Trong những năm chồng được đào tạo để chịu chức phó tế, bà bình tâm tháp tùng chồng trong những năm phân định này để cùng được đào tạo bên cạnh chồng, họ có nếp sống kín đáo và “thu mình trong lòng Chúa”. Đó cũng là dịp để đào sâu đời sống thiêng liêng của vợ chồng, những giây phút chia sẻ phong phú đời sống tu sĩ và trí tuệ. Chồng vừa chịu chức phó tế xong, bà “đối diện với một loạt chấn động mà trước đây bà chưa hình dung đến”. Người chồng túi bụi với công việc, “hoàn toàn vui thú với các chân trời mới”, bà khó để tìm chỗ đứng của mình, đôi khi lại ghen tương – “Tôi cũng theo khóa đào tạo!”, Pascale có cảm tưởng mình bị xâu xé. Ba năm sau bà mới được bình an và tìm lại được quân bình. Nhưng đời sống của vợ một phó tế không phải là không có thách thức.

Khi một phó tế đã có gia đình chịu chức (9 trên 10 trường hợp), giám mục hỏi người vợ: “Giáo hội xin tôi phong chức phó tế cho chồng của bà. Bà có chấp nhận tất cả những gì chức phó tế sẽ mang lại điều mới mẻ cho vợ chồng bà và đời sống gia đình của bà không?”. Nghi thức không giấu giếm; lời “xin vâng” của bà vợ đưa bà vào trong một cuộc sống vừa phong phú, vừa phức tạp, có những niềm vui… nhưng cũng có những từ bỏ; bây giờ, ngay trong thánh lễ chịu chức, người chồng ở cung thánh, còn bà ngồi hàng đầu với cộng đoàn. Mặc áo chùng, thầy phó tế nằm dài dưới đất. Rồi giám mục đặt tay lên đầu anh, anh hứa vâng lời giám mục, bàn tay nắm tay ngài. Và lời nhắc lại, đi theo chồng trong sứ vụ của một người chịu chức, từ khi Công đồng II khôi phục lại chức phó tế vĩnh viễn và việc mở ra chức này cho những người đàn ông “chín chắn dù họ đã lập gia đình” .

Bà Pascale kể cái nhìn mới trong giáo xứ mà bà phải tập làm quen: “Dù muốn hay không, giáo dân nhìn mình một cách khác. Không phải chỉ một mình ông chồng, mà các giáo dân cũng thấy đây là một cái gì lớn hơn chính ông – nhiều người cho biết như vậy và đó là một chuyện rất đẹp -, nhưng cũng cho cả gia đình. Phải bắt đầu học để xem sự kiện mới này mang đến cho mình một con đường tự nguyện hơn: Thiên Chúa đòi chúng ta phải thay đổi, Ngài biết chúng ta quá rõ! Đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ một cái gì của chính mình để đảm trách cái nhìn hơi nặng để mang này”.

Sứ vụ đầu tiên của thầy phó tế đã lập gia đình: chính gia đình của thầy

Bà Bénédicte có chồng là Philippe chịu chức phó tế năm 1998 ở giáo phận Nice, bà cho biết đã rất hạnh phúc được cùng chồng theo học sáu năm phân định và đào tạo. Những năm này giúp cho bà hiểu được các từ bỏ mà một con đường như vậy được ấn định: “Khi tôi thấy các cặp về hưu sớm đi nghỉ hè, vui chơi bên bạn bè và con cháu, tôi nghĩ chúng tôi không thể nào làm như vậy”. Bà là mẹ của năm người con và bây giờ là bà ngoại. Vào cuối tuần theo lẽ vui chơi với con cái thì Philippe luôn bận với công việc mục vụ. Còn bà Bénédicte thì không phải lúc nào cũng có cuộc sống xã hội với bạn bè như bà mong ước vì không có thì giờ. Bà cho biết, “điều quan trọng là phải biết nói ‘không’ khi đời sống vợ chồng và gia đình bị đe dọa” mà không vi phạm vào lời hứa vâng lời mà mình đã hứa. Bà Bénédicte còn nhớ mình đã trải qua “cơn khủng hoảng của đời sống vợ chồng” khi chồng bà nhận lời làm tuyên úy cho cả một trường học khi ông đang còn làm việc và khi sức khỏe của ông bị yếu. Bà cho biết, “anh cảm thấy bắt buộc phải nhận lời vì đến tháng 9 mà người ta vẫn chưa tìm ra ai để làm. Nếu cứ nhận thì cuối cùng cũng không chạy việc”. Ngày nhận chức phó tế, vị giám mục đã dặn rõ ràng, sứ vụ đầu tiên của một phó tế đã lập gia đình là sứ vụ lo cho gia đình. Hai ông bà nghe lời, họ đã lên chức ông bà nội ngoại, và với sự đồng ý của cha xứ, họ có một tháng nghỉ hè ở căn nhà vùng Breton của họ.

Ngược với truyền thống của các người công giáo đông phương, thầy phó tế có vợ là mới gần đây trong lịch sử giáo hội la-tinh: “Công đồng cho chúng ta một món quà quý, nhưng cũng như tất cả mọi món quà, món quà nào  cũng cần được mở ra xem và làm quen với nó”, thầy phó tế Gilles Rebêche giải thích. Thầy độc thân và là một trong các thầy phó tế vĩnh viễn đầu tiên, cùng với Đức Giám mục Gilles Barthe, thầy đã đào sâu nhiều về chức phó tế. Giám mục Barthe là giám mục đã phong chức cho thầy và đã tham dự Công đồng: “Chúng ta bây giờ vẫn còn trong giai đoạn mở món quà!”.

Bà Marie-Françoise Maincent là vợ của một phó tế và là tác giả một luận án tốt nghiệp cao  học về thần học có đề tài Các bà vợ trong chức phó tế, giữa Ghi nhận và Thỉnh cầu, bà chia sẻ phân tích sau trong một buổi hội thảo của các giám mục ở Strasbourg vào tháng 6 năm 2015: “Như thế Giáo hội đã mở ra một chương mới, các tín hữu công giáo và ngay cả các thầy phó tế nhận ra chỗ đứng của các bà vợ các thầy phó tế có rất ít điểm mốc trước đây”.

Trong vòng vài chục năm, Giáo hội đã phải học để tháp tùng các người vợ của các thầy phó tế cho được tốt hơn – dù một số bà vẫn còn cảm thấy mình bị bỏ rơi. Phải nói là có rất nhiều vụ chia tay và ly dị xảy ra nơi các cặp phó tế vĩnh viễn đã làm chấn động các giám mục ở Pháp trong những năm đầu tiên thiết lập chức phó tế vĩnh viễn. Linh mục Stéphane Maritaud, linh mục tổng đại diện ở giáo phận Bourges cho biết: “Mới đầu sự đào tạo các thầy phó tế còn thiếu sót, không có một chăm sóc theo dõi nào cho các bà vợ của các thầy phó tế”. Bây giờ, nếu linh mục thấy trong quá trình đào tạo, mà một bà vợ của thầy phó tế nào bị xa cách, thì bà đó sẽ được để ý, để nhắc lại cho hai vợ chồng hiểu, họ phải cùng đi trên cùng một con đường. Bà Marie-Françoise Maincent là đại diện cho các bà vợ của các thầy phó tế ở Hội đồng Quốc gia Phó tế (một hội đồng ở trong Hội đồng Giám mục Pháp) trong sáu năm, bà còn nhớ trong một thời gian dài, chỗ đứng các bà vợ của các thầy phó tế vẫn là chuyện cấm kỵ: ”Khi tôi đến đây năm 2001, tôi không nghe nói đến ‘vấn đề’ của các bà vợ. Nhưng bây giờ thì mọi sự đã thay đổi: người ta đi từ ‘vấn đề’ qua ‘địa bàn’ của các bà vợ”.

Trong các khó khăn nêu ra trong các cuộc điều tra của bà Maincent, bà cho biết “một vài bà không cho phép mình nói đây là một chuyện không dễ”. Bà nói đến một hiểm nguy quan trọng rơi hoàn cảnh khó xử khi, chẳng hạn, một bà vợ chấp nhận cho chồng chịu chức phó tế vì không muốn làm tổn thương chồng hoặc mình bị cho là thiếu bổn phận. Bà Maincent giải thích: “Không phải dễ cho một bà vợ tự nguyện, vì chính đó là ơn gọi của chồng, chứ không phải của họ, làm cho họ mang một trách nhiệm nặng nề. Dù sao, điều chủ yếu là quyết định cũng phải là quyết định của người vợ, để chức phó tế được sống tốt trong đời sống vợ chồng”. Trong những cuộc gặp gỡ tổ chức cho các bà vợ mà hai vợ chồng cần phân định cho ơn gọi chức phó tế, bà mời họ suy nghĩ về bản chất lời “xin vâng” mà họ sẽ nói: “Có phải đó là một sự chấp nhận? Một sự cho phép? Một sự cam chịu? Một sự từ nhiệm? Một sự lên chức? Hay một sự tự nguyện gắn kết và sáng suốt cho việc chịu chức của chồng mình?”.

Diacre

Hình: Một người vợ cùng chồng của mình là một thầy phó tế Pháp trong ngày Năm Thánh Phó tế 30 tháng 5-2016 ở Rôma.

Marta An Nguyễn chuyển dịch

Bài liên quan

Back to top button